Đi tìm bản sắc

Thứ Năm, 18/03/2021, 13:36
Với thành công rực rỡ về doanh thu ngay từ những ngày đầu công chiếu, “Bố già” đã trở thành hiện tượng của điện ảnh Việt đương đại và đưa đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đi vào “Câu lạc bộ trăm tỷ” (một cách nói vui về nhóm các đạo diễn làm phim đạt doanh thu từ 100 tỷ trở lên).


Và dù cho còn có ý kiến cho rằng “Bố già” chưa phải siêu phẩm hay xuất chúng như truyền thông quá lời, nhiều người đều thừa nhận rằng nó là một bộ phim tốt. Thậm chí, nhiều người còn nói vui “Trấn Thành nên bỏ làm MC để đi làm phim thì còn hay hơn nữa”.

Cái được của “Bố già” đến từ nhiều yếu tố khác nhau, nhưng một trong những yếu tố không nên bỏ qua chính là thoại phim rất gần đời thường, bối cảnh câu chuyện rất dân dã, đúng với những gì đang diễn ra trong đời sống các gia đình Việt hôm nay. Đây chính là điểm mà chúng ta cần dừng lại và đặt câu hỏi “Đâu là bản sắc điện ảnh Việt đương đại?”.

Đừng vội lẫn lộn bản sắc ở đây chỉ là những gì mang tính truyền thống đơn thuần. Bản sắc mang nghĩa rộng hơn, bao hàm cả đời sống Việt, căn cước tính Việt, màu sắc Việt, cái nhìn Việt... đúng nghĩa. Những bộ phim lừng danh một thời như “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Mùa nước nổi”... hay những phim sau này như “Mùa len trâu”, “Cánh đồng bất tận”, “Áo lụa Hà Đông”... cũng luôn mang trong mình cái bản sắc Việt ấy. Người xem luôn thấy các phim ấy gần gũi với những gì mình trải qua mỗi ngày, bất kể họ có yêu thích phim ấy hay không?

Khoảng 10 năm trở lại đây, các phim mang bản sắc Việt ngày càng hiếm. Buồn hơn nữa, phim càng ăn khách thì bản sắc Việt càng nhạt nhoà. Nếu chịu khó xem lại hàng loạt phim ăn khách trong quãng thời gian này, chúng ta sẽ thấy phảng phất một chút Thái Lan, phảng phất một chút Hong Kong, khá đậm nét những ảnh hưởng quá lớn từ Hàn Quốc... từ trong khuôn hình, màu sắc phim, âm nhạc cho tới bối cảnh câu chuyện, lối sống, sinh hoạt, các miếng gây cười vv và vv.

Trong khi đó, các nền điện ảnh trong cùng châu lục vẫn luôn giữ rất bền chắc bản sắc của mình. Dù thăng hay trầm, tiến bộ hay thụt lùi, điện ảnh Hong Kong vẫn mang cái bản sắc Hong Kong mà chúng ta từng được xem từ suốt thập niên 90 tới nay. Thậm chí, tương đồng văn hoá rất lớn nhưng điện ảnh Hong Kong vẫn có bản sắc riêng so với Trung Quốc hay Đài Loan. 

Hoặc như Thái Lan chẳng hạn. Họ cũng bị làn sóng Hàn Quốc làm ảnh hưởng nhưng điện ảnh của họ không bị “Hàn Quốc hoá” chút nào. Những ai từng sống và làm việc ở Thái Lan, hoặc từng đi du lịch, nghỉ dưỡng ở Thái Lan nhiều lần đều nhận thấy phim của họ giữ rất đúng hơi thở đời sống người Thái. 

Ngay cả một nền điện ảnh ít tiếng tăm hơn là Campuchia cũng giữ bản sắc của họ rất mạnh mẽ. Chính điều đó khiến chúng ta cần phải cảm thấy trước tình trạng nhạt nhoà bản sắc của điện ảnh Việt đương đại.

Một ví dụ mà chúng ta có thể kể ra là bộ phim “Tháng năm rực rỡ”. Rõ ràng, câu chuyện được Việt hoá rất tốt nhưng khi lên phim thì nó xa lạ với đời sống người Việt cả ở hai giai đoạn bối cảnh phim là trước 1975 và hiện thời. Đâu là lý do của tình trạng vong bản này? Áp lực của nhà đầu tư? Áp lực nhu cầu thị trường? Hay là sự cố gắng đi theo những khuôn mẫu thành công của các nền điện ảnh lớn nhưng không thoát ra khỏi sự xâm thực của họ?

Nói chung, trách nhiệm lớn nằm ở chính lớp đạo diễn hiện tại. Lớp đạo diễn đi trước đã luôn thể hiện cực tốt bản sắc Việt trong phim của họ. Lớp đạo diễn trẻ nhiều điều kiện hơn, được đào tạo tốt hơn nhưng có lẽ ý thức duy trì bản sắc lại kém hơn. Và xin đừng đổ lỗi cho “sự trẻ”. Trấn Thành cũng còn trẻ, nhưng cậu ấy đã làm rất tốt đó thôi.

Văn Đoàn
.
.