Điện ảnh Việt Nam: Ghi dấu ở các giải thưởng quốc tế

Thứ Sáu, 14/09/2018, 07:57
Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương vừa tổ chức tại Đài Loan vào những ngày cuối tháng 8-2018. Tại đây, bộ phim "Đảo của dân ngụ cư" của điện ảnh Việt Nam đã vinh dự đoạt giải "Best Story" - giải Câu chuyện sáng tạo nhất, và gương mặt trẻ - nữ diễn viên Ngọc Thanh Tâm được vinh danh tại hạng mục "Special Jury Award" - Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo dành cho diễn viên xuất sắc nhất, nối dài thêm danh sách những bộ phim và gương mặt diễn viên Việt Nam đoạt giải cao ở các giải thưởng quốc tế từ trước đến nay.


Những dấu ấn đáng kể

Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương "Asia Pacific Film Festival - APFF" (viết tắt LHP APFF) là một Đại hội điện ảnh Châu Á được tổ chức hàng năm tại mỗi một quốc gia bởi  sáng kiến của Hội đồng giám đốc Liên đoàn các Nhà sản xuất Phim ảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. APFF bao gồm 21 nước thành viên thuộc Châu Á và các quốc gia ở Thái Bình Dương như Australia, New Zealand. Liên hoan đầu tiên được tổ chức năm 1954 tại Đài Loan.

Từng được xem là một sự kiện điện ảnh nổi bật và có uy tín cao trong nhiều thập kỷ bởi những hoạt động liên quan đến chuyên môn nghệ thuật. Tại APFF lần thứ 46, Liên bang Nga chính thức gia nhập và xin đăng cai tổ chức LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 49 tại Moskva năm 2004. Với quy mô phủ khắp châu Á, Thái Bình Dương và một phần châu Âu, mỗi kỳ APFF lần lượt được tổ chức ở các nước thành viên chứ không cố định tại một quốc gia nào.

Các hạng mục giải thưởng của LHP rất đa dạng và tương đối đầy đủ như bất kỳ một LHP quốc tế lâu năm nào trên thế giới gồm "Phim xuất sắc", "Kịch bản xuất sắc", "Đạo diễn xuất sắc", "Nam/Nữ diễn viên chính/phụ xuất sắc"… Ngoài ra còn có các giải "Quay phim", "Dựng phim", "Âm thanh", giải cho phim "Tài liệu", "Hoạt hình", "Phim ngắn", "Giải thưởng đặc biệt của BGK", "Giải thành tựu…".

Khán giả Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội ấn tượng sâu đậm bởi kỳ liên hoan APFF lần thứ 45 diễn ra vào năm 2000 do Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức tại Hà Nội. Nó đã trở thành một sự kiện văn hóa lớn, thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng nhân dân Thủ đô cũng như người hâm mộ bộ môn nghệ thuật thứ 7 này.

Diễn viên Ngọc Thanh Tâm đoạt giải "Special Jury Award"- Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo dành cho diễn viên xuất sắc nhất trong LHP APFF.

Đêm trao giải APFF lần thứ 45 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô vô cùng sôi động khi người hâm mộ đứng tràn hai bên đường để chào đón hai diễn viên nổi tiếng của Hong Kong là Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc. Cặp sao đóng vai chính trong "Tâm trạng khi yêu " (In the mood for love), cũng tham gia tranh giải "Phim xuất sắc nhất". Tuy nhiên, cuối cùng phim "Đời Cát" của Việt Nam đã giành chiến thắng đồng thời vai Nữ chính xuất sắc nhất được trao cho diễn viên Mai Hoa. Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc là khách mời đêm trao giải này.

Đáng tiếc cùng với thời gian, Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương dần dần đánh mất uy tín do mật độ tổ chức Liên hoan một năm một lần, cùng với việc bản thân APFF phải cạnh tranh khốc liệt với các LHP Châu Á khác như LHP Busan, LHP quốc tế Đubai, LHP quốc tế Asean - AIFFA, Liên hoan phim Toàn cầu (Film Festival of Globe).v.v.v. chưa kể đến các Liên hoan phim quốc tế như Quả cầu vàng, Cành cọ vàng, giải Sư tử vàng, và đỉnh cao là giải Oscar... thế nên APFF ngày càng thiếu tính đầu tư,  thiếu chuyên nghiệp trong công tác tổ chức khiến cho APFF dần dần mất đi thương hiệu và không còn thu hút khán giả đặc biệt quan tâm. Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương từng bị huỷ vài lần do ít khách mời tham dự. Những năm gần đây, APFF đang dần cố gắng phục hồi vị thế của mình.

Tại Liên hoan phim APFF, ngoài giải thưởng chính cho phim xuất sắc nhất được trao cho bộ phim "Đời cát", đến Liên hoan phim lần thứ 51 năm 2007, điện ảnh Việt Nam cũng giành thêm được nhiều giải thưởng ở các Hạng mục quan trọng với giải Phim tài liệu hay nhất thuộc về phim "Thời gian còn lại". Phim "Chuyện của Pao" giành giải đặc biệt của Ban giám khảo.

Và mới đây nhất, tại Liên hoan phim APFF năm 2018, điện ảnh Việt Nam tiếp thục gặt hái thêm thành công khi bộ phim "Đảo của dân ngụ cư" dành giải ""Best Story - Câu chuyện sáng tạo nhất" và nữ diễn viên Ngọc Thanh Tâm dành giải "Special Jury Award - Giải đặc biệt của Ban giám khảo dành cho diễn viên xuất sắc.

Tiếp tục nỗ lực vinh danh trên đấu trường quốc tế

Tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương năm 2018 vừa qua, Việt Nam có 5 dự án điện ảnh tham dự và tranh giải ở các hạng mục khác nhau gồm phim: "Em chưa 18", "Đảo của dân ngụ cư", "Cô gái đến từ hôm qua", "Cô Ba Sài Gòn", "Khi con là nhà". 

Cuối cùng, vinh quang thuộc về  bộ phim "Đảo của dân ngụ cư" và nữ diễn viên chính Ngọc Thanh Tâm. "Đảo của dân ngụ cư" là phim đầu tay của đạo diễn Hồng Ánh và được nhà văn Nguyễn Quang Lập chuyển thể kịch bản từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến.

Có một sự "gặp nhau" khá thú vị ở những thành công đáng tự hào giữa đạo diễn trẻ Hồng Ánh và diễn viên trẻ Ngọc Thanh Tâm - vai nữ chính của bộ phim đầu tay Hồng Ánh làm đạo diễn. Trước đó, khi còn là diễn viên, Hồng Ánh cũng đã từng gặt hái vinh quang qua giải thưởng "Nữ diễn viên xuất sắc" trong phim "Trăng nơi đáy giếng" tại Liên hoan phim quốc tế Dubai.

Thành công của Hồng Ánh ghi dấu lần đầu tiên, diễn viên Việt Nam đoạt giải "Nữ diễn viên xuất sắc" tại Liên hoan phim uy tín này. Cô cũng từng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả với tài năng diễn xuất trong nhiều bộ phim như: "Người đẹp Tây Đô", "Người đàn bà mộng du", "Trái tim bé bỏng", "Thung lũng hoang vắng"… Hồng Ánh cũng đã giành nhiều giải thưởng điện ảnh tại lễ trao giải "Cánh Diều Vàng".

Năm 2011, Hồng Ánh là thành viên nữ duy nhất của Ban giám khảo Liên hoan phim "Cánh Diều Vàng" Việt Nam. Giờ đây trên cương vị là đạo diễn trẻ, bộ phim đầu tay của Hồng Ánh "Đảo của dân ngụ cư" đã đoạt nhiều giải thưởng Quốc tế và diễn viên chính trong bộ phim đầu của cô là Ngọc Thanh Tâm cũng đã tiếp nối những thành công của đàn chị khi mang lại những danh hiệu cao quý, xứng đáng với những kỳ vọng mà Hồng Ánh đã trao gửi.

Trước đó tại Liên hoan phim quốc tế Dubai lần thứ 8 năm 2001, bộ phim "Tâm hồn mẹ" (Mother's soul) của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cũng đã ghi được dấu ấn trên trường quốc tế khi dành được giải thưởng "Diễn viên chính xuất sắc" cho diễn viên nhí Phùng Hoa Hoài Linh.

Bộ phim "Hương Ga" của đạo diễn Cường Ngô đã giành giải "Phim Đông Nam Á xuất sắc" (The Best Feature Southeast Asia Panorama) tại Liên hoan phim Toàn cầu (Film Festival of Globe) năm 2015. Nữ diễn viên chính trong phim "Hương Ga" - Trương Ngọc Ánh cũng đoạt giải "Nữ diễn viên xuất sắc nhất".

Nối tiếp những thành công của điện ảnh Việt Nam nói chung và các đàn chị đi trước, ngôi sao điện ảnh Nhã Phương cũng vinh dự nhận được giải thưởng "Ngôi sao châu Á" tại Liên hoan Phim truyền hình Seoul - "Seoul International Drama Awards" năm 2016 tại Hàn Quốc. Thành công này của Nhã Phương có được từ vai chính của bộ phim truyền hình "Khúc hát mặt trời". Đây cũng là giải thưởng danh dự được trao cho đại diện nữ diễn viên của 3 quốc gia châu Á gồm Việt Nam (Nhã Phương), Nhật Bản (Fuji Mina) và Singapore (Rebbea Lin).

Sau giải thưởng "Ngôi sao châu Á" của Nhã Phương một lần nữa điện ảnh Việt lại ghi danh mình ở một giải thưởng quốc tế - Liên hoan phim Busan 2016 với thành công của nam ca sĩ kiêm diễn viên Isaac, khi anh vinh dự được nhận giải "A Rising Star" - Ngôi sao mới - 1 trong 6 hạng mục của giải thưởng của liên hoan ở bộ phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể". 

Thành công này Isaac đang tiếp tục chứng minh cho những người yêu giọng hát của anh rằng bên cạnh những thành tựu về sự nghiệp ca hát, Isaac có thể đi đường dài trong bộ môn nghệ thuật thứ 7 với khả năng diễn xuất nhiều hứa hẹn.

Ghi nhận những đóng góp và nỗ lực của điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế những năm gần đây là khá lớn. Song nếu so sánh với những giải thưởng quốc tế của điện ảnh Việt Nam trong quá khứ, và những ngôi sao điện ảnh vang danh một thuở trong đó phải kể đến thành công của hai ngôi sao từng đoạt giải quốc tế là NSND Trà Giang, đoạt Huy chương Bạc Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1963 với vai chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên.

10 năm sau đó, năm 1973, cũng tại LHP Quốc tế Moskva, NSND Trà Giang đoạt giải "Nữ diễn viên xuất sắc nhất" với vai Dịu trong phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (đạo diễn Hải Ninh). Và NSƯT Thanh Tú với giải thưởng "Nữ diễn viên xuất sắc nhất" trong LHP Việt Nam lần thứ IV, giải đặc biệt của Ủy ban Phụ nữ Liên bang Xô Viết tại LHP Moskva với một vai diễn duy nhất là Nhu trong bộ phim "Sao tháng 8".

Cần phải nói thêm, chỉ với một vài vai diễn, NSND Trà Giang, NSƯT Thanh Tú đã trở thành gương mặt điển hình của điện ảnh cách mạng Việt Nam, ghi dấu điện ảnh Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới. Thế nên những ngôi sao điện ảnh trẻ hôm nay với những thành công kể trên vẫn phải cố gắng vượt bậc mới có thể vượt qua được những tượng đài trong lịch sử để toả sáng và mang lại hào quang cho điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Y Bình
.
.