Ranh giới nào cho sáng tạo nghệ thuật?

Thứ Tư, 13/05/2015, 08:13
Bản chất của nghệ thuật là sự sáng tạo và sáng tạo không ngừng. Nghệ thuật ở một khía cạnh, là tinh hoa văn hóa văn minh của nhân loại mang tính điển hình và đại diện cho thời đại, nên theo thời gian, theo sự phát triển của khoa học, công nghệ cao... mà nghệ thuật cũng có những sáng tạo mới, thậm chí phát sinh ra những hình thức mới. Trên lý thuyết, sáng tạo nghệ thuật là không có ranh giới, không có điểm dừng...

Nhưng điều ấy không có nghĩa là có thể sáng tạo một cách vượt ngưỡng của thẩm mỹ hay chân - thiện - mỹ, cái đích đến của nghệ thuật.

Sáng tạo không có ranh giới và biên độ.

Việt Nam có nhiều lý do để các loại hình nghệ thuật phát triển chậm hơn so với mặt bằng chung nền nghệ thuật thế giới. Nhưng không có nghĩa là không có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật. Hiện tại có rất nhiều loại hình nghệ thuật du nhập vào Việt Nam, và có một số loại hình dù không được ủng hộ nhưng đã trở thành "quen mắt" với công chúng. Rõ nét nhất là các loại hình biểu diễn - trình diễn,  triển lãm trong ngành mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, múa, nhiếp ảnh, kiến trúc…

Những minh chứng cho các sáng tạo này rất nhiều trong vòng 5 năm trở lại đây, nhất là trong ngành mỹ thuật. Chương trình "Đáo Xuân" của nghệ sĩ Đào Anh Khánh, hay các cuộc triển lãm - trình diễn mỹ thuật sắp đặt hình thể - Performance của Lê Anh Hoài, Diệu Hà…, rồi các loại hình triển lãm- biểu diễn trong mỹ thuật như: Installation, Land Art, Body Art, Video Art v.v…là những ví dụ điển hình về sự phá cách trong sáng tạo nghệ thuật.

Nghệ sĩ Đào Anh Khánh trong một chương trình nghệ thuật trình diễn.

Mới từ hình thức, đến nội dung, chất liệu tác phẩm cũng sáng tạo không ngừng, bất kể cái gì thuộc về vật chất đều có thể là vật liệu để sáng tạo tác phẩm, kể cả những chất liệu không nắm bắt được như "không khí" hay rất siêu thực như "nước"…

Với múa, cũng có rất nhiều thể nghiệm mới mẻ với cách gọi chung là "múa đương đại", với sự "khai mở" đầu tiên là vở múa " Hạn hán và cơn mưa"của Ea Sola (Việt kiều Pháp), hiện tại có nữ đạo diễn Trần Ly Ly theo đuổi thể loại múa này với khá nhiều thành công từ vở đầu tiên "Một ngày" đến vở "7X" tham dự Liên hoan "Múa đương đại - Châu Âu gặp Châu Á tháng 9/2014. Hay ở ngành sân khấu, tên gọi "sân khấu thể nghiệm" đã không con xa lạ, cuối năm 2015 sẽ có một Liên hoan sân khấu thể nghiệm toàn quốc chọn tiết mục tham gia Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế lần thứ 3 ở Việt Nam vào năm 2016.

Với nhiếp ảnh thì sáng tạo là đi kèm với các thể loại ảnh ý tưởng, ý niệm đang trở thành xu hướng thịnh hành với nhiếp ảnh quốc tế, và sự sáng tạo của nó không có giới hạn bởi ngoài tư duy vô hạn của nghệ sĩ còn là sự hỗ trợ luôn luôn được nâng cấp của các phần mềm photoshop, để tạo ra những bức ảnh không tưởng đầy ngẫu hứng, mang những câu chuyện phi thường về cuộc sống mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam hiện có nhiều người theo đuổi thể loại này vì nó là cách đánh giá đẳng cấp của "tay nghề" nghệ sĩ.

Và ngay cả với văn học, một ngành nghệ thuật đặc biệt của ngôn ngữ cũng vậy. Ngoài sáng tạo trong cách cấu trúc tác phẩm, sáng tạo ngôn ngữ thể hiện, còn là cách trình diễn - trình bày tác phẩm không theo lối truyền thống là đọc - nghe tác phẩm mà còn là nhìn - xem trình diễn tác phẩm. Ví dụ điển hình nhất là các chương trình giới thiệu tác phẩm của các nhà thơ trẻ trên Sân Thơ trẻ - Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu - Hà Nội, hay những ấn bản độc đáo và đặc biệt của nhà thơ nữ Vi Thùy Linh, hay những cuộc ra mắt tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Tú gần đây… Gần nhất là bản poem video "Bão" của nữ sỹ Đoàn Ngọc Thu.

Tư duy của con người là một dòng chảy không bao giờ cạn kiệt, tư duy của nghệ sĩ cũng vậy, nó luôn đồng hành và vượt lên trước cả cuộc sống thực, mà đôi khi như sự dự báo tương lai, vì thế những sáng tạo của nghệ sĩ, có thể với hiện tại chưa được chấp nhận, nhưng cũng không có nghĩa là sáng tạo đó sẽ "chết", mà nó sẽ được chính hiện thực cuộc sống, những nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng, và những tinh lọc của chính nghệ thuật mà sáng tạo đó tồn tại, phát triển, trở thành xu hướng, hay định hình, như một thể lọai mới, hình thức mới…

Nhưng không có nghĩa là có thể sáng tạo bất cứ thứ gì đi ngược với cái đẹp, hay phi thẩm mỹ, phản cảm.

Vậy đâu là ranh giới của sáng tạo?

Xin được nhắc một chút tới triển lãm ảnh "Hoa nơi chiến trường" ở Showroom Flower box Concept, TP HCM vừa qua bị cơ quan có trách nhiệm lập biên bản đình chỉ, bị cộng đồng lên án như một sự sáng tạo nghệ thuật mang tính phản cảm không thể chấp nhận. Những người "sáng tạo" ý tưởng và thực hiện triển lãm "Hoa nơi chiến trường" với mục đích nghe rất thiện chí và nhân văn:  "...là chương trình nhằm truyền đi thông điệp về một thế giới hòa bình, nơi không có chiến tranh, các chiến trường ác liệt trở thành rừng hoa mang mầm sống, khát vọng tình yêu…". Và những bức ảnh tư liệu chiến tranh thuộc loại ảnh báo chí, nhiều bức ảnh nằm trong cuốn sách ảnh nổi tiếng "Hồi niệm" - Requiem của Phóng viên ảnh chiến trường AP Tim Page tập hợp và xuất bản, đã bị cắt ghép trong bộ ảnh triền lãm này, tái hiện chiến tranh ở góc nhìn "mới lạ", khi các vũ khí như bom, súng, pháo, dây kẽm gai được thay thế bằng những bông hoa….

Một bức ảnh trong triển lãm “Hoa nơi chiến trường” bị dư luận lên án.

Có lẽ tác giả thực hiện và xử lý các bức ảnh cắt - ghép này đã không đủ trình độ để tạo ra những tác phẩm "sáng tạo" mới mang mục đích nhân văn như ý tưởng đề ra, mà biến các bức ảnh trở nên thô vụng, thô thiển, thậm chí xúc phạm tác giả ảnh gốc và những nạn nhân chiến tranh (nhân vật trong ảnh), vô hình chung sự "sáng tạo" này đã đứng về phía tội ác, bênh vực tội ác chiến tranh. Chưa kể các vi phạm về bản quyền, thì bộ ảnh "sáng tạo" này là minh chứng cho một tư duy hạn chế về cả nghệ thuật lẫn kiến văn cuộc sống.

Sáng tạo nghệ thuật trên lý thuyết là không có ranh giới, nhưng không có nghĩa là tùy tiện để tác phẩm nghệ thuật biến thành một tác phẩm không mang tính thẩm mỹ cao, thậm chí còn là tác phẩm xấu gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Trong giới nghệ sĩ Việt Nam, đã có rất nhiều minh chứng cho ranh giới sáng tạo, đâu là điểm cần có một rào chắn - barie để cảnh báo.

Trong văn học, sáng tạo nghệ thuật đôi khi không thể hiện một cách rõ ràng như ở các loại hình nghệ thuật khác, nhưng không có nghĩa là không có ranh giới. Gần đây, rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đã sử dụng ngôn  ngữ "đường phố hóa", "bình dân hóa", và cho đó là 'sáng tạo" để xâm nhập, gần gũi hơn với đại đa số độc giả… Liệu đó có phải là sáng tạo, hay là "dung tục hóa" ngôn ngữ văn chương? Và liệu những tác phẩm đó có mang lại cái đẹp của nghệ thuật ngôn ngữ?

Hay như trong âm nhạc, ca khúc thị trường có phải là sáng tạo, khi rất nhiều tác phẩm trở thành "thảm họa", nếu không có một ranh giới để ngăn chặn, thì sự "sáng tạo" này sẽ đi về đâu? Tương lai giới trẻ sẽ hát những gì?

Trong điện ảnh cũng vậy, nếu không có ranh giới, cứ để các đạo diễn, nhất là các đạo diễn trẻ mặc sức sáng tạo, đưa những ý tưởng mang tính ẩn ức cá nhân trong tình dục vào thể hiện trong phim, thì cảnh nóng trong phim sẽ tận cùng thô đến đâu, bản năng đến đâu, bệnh hoạn đến đâu.

Cũng vì chưa phân định ranh giới sáng tạo một cách rõ ràng, mà cho đến nay trong nhiếp ảnh Việt Nam, một triển lãm nude vẫn còn "đóng", chưa thể "mở", bởi ranh giới nghệ thuật - dung tục rất mong manh, mà "trình" sáng tạo của nghệ sĩ cũng chưa phải là chuyên nghiệp hoàn toàn, tác phẩm luôn đứng giữa hai giới hạn khó xác định, chưa kể "trình" của công chúng cũng rất khác nhau, không phải ai cũng có thể "thẩm" ảnh nude một cách hoàn toàn là cái nhìn nghệ thuật.

Sáng tạo nghệ thuật là không có ranh giới và biên độ nào đặt ra. Nhưng không có nghĩa là có thể sáng tạo bất cứ gì đi ngược với cái đẹp. Và khi đã đẹp với đúng ý nghĩa thẩm mỹ được thử thách, được công nhận, được "sống" và tồn tại thì sáng tạo đó đích thực là sáng tạo nghệ thuật mà chúng ta mong muốn.

Hoài Hương
.
.