Di sản tư nhân, cộng đồng mai một – trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ Năm, 21/11/2019, 08:08
Di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa thuộc sở hữu tư nhân không được xếp hạng, không có hành lang pháp lý bảo vệ bị biến mất. Di sản được xếp hạng cũng biến mất bởi ý thức người dân và bởi chính sách lơ là của các nhà quản lý.


Di sản được xếp hạng biến mất

Một trong những tiến bộ cơ bản của Luật Di sản văn hóa 2001 là công nhận các hình thức sở hữu về di sản. Cụ thể, ngoài di sản thuộc sở hữu nhà nước còn có di sản thuộc sở hữu tư nhân, cộng đồng, dòng họ... Những tiến bộ này tiếp tục được khẳng định trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009 và Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21.9.2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Hành lang pháp lý đã có nhưng trên thực tế, số lượng di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa thuộc sở hữu tư nhân đang dần mai một.

Một trong những câu chuyện được giới kiến trúc và những người yêu mến biệt thự Pháp cổ đau lòng nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đó là việc phá dỡ ngôi biệt thự số 237 (số cũ 227) trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh).

Đây là ngôi biệt thự được xây từ thời Pháp hơn 100 năm trước và là một trong số những căn biệt thự hiếm hoi còn sót lại của Sài Gòn hoa lệ xưa. Tháng 6/2016, chủ nhà đã tiến hành tháo dỡ khi chưa xin ý kiến của UBND TP.Hồ Chí Minh gây ra sự phản ứng từ các nhà nghiên  cứu.

Nhà vườn An Hiên - Huế.

Việc tháo dỡ bị đình chỉ. Nhưng hơn 2 năm sau, tháng 10- 2018, UBND quận Bình Thạnh và Sở Qy hoạch - Kiến trúc đã đánh giá lại và cho rằng biệt thự này thuộc nhóm 3 - không cần bảo tồn. Từ đó, Hội đồng Phân loại biệt thự TP Hồ Chí Minh xem xét và chấp thuận cho tháo dỡ. Câu chuyện này, một cách tinh vi, được lặp đi lặp lại với rất nhiều biệt thự trên cả nước. Ở Hà Nội, những biệt thự Pháp cổ đang dần bị thay thế bởi tòa cao ốc văn phòng.

Nhà vườn được xem là linh hồn Huế, mỗi ngôi nhà là một mảnh hồn Huế, thế nhưng từ hơn 140 ngôi nhà vườn, vốn là các phủ đệ của vương triều Nguyễn, nay chỉ còn lại hơn 40 nhà vườn đúng nghĩa. Và con số này, cũng đang đứng trước nguy cơ biến mất.

TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian khẳng định, người dân Huế nói riêng và người dân cả nước nói chung họ rất tự hào khi ngôi nhà của mình trở thành di sản. Nhưng vấn đề lâu dài được đặt ra, khi ngôi nhà của họ trở thành di sản thì họ được cái gì hay chỉ gặp toàn trở ngại? Câu chuyện những di sản tư nhân sau khi được xếp hạng di sản khiến chủ nhân dở khóc dở cười, thậm chí vướng vòng kiện cáo là có thật.

Luật Di sản văn hóa sửa đổi và bổ sung năm 2009 đã quy định ở khoản 14 điều 4: "Kiểm kê di sản văn hóa là hoạt động nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục di sản văn hóa". Do đó những công trình đã được kiểm kê tức là bước đầu được công nhận giá trị và cần được ứng xử đúng với tính chất là di sản văn hóa, từ đó sẽ xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Tuy nhiên thực tế, khi giải quyết các vấn đề phát sinh (như chuyển đổi sở hữu, xin phép sửa chữa hay xây mới...) thì công trình có giá trị di sản mà chưa được "xếp hạng" lại liên quan và chịu sự điều chỉnh của luật lệ, quy định khác (Luật Đất đai, Luật Xây dựng...) và không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa. Chủ sở hữu những công trình này hầu như không muốn được "xếp hạng" vì tâm lý lo ngại, thiếu niềm tin: Nhà nước sẽ "quản lý" thậm chí "sở hữu" công trình, đất đai của mình, không thể chuyển đổi sở hữu; thủ tục sửa chữa xây dựng khó khăn, phải chịu sự "can thiệp" của chính quyền; sử dụng công trình di sản phải theo Luật.

Chia sẻ câu chuyện ở Đường Lâm, một trong những ngôi làng cổ nhất Việt Nam, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khẳng định: "Không phải ai cũng muốn ngôi nhà của mình trở  thành di sản văn hóa. Nếu bạn là người coi trọng văn hóa tâm hồn, bạn có thể muốn ngôi nhà của bạn trở thành di sản, nhưng nếu đơn giản tôi là một người nông dân, tôi chỉ thích xây  ngôi nhà của tôi lên ba tầng để sinh sống thuận tiện thì sao?

Ngôi nhà 300 năm tuổi của tôi do tổ tiên để lại, sổ đỏ đứng tên tôi nhưng ngay lập tức khi ngôi nhà trở thành di sản, tôi muốn sửa cái nhà vệ sinh cũng không được phép. Con cái trưởng thành không được cơi nới chỗ ở.

Đình làng Mông Phụ- Đường Lâm.

Ở Đường Lâm, 20 năm nay, vấn đề người dân sửa chữa, cơi nới, chính quyền đến cắt nước, cắt điện… vẫn đều đặn diễn ra. 1000 năm hình thành ngôi làng và 20 năm ngôi làng trở thành di tích chưa một ai được cấp phép xây dựng. Những ngôi nhà trở thành di sản, khách du lịch khắp thế giới đến tham quan, ngó nghiêng, thậm chí đi vệ sinh vào nhà mình nhưng những chủ nhân của họ lại không nhận lại được gì, ngay cả một lời chào?

Sự không minh bạch trong quản lý tài chính; không cấp phép xây dựng, thiếu thái độ hợp tác và hướng dẫn người dân cải tạo di sản dẫn đến việc người dân bức xúc và muốn trả lại di sản. Những gia đình đang sở hữu di sản nhìn thấy "hiện tượng" này, lập tức tìm cách lảng tránh để tài sản của mình không lọt vào danh sách di sản, đặc biệt đó là những tài sản đang ở khu "đất vàng"".

Kết thúc câu chuyện, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng phải thốt lên "bản chất vấn đề là người ta làm một dự án chưa thực sự vì dân. Có rất nhiều chính sách làm cho người dân, người dân hạnh phúc như chính sách  hộ nghèo, chính sách 135 cho miền núi… vậy mà một chính sách vừa lãng mạn, vừa văn hóa, vừa lịch lãm là bảo tồn di sản văn hóa, vậy mà người dân không ủng hộ. Đơn giản là vì nó đầy bất cập".

Có thể nói, việc quản lý di sản hiện nay chủ yếu chỉ dựa vào Luật Di sản Văn hóa sửa đổi, trong khi luật chỉ tập trung vào lĩnh vực bảo tồn di tích, xem nhẹ việc xây dựng pháp lý cho các giải pháp cải tạo di sản, phục hồi di sản, và tái thiết di sản cũng đang là bức tường cản trở lớn đối với bảo tồn di sản.

Hơn 30.000 di sản chưa xếp hạng, trách nhiệm thuộc về ai?

Hiện nay, cả nước ta có hơn 40.000 di sản, thắng cảnh trong đó có hơn 3000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 5000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.  Như vậy, còn hơn 30.000 di sản chưa được xếp hạng di tích là một khoảng trống lớn về mặt pháp lý lớn khiến việc bảo tồn ngày càng khó khăn. 

Câu chuyện hạ giải nhà thờ Bùi Chu đầu năm 2019 cũng là bài học để chúng ta nhìn nhận nghiêm túc những di sản chưa được xếp hạng di tích. Nếu không có mạng xã hội, không có tiếng nói của những người yêu mến di sản thì ngôi nhà thờ 134 năm tuổi sẽ biến mất vào thinh không như chưa từng tồn tại.

Những nhà thờ tôn giáo như Bùi Chu, rồi nhà thờ Họ dọc theo chiều dài ven biển của chúng ta rất nhiều. Đó là những di sản thuộc sở hữu tư nhân hay dòng họ, cộng đồng mang vẻ đẹp độc đáo rất đáng gìn giữ, thế nhưng thực tế, những loại hình di sản này cũng đang bị thả nổi.

TS. Trần Hữu Sơn  - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng "Luật quy định những nhà thờ nào là di tích thì mới can thiệp nhưng tôi nghĩ cách đó cũ rồi. Ngành văn hóa nên thống kê những cái nào có khả năng là di tích thì lập hồ sơ, ta phải can thiệp bởi nếu ta chậm can thiệp để mất đi, lúc ấy có làm hồ sơ cũng đã không còn nữa… ngay nhà thờ Sa Pa kiến trúc Pháp rất hay nhưng đợi mãi chưa thấy được công nhận di tích… nếu chức trách nhà thờ không muốn nhà thờ của mình trở thành di sản cũng không được vì đây là tài sản quốc gia…"

Luật Di sản văn hóa vào đầu thế kỷ, sửa đổi cách đây 10 năm nhưng trong 10 năm đó, thực tiễn nảy sinh rất nhiều vấn đề. Như vấn đề bảo tồn cảnh quan của di tích, và một vấn đề vô cùng cốt lõi đó là quyền lợi của người dân -  chủ nhân của di sản. Chủ nhân ấy phải thực sự thấy có lợi dù đấy là lợi vật chất hay lợi tinh thần, chứ không phải chỉ có lợi cho doanh nghiệp hay có lợi cho chính quyền hay bạn quản lý thì may chăng, người dân mới tham gia bảo vệ di sản.

Hạnh Thủy
.
.