Nhà thơ Bằng Việt:
"Cách diễn tả của tác giả thật sự biến ảo và tài hoa, nên trải qua 108 mẫu người được chọn lựa và giới thiệu, chúng ta không bị rơi vào cảm gác đơn điệu và nhàm chán, mệt nhọc và nặng nề, trái lại chúng ta được "khám phá" cùng tác giả những nét riêng tư thầm kín của mỗi đời người, những đặc điểm thú vị và độc đáo trong tính cách, trong nhân thân, tâm trạng và cả hoàn cảnh riêng của họ. Tất cả được viết trong một dạng thơ nửa như kể chuyện, nửa như tùy bút bằng thơ, với cách dùng từ hết sức phóng khoáng và dân dã, với cách cấu tứ chặt chẽ và logic, với trật tự sắp xếp khoa học nhưng biết xen kẽ nhau một cách đa dạng giữa các nhân vật, các tình huống và trạng thái khác nhau, tạo thành một bức tranh tổng thể có bố cục hoàn chỉnh nhưng rất nhiều màu sắc và khía cạnh phong phú, đa dạng".
Nhà thơ, dịch giả Lê Bá Thự:
"Đây là một tập thơ do dịch giả Lê Đăng Hoan tuyển dịch 108 đời người trong tổng số hàng ngàn đời người được đề cập đến trong nguyên tác. Một tác phẩm được gọi là bộ bách khoa thư khổng lồ, tiêu biểu cho rất nhiều số phận thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử thăng trầm 5000 năm của Hàn Quốc.
Dịch thơ là việc cực khó. Người dịch có thể chọn cách dịch này hay cách dịch khác, nhưng cách nào cũng có cái được và cái mất, cũng phải trả giá, chứ không như dịch văn xuôi. Dịch giả Lê Đăng Hoan đã chọn cách dịch theo thể thơ tự do như nguyên bản. Chọn cách dịch này, người dịch bảo toàn được hầu như trọn vẹn nội dung của từng câu thơ trong nguyên tác.
Tuy nhiên, bản dịch tiếng Việt sẽ ít vần điệu theo luật thơ tiếng Việt. Theo tôi đây là một tập thơ chọn dịch công phu, có nhiều bài thơ tôi thích, như: "Ông nội", "Bà nội Sam-man", "Cha", "Bà ngoại", "Giun đất", "Hoa anh đào", "Con suối nhỏ", "Ông hiệu trưởng ở A-bê, Jin-su", "Hai người mù", "Hai anh em người khổng lồ", "Kẻ hay nói cuội", "Thơ thần tiên"...
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng:
"Hãy giở bất kỳ những bài thơ mà mỗi bài ấy thường tập trung vào một nhân vật nhất định, có khi đơn lẻ, có khi đặt trong mối liên hệ với một số nhân vật khác, chúng ta thấy mỗi con người, đời người ấy như ví dụ, như tượng trưng của một tính cách, một trạng thái, một đặc điểm, một giá trị. Người ông nội say lè nhè nhưng không khi nào có suy nghĩ khuất phục trước nước Nhật xâm lược. Người bà nội như chứng nhân của một quá khứ huyền thoại qua những câu chuyện kể lúc nào cũng sẵn sàng tuôn trào, trìu mến và bình yên. Anh chàng bắt rắn hào hiệp, chẳng sợ một loại rắn nào và sẵn sàng giúp đỡ người khác bằng tất cả tấm lòng thực ra cũng rất giàu xúc cảm của mình…
Cuộc đời nào, đặt trong hoàn cảnh nào mà Ko Un kể ra, cũng làm chúng ta phải suy ngẫm, và kỳ lạ thay, bắt đầu liên tưởng đến dân tộc mình, cũng vậy, cũng đã từng chật vật, khổ đau dưới ách thống trị, trong cảnh tiêu điều, xơ xác, trong chiến tranh tàn khốc. Nhưng từ trong nghèo đói và bất trắc ấy, chúng ta lại nhận ra ở nhau bao nhiêu điều lấp lánh. Và cũng kỳ lạ thay, những lấp lánh ấy lại rất đỗi giản dị, chân thật, và cả nhỏ bé nữa.
Tạo nên được điều này, nhà thơ Ko Un trong nhiều bài thơ, có cách kết cấu như sự thắt nút để tạo ra bất ngờ, khiến cho người đọc đến đoạn cuối, gần cuối mới nhận ra đầy đủ suy tư của tác giả. Mỗi bước đi qua những mặt người, đời người, nhà thơ Ko Un đưa người đọc bước thêm vào văn hóa, tập quán, truyền thống một cộng đồng, một dân tộc. Nhưng sâu nữa, là những cách nghĩ, những suy nghĩ rất sinh động của ai đó trong cuộc đời.
Tất cả những số phận mà Ko Un chứng kiến, cảm nghiệm, tái tạo, hợp thành sự đa dạng mà ở đó người đọc luôn nhận ra sự ấm áp của lắng nghe, sẻ chia, luôn thấy lấp lánh trong con người ta những đức tính, những tâm hồn, như dạy ta hãy tự trọng, hãy thương yêu và cần cù lao động…
Và chính nhà thơ Ko Un, ông là một ví dụ lớn để nói với chúng ta về sứ mệnh người làm thơ, trong nỗ lực nâng đỡ, bênh vực những cuộc đời, những số phận, trong niềm say mê đón nhận, lắng nghe, và tìm thấy những vẻ đẹp của tâm hồn, tính cách, sức sống con người từ trong những khó khăn, đằng sau những khuất lấp.
|