Dư Thị Hoàn: Vào thơ bằng một lối nhỏ

Thứ Hai, 03/07/2017, 08:35
Có thể Dư Thị Hoàn là một phụ nữ bất hạnh trong đời thường, nhưng chị lại là một nhà thơ may mắn trong thi ca. Chị xuất hiện đúng vào lúc không khí đổi mới của đất nước cho phép những tiếng nói khắc khoải và đau đớn được trình bày trên văn đàn một cách bình đẳng với những âm thanh vỗ về và xưng tụng giữ vai trò chủ đạo trong sinh hoạt nghệ thuật Việt Nam suốt một thời gian dài. 


Hơn nữa, tập thơ đầu tay "Lối nhỏ" in năm 1988 của chị được vun đắp bởi Hội Văn nghệ Hải Phòng thời những nhà thơ đất Cảng còn nguyên sự trân trọng đối với thơ. Sự trân trọng ấy thể hiện ngay ở "Lời giới thiệu" mà sau gần một phần tư thế kỷ hoặc lâu hơn nữa, khi muốn hiểu về Dư Thị Hoàn vẫn có thể tin cậy trích dẫn: "Cặp mắt mở to, có phần ngơ ngác, thiếu phụ gầy nhỏ này là người Việt gốc Hoa. Còn các con của chị thì mang một dòng họ Việt.

Con người ấy rất ý tứ, cẩn trọng trong hình thức. Vậy mà vẫn không giấu nổi những nét trễ nải, lo âu dù rất khó nhận thấy. Có khi chỉ là ở một khoảng mơ hồ trên trán, có khi là ở chiếc khăn vừa tuột khỏi vai. Ai biết được rằng đó là dấu vết mệt mỏi sau những dằn vặt với thi ca hay những vật vã, tảo tần trong cuộc mưu sinh thường nhật".

41 tuổi mới bước vào làng thơ bằng một "Lối nhỏ", Dư Thị Hoàn dường như không có ý định làm thơ như một sự chọn lựa sinh tồn, mà thơ đến với chị như sự bù đắp những nghiêng ngả mệnh kiếp long đong.

Trong bài "Mười năm tiếng khóc" ít nhiều cho thấy thơ Dư Thị Hoàn khởi đi từ ngăn cách trái ngang: "Sao mẹ không nói cho rõ/ Mẹ con mình rồi mỗi người một ngả/ Để con được lao vào lòng mẹ/ Khóc cho hết hơi/ Khóc cho trời sập/ Khóc cho cột điện đổ/ Khóc cho tà vẹt trôi/ Khóc cho còi tàu căm bặt/ Khóc cho tay lái rời vô lăng/ Khóc cho đoàn tàu không dám lăn bánh…".

Và chị thảng thốt gọi Tổ quốc với tất cả giằng xé của người đàn bà chịu đựng đớn đau về quan niệm rạch ròi nơi cội rễ và nơi sinh thành trong một khoảnh khắc lịch sử trớ trêu: "Đất đai đóng khung vì người/ Tình yêu chật hẹp vì người/ Những lúc người thành cái chiêu bài, của hạng buôn máu tươi và thuốc nổ/ Đường viền của người thắt quặn trái tim tôi". Chính bi kịch cá nhân đã giúp Dư Thị Hoàn nhận ra trên trần gian ngỡ yên ả này vẫn còn lắm con người bị trôi dạt bởi phân biệt đối xử, bởi trù dập nhẫn tâm, bởi đố kỵ nghiệt ngã, và chị quyết định "Khi cầm bút" có một thái độ rõ ràng:

"Tôi mong được làm điểm tựa
Chống chọi sức đè nén
Cho đòn bẩy nhấc bổng cuộc đời những người xấu số".

Chiến thắng nỗi mặc cảm "tôi như một đứa trẻ, bị hất hàm đuổi ra khói đám đông", Dư Thị Hoàn dùng những dữ kiện cuộc sống để tạo nên những thông báo nghệ thuật. Dư Thị Hoàn không nhằm thu hoạch dăm câu thơ bóng bẩy và ngọt ngào, mà các câu dài ngắn khác nhau liên kết trong một chỉnh thể khiến người đọc hình dung mạch lạc về sự trắc ẩn đời thường cao hơn mọi lý thuyết phán đoán.

Ở mạch cảm hứng "khi tình yêu bị đẩy vào trận/ chỉ còn cách mượn họng súng để ngắm nhau", Dư Thị Hoàn có hai bài thơ "Tĩnh lặng" và "Chị ấy" song hành nhiều dư vị bùi ngùi. "Tĩnh lặng" là sự hồi hộp xen lẫn âu lo: "Nụ cười em lãnh đạm/ Đôi mắt em lơ đãng/ Đâu phải cho anh/ Mà để tự hành hình/ Chớ dừng chân/ Khi vô tình gặp em, anh nhé/ Em mang bản án chung thân gái đã có chồng". Còn "Chị ấy" là sự nôn nao xen lẫn ái ngại: "Anh đến thăm em/ Có gặp dáng chị ấy thẫn thờ đợi cửa/ Anh ngắm nhìn em/ Có thấy hình chị ấy ôm gối thở dài/ Anh ca tụng em/ Mà em ớn lạnh/ Như giọt nước mắt chị ấy tuôn chảy/ Anh ơi, anh mãi mãi là mặt trời/ Của người vợ đáng thương ấy/ Lẽ ra trên thế gian này/ Đừng có em".

Khi đặt "Tĩnh lặng" và "Chị ấy" liền kề, bỗng nhiên xuất hiện một câu chuyện run rẩy giữa niềm nuối tiếc mối duyên muộn màng và nỗi dằn vặt cuộc tình lỡ làng. Dấu ấn nữ thi sĩ Dư Thị Hoàn biểu lộ sắc nét qua những câu thơ chênh chao cuồng si bản năng và chuẩn mực đạo lý. Sự tinh tế có mặt đắc địa và sòng phẳng đôi khi gây hấn với trật tự yêu đương tạm bợ, nhưng đánh thức được đức hạnh thầm kín!

Thơ Dư Thị Hoàn không dễ trích dẫn, vì mỗi đơn vị bài thơ không hướng đến miêu tả một tình huống mà để tái dựng một cảm giác. Thơ Dư Thị Hoàn không chủ đích gợi suy tư hoặc gợi hình tượng, mà gợi rung động.

Chẳng hạn bài "Tan vỡ" chứng minh sự sụp đổ của người đàn ông trong trái tim người đàn bà có khi vì một chi tiết hớ hênh: "Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ/ Bút viết xong không đậy nắp bao giờ/ Ôi anh yêu, lơ đãng đến là/ Con nai rừng của em…/ Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi/ Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng/ Nếu không có một lần…/ Một lần như đêm nay/ Sau phút giây êm đềm trên ghế đá/ Anh không cài lại khuy áo ngực cho em". Nếu ai thắc mắc văn học nữ quyền như thế nào, thì đây, bài thơ "Tan vỡ" hoàn toàn có thể xem như một câu trả lời thỏa đáng!

Khảo sát thơ Dư Thị Hoàn khó lòng tìm ra đặc điểm từ vựng hoặc đặc điểm cú pháp. Ngay cả nhịp điệu và ngữ âm cũng giữ vai trò phụ trong thơ chị. Mỗi bài thơ của Dư Thị Hoàn phát triển như một dòng ý thức, mà sự phân tích tâm lý trở thành giá trị quyết định.

Một bệnh nhân nữ ở "Trong bệnh viện tâm thần" tìm được lốt thoát cho bản thân thật giản dị: "Tôi sẽ khỏi bệnh/ Lại dịu dàng hát bên chiếc khung thêu ngày ấy/ Không cần bác sĩ/ Không cần những viên thuốc đắt tiền/ Chỉ cần đôi bàn tay nào run rẩy mang đến/ Một nhành hoa dại thôi!".

Tương tự, một khách hàng nữ ở "Nhà cười" hiểu thêm nghịch lý thị phi cõi người: "Tất cả đều biến dạng/ Méo mó/ Mọi người đều hóa hình/ Quái gở/ Người ta tung tiền vào đây/ Cốt để phá lên cười/ Cười khoái trá/ Cười rũ rượi/ Cười quên hết sự đời/ Còn tôi tình nguyện vào đây/ Để khóc/ Không chỉ cho một mình tôi". Rõ ràng, thái độ trữ tình của thơ Dư Thị Hoàn không hẳn để thuyết phục độc giả, mà mở ra cho họ cơ hội dự phần lặng lẽ và thân thiện!

Thơ Dư Thị Hoàn dữ dội? Đúng! Thơ Dư Thị Hoàn ngổn ngang? Cũng đúng! Thế nhưng, cộng tập thơ "Lối nhỏ" và tập thơ "Bài mẫu giáo sáng thế" do NXB Hội Nhà văn in năm 1992, thì giới yêu thơ có thể rút ra được một điều tương đối lý thú: mỗi bài thơ của Dư Thị Hoàn đều mang sứ mệnh như một vệ sĩ tận tụy đứng canh chừng một số phận bấp bênh. Sự va đập trực diện với đời thường khiến mọi uyển ngữ hay nhã ngữ không có chỗ phô trương trong thơ chị. Tuy nhiên, Dư Thị Hoàn biết cách tạo ám ảnh bất ngờ từ những đưa đẩy nho nhỏ. Bốn cặp đối đáp vừa xuê xoa vừa lắt léo đem cho bài thơ "Thôn quả phụ" một vẻ đẹp mong manh:

- Cho anh tiễn em tới gốc cây đa

- Thôi, xin cám ơn

- Cho anh tiễn em qua chân cầu gỗ

- Thôi. Em cám ơn lần nữa

- Anh chỉ tiễn em đến ngôi chùa đổ

- Thôi mà… khi khác… em xin

- Thế thì cho anh địa chỉ

- Kia kìa, đằng sau cơn mưa

Chỉ cần câu thơ cuối cùng đã biến mọi lời đãi bôi trở thành một bài thơ rạng rỡ. Không thể nào phủ nhận "đằng sau cơn mưa" là một ký hiệu thẩm mỹ. Nơi vời vợi ấy có thể có ngôi nhà hiện hữu, nhưng có thể chỉ là mịt mù nước mắt, có thể chỉ là hắt hiu chờ đợi, có thể chỉ là vô vọng ngóng trông. Không thể nói khác hơn, "Thôn quả phụ" là trường hợp bài thơ không cần câu thơ nào, mà dựa vào một ký hiệu thẩm mỹ!

Thơ Dư Thị Hoàn xa lạ với những chú giải thuần túy. Trong sự khốc liệt có sự yếu đuối, trong sự nghẹn ngào có sự bao dung. Bên cạnh những bài thơ có vẻ tùy hứng, Dư Thị Hoàn cũng có không ít bài thơ chứng tỏ sự quan tâm đến kỹ thuật viết, như bài "Đêm tân hôn" gồm bảy câu:

Em như con tàu gặp bão
Rừng san hô đáy biển
Chưa kịp buông neo

Chưa kịp buông neo
Rừng san hô đáy biển
Em như con tàu gặp bão
Đêm tân hôn

Nếu gắn cả tên bài thơ vào toàn bài, thì "Đêm tân hôn" có bốn câu thơ được thay đổi thứ tự xuôi ngược. Ở góc độ thi học cấu trúc, "Đêm tân hôn" khai thác triệt để yếu tố chuyển dịch hình thức của một văn bản thơ. Tâm tình của nhân vật quay tròn theo câu thơ như đất trời mùa ân ái tít mù xoay chăng? Với "Đêm tân hôn", hình thức trợ lực cho nội dung diễn đạt trọn vẹn!

Tình cờ lạc chân vào thi ca, phẩm chất thi sĩ trong người phụ nữ có tên thật Vương Oanh Nhi nhanh chóng định vị gương mặt thơ Dư Thị Hoàn giàu cá tính. Trong không gian thơ Dư Thị Hoàn, một cô đơn ngột ngạt sinh ra một đối thoại thanh tĩnh, một đắng cay chất chồng sinh ra một sẻ chia nồng nàn! 

Lê Thiếu Nhơn
.
.