Nhan sắc Việt: Cần chiến lược lâu dài để chinh phục những danh hiệu quốc tế

Thứ Hai, 27/06/2016, 08:00
Theo công bố của chuyên trang Global Beauties thì năm 2015, nhan sắc Việt Nam đã tăng được 11 bậc (từ 35 lên 24) của thế giới. Đó thực sự là một tin vui đối với bản đồ nhan sắc Việt sau một thời gian dài không thăng hạng. Tuy nhiên, có thể duy trì được vị trí đó hay không và để những danh hiệu quốc tế có gọi tên nhan sắc Việt vẫn là một điều khó chúng ta phải vượt qua.


Theo quy định gần đây, mỗi năm sẽ chỉ có 3 cuộc thi được tổ chức với quy mô ở cấp quốc gia, vì vậy năm 2016 sẽ có 3 cuộc thi chính thức là "Hoa hậu Biển Việt Nam" (đã tổ chức cuối tháng 5), "Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu" (lần đầu tiên tổ chức, quy tụ các người đẹp Việt đến từ nhiều quốc gia, châu lục, dự kiến chung kết vào đầu tháng 7 tại Thanh Hóa) và cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam" (dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 13 - 7 đến 25- 8 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, để có được lượng thí sinh cung cấp cho các cuộc thi này thì đã có nhiều cuộc thi nhan sắc nhỏ lẻ cấp địa phương được tổ chức như "Người đẹp Du lịch Huế","Người đẹp lễ hội Làng Sen", "Người đẹp các tỉnh phía Bắc"... cùng không ít những cuộc thi người đẹp, Hoa khôi cấp trường hay ngành nghề.

Danh hiệu tại các cuộc thi nhan sắc luôn là ước mơ của không ít cô gái trẻ.

Vì hạn chế thi người đẹp trực tiếp, người ta lại nghĩ ra cách tổ chức thi người đẹp, người mẫu theo kiểu các chương trình truyền hình thực tế. Và thế là sau "Vietnam Next top model" có "Hoa khôi áo dài, đường tới vương miện" đã sang đến mùa thứ 2 và gần đây nhất là "Gương mặt thương hiệu" (The Face) vừa phát sóng trung tuần tháng 6 trên Đài truyền hình.

Như vậy, dù đã siết chặt nhưng số lượng các cuộc thi tầm quốc gia đã lên tới con số 6, chưa kể tới những cuộc thi nhỏ lẻ cấp ban ngành, địa phương kể trên. Loanh quanh luẩn quẩn, tình trạng có quá nhiều cuộc thi nhan sắc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Chỉ tính riêng 6 - 7 cuộc thi cấp quốc gia ấy, chỉ tính những người có danh hiệu thì mỗi năm, chúng ta đã có khoảng hơn chục người đẹp "có số má" để có thể tham dự tiếp các cuộc thi mang tầm quốc tế. Đó là một con số không nhỏ, thậm chí có thể coi là nguồn nhân lực dồi dào để Việt Nam "mang chuông đi đấm xứ người" trên đấu trường sắc đẹp.

Xét về những chỉ số mà các trang web nhan sắc uy tín của thế giới bình chọn thì năm 2015 là một năm có nhiều tín hiệu đáng mừng. Ngoài Global Beauties thì hệ thống chấm điểm của các cuộc thi sắc đẹp Grand Slam đã công bố nhan sắc Việt Nam tăng lên 3 bậc (từ vị trí 34 lên vị trí 31). Việt Nam giành được 18, 32 điểm trong hệ thống chấm điểm này. Trong đó 8,52 điểm nhờ cuộc thi "Hoa hậu Thế giới", 1,2 điểm sau cuộc thi "Hoa hậu Hoàn vũ", 5,4 điểm tại "Hoa hậu Siêu quốc gia" và 3,1 điểm trong cuộc thi "Hoa hậu Quốc tế".

Có được những chỉ số thăng hạng đó phải kể tới những gương mặt người đẹp đã tham gia những cuộc thi nhan sắc ấy. Cùng với Phạm Hương, Lan Khuê thì người đẹp Thúy Vân đã có được thành tích tốt nhất. Lần đầu tiên chúng ta có thí sinh lọt vào vòng ứng xử một kỳ "Hoa hậu Quốc tế" (Miss Internationnal) với giải Á hậu 3. Đó là một thành tích đáng tự hào.

Mới đây, Phạm Hương và Lan Khuê tiếp tục giữ vị trí thứ 10 và 19 trong Top 20 "Hoa hậu đẹp nhất năm 2015" do trang Missosology - diễn đàn sắc đẹp nổi tiếng - bầu chọn. Riêng trên trang Global Beauties, Lan Khuê cũng là người đẹp duy nhất lọt Top 50 người phụ nữ đẹp nhất hành tinh của năm 2015...

Dù chúng ta có tự hào rằng chúng ta có nhiều cuộc thi nhan sắc, nhiều hoa hậu, người đẹp thì cuối cùng để vị trí được tăng cao trong bản đồ nhan sắc thế giới bắt buộc chúng ta phải có những nhân tố xuất sắc, những người đẹp đạt được giải cao ở những cuộc thi chính quy mang tầm quốc tế.

Chúng ta vừa mừng khi có Phạm Hương, Lan Khuê, Thúy Vân được đánh giá là những thí sinh hội tụ được khá đầy đủ sắc đẹp, sự tự tin, biết cách làm mình tỏa sáng và khá thiện chiến nhưng ngay sau đó, chúng ta rơi vào mối lo lắng không nhỏ. Ai sẽ là những người tiếp theo giúp chúng ta duy trì được vị trí vừa đạt được.

Nếu nhìn vào những gương mặt vừa dành được vị trí cao nhất tại các cuộc thi trong nước sẽ khó có được sự yên tâm tuyệt đối. Phạm Thùy Trang với danh hiệu "Hoa hậu Biển" hay "Hoa khôi Áo dài Việt Nam" Trương Thị Diệu Ngọc chưa thực sự tạo được niềm tin là có thể cáng đáng được trọng trách ở những cuộc cạnh tranh mang tính quốc tế bởi sự thể hiện của họ ở các cuộc thi trong nước đã khá mờ nhạt.

Dù là chủ nhân của "Hoa hậu Việt Nam 2014" nhưng "người cũ" Kỳ Duyên thật khó thuyết phục được dư luận ủng hộ để cô tham dự "Hoa hậu Thế giới 2016". Những gì cô thể hiện trong 2 năm giữ vương miện chưa ghi được dấu ấn nổi trội nếu không muốn nói tới những ứng xử khiến dư luận "mếch lòng". Còn 2 cuộc thi nữa để chúng ta có thể đón chờ là "Hoa hậu Việt Nam" và "Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu".

Tuy nhiên, với thời gian gấp rút, việc chủ nhân của những vương miện này nếu có tham gia những cuộc thi quốc tế cũng thật khó có được hy vọng đạt được thứ hạng cao. Ngoài ra, một số cái tên đang được dư luận hướng đến cho các cuộc thi nhan sắc quốc tế là "Hoa hậu Việt Nam 2012" Đặng Thu Thảo, Á hậu Việt Nam 2014 Huyền My. Tuy nhiên vẫn chưa có được những thông tin chính thức từ những người đẹp này cũng như của những đơn vị có chức năng đưa người đẹp dự thi.

Thúy Vân - một trong những người đẹp giúp nhan sắc Việt thăng hạng trên bản đồ quốc tế.

Không thể phủ nhận, người Việt Nam yêu chuộng cái đẹp. Chính vì thế, mỗi khi người đẹp trong nước tham gia các cuộc thi quốc tế luôn được cổ vũ nhiệt tình. Tuy nhiên, những thất bại liên tiếp của những người đẹp Việt tại đấu trường quốc tế khiến chúng ta phải nhìn lại sự đầu tư lâu dài ở lĩnh vực này. Có một sự thật là lâu nay những người đẹp Việt Nam thường có được sự bình chọn rất lớn trên mạng nhưng tới đêm chung kết lại thường không giành được những vị trí như kỳ vọng.

Điều này khiến người hâm mộ ngỡ ngàng, thậm chí hụt hẫng. Tuy nhiên, sự thật lại rất đơn giản. Đôi khi chúng ta quá cảm tính nên đặt nhiều kỳ vọng vào những bộ ảnh đã được chỉnh sửa đẹp không tì vết để rồi cho rằng, nhất định người đẹp Việt phải đạt được thứ hạng cao. Nhưng với những cuộc thi quốc tế chính quy, có uy tín thì sự lung linh qua từng bộ ảnh chỉ là thứ yếu. Họ có đủ thời gian, chuyên môn để thẩm định nhan sắc thực, tài năng, phong thái, sự hiểu biết của từng người đẹp.

Gần đây, dù chúng ta đã cải thiện được những vấn đề về hình thể, nhan sắc nhưng trở ngại lớn nhất của những người đẹp Việt vẫn là ngoại ngữ, phong thái ứng xử và khả năng thể hiện trước công chúng. Chưa kể, chuẩn nhan sắc của chúng ta với thế giới vẫn còn những khác biệt. Trong khi người Việt chuộng vẻ dịu dàng cùng nét hài hòa trên khuôn mặt, hình thể thì các cuộc thi quốc tế ưa vẻ đẹp sắc sảo, cá tính, gợi cảm. Vì vậy, muốn có được những giải thưởng như kỳ vọng, bắt buộc chúng ta phải có sự điều chỉnh quan niệm về nhan sắc cho phù hợp. Lâu nay, chúng ta cũng bị rơi vào vòng băn khoăn: Chọn người đẹp mang vẻ đẹp thuần Việt hay vẻ đẹp có tính quốc tế để tham dự?

Sự thành công của người đẹp Thúy Vân là minh chứng cho kết quả của việc đầu tư lâu dài. Cô được học ngoại ngữ từ nhỏ, được rèn luyện trong những môi trường có sự tiếp xúc cao như dẫn chương trình, làm người mẫu. Chính vì vậy, sự tự tin thể hiện mình trong cuộc thi có tính cạnh tranh rất cao đã mang về cho Thúy Vân một kết quả đáng tự hào. Không có được một chiến lược lâu dài khiến nhan sắc Việt khi đi thi quốc tế rơi vào tình trạng "ăn đong". Năm nào may mắn có ứng cử viên sáng giá, hội tụ được nhiều yếu tố thì năm đó hy vọng. Có năm chỉ cử đại diện tham gia theo diện "để cho có". Nếu không thay đổi được điều này thì nhan sắc Việt liệu có duy trì được vị trí cao trong bảng xếp hạng quốc tế rất phập phù và người đẹp Việt sẽ chỉ mãi là những "nhân tố bí ẩn" .

Khánh Thảo
.
.