Giải thưởng nghệ thuật: Giải thưởng nhiều, chất lượng bao nhiêu?

Thứ Ba, 08/03/2011, 16:30
Với bất kỳ nghệ sĩ nào hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thì giải thưởng cũng đều là quan trọng. Đó là sự ghi nhận những cống hiến của nghệ sĩ với nghề nghiệp mà họ theo đuổi, cũng như khẳng định sự yêu mến của công chúng với các nghệ sĩ. Thực tế hiện nay, nhiều người đùa rằng chỉ lo thiếu sự nỗ lực, sáng tạo của các nghệ sĩ chứ không thiếu giải thưởng để trao.

Những ngày đầu năm mới luôn được coi là "mùa" giải thưởng trong lĩnh vực nghệ thuật bởi có tới hàng chục giải thưởng được trao cho các nghệ sĩ. Ngoài giải thưởng "Mai vàng", giải thưởng "Phim truyền hình yêu thích trong năm" của Tạp chí Truyền hình hay "Bài hát Việt 2010" đã được trao thì còn nhiều giải thưởng nữa đang bước vào giai đoạn nước rút như giải "Cánh diều vàng" của Hội Điện ảnh Việt Nam, giải thưởng "HTV Award" lần thứ 5 của Đài Truyền hình Tp HCM, giải "Cống hiến" của Báo Thể thao - Văn hóa... Rộn ràng những danh hiệu đã được trao và sắp được trao, tuy nhiên thực tế đời sống nghệ thuật cũng như chất lượng của các giải thưởng chưa  xứng tầm - đó là điều đáng bàn.

1. Với bất kỳ nghệ sĩ nào hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thì giải thưởng cũng đều là quan trọng. Đó là sự ghi nhận những cống hiến của nghệ sĩ với nghề nghiệp mà họ theo đuổi, cũng như khẳng định sự yêu mến của công chúng với các nghệ sĩ. Thực tế hiện nay, nhiều người đùa rằng chỉ lo thiếu sự nỗ lực, sáng tạo của các nghệ sĩ chứ không thiếu giải thưởng để trao. Mùa giải nghệ thuật năm 2010 vừa đến, với những giải thưởng đã và sắp được trao trong thời gian tới khiến người hâm mộ không khỏi băn khoăn về chất lượng giải thưởng ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật.

Xin bắt đầu bằng đêm chung kết trao giải “Bài hát Việt 2010" vừa được tổ chức tối 27/2 tại Nhà hát Hòa Bình (Tp HCM). Bên cạnh đêm trao giải buồn tẻ, dài lê thê và thiếu điểm nhấn thì kết quả được trao khiến nhiều người yêu âm nhạc Việt Nam không khỏi giật mình. Dù chương trình hàng tháng đã được rút gọn thành quý với hy vọng các bài hát lọt vào mỗi quý sẽ hay hơn, chất lượng hơn, nhưng kết quả lại ngược lại. Năm nay, bài hát "Việt Nam" của Mai Khôi được vinh danh là "Bài hát của năm", nhưng so với các ca khúc đã từng ở ngôi vị này các năm trước như "À í a" (Lê Minh Sơn), "Bà tôi" (Nguyễn Vĩnh Tiến), "Giấc mơ trưa" (Giáng Son), "Con cò" (Lưu Hà An), "Chênh vênh" (Lê Cát Trọng Lý)... thì ca khúc của Mai Khôi thua xa. Ngoài giai điệu nhẹ nhàng, dễ nghe, ca khúc của Mai Khôi không tạo được dấu ấn đặc biệt nếu không muốn nói là ca từ khá nhạt và sáo rỗng, thiếu sự đột phá sáng tạo. Ngay cả ca khúc "Uống trà" - ca khúc được giải thưởng mang phong cách rock đương đại nổi bật của Toàn Thắng thì thực sự là một ca khúc có giai điệu ngang phè và ca từ ngô nghê. Ngay cả "Hồ Gươm sáng sớm" của Lưu Thiên Hương cũng ít gây cảm xúc với khán giả. Kết quả của "Bài hát Việt 2010" đánh dấu bước thụt lùi của chương trình và nhiều người lo ngại rằng xu hướng "nhạt" đang là xu hướng chung của âm nhạc Việt Nam.

Ca sĩ Mai Khôi nhận giải thưởng Bài hát của năm từ tay nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong lễ trao giải "Bài hát Việt".

Giải "Mai vàng" lần thứ 16 vừa trao tối 22/1/2011 cũng để lại nhiều chuyện đáng bàn. Đây là giải thưởng thường niên của Báo Người lao động nhằm vinh danh các nghệ sĩ ở các lĩnh vực từ sân khấu, điện ảnh đến ca nhạc, người dẫn chương trình… Ngoài một vài nhân tố mới được phát hiện như Lan Ngọc (vai Nương trong phim "Cánh đồng bất tận") hay người dẫn chương trình được yêu thích nhất Phan Anh (Vietnam Idol) thì ở nhiều hạng mục, giải thưởng lại bất ngờ và khó lý giải. Ở lĩnh vực âm nhạc, giải thưởng ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca, truyền thống cách mạng được yêu thích nhất thuộc về Cẩm Ly, Đàm Vĩnh Hưng.

Không chỉ có vậy, nam/nữ ca sĩ nhạc nhẹ được yêu thích nhất lại thuộc về Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thảo. Những gương mặt đã quá quen thuộc với âm nhạc Việt Nam và thường xuyên được giải vì họ có lượng fan khá ổn định, thay vì có những hoạt động âm nhạc nổi bật. Ai cũng biết, năm qua, Thanh Thảo mải mê công việc kinh doanh hơn là ca hát, vậy mà vẫn giữ giải “Nữ ca sĩ được yêu thích nhất". Nhưng lạ lùng nhất phải là chuyện giải thưởng "Ca khúc được yêu thích nhất" thuộc về bài hát "Việt Nam năm 2020" của nhạc sĩ Lê Quang do Đàm Vĩnh Hưng viết lời và trình bày. Trên thực tế, ca khúc này còn ít người biết chứ chưa nói lọt vào danh sách nhiều người nghe, vậy mà nghiễm nhiên giành danh hiệu này. Việc Lý Hùng được vinh danh trong giải thưởng "Nam diễn viên được yêu thích nhất" cũng chưa thuyết phục bởi sự trở lại của anh trong phim "Tây Sơn hào kiệt" khá mờ nhạt.

Một điều đáng nói nữa là tuy giải thưởng mang tính toàn quốc nhưng nhìn vào danh sách đề cử cũng như danh sách giải thưởng đều bộc lộ rõ tính vùng, miền. Ví dụ như ở giải "Mai Vàng" của Báo Người lao động, không khó để nhận thấy đa phần những nghệ sĩ đạt giải đều là những nghệ sĩ hoạt động ở khu vực phía Nam. Ngược lại, ở giải thưởng "Phim truyền hình được yêu thích nhất" do Tạp chí Truyền hình tổ chức thì các giải thưởng cá nhân cũng như tập thể thường nghiêng về các nghệ sĩ phía Bắc.

2. Những giải thưởng đã trao thì như vậy, những giải thưởng trong dạng đề cử, sắp được trao cũng đang tạo ra những luồng ý kiến khá phức tạp. Trước hết là việc dư luận đang xôn xao khi ca sĩ trẻ Uyên Linh - người vừa được vinh danh tại cuộc thi "Vietnam Idol" có tên trong hạng mục "Ca sĩ của năm" (giải Cống hiến do Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức) cùng những cái tên như Thanh Lam, Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Đức Tuấn. Một luồng ý kiến cho rằng sự cống hiến của Uyên Linh trong năm 2010 theo tiêu chí của giải (chứ không tính chặng đường nghệ thuật) vẫn chưa tương xứng với những cái tên khác. Họ cho rằng, trong năm qua, Uyên Linh không ra album, không có chương trình riêng. Ngược lại, một luồng ý kiến cho rằng, việc Uyên Linh có trong danh sách đề cử là hoàn toàn xứng đáng bởi những điều cô mang đến cho âm nhạc khá lớn, dù chỉ qua một cuộc thi. Đóng góp của Uyên Linh là đã góp phần đưa một thế hệ khán giả trẻ đang say mê với những ca khúc nhạt nhẽo vô duyên trở về với những ca khúc trong trẻo, trữ tình với cách hát chân thực, truyền cảm. Vì vậy, việc Uyên Linh có được vinh danh hay không vẫn là một điều hấp dẫn cho tới khi công bố kết quả.

Cũng vẫn ở giải thưởng Cống hiến, hạng mục "Chương trình của năm" lại khá lộn xộn vì có cả liveshow như "Duyên dáng Việt Nam", "Ngọn lửa cao nguyên" (Y Moan), "Yêu" (Thanh Lam - Tùng Dương) đến những chương trình truyền hình thực tế "Ngôi sao tiếng hát truyền hình", "Sao Mai - Điểm hẹn", "Vietnam Idol"

Theo thông lệ, giải thưởng truyền hình "HTV Award" lần thứ 5 cũng sẽ được công bố kết quả vào đêm 4 - 4. Đây hứa hẹn là cơn mưa giải thưởng bởi có rất nhiều hạng mục sẽ được trao: Nam/nữ diễn viên chính (phụ) được yêu thích nhất, nam/ nữ ca sĩ được yêu thích nhất, nam/ nữ nghệ sĩ kịch nói (hài và cải lương) được yêu thích nhất... Nhiều người cho rằng, chỉ nhìn vào danh sách các ứng cử viên cũng dễ dàng nhận thấy nghệ sĩ nào sẽ được giải bởi khoảng cách giữa các ứng viên về hiệu ứng khán giả chênh lệch khá nhiều. Đơn cử như Đàm Vĩnh Hưng sẽ tiếp tục dẫn đầu hạng mục "Nam ca sĩ yêu thích nhất"...

Trở lại với giải thưởng "Cánh diều vàng" của Hội Điện ảnh năm nay sẽ được trao vào ngày 13/3. Ở lĩnh vực phim truyện nhựa, lĩnh vực được khán giả quan tâm nhất cũng có nhiều điều băn khoăn. Danh sách phim tranh giải nhiều và không có sự chọn lọc từ phim hài "nhảm" chiếu tết như "Thiên sứ 99" đến phim ít người biết nội dung như "Hoa đào". Có cả những phim vẫn đang trong nghi án phim nhái như "Giao lộ định mệnh"... Đặc biệt sự có mặt của phim "Nhìn ra biển cả" (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam) khiến nhiều người lo ngại rằng sẽ rơi vào tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" vì Hội Điện ảnh cũng chính là Ban Tổ chức giải.

Giải thưởng là điều cần thiết và là sự ghi nhận những nỗ lực của nghệ sĩ trên con đường hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, năm 2010 được đánh giá là một năm hoạt động nghệ thuật khá trầm lắng nhưng giải thưởng vẫn không ít đã cho thấy nhiều giải thưởng chưa bám sát đời sống. Một vấn đề vẫn đang nổi cộm trong đời sống văn nghệ nước ta là giải thưởng nhiều, chồng chéo, tiêu chí bình chọn cũng na ná nhau. Nghệ sĩ hụt ở giải này sẽ hy vọng ở giải khác giá trị tương đương khiến giải thưởng mất thiêng. Giải thưởng nhiều, chất lượng thụt lùi không chỉ khiến khán giả mất niềm tin mà bản thân các nghệ sĩ có cách làm việc nghiêm túc cũng kém hào hứng. Thế nên có một thói quen không đẹp của các nghệ sĩ xứ ta là thường khi cảm thấy mình không được giải thì họ sẽ vắng mặt tại lễ trao giải. Thậm chí, trường hợp người được giải vẫn vắng mặt giờ đã là chuyện thường. Điều này khác hẳn với các nghệ sĩ nước ngoài. Họ có mặt đầy đủ và ngồi tới khi buổi trao giải kết thúc để nhận giải hay đơn giản là để chia vui cùng đồng nghiệp

.
.