Nhà thơ Trần Quang Quý:

Định vị lại thơ bằng giọng điệu và thể thức riêng

Thứ Hai, 15/01/2018, 08:02
Đến thời điểm hiện tại, Trần Quang Quý đã có trong tay một lưng vốn chủ yếu là thơ, tuy còn khá khiêm tốn về số lượng, nhưng lại khá nặng ký về chất lượng gồm: "Viết tặng em trong ngôi nhà chật", 1990; "Mắt thẳm", 1993; "Giấc mơ hình chiếc thớt", 2003; "Siêu thị mặt", 2006; "Màu tự do của đất", 2012; "Namkau", "Ga sáng", 2016. 


Ông từng nhận được một số giải thưởng quan trọng như: Giải nhì thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, 1984; Giải thơ tuần báo Văn Nghệ các năm 1990, 1995; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ "Giấc mơ hình chiếc thớt", 2004; Giải thưởng Hội Nhà văn cho tập thơ "Màu tự do của đất", 2012 và Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, đợt IV, 2016.

Người tạo lập thể thức thơ riêng

Nhà thơ Trần Quang Quý một mình âm thầm sáng tạo ra một tập thơ hoàn toàn theo một thể thức mới mang tên namkau (năm câu) với 99 bài chỉ trong một thời gian không phải là dài (2010 - 2016). Việc đặt tên cho tập thơ “namkau” là minh chứng sinh động nhất về ý thức tạo dựng một thể thức thơ hoàn toàn mới ở ông.

Namkau không phải là tên một tập thơ được chọn theo một ý tưởng hay nội dung chủ đề nào đấy, như ta vẫn thường thấy, mà là tên gọi một thể thức thơ và cả tập duy chỉ có những bài thơ được làm theo thể thức này, năm câu. Và ngay ở lời Ngỏ của tập sách, Trần Quang Quý đã không ngần ngại trình bày rõ quan niệm của mình vì sao ông lại chọn thể thức thơ namkau như sau: "Thể thơ cũng được gợi ý từ quan niệm phương Đông về Ngũ hành và số 5, số sinh. Nhưng trước tiên nó khác với những hình thức thơ ngắn khác đã có từ lâu đời như thơ Đường (Thất ngôn bát cú, Ngũ ngôn bát cú, Thất ngôn tứ tuyệt) từ thế kỷ 7 của Trung Quốc, thơ Haiku từ thế kỷ 17 của Nhật, với 3 câu, 17 âm tiết (5+7+5) và có yếu tố Thiền… Có thể tạm cấu trúc bài thơ theo hai phần. Với câu thơ tự do, Phần 1 có 3 câu, tương ứng với Trình diễn. Phần 2 có 2 câu, tương ứng với Kết & Nghiệm".

Và đây là những bài thơ tiêu biểu mà Trần Quang Quý đưa ra để minh họa cho quan niệm trên của ông: "Có một chiếc răng rụng/ tôi vẫn để trong ví mỗi ngày/ một mảnh đời đã tuột ra khỏi gốc số phận... Mỗi lần mở ví ra tôi thấy/ chiếc răng vẫn đang nhai ký ức" (Rụng) hay: "Mùa thu giặt những đám mây trắng/ phơi lang thang bầu trời/ vắt ngang gió một lườn sông chảy... Trong bình minh chợt nhú/ ban mai vừa cởi cúc mùa thu" (Cảm thức).

Về quan niệm tạo lập thể thức thơ mới namkau của Trần Quang Quý không cần bàn thêm nhiều, vì ông đã nói rõ trong Ngỏ. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, thể thơ theo cách hiểu thông thường từ quan niệm phân chia của các nhà thơ Trung Quốc thời Trung đại, cho tới nay của số đông người đọc, cũng như của các nhà chuyên môn thường là định lượng số chữ trong mỗi câu như: ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn, lục bát, song thất lục bát,... Và cũng có khi đi kèm với số câu trong mỗi bài như: thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú...

Còn thể thức thơ namkau theo quan niệm của Trần Quang Quý chỉ xác định số câu trong một bài, chứ không quan tâm đến số chữ trong mỗi câu, cũng như trong toàn bài. Cái đáng bàn là trước ông chưa ai có được một quan niệm rõ ràng, sòng phẳng về một thể thơ do chính ông sáng tạo ra như thế. Và đến thời điểm này, nếu tôi nhớ không nhầm, ông là trường hợp độc nhất vô nhị có cho riêng mình một tập thơ namkau.

Tuy nhiên, đối với Trần Quang Quý, đây mới chỉ là những viên gạch đầu tiên, ngõ hầu tìm cho thơ Việt đương đại một hướng đi, một diện mạo mới.

Với một tập thơ gồm 99 bài, mỗi bài chỉ có 5 câu, dù viết theo thể tự do hay lục bát, nếu không đủ bản lĩnh và tài năng, lao tâm, khổ trí tìm tòi và sáng tạo, không thận trọng rất dễ tự lặp lại chính mình và rất dễ gây cho bạn đọc sự nhàm chán nhất định, vì bài nào cũng chỉ có từng ấy câu. Đấy chính là cái khó của người sản sinh ra nó.

Nhưng với Trần Quang Quý, điều ấy không những đã không xảy ra, trái lại càng đọc, càng thấy thú vị. Mỗi bài là một nhát cắt, mảnh ghép cuộc sống mang đầy tính triết lý nhân sinh về lòng người, cõi đời, khiến người đọc phải hết sức cảnh giác với nhiều thứ, nhiều cái cũng như nhiều hiện tượng của đời sống xã hội hiện đại, trong nền kinh tế thị trường hôm nay.

Nhiều cái, theo logic thông thường nó sẽ là như thế này, nhưng thực tế nó lại là thế khác. Như vậy cũng có nghĩa là đọc hết 99 bài trong tập namkau của ông, người đọc có thể lĩnh hội được ngần ấy vấn đề cần suy nghĩ, xem lại tư duy cũng như hành động của mình.

Tìm chữ tạo nghĩa mới cho thơ

Thơ Việt viết về nông dân và nông thôn đã có từ xa xưa trong ca dao, tục ngữ. Văn chương dân gian và văn chương thành văn ở mọi thời đã có tới hàng ngàn, hàng vạn bài viết về đề tài này. Ngay cả đến thời hiện đại, dư chấn ấy cũng không dễ gì có thể được xóa đi trong một sớm, một chiều: "Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi "(Bàng Bá Lân), hay "Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng" (Ngô Văn Phú) và "Mải mê đuổi một cánh diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro" (Đồng Đức Bốn),v.v...

Tuy nhiên, nếu đọc kỹ những câu thơ trên, ta thấy chúng đều cùng nằm trong một cảm quan thế giới và hệ hình thẩm mỹ truyền thống. Đấy là sự cảm nhận và ngợi ca của nhà thơ trước thiên cảnh và nhân cảnh. Người đọc thấy ít có sự trăn trở của nhà thơ trước thân phận của cảnh vật hay con người với tư cách là cái được phản ánh, trong những bức tranh quê tuyệt đẹp ấy. Những cảnh tượng ấy tuy rất sống động, nhưng mới chỉ là sống động ở những điều mắt thấy tai nghe, biểu tượng trực giác được miêu tả bằng ngôn ngữ thơ, chứ chưa thực sự sống động trong suy tư, trăn trở của trí tuệ. 

Với Trần Quang Quý, ông vẫn cảm thấy thiếu một cái gì đấy ở những câu thơ trên. Bởi lẽ người nông dân nước ta đâu chỉ có sự ngọt ngào, hồn nhiên đáng yêu, đâu chỉ có mùa về đong đầy hoa thơm, trái ngọt, mà để có được điều ấy, họ còn phải đổ bao mồ hôi, nước mắt, có khi còn cả tính mạng nữa mỗi khi bão lũ bủa giăng, sâu bệnh hoành hành và hàng trăm thứ thuế, phí đè lên vai, tròng lên cổ họ. Những điều ấy là một thực tế từ bao đời nay và hiện tại vẫn còn phức tạp và cam go.

Dưới góc nhìn của Trần Quang Quý, người phụ nữ nông dân được khắc họa với những góc cạnh xù xì, thô ráp, nhưng cũng rất đáng yêu, đáng thương và đáng trân trọng. Họ không còn là những người chỉ biết có cần cù, hay lam hay làm, không sợ khó, sợ khổ, suốt đời chỉ biết thương chồng, thương con, như trong ca dao, dân ca và thơ ca truyền thống trước đây.

Trái lại, người nông dân nước ta đang phải đối mặt với một thực tế đa chiều, phức nhiễu trong cuộc mưu sinh của mình. Đọc những câu thơ Trần Quang Quý viết về họ khiến người ta phải chau mày, nhíu mặt, quặn đau trước thân phận của người nông dân nói chung và người phụ nữ nông thôn nói riêng từ bao đời nay, suốt đời chỉ mang theo mình giấc mơ về cái máng lợn: ''Tuổi xuân của em là nối dài những chiếc máng lợn/ chiếc máng hầu bao hy vọng/.../ những bến sông chôn đứng con đò/ thành phố mọc từ bờ ẩn ức..." (Huyền thoại bên máng lợn). 

Rõ ràng Trần Quang Quý đã nhìn thấy ở những người nông dân từ xa xưa cho đến tận hôm nay như một thực thể tồn tại trong sự vận động đa chiều với nhiều sắc màu của thân phận nổi trôi lúc trầm, lúc bổng, khi thăng, khi giáng dưới một cảm quan thẩm mỹ mới.

Nhưng theo tôi, cái khác biệt và sự mới lạ của Trần Quang Quý còn là ở chỗ ông có một khả năng chọn và dùng chữ để tạo nên nghĩa mới cho đơn vị câu thơ, cũng là tạo nên một giọng điệu riêng là điều rất đáng ghi nhận. Trước đây người ta có thể bắt gặp ở một vài câu, bài thơ, một vài nhà thơ nào đấy cũng đã từng có những bứt phá về cách dùng từ mạnh bạo để tạo sinh nghĩa mới cho câu và bài thơ.

Có thể thấy một số thủ pháp tìm chữ cho nghĩa đơn vị câu thơ của Trần Quang Quý trong hành trình sáng tạo của mình như sau: thứ nhất, là không ngại ngùng đưa ngôn ngữ đời sống vào thơ, khiến cho nhiều đơn vị câu thơ của ông trở nên mới, nhưng lại không quá lạ hoắc với bạn đọc và dễ được giới chuyên môn chấp nhận và đánh giá cao. Nói là đưa ngôn ngữ đời sống vào thơ, nhưng với ông, đấy là thứ ngôn ngữ đã được chọn lọc, chưng cất kỹ càng: "Ta rót mắt em đầy Huế/ Em một ngày rót Huế say ta" (Huế).

Giả định rằng chúng ta thử thay những chữ rót mắt em đầy Huế và rót Huế say ta trong hai đơn vị câu thơ trên bằng những chữ khác, nhất định sẽ làm cho nghĩa của đơn vị câu thơ thay đổi. Hoặc là thay các chữ giặt tôi, kì cọ tôi trong hai đơn vị câu thơ các nàng giặt tôi, kì cọ tôi bằng chiều quê cổ điển/ bằng cổ tích Ba Vì (Sơn Tây), bằng các chữ khác, ắt nghĩa đơn vị câu thơ sẽ thay đổi và sẽ không còn là giọng điệu thơ của Trần Quang Quý nữa.

Tương tự như vậy ở những đơn vị câu thơ sau cũng có những chữ mà chỉ riêng ông mới có thể viết ra được như vậy: "Làng đã đóng đinh tôi vào cánh cửa/ Mỗi ngày khép mở giữa câu thơ" (Cổ tích làng). Những chữ thơ như vậy ta có thể không quá khó để tìm thấy trong 7 tập thơ mà Trần Quang Quý đã xuất bản trong gần 30 năm trở lại đây.

Răng là một bộ phận của cơ thể con người, nằm trong hệ tiêu hóa, có chức năng cắn, xé, nhai, nghiền nát thức ăn trước khi nó được đưa xuống dạ dày. Nhưng đối với nhà thơ Trần Quang Quý, răng lại có một chức năng hoàn toàn mới, mà không phải ai cũng có thể nghĩ ra, liên tưởng tới khả năng đảm nhiệm một công việc ngoài chức năng vốn có của nó. Đó là nhai ký ức (Mỗi lần mở ví ra tôi thấy/ chiếc răng vẫn đang nhai ký ức). Điều ấy có thể xem là một sự đột phá về cách chọn và dùng chữ của Trần Quang Quý trên tiến trình đổi mới thơ Việt gần hơn 30 năm qua.

                 Hà Nội, Ngày 30/11/2017
Đỗ Ngọc Yến
.
.