Điện ảnh Việt cần nhiều hơn con số doanh thu

Thứ Năm, 29/04/2021, 15:54
Doanh thu 300, 400 tỉ như phim "Bố già" của Trấn Thành đã trở thành ước mơ to lớn của nhiều nhà làm phim Việt nhưng lại là những con số quá nhỏ so với những gì điện ảnh Việt cần để có thể sánh ngang với "các cường quốc năm châu".


Một nền điện ảnh tụt hậu?

Trở thành hiện tượng phòng vé khi đạt doanh thu 400 tỉ đồng, mở ra giấc mơ mới dành cho điện ảnh Việt, nhưng sự thành công của "Bố già" không hoàn toàn đến từ chính bản chất của tác phẩm. Phải khách quan thừa nhận rằng, với những hạt sạn trong kịch bản, diễn xuất, âm thanh, hình ảnh mà "Bố già" mắc phải thì đứa con tinh thần của Trấn Thành thực chất chỉ là một bộ phim thị trường thuộc mức khá, đánh vào thị hiếu người xem và tạo nên cơn sốt doanh thu.

Trong khi điện ảnh Việt Nam đang ăn mừng về con số 400 tỉ, người bạn láng giềng Hàn Quốc lại khiến cho cả thế giới phải trầm trồ vì tiếp tục có một tác phẩm nhận được 6 đề cử giải Oscar. Các tác phẩm của đất nước này cũng luôn được đánh giá cao tại các liên hoan phim, lễ trao giải. 

Hiếm ai biết rằng, xuất phát điểm của nền điện ảnh Hàn Quốc và Việt Nam chỉ cách nhau có 4 năm lịch sử. Hàn Quốc có tác phẩm điện ảnh đầu tiên vào năm 1919, trong khi đó Việt Nam là 1923. Nhưng giờ đây, khi không ít tác phẩm trình chiếu màn ảnh rộng của xứ sở Kim Chi được đánh giá là đủ sức đánh bật các bom tấn đến từ Hollywood, điện ảnh Việt lại bị chính các nhà làm phim trong nước đánh giá là tụt hậu.

“Bố già” cán mốc doanh thu 400 tỉ sau 1 tháng phát hành.

Phải nói, chúng ta đã từng có thời kì hoàng kim, với một thế hệ đạo diễn tài danh như Hồng Sến, Nguyễn Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Phạm Văn Khoa, Bùi Đình Hạc... được vinh dự nhận những giải thưởng danh giá tại nhiều liên hoan phim quốc tế. Rồi sau đó ta có Tony Bùi ("Ba mùa", "Rồng xanh",...), Nguyễn Võ Nghiêm Minh ("Mùa len trâu", "Nước - 2030") và đặc biệt là Trần Anh Hùng ("Mùi đu đủ xanh", "Xích lô", "Mùa hè chiều thẳng đứng"...) trong đó "Mùi đu đủ xanh" là 1 trong 2 phim đến từ Đông Nam Á được đề cử cho hạng mục Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. 

Nhưng rồi kể từ đó cho đến nay đã hơn 20 năm, các tác phẩm Việt Nam chỉ loanh quanh trong nước và "mon men đến các liên hoan phim hạng hai, hầu hết đều do đơn vị sản xuất hoặc đạo diễn tự làm thủ tục gửi dự thi" (theo lời đạo diễn Bùi Thạc Chuyên). Ước mơ 400 tỉ đâu thể giúp gì cho một nền điện ảnh đang đi lùi so với bước tiến của xã hội. Chúng ta cần làm nên nhiều kỳ tích hơn con số đó.

Vì sao "Bố già" vẫn chưa đủ với điện ảnh Việt

Đối tượng của "Bố già" lớn, trải dài nhiều độ tuổi, nghề nghiệp, chú trọng đến tầng lớp bình dân nên phim có nội dung đơn giản, dễ hiểu, thậm chí là có phần huỵch toẹt  toàn bộ ý tứ, suy nghĩ, cảm xúc phim. Điều này khiến phim vi phạm vào quy tắc vàng "show, don't tell" (diễn, đừng nói ra), một quy tắc yêu cầu các tác phẩm điện ảnh tiết chế việc kể lể nhất có thể để tập trung thể hiện câu chuyện qua ngôn ngữ điện ảnh - hình ảnh. Vì vậy, "Bố già" không có nhiều tính nghệ thuật mà chỉ mang lại giá trị ở bề mặt, những giá trị hời hợt, dễ gây ấn tượng nhưng cũng dễ bị quên đi, hệt những lời dạy đầy giáo điều, sáo rỗng được ta chép để kết thúc bài tập làm văn lúc còn nhỏ. 

Tuy nhiên, vì hướng đi của "Bố già" từ ban đầu đã là làm hài lòng số đông, mục đích của "Bố già" là tạo nên những kỉ lục phòng vé, nên đây là lựa chọn dễ hiểu. Xét trên khía cạnh nhà sản xuất, đây còn là một lựa chọn thông minh. Thế nhưng nếu những lựa chọn như vậy cứ tiếp diễn, điện ảnh Việt rồi sẽ chỉ dừng lại ở đáp ứng thị hiếu khán giả mà tiếp tục dậm chân tại chỗ.

“Mùa hè chiều thẳng đứng” từng được đề cử tại lễ trao giải Oscar danh giá.

Nhìn sang điện ảnh Hàn Quốc với những cái tên danh giá như Bong Joon Ho, Park Chan Wook, Kim Ki Duk, Noh Hong Jin,... Tác phẩm của họ luôn được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn quốc tế vì tính nghệ thuật cùng cái tôi nghệ sĩ thể hiện rất rõ ràng. Trong đó, Bong Joon Ho hay Noh Hong Jin là hai vị đạo diễn có thể tạo nên các bộ phim được kết hợp hài hoà giữa dòng phim nghệ thuật và phim thị trường, có thành tích doanh thu phòng vé rất cao.

Các đạo diễn gạo cội xứ Hàn luôn dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, xây dựng kịch bản một cách kĩ lưỡng, tạo nền móng vững chắc cho tác phẩm. Với "Parasite" (Kí sinh trùng) tạo nên cơn sốt lớn năm 2019, Bong Joon Ho đã ấp ủ đứa con tinh thần ấy suốt 19 năm trời. Họ tuân thủ theo những quy định tối thiểu của điện ảnh như quy tắc chương hồi, tận dụng ngôn ngữ hình ảnh, nhưng đồng thời cũng không ngừng tạo ra cái mới để ghi dấu dấu ấn của cái tôi cá nhân. Sự đầu tư về tâm sức lẫn trí lực của những đạo diễn lớn này hướng đến mục đích đầu tiên, lớn nhất là tạo nên một tác phẩm nghệ thuật danh giá đại diện cho chính họ, chứ không phải là dễ dãi đi theo nhu cầu của phần đông khán giả.

Trong khi đó, những năm gần đây, điện ảnh Việt dần bị những xu hướng xã hội "dắt mũi" dẫn đi. 10 tác phẩm ra rạp, đến phân nửa có kịch bản xuất hiện các yếu tố ngoại tình, những cú twist (ngoặt) ngang ngược mặc kệ logic. Các sự kiện nóng hổi trong xã hội được chất đầy vào phim mà không được chọn lọc kĩ lưỡng. Sự "kéo đàn kéo cánh" này nảy sinh từ tư duy cố chấp ăn theo thành công của một tác phẩm đi trước mà không hề tính toán đến bức tranh tổng thể. 

Biên kịch lười biếng, khai thác phim theo hướng dễ dãi để rồi rơi vào vết xe đổ của những lối mòn nhàm chán. Từ đó, nội dung đa phần các phim Việt không có tính bất ngờ, không mang theo nhiều giá trị nhân văn mà chỉ "mì ăn liền" để đảm bảo tính giải trí. Nói vậy không có nghĩa là không có một tác phẩm nào của điện ảnh Việt đầu tư kĩ lưỡng. Nhưng "một cánh én không thể làm nên mùa xuân", một bộ phim không thể giúp nâng tầm cả một nền điện ảnh.

Trái ngược với vấn đề kịch bản, hình ảnh trong phim Việt kể từ dấu mốc "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đã ngày càng chỉn chu, đẹp mắt, thậm chí là sánh ngang với thế giới. Nhưng dần, nhà làm phim lại lấy đây là một yếu tố lớn, được ưu tiên khai thác để che mờ các lỗ hổng trong kịch bản. Do đó, đa phần các phim đều có hình ảnh đẹp nhưng không tương thích với nội dung. Làng quê Việt Nam thời chiến tranh lại non xanh nước biếc như  giai đoạn... nông thôn mới, cuộc sống mưu sinh của người dân lao động thì lãng mạn và sang trọng đến chối mắt. Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm đã từng nhận xét hiện tượng này giống như "những gánh hàng rong được trang trí trong khu resort nghỉ mát".

Con đường nào để chấn hưng điện ảnh Việt

Không ít bài viết đã chỉ ra ra rằng, để chấn hưng điện ảnh Việt thì đầu tiên, Nhà nước phải mở ra những cơ hội lớn hơn dành cho bộ môn nghệ thuật này. Quả thật, chính sách cùng các quy định kiểm duyệt tại Việt Nam xét về khía cạnh nào đó có phần trở thành gọng kìm kìm hãm những cái tôi nghệ thuật phát triển. Trong sự kiểm duyệt gắt gao của các cơ quan chức n, đến bao giờ điện ảnh Việt mới làm đúng chức năng phản ánh, lên án hiện thực mạnh mẽ như cách Hàn Quốc hay Nhật Bản đang làm. Và làm sao người ta thoải mái sáng tạo, bung ra những ý tưởng táo bạo nếu phải đứng trước vô số rủi ro thua lỗ hay thậm chí là tiêu hủy sản phẩm.

Nhưng không thể vì thế mà người làm phim chỉ biết ngồi chờ.  Kịch bản như tâm hồn của một tác phẩm, tuy nhiên ở Việt Nam, khâu đào tạo biên kịch, sáng tác kịch bản vẫn chưa coi trọng và nhận được những đãi ngộ tương ứng. Từ đó dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt kịch bản phim giải trí gây cười có nội dung nông cạn, thậm chí còn mở ra khái niệm "phim hài nhảm". Kể cả có thử sức với những thể loại khác, chất lượng nội dung của phim Việt vẫn vô cùng thấp. Người yêu phim, đặc biệt là phim Việt luôn khao khát có một bộ phim sở hữu kịch bản gốc có chất lượng tiêu chuẩn, được đầu tư chỉn chu, tập trung khai thác vào chiều sâu.

Biên kịch Bình Bồng Bột đã chia sẻ: "Điện ảnh Việt cần những bước tiến mới về chất lượng, để có thể vượt qua tình trạng "thoi thóp" vì tụt hậu và sánh vai với các cường quốc năm châu".

Thái An
.
.