Bảo tồn các công trình kiến trúc chưa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa:

Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Thứ Sáu, 20/03/2020, 08:18
Thời gian vừa qua, việc Trạm phát sóng Bạch Mai cũng như nhà thờ Bùi Chu suýt nữa... biến mất đã khiến dư luận quan tâm và gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc bảo tồn các công trình chưa được công nhận là di tích.  


Thực tế, đã có không ít các công trình kiến trúc có chiều sâu về văn hóa - lịch sử đã biến mất chỉ vì một lý do "chưa được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa". Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để khắc phục được tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" trong công tác bảo vệ di sản hiện nay?

Di tích đối mặt "vô tăm tích"

Như Văn nghệ Công an đã từng thông tin đến bạn đọc, việc Trạm phát sóng Bạch Mai gắn với 2 mốc lịch sử quan trọng của dân tộc có nguy cơ biến mất đã khiến nhiều độc giả quan tâm. Nơi đây, buổi trưa ngày 7-9-1945 đã phát đi bản tin đầu tiên của Đài Phát thanh quốc gia - chính là bản "Tuyên ngôn độc lập" - do 2 phát thanh viên Ngân Thanh và Nguyễn Văn Nhất đọc.

Cũng tại đây, phát thanh viên Ngân Thanh đã đọc "bản tin mật lệnh" để Hà Nội và cả nước nổ súng, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ vào tối 18-12-1946. Khi thông tin này được các báo đăng tải, cuối tháng 12-2019, ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - đã có kiến nghị gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đề nghị bảo tồn các công trình thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai xưa kia (nằm tại ngõ 128C Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Một phần Trạm phát sóng Bạch Mai bị đập bỏ trước khi có phương án bảo tồn chỉ.

Hồi đầu tháng 2-2020, trong một cuộc họp của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội với Đài Tiếng nói Việt Nam và một số đơn vị liên quan, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã giao Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam lập hồ sơ để công nhận di tích lịch sử văn hóa (trước mắt là cấp thành phố) đối với công trình tòa nhà 1 tầng nằm trong cụm di tích Trạm phát sóng Bạch Mai. Tiếc rằng, chỉ trước đó 1 ngày, một phần của toà nhà đã thành đống gạch ngói tơi tả.

Nhưng vẫn còn may, sáng 10-2 đã có quyết định dừng việc phá dỡ này cùng với yêu cầu phải khôi phục lại phần đã phá dỡ. Dù sao "muộn còn hơn không". Vì một số lý do mà Trạm phát  sóng Bạch Mai sẽ không thể còn giữ được nguyên trạng gồm các hạng mục công trình như nó vốn có trước đây (vốn là Trạm vô tuyến điện báo do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX), nhưng khi đã trở thành một Di tích lịch sử Văn hóa cấp thành phố, tiến tới có thể là cấp Quốc gia, thì công trình này sẽ được bảo vệ một cách quyết liệt, "thượng tôn pháp luật" dựa trên những quy định đã được ban hành, điều chỉnh bởi "Luật Di sản".

Hi vọng câu chuyện buồn lòng liên quan đến một di tích lịch sử quan trọng của đất nước, của hành trình giải phóng dân tộc nằm giữa Thủ đô nhưng lại bị... quên lãng này, sẽ trở thành một bài học quý đối với các nhà quản lý. Suy cho cùng, cái gì mất đi có thể tìm lại, làm lại, xây dựng lại được nhưng một khi công trình, di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc mất đi thì mọi hành động xây dựng lại một công trình như nó từng tồn tại là việc làm không mang nhiều ý nghĩa!

Thêm bài học từ nhà thờ Bùi Chu

Đầu tháng 2 vừa qua, những hình ảnh đầu tiên về việc chuẩn bị hạ giải nhà thờ Bùi Chu (xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) được chia sẻ. Việc tháo dỡ bắt đầu từ bên trong nhà thờ, với các cấu kiện, nội thất bên trong như ban thờ, tượng thánh để chuyển sang một nhà thờ được dựng tạm ở bên cạnh để chờ đợi một nhà thờ mới khang trang hơn sẽ được dựng trên nền nhà thờ cũ.

Hiện tại, nhà thờ đã được quây kín bằng tôn, khách đến tham quan chỉ còn cách đứng ngắm nhìn từ xa. Việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu vốn được Cha chính xứ Bùi Chu - Đức giám mục Tôma Aquinô Vũ Đình Hiệu ấn định vào ngày 17-2-2020, nhưng sau đó Đức Giám mục đã cho thông báo "lùi lại để có sự chuẩn bị tốt hơn".

Nhiều người hi vọng rằng, với việc hoãn hạ giải lần thứ 2 này, có thể chức sắc tôn giáo ở giáo phận Bùi Chu sẽ cân nhắc, lắng nghe những ý kiến đến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư để có phương án bảo tồn tốt nhất những gì từng có của nhà thờ Bùi Chu. Thật tốt nếu cùng với việc "hoãn hạ giải" này, phương án "hạ giải" trước đây có thể được thay thế bằng phương án "trùng tu".

Bởi lẽ, theo định nghĩa của ngành di sản văn hóa, việc hạ giải có nghĩa là các cấu kiện của công trình sẽ được "tháo rời", còn việc trùng tu - đại tu thì sẽ nhằm "sửa chữa" những chỗ bị hỏng hóc và cố gắng giữ được những cấu kiện cơ bản nhất của công trình. Thực tế cho thấy, việc hi vọng xây dựng lại một công trình gần như cũ sau khi đã hạ giải được giới kiến trúc sư xem là...bất khả thi.

Nhà thờ Bùi Chu hoãn hạ giải (lần 2), nhưng liệu có tìm được phương án nào khả thi để bảo tồn công trình có tuổi thọ 135 năm?

Nhà thờ Bùi Chu - vốn được đánh giá là một trong những công trình tôn giáo "tuyệt tác" về kiến trúc cũng như chứa đựng một chiều sâu, bề dày lịch sử - văn hóa khi nằm trong khu vực "trung tâm" của đạo Thiên chúa giáo vùng đồng bằng Bắc Bộ. Công trình được khánh thành vào năm 1885, đến nay đã có tuổi đời 135 năm, từng trải qua 2 lần đại tu vào các năm 1974 và 2.000.

Kể từ khi những thông tin đầu tiên về việc nhà thờ Bùi Chu sắp bị hạ giải để xây một nhà thờ mới khang trang hơn, đã có ý kiến của rất nhiều kiến trúc sư, nhà nghiên cứu và vài phương án được đưa ra để cân nhắc. Thậm chí có một nhóm kiến trúc sư do kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp khởi xướng, đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Nam Định đề nghị bảo tồn công trình quý giá này, đồng thời tổ chức một cuộc vận động lấy chữ ký ủng hộ việc bảo tồn những giá trị của nhà thờ Bùi Chu.

Hồi tháng 5-2019, chỉ 1 ngày sau khi tổng đại diện, trưởng ban xây dựng nhà thờ chính tòa Bùi Chu - linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang ký văn bản thông báo về việc tạm hoãn hạ giải (lần 1), một cuộc triển lãm 30 bức ký họa về nhà thờ Bùi Chu do nhóm "Ký họa đô thị" tổ chức tại khuôn viên nhà thờ thu hút sự chú ý của công luận.

Theo thông tin được tiết lộ bởi Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao  và Du lịch), nhà thờ Bùi Chu mặc dù chưa phải là công trình được công nhận "Di tích lịch sử - văn hóa", nhưng đã nằm trong danh mục di tích lịch sử văn hóa được kiểm kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định từ năm 2017. Điều này đồng nghĩa với việc nhà thờ Bùi Chu là một công trình được bảo vệ, được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật hiện hành, trong đó quan trọng nhất là Luật Di sản.

Tuy nhiên, những hoạt động liên quan đến một công trình tôn giáo, thuộc về một giáo phận nào đó lại có những quy định riêng, thậm chí là những quy định bất thành văn kiểu "phép vua thua lệ làng". Nhưng rõ ràng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các cơ quan ban, ngành khác của tỉnh Nam Định cần có những biện pháp tích cực, hiệu quả hơn để bảo tồn nhà thờ Bùi Chu thành một di sản văn hóa gắn với tôn giáo.

Không ít người dân Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng quê rất thích các công trình mới mẻ, khang trang, hoành tráng chứ không mấy quan tâm đến yếu tố văn hóa, bề dày lịch sử. Điều này còn đúng với các ngôi chùa cổ có tuổi đời vài trăm năm, trong nháy mắt đã trở nên "mới toanh" chỉ sau một đợt trùng tu.

Hi vọng những chuyện đáng tiếc khi phải chia tay những công trình kiến trúc, di tích lịch sử chứa đựng những câu chuyện lịch sử - văn hóa thâm nghiêm, hay chuyện nhà thờ Bùi Chu và trạm phát sóng Bạch Mai suýt biến mất sẽ không lặp lại. Giữ gìn di sản văn hóa - lịch sử cho muôn đời con cháu mai sau rất cần sự chung tay của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kiến trúc và của cả cộng đồng...

Nguyệt Hà
.
.