Tiếng Anh đối với nhan sắc Việt dự thi đấu trường quốc tế:

Điều kiện cần hay điều kiện đủ?

Thứ Sáu, 03/03/2017, 08:02
Một người đẹp Việt thi thố nhan sắc với bạn bè quốc tế lập tức được dư luận trong nước và các trang báo mạng tung hô lên mây nếu cô ấy tung clip nói tiếng Anh “như Mỹ”, “như gió”, “như người bản ngữ”... Có người gắt ầm lên: làm lố quá! Thi thố quốc tế thì tiếng Anh phải là vốn lận lưng cơ bản mà bất cứ người đẹp nào cũng cần phải có. Chẳng lẽ muốn giao tiếp phải múa tay múa chân để người khác hiểu mình (?!).


1.Khổ nỗi, ở một nước mà số người có trình độ tiếng Anh thành thạo còn khiêm tốn thì khó tránh khỏi hiện tượng “sướng phát điên” nếu miệng cô hoa hậu phát ra những âm thanh hệt như người Mỹ. Người ta không thể cho đó là một điều bình thường được, mà là một kỳ quan. Bởi điều bình thường là thứ mà họ luôn luôn chứng kiến và lo sốt vó: một là nói tiếng Việt rồi nhờ người phiên dịch, hai là nói tiếng Anh ú ớ rất Vietlish (tức phát âm tiếng Anh theo kiểu Việt hóa).

Việc nói tiếng mẹ đẻ rồi nhờ người phiên dịch đã gây ra hai “đại họa” cho bản đồ nhan sắc Việt. Trường hợp thứ nhất là Hoa khôi Nguyễn Thị Lệ Nam Em ở cuộc thi “Hoa hậu Trái Đất 2016”. Cô lọt vào top 8 và thi ứng xử. Đây có thể coi là thành tích nổi bật nhất từ trước đến nay của đại diện Việt Nam ở cuộc thi này.

Sở dĩ Nam Em lọt vào sâu bởi trước đó cô giành được ba giải thưởng cao tại phần thi phụ như: giải vàng “Hoa hậu Ảnh”, giải bạc “Hoa hậu tài năng” và giải bạc “Trang phục dạ hội”. Thần thái và cách trình diễn tự tin của người đẹp cũng thu hút hơn so với mặt bằng thí sinh.

Được đánh giá cao nhưng Hoa khôi Nam Em sớm dừng chân ở top 8 “Hoa hậu Trái Đất 2016” vì sự cố dịch thuật ở phần thi ứng xử.

Tuy nhiên, sự tự tin của cô dần chuyển sang lúng túng khi người đẹp phải nhờ đến phiên dịch do ban tổ chức sắp xếp để chuyển ngữ câu hỏi tiếng Anh: "Empowered to make a change" (tạm dịch là "Được trao quyền để tạo ra một sự thay đổi").

Mặc dù MC đã lặp lại câu hỏi đến 3 lần rất to và rõ ràng nhưng người phiên dịch vẫn ấp úng và chuyển ý câu hỏi đi lệch hướng khiến Nam Em trả lời không đúng trọng tâm. Tai hại hơn khi một lần nữa, người phiên dịch chuyển ý câu trả lời của Nam Em sang tiếng Anh trật lất so với ý tứ khúc chiết của cô, lại còn diễn đạt lủng củng, lê thê. Thảm họa dịch thuật khiến cô sớm dừng chân dù được đánh giá là ứng cử viên nặng ký cho chiếc vương miện.

Tương tự Nam Em, thí sinh Nguyễn Tiến Đạt cũng bị người dịch cho một vố đau ở đêm chung kết “Nam vương Quốc tế 2017” (Mister International 2017) diễn ra tại Thái Lan vào tối 13-2. Câu hỏi “What do you think is the next big thing in your country in next decade?” (Tạm dịch: Theo bạn, đâu là vấn đề lớn nhất của đất nước bạn trong thập kỷ tiếp theo?) được đọc to nhiều lần nhưng nữ phiên dịch đã dịch thành "Bạn nghĩ là cái ý kiến gì mà điều mà bạn suy nghĩ lớn nhất đối với năm tiếp theo đối với đất nước của bạn?".

Một câu dịch vô cùng tối nghĩa, rối rắm và quan trọng là hoàn toàn lạc đề. Một thập kỷ bị phiên dịch viên biến thành một năm! Sau hai lần hỏi lại, Tiến Đạt đánh liều trả lời: “Việt Nam đang vươn lên toàn cầu nhưng vấn đề này của Việt Nam cũng đang rất yếu nên em nghĩ trong năm tiếp theo cần phải mở nhập hội toàn cầu...".

Người phiên dịch một lần nữa khiến Tiến Đạt chính thức dừng chân ở top 6 khi điềm nhiên chuyển ý rằng: "Vấn đề lớn nhất của đất nước chúng tôi là mở rộng cửa để chào đón tất cả mọi người từ mọi quốc gia đến với đất nước chúng tôi".

Nếu như Nam Em thừa nhận cô không giỏi ngoại ngữ (bằng chứng là ở clip giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh, Nam Em phát âm còn yếu và sai nhiều) thì Tiến Đạt vỗ ngực bảo rằng tiếng Anh không là trở ngại gì, anh có thể giao lưu với người nước ngoài thoải mái.

Đây cũng là lý do mà ban tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm người mẫu thể hình Việt Nam 2016” – đơn vị đưa Tiến Đạt đi thi -  đưa ra trước lời xì xào, bàn tán về danh hiệu Á quân 2 của anh là không xứng tầm để đi thi quốc tế.

Thế nhưng, trước ngày lên đường, Tiến Đạt lại khiến thiên hạ chưng hửng khi hùng hồn tuyên bố trong một bài phỏng vấn: “Trong suốt quá trình tham dự cuộc thi Đạt sử dụng tiếng Anh để giao lưu cũng như học hỏi thêm với bạn bè quốc tế. Nhưng đến đêm chung kết nếu may mắn lọt vào vòng ứng xử thì Đạt sẽ sử dụng chính ngôn ngữ tiếng Việt để trả lời. Bởi vì Đạt muốn ngôn ngữ dân tộc mình được vang trên đấu trường quốc tế và chỉ có tiếng Việt mới có thể giúp Đạt bày tỏ hết tất cả những ý trong câu trả lời của mình.

Việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc trên đấu trường quốc tế mới là thể hiện đẳng cấp”. Quả thật, nếu anh thành thạo ngoại ngữ như tự khoe thì anh đã hiểu ý của câu hỏi đơn giản trên và không để cho phiên dịch thích xoay mình đi đâu thì xoay.

Do hạn chế tiếng Anh, Tiến Đạt có câu trả lời ứng xử lạc đề.

2.Những năm gần đây, khi các cuộc thi nhan sắc bùng nổ trong nước với đủ tên gọi từ hoa hậu, hoa khôi, người đẹp, nữ hoàng, nam vương... thì số lượng người đẹp dự thi quốc tế ngày càng nhiều. Ở một số cuộc thi trong nước, ngoại ngữ được coi là đầu vào để tuyển lựa thí sinh.

Chẳng hạn như chương trình truyền hình thực tế “Hoa khôi áo dài” phát sóng trên VTV6. Đây không khác gì lò luyện thí sinh cho các đấu trường nhan sắc thế giới. Bởi những vị trí cao nhất như hoa khôi, á khôi sẽ được cử đi tham gia “Hoa hậu Thế giới”, “Hoa hậu Quốc tế”, “Nữ hoàng Du lịch Quốc tế”...

Vào “Ngôi nhà sắc đẹp” của chương trình, các cô gái phải trải qua buổi rèn luyện kỹ năng, tìm hiểu kiến thức với các chuyên gia Việt Nam và quốc tế. Do đó, yêu cầu ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc. Vì vậy không ngạc nhiên khi các thí sinh bước ra từ cuộc thi này như Lan Khuê, Thúy Vân... đều đạt được thành tích đáng nể tại sân chơi danh giá như “Hoa hậu Thế giới 2015”, “Hoa hậu Quốc tế 2015”.

Đánh giá về tầm quan trọng của ngoại ngữ khi bước ra sân chơi quốc tế, Hoa hậu Hoàn vũ 2015 Phạm Hương cho rằng tiếng Anh là hành trang rất quan trọng để giao lưu với thí sinh nước bạn, hiểu yêu cầu cũng như nội quy cuộc thi, trả lời các cuộc phỏng vấn.

Theo thông lệ, mỗi thí sinh đều được ban tổ chức bố trí cho một người phiên dịch. Thế nhưng, theo Phạm Hương, phiên dịch viên  không thể luôn kè kè bên bạn, họ chỉ xuất hiện để hỗ trợ thí sinh ở các cuộc phỏng vấn quan trọng với ban tổ chức. Nếu không có một vốn tiếng Anh nhất định thì trong hàng loạt buổi giao lưu bên lề nhỏ lẻ, các cuộc tiếp xúc với truyền thông quốc tế, bạn sẽ bị mất điểm trầm trọng.

Riêng Á hậu Dương Trương Thiên Lý lại cho rằng ngoại ngữ chỉ là một trong những điều kiện đủ, nghĩa là có nó thì càng tốt, không có cũng chẳng sao. “Tôi từng nhìn thấy các hoa hậu thế giới chinh phục lòng người mà không cần đến ngôn từ. Ở các cuộc thi sắc đẹp, điều quan trọng nhất vẫn là thần thái của bạn, nét đẹp được truyền tải qua ánh mắt, nụ cười, dáng đi... Nếu giỏi ngoại ngữ mà các yếu tố khác kém cỏi thì thí sinh cũng không làm nên chuyện” – cô nói.

Không hiếm trường hợp thí sinh đăng quang ngôi vị cao nhất nhưng họ không hề giỏi tiếng Anh. Chẳng hạn như Vu Văn Hà (Trung Quốc) nói tiếng mẹ đẻ trong đêm chung kết nhưng vẫn lên ngôi “Hoa hậu Thế giới 2012”. Hoa hậu Thế giới 2007 Trương Tử Lâm cũng không hề giỏi tiếng Anh. Hay như hoa hậu người Nhật Bản Ryo Mori vẫn chọn nói tiếng Nhật trong phần ứng xử. Trả lời bằng tiếng mẹ đẻ vốn được coi là chiêu “câu thời gian” khéo léo của nhiều người đẹp quốc tế. Dù họ rất giỏi tiếng Anh, nhưng nhờ thời gian chờ người phiên dịch chuyển ngữ câu hỏi, họ có thể suy nghĩ kỹ hơn để có câu trả lời ấn tượng.

Đáng tiếc, Nam Em và Tiến Đạt lại đụng phải phiên dịch viên quá tồi. Tai nạn này lật lại mặt trái của việc yếu kém ngoại ngữ. Nó khẳng định rằng tiếng Anh  không còn là điều có cũng được, không có cũng chẳng sao. Bởi nếu muốn xài chiêu dùng tiếng mẹ đẻ, thì ít nhất cũng có vốn tiếng Anh “đủ xài” để tự mình bóc mẽ và thoát khỏi thảm họa dịch thuật của những phiên dịch viên tồi.

Phan Thi Uyên
.
.