Điện ảnh Việt Nam: Thấy gì qua những "kỷ lục" Việt hóa?

Chủ Nhật, 18/03/2018, 08:07
Năm 2015, khi bộ phim "Em là bà nội của anh" xác lập kỷ lục doanh thu phòng vé Việt Nam với tiền bán vé thu về tới 102 tỷ đồng, vượt qua "Để Mai tính 2" đúng 1 tỷ, nhiều người đã nhìn thấy một tín hiệu phát triển tích cực của điện ảnh Việt đương đại. Nhưng đằng sau tín hiệu tích cực ấy là gì? Thực sự, nó là một mối lo ngại cực lớn...


Đầu tháng 3-2018, bộ phim Việt hoá (mà theo cách gọi thông thường là remake) có tên "Tháng năm rực rỡ'" chính thức ra rạp. Nếu xem lại các đánh giá phim trên báo chí, cũng như trên mạng xã hội, chắc hẳn chúng ta sẽ cảm thấy bị kích thích, muốn tới rạp để xem xúc cảm mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã mang lại là như thế nào. Nhưng lác đác trong những đánh giá chung vẫn có vài ý kiến chưa đánh giá cao chất lượng của phim, đặc biệt là khi so sánh nó với phiên bản gốc của Hàn Quốc. Song, dù khen hay chưa khen, ai cũng phải thừa nhận, "Tháng năm rực rỡ" chắc chắn sẽ cán đích doanh thu rất lớn.

Đừng vội suy nghĩ rằng một kịch bản Việt hoá chặt chẽ, chỉn chu cùng thương hiệu Nguyễn Quang Dũng và những xúc cảm thực tế mà phim mang lại chính là chìa khoá đảm bảo thành công về doanh thu cho "Tháng năm rực rỡ". Chìa khoá nằm ở nơi khác, ở một cái tên đến từ Hàn Quốc. Đó là CJ Entertaiment, nhà đồng sản xuất bộ phim, và "anh em ruột thịt của nó" là cụm rạp CGV, những đơn vị tham gia thị trường điện ảnh Việt Nam mà nhiều người phải khiếp sợ.

Dàn diễn viên trẻ trung xinh đẹp trong bộ phim “Tháng năm rực rỡ”.

Hiện nay, CJ CGV đang sở hữu 52 cụm rạp trên toàn quốc (thống kê tính đến cuối năm 2017) và mỗi ngày, mỗi cụm rạp này đang ra sức "đẩy" "Tháng năm rực rỡ" với khoảng từ 15-17 suất chiếu. Như vậy, tính tổng thể trên cả nước, mỗi ngày "Tháng năm rực rỡ" có khoảng 1.000 suất chiếu đồng thời ở mỗi cụm rạp, một con số đáng mơ ước. 1.000 suất chiếu đồng thời ấy cho thấy chuyện "Tháng năm rực rỡ" cán đích 100 tỷ doanh thu sau 1 tháng ra mắt là hoàn toàn có thể xảy ra.

Điều gì sẽ xảy ra nếu "Tháng năm rực rỡ" là một bộ phim của Nguyễn Quang Dũng ở thời khác, mà điển hình là "Nụ hôn thần chết" mà cụ thể là bộ phim ấy sẽ không có cái tên CJ Entertaiment gắn liền ở vai trò đồng sản xuất? Lúc ấy, khó có khả năng CGV sẽ để "Tháng năm rực rỡ" được đi trọn vẹn một tháng ở tất cả các cụm rạp, với ưu đãi áp đảo về suất chiếu và phòng chiếu.

Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao CJ Entertaiment lại hào hứng đầu tư cho một phim Việt, trong khi đơn giản hơn, họ hoàn toàn có thể nhập phim bom tấn của Hollywood và ưu ái nó (như Black Panther chẳng hạn), một việc ít rủi ro và mạo hiểm hơn?

Dễ hiểu, vì "Tháng năm rực rỡ" là một kịch bản phim Hàn Quốc, với tên của phiên bản gốc là "Sunny". Và bản gốc ấy cũng được sản xuất bởi chính tập đoàn mẹ của CJ Entertaiment, một kịch bản kinh doanh giống y như "Em là bà nội của anh" (bản gốc là Miss Granny).

Và thực chất, cũng chẳng có rủi ro gì mấy với họ ở thời đại văn hoá đại chúng Việt Nam đang bị xâm thực mạnh mẽ bởi các lực lượng ngoại lai mà Hàn Quốc là một điển hình. Bởi thế, việc một hãng giải trí Hàn Quốc, tiền nhiều lực mạnh, thay vì ưu ái phim bom tấn Hollywood hoặc một phim Việt nội địa hoá hoàn toàn, sử dụng chính văn hoá Hàn Quốc thâm nhập vào thị trường Việt Nam, quảng bá rầm rộ, truyền thông ồ ạt, thúc đẩy tiêu thụ bằng mọi cách… có lẽ không còn là chuyện lạ.

Và nếu chúng ta muốn thực sự biết được sức mạnh của CJ ở Việt Nam là như thế nào, chỉ cần nhìn lại hai bộ phim có liên quan đến nhau là ''Để Mai tính'' và ''Để Mai tính 2''. Nếu ''Để Mai tính'' năm 2010 chỉ bán được 18 tỷ tiền vé thì 4 năm sau, phần 2 của nó lập kỷ lục với mức 101 tỷ. Chất lượng phần 2 không xuất sắc hơn phần 1 và kịch bản cũng không bất ngờ hơn.

Song, cơ bản là ở phần 2, CJ đã tham gia với vai trò đồng sản xuất. Điều đó cho thấy sức mạnh của CJ là như thế nào và như trong báo cáo gửi Quốc hội hồi cuối 2017 của Hiệp hội Phát hành & Phổ biến phim Việt Nam, hiện nay CGV đang nắm giữ 43% thị phần rạp chiếu phim; 20% nằm trong tay một nhà đầu tư Hàn Quốc khác là Lotte.

Cũng chính trong báo cáo này nêu rõ, việc để nhà đầu tư nước ngoài chi phối thị trường rạp chiếu khiến cho các phim hoàn toàn do nhà sản xuất Việt Nam đầu tư gặp khó khăn vô cùng nếu không chấp thuận theo đúng các điều khoản hợp tác mà những nhà đầu tư nước ngoài đặt ra. Nói ngắn gọn, phim Việt đang phải chơi bằng luật chơi của người nước ngoài ngay trên quê nhà.

Một con số để so sánh và chúng ta có thể suy ngẫm từ con số ấy là tỷ lệ thị phần cụm rạp nằm trong tay đơn vị nội địa ở Thái Lan hiện nay là 80%, ở Indonesia là 70% và ở Malaysia là hơn 70%. Với con số như thế, thử hỏi tại sao nền điện ảnh của họ không có đất để phát triển, đặc biệt là họ lại có thêm các quy định rất hợp lý, đủ sức bảo hộ một cách đúng luật chơi đối với văn hoá trong nước.

Nên nhớ, điện ảnh là một ngành công nghiệp nhưng nó cũng là một công cụ để tuyền truyền văn hoá, nếu không nói là một công cụ rất hữu hiệu. Để công cụ ấy rơi vào tay người nước ngoài, chắc chắn chúng ta sẽ ngày một tạo ra những thế hệ phụ thuộc về văn hoá và dẫn đến tiêu thụ cũng phụ thuộc.

Ở năm 2017 vừa rồi, nếu ở mảng truyền hình, Bộ Thông tin - Truyền thông đã có quy định rõ ràng rằng thời lượng giờ vàng phim Việt phải là 30% thì phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn còn ngồi im trước tình trạng thị trường điện ảnh Việt gần như không có "quota" cụ thể nào để bảo vệ những nhà sản xuất nội địa cả. Mà tình trạng ấy, thực sự đã được phản ảnh mạnh mẽ từ vài năm nay rồi… 
Hà Quang Minh
.
.