Điểm tựa của sáng tạo nghệ thuật

Thứ Bảy, 11/11/2017, 08:17
Cùng với quan niệm Macxit, các quan niệm tiến bộ về lý luận sáng tạo văn nghệ trước nay trên thế giới hầu như đều thống nhất cho rằng cội nguồn sáng tạo của nghệ sỹ là cuộc sống vĩ đại của nhân dân. Một tác phẩm nghệ thuật có tính nhân dân là phải phản ánh những sự kiện, những vấn đề của đời sống có ý nghĩa đối với vận mệnh, hạnh phúc của nhân dân. 


Tính nhân dân, một khái niệm lý luận nghệ thuật quan trọng bậc nhất không hiểu sao gần đây bị coi nhẹ. Trong các giáo trình lý luận văn học bậc đại học mới được xuất bản, hình như các nhà học thuật cũng bị hấp dẫn mời gọi bởi tính thời thượng mà dành số trang nhiều hơn giới thiệu về các loại hình diễn ngôn hậu hiện đại, hậu thực dân, phê bình nữ quyền, phê bình sinh thái… nên không thấy hoặc chỉ giới thiệu sơ lược về tính nhân dân. Bây giờ hỏi một cử nhân văn chương, nghệ thuật về nội hàm, lịch sử, tính chất…  của khái niệm này, chắc là khó khăn đối với họ.

Tính nhân dân chỉ mối liên hệ mật thiết giữa sáng tác nghệ thuật ưu tú với thị hiếu thẩm mỹ, tư tưởng, tình cảm, lợi ích của nhân dân. Ở thế kỷ XVIII, các nhà lý luận nghệ thuật Khai sáng phê phán chủ nghĩa cổ điển bởi tính quý tộc bảo thủ, đòi văn nghệ hướng về nhân dân, giáo dục, bồi dưỡng tinh thần công dân cho họ. Đến thế kỷ XIX, chịu ảnh hưởng bởi phong trào đấu tranh của nông dân chống chế độ nông nô, các nhà dân chủ cách mạng Nga kêu gọi nghệ thuật phải phục vụ cuộc đấu tranh chống bất công.

Đứng trên quan điểm duy vật lịch sử cho rằng nhân dân vừa sáng tạo ra của cải vật chất vừa sáng tạo ra những giá trị tinh thần, kế thừa những hạt nhân tích cực trong lý luận đi trước, Mác bổ sung và hoàn chỉnh một quan niệm khoa học về tính nhân dân.

Sáng tạo văn hóa nghệ thuật cần chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa Việt.

Cùng với quan niệm Macxit, các quan niệm tiến bộ về lý luận sáng tạo văn nghệ trước nay trên thế giới hầu như đều thống nhất cho rằng cội nguồn sáng tạo của nghệ sỹ là cuộc sống vĩ đại của nhân dân. Một tác phẩm nghệ thuật có tính nhân dân là phải phản ánh những sự kiện, những vấn đề của đời sống có ý nghĩa đối với vận mệnh, hạnh phúc của nhân dân.

Tục ngữ, ca dao, dân ca có tính nhân dân sâu sắc vì đó là tiếng nói, là tư tưởng tình cảm của nhân dân, khuyên bảo, giáo dục con người hướng đến cái đẹp vĩnh cửu của chân, thiện, mỹ. Thơ Hồ Xuân Hương sâu đậm tính nhân dân bởi đó là tiếng nói bênh vực người phụ nữ, đấu tranh chống lễ giáo khắc kỷ, đồng thời đó là tiếng lòng khát khao hạnh phúc, lẽ công bằng…

Một tác phẩm không phải cứ nói về dân nghèo mới có tính nhân dân, vấn đề ở chỗ tác phẩm đó có thể hiện được tư tưởng, tình cảm, lợi ích của nhân dân hay không. Nhìn ở góc độ này ta lại thấy “Chinh phụ ngâm” tuy tập trung nói về nhân vật là phụ nữ quý tộc, nhưng qua đó để lên án, tố cáo chiến tranh, nêu cao khát vọng hòa bình thì vẫn là một tác phẩm có tính nhân dân sâu sắc.

Vấn đề có ý nghĩa quyết định là quan điểm tư tưởng và thái độ phản ánh của người nghệ sỹ sáng tạo ra tác phẩm có vì nhân dân, tôn trọng nhân dân hay không. Cụ Nguyễn Trãi từng có câu “Lật thuyền mới biết dân như nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Đó là những câu châm ngôn mang tính phổ quát, là chân lý để văn nghệ sỹ học tập, lao động, sáng tạo nghệ thuật. Không chỉ dành cho các nhà văn nghệ, còn cho các nhà chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, đạo đức…

Đánh giá một tác phẩm có tính nhân dân phải căn cứ từ hai phương diện cơ bản là nội dung (phản ánh cuộc sống của dân, tâm tư, tình cảm, ước nguyện, quyền lợi… của nhân dân), và hình thức (phù hợp với thị hiếu của dân, được nhân dân ưa thích, trong sáng, giản dị, dễ hiểu…). Đỉnh cao của tác phẩm có tính nhân dân trong quá khứ là “Truyện Kiều”, một tác phẩm “nói mãi không cùng”, càng đọc càng mới. Ứng những điều này vào hiện thực các sáng tạo nghệ thuật hôm nay càng thấy chúng ta cần phải cố gắng nhiều để đưa tác phẩm về với đông đảo quần chúng.

Từ góc độ nghiên cứu phê bình sẽ thấy mỗi tác phẩm trong văn học dân gian là một viên ngọc quý, càng nhìn càng sáng. Ví như truyện ngụ ngôn quen thuộc "Thầy bói xem voi", trước đây mới chỉ nhìn thấy ý nghĩa là bài học cho những ai “ăn ốc nói mò” hồ đồ vội vã trong nhận xét, đánh giá, chỉ thấy hiện tượng mà chưa thấy bản chất sự vật.

Nhưng với cái nhìn hệ thống của lý luận hiện đại, người ta lại thấy thêm cả một sự đa nghĩa: một là, xem xét bất kỳ hiện tượng, sự vật nào cũng phải đặt trong tính hệ thống, nếu chỉ xem xét bộ phận, cục bộ thì rất đúng (chân voi giống như cái cột đình, đuôi voi như cái chổi xể…) nhưng đặt trong tính hệ thống lại sai bét cả (con voi chỉ như là cái đòn càn, cái chổi mà thôi).

Hai là căn cứ vào hệ thống hình tượng thì vì các ông thầy bói đều mù nên đều sai, cuối cùng chả ai chịu ai mà đánh nhau “toạc đầu chảy máu”. Đấy là dân gian giễu kẻ vô học, ít học thường có hành động vũ phu, bạo lực. Chỉ vì thiếu hiểu biết (mù), vì hiếu thắng, nông cạn dẫn đến manh động mà đánh nhau… Toát lên một chân lý: con người không có học sẽ rất nguy hiểm!

Như vậy để hiểu văn học truyền thống ngoài sự vận dụng cách hiểu tri thức về cơ sở xã hội, nguyên tắc nghệ thuật, thi pháp của văn học quá khứ còn phải học hỏi, trau dồi về lý luận hiện đại. Không có điểm tựa hiện đại khó có thể tìm ra cái mới trong văn nghệ quá khứ.

Từ góc độ tâm lý học sáng tạo dễ thấy nhà văn nào cũng sáng tạo trên cơ sở một ngôn ngữ nào đấy. Ngôn ngữ ấy chính là gia tài, là tâm hồn, tình cảm của nhân lao động. Hơn nữa, ngôn ngữ là tư duy (như hai mặt của một tờ giấy), bao giờ người ta cũng tư duy dựa trên một ngôn ngữ nào đó. Tất cả những điều ấy lại được kết tinh vào văn học dân gian, nơi bầu sữa không bao giờ vơi cạn để nuôi dưỡng những sáng tác nghệ thuật của các thế hệ sau.

Có thể khẳng định tác phẩm của nhà nghệ sỹ hiện đại cường tráng lực lưỡng hay èo uột phụ thuộc vào chủ thể nghệ sỹ có được thừa hưởng chất dinh dưỡng nghệ thuật truyền thống nhiều hay ít. Từ góc nhìn này ta thấy lời Bác Hồ nhắc nhở đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa là một chân lý nghệ thuật, một nguyên lý sáng tạo “Làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu vốn của dân tộc thì không làm được đâu” (Lữ Huy Nguyên sưu tầm, biên soạn - "Bác Hồ với văn nghệ sỹ", NXB Văn học, 1995, tr 83).

Trong bối cảnh tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ, ở ngày hôm nay đang có biết bao trào lưu, khuynh hướng, trường phái văn học nghệ thuật ảnh hưởng vào nước ta, tốt có và cả chưa tốt cũng nhiều, càng ngẫm về lời Bác dạy, chân lý và khoa học: “…Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông…” (Trần Đương - "Bác Hồ như chúng tôi đã biết", NXB Thanh niên, 2009, tr 166).

Tính nhân dân đồng nghĩa với những gì là “cổ điển” (vừa theo nghĩa cổ xưa, vừa theo nghĩa mẫu mực) với những gì là tốt đẹp, tích cực, tiến bộ, nhân văn. Cây văn học được trồng trên mảnh đất nhân dân, được tiếp thu những dinh dưỡng văn hóa quý báu của truyền thống, được quang hợp thứ ánh sáng lý tưởng, tiến bộ của thời đại mới nhất định sẽ kết tinh hoa trái tác phẩm có giá trị. Xa rời cội nguồn nhân dân sẽ khó có cây xanh nào tươi tốt!

Nguyên Thanh
.
.