Tôn vinh và bảo tồn di sản: Những nghịch lý đáng buồn

Chủ Nhật, 01/03/2020, 07:54
Trước đây, Google từng có các biểu tượng thay thế tạm thời để tôn vinh các cá nhân văn nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Bùi Xuân Phái, thi sĩ Xuân Quỳnh, phố cổ Hội An... Sự tôn vinh dù là dành cho cá nhân nghệ sĩ, một địa danh gắn với văn hóa - lịch sử hay một bộ môn nghệ thuật truyền thống như ca trù đều thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng...


Ngày 23-2 vừa qua, trang chủ tìm kiếm Google.com.vn đã sử dụng hình ảnh về ca trù Việt Nam tạm thời trong vòng 1 ngày để tôn vinh nghệ thuật truyền thống ca trù đúng vào ngày giỗ tổ nghề ca trù. Việc lần đầu tiên một bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam được tôn vinh trên Google đã khiến nhiều người Việt cảm thấy tự hào. Song, điều ấy cũng khiến nhiều người quan tâm đến văn hóa băn khoăn, trăn trở về những nghịch lý, bất cập trong việc bảo tồn và tôn vinh di sản văn hóa trong nước hiện nay.

Nghịch lý “ngoài nóng - trong lạnh”

Hình ảnh về nghệ thuật ca trù mà người truy cập internet nhìn thấy khi truy cập vào trang tìm kiếm Google Việt Nam từ 0h ngày 23-2 là minh họa của họa sĩ Xuân Lê với hình ảnh 3 nghệ nhân ngồi trên một chiếc chiếu. Đây là hình ảnh biểu tượng vô cùng quen thuộc với những người yêu thích, quan tâm đến nghệ thuật ca trù bởi mỗi tiết mục (chầu hát) ca trù được biểu diễn thường gồm: 1 ca nương (còn gọi là “đào”) vừa hát tay vừa gõ phách, 1 kép nam đệm đàn đáy và 1 “quan viên” đánh trống chầu.

Bên cạnh bản giới thiệu bằng tiếng Anh của Google về khái quát những nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật ca trù “nhằm tôn vinh thể loại âm nhạc truyền thống được tôn sùng nhất Việt Nam'', khi người dùng truy cập vào địa chỉ Google.com.vn, đã cho nhiều kết quả tìm kiếm có liên quan đến ca trù ưu tiên xuất hiện. Vì thế, người dùng dễ dàng được liên kết đến với nhiều bài viết đặc sắc giới thiệu về ca trù Việt Nam để có thể có thêm những kiến thức, sự hiểu biết về loại hình nghệ thuật độc đáo có một không hai này.

Hình ảnh biểu tượng về nghệ thuật Ca trù của Việt Nam được Google Việt Nam tạm thời sử dụng trong ngày 23-2-2020.

Ngoài ra, việc ca trù được Google tôn vinh nhân ngày giỗ tổ nghề mang thêm một ý nghĩa quan trọng, đó là để thế hệ trẻ hôm nay có thêm hiểu biết, sự trân trọng cần thiết đối với bộ môn nghệ thuật có lịch sử lâu đời, được Google quảng bá là: “Một phong cách phù hợp với một nơi nào đó, giữa các nghi lễ Geisha của Nhật Bản và các buổi biểu diễn opera đầy kịch tính, âm thanh độc đáo của ca trù có nguồn gốc từ thế kỷ XI. Đầu tiên trở nên phổ biến như là trò giải trí cho giới quý tộc của các cung điện hoàng gia Việt Nam, sau đó nó đã đi vào các không gian ở Hà Nội và trong đời sống của người Việt khắp nơi”...

Trước đây, Google từng có các biểu tượng thay thế tạm thời để tôn vinh các cá nhân văn nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Bùi Xuân Phái, thi sĩ Xuân Quỳnh, phố cổ Hội An... Sự tôn vinh dù là dành cho cá nhân nghệ sĩ, một địa danh gắn với văn hóa - lịch sử hay một bộ môn nghệ thuật truyền thống như ca trù đều thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Với ca trù - bộ môn nghệ thuật từng được UNESCO đưa vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp” từ tháng 10-2009, điều này còn mang rất nhiều ý nghĩa. Trước đây, từng có những nhà nghiên cứu âm nhạc cảm thấy ngỡ ngàng bởi nét đẹp, sự đặc biệt của nghệ thuật ca trù Việt Nam.

Thế nhưng, trong một thời gian khá dài trước khi Việt Nam lập hồ sơ trình UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì nghệ thuật ca trù Việt Nam đã đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Sau này, khi nhận được sự quan tâm của nhà nước, của các cơ quan văn hóa, các nhà nghiên cứu, có một thời gian đời sống của nghệ thuật ca trù có nhiều khởi sắc với hàng chục CLB ca trù được mở lại, khởi xướng ở Hà Nội cũng như các tỉnh có truyền thống về ca trù như Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Tĩnh...

Trong vòng 10 năm qua, đã có nhiều cuộc thi, liên hoan diễn xướng ca trù được tổ chức, song gần đây xu hướng phục hồi này đang bị chững lại. Nhiều CLB ca trù hoạt động cầm chừng và chỉ có quy tụ, biểu diễn khi sắp có các cuộc thi, bởi thời gian còn lại các “đào - kép” phải bận rộn với việc mưu sinh.

Những năm trước, những nghệ nhân “cây cao bóng cả” còn sót lại của nghệ thuật ca trù như nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, nghệ nhân Phó Thị Kim Đức trở thành “linh hồn” của bộ môn nghệ thuật này, là chốn “tựa nương” của các nghệ nhân thế hệ kế cận, thế hệ trẻ, để họ có cơ hội được tiếp cận với ca trù học thuật, uyên bác, nguyên bản nhất. Nhưng đến nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đẹ đã lần lượt qua đời.

Vì thế, theo đánh giá của nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền, giờ đây chỉ còn lại duy nhất nghệ nhân Phó Thị Kim Đức là “người nhà nghề” cuối cùng của ca trù mà thôi. Các nghệ nhân sau thế hệ sau này, phần lớn đều học “tay ngang” chứ chưa thực sự bài bản theo đúng “khuôn mẫu” ca trù của các cụ ngày xưa.

Với những gì đang diễn ra hiện nay, ca trù vẫn tiếp tục cần có sự “hà hơi tiếp sức”, sự quan tâm, đầu tư thích đáng và có chiến lược dài hơi, để bộ môn nghệ thuật đặc biệt này không bị mai một,  thất truyền - nhất là khi nó đã từng có những năm tháng được quan tâm, đầu tư “ươm mầm” như đã nói ở trên.

Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức (giữa) được xem là “người nhà nghề” của nghệ thuật Ca trù.

Danh mục di sản nhiều - Bảo tồn được bao nhiêu?

Có thể thấy, trong những năm qua, các cơ quan quản lý - nghiên cứu - ngoại giao văn hóa rất tích cực trong việc triển khai lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận các bộ môn nghệ thuật truyền thống hay loại hình diễn xướng trở thành di sản của thế giới.

Từ các di sản “nổi tiếng đầu bảng” được công nhận từ đầu những năm 2.000 như Nhã nhạc cung đình Huế, rồi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù và sau đó là những loại hình âm nhạc mang đậm tính vùng miền như Quan họ, hát Xoan, Đờn ca tài tử, hát Ví dặm Nghệ Tĩnh rồi hát Then...

Cho đến nay, đã có tới hàng chục bộ môn nghệ thuật, loại hình diễn xướng được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể và còn một số bộ hồ sơ nữa đang “xếp hàng” chờ đợi xét duyệt như xòe Thái, làng nghề làm tranh Đông Hồ. Trong thời gian tới, bộ môn Xẩm cũng đang có những hoạt động tích cực hoàn thiện hồ sơ trình để trở thành di sản phi vật thể quốc gia, tiến tới là trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới...

Một điều dễ dàng nhận ra, đó là trước - trong - và sau khi các cơ quan chuyên trách về di sản - văn hóa lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận một bộ môn nghệ thuật hay loại hình diễn xướng nào đó là di sản thế giới, thì bộ môn nghệ thuật, loại hình diễn xướng rất được quan tâm, được đề cao. Nhã nhạc cung đình Huế hay Ca trù là những ví dụ hết sức điển hình.

Trong một lần trò chuyện với hậu duệ của nghệ nhân Lữ Hữu Thi - nghệ nhân cuối cùng của ban nhạc cung đình triều Nguyễn thì được anh cho biết, trong những năm tháng “nhạy cảm” ấy, các thành viên trong ban nhạc gia đình có truyền thống 5 đời nhà anh rất được trọng vọng.

Các thành viên trong gia đình, đặc biệt là cụ Thi được tham gia nhiều chuyến lưu diễn trong và ngoài nước để quảng bá, giao lưu... nhưng chỉ ít năm sau khi trở thành di sản thế giới, Nhã nhạc cung đình Huế lại rơi vào quên lãng. Đó là điều khiến hậu duệ con cháu cảm thấy rất buồn lòng.

Điều này không chỉ xảy ra với Nhã nhạc cung đình Huế, mà với Ca trù hay Hát xoan cũng đúng một kịch bản tương tự. Có những dạo, thấy người ta nói nhiều về hát Xoan đến độ cảm thấy như hát Xoan Phú Thọ cứ như thể nó sẽ trở thành một loại hình diễn xướng phổ biến trong cộng đồng đến nơi.

Nhưng sau khi trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì hát Xoan dường như lại hết sức nhạt nhòa trong đời sống. Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO tôn vinh, có lẽ chỉ có Dân ca quan họ là có đời sống sinh động, đi vào tâm thức của nhiều người. Bởi lẽ, dân ca quan họ có môi trường diễn xướng dân dã, đi vào nhiều lễ hội kéo dài suốt mùa xuân ở vùng Kinh Bắc.

Có lẽ, đã đến lúc phải thừa nhận rằng, một di sản văn hóa phi vật thể dù có được UNESCO công nhận nhưng không đi vào được đời sống xã hội thì thực sự nó cũng không mang nhiều ý nghĩa. Không cần có quá nhiều danh hiệu di sản được công nhận bằng một văn bản, mà cần là cần khi nhắc đến một di sản nào đó, thì thế giới cũng thừa nhận nó đặc sắc, nó đặc biệt, nó rất Việt Nam mà thôi. Tuy “ít nhưng mà tinh”, còn hơn số lượng nhiều mà chất lượng lại chẳng được bao nhiêu...

Nguyệt Hà
.
.