Bảo tồn di sản văn hóa ở các địa phương: Ngổn ngang trăm mối

Thứ Hai, 24/06/2019, 08:47
Thời gian gần đây, một số di tích lịch sử - văn hóa ở các địa phương phải "kêu cứu" vì bị xuống cấp, bị xâm hại mà chưa tìm ra những biện pháp khắc phục hiệu quả như chùa Cầu (TP. Hội An - Quảng Nam); một số đình làng cổ bị dỡ bỏ, làm mới hay di sản dinh thự họ Vương (Hà Giang) đứng trước nguy cơ bị chủ sở hữu hợp pháp dọa... đóng cửa đã khiến dư luận hết sức băn khoăn, lo ngại. 


Có vẻ như, ngay cả khi đã có Luật di sản "bảo hộ", nhưng những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ, tu bổ các di tích lịch sử - văn hóa vẫn đứng trước tình trạng ngổn ngang trăm mối...

Nhiều bất cập từ di sản dinh thự họ Vương

Mấy ngày qua, thông tin về việc ông Vương Chí Bảo (cháu nội vua Mèo Vương Chí Thành) - người đại diện trong "sổ đỏ dinh thự họ Vương" cùng 16 hậu duệ khác - đã lên tiếng về việc sẽ đóng cửa dinh thự họ Vương từ 15-6 nếu không đạt được những thỏa thuận với Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang đã gây xôn xao  dư luận.

Thực tế, đây không phải là lần đầu câu chuyện về di sản dinh thự họ Vương nảy sinh những bất cập. Trước đây, khi "sổ đỏ" của dinh thự họ Vương được cấp không đúng đối tượng (sổ đỏ được cấp cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn) đã gây nên một cuộc tranh cãi kéo dài.

Chùa Cầu ở phố cổ Hội An đang đứng trước những đòi hỏi nghiêm ngặt trong việc trùng tu, tôn tạo.

Sau khi ông Vương Chí Bảo gửi đơn lên Thủ tưởng Chính phủ đề nghị chính quyền địa phương trả lại mảnh đất gắn với tòa dinh thự này, ngày 16-8-2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có công văn yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, UBND tỉnh Hà Giang báo cáo quá trình giải quyết kiến nghị của ông Vương Chí Bảo, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự này.

Ngày 23-8-2018, Sở Tài nguyên  - Môi trường tỉnh Hà Giang thu hồi sổ đỏ đã cấp cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn, sau đó đến tháng 5-2019, UBND huyện Đồng Văn đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất của khu dinh thự họ Vương (thuộc xã Sà Phìn - huyện Đồng Văn). Không lâu sau thì những mâu thuẫn, bất cập mới lại bắt đầu nảy sinh.

Theo đó, một trong những vấn đề mà ông Vương Chí Bảo - người đại diện cho con cháu họ Vương đưa ra, đó là vì Hà Giang "chưa xây dựng được quy chế quản lý khu di tích" và một trong những điểm mấu chốt đó là "không đạt được sự thống nhất trong việc phân chia nguồn lợi từ thu phí tham quan".

Trong công văn hồi đáp Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang về việc mời ông Vương Chí Bảo và ông Vương Quỳnh Sèo là đại diện hậu duệ họ vương người H'Mong cùng tham gia nghiên cứu, tham gia soạn thảo quy chế quản lý khu dinh thự họ Vương, ông Bảo đã đề xuất: Nếu ngày 15-6, Sở không hoàn thiện quy chế quản lý khu dinh thự thì gia đình ông sẽ tự quản lý!

Có thể nói, đến đây câu chuyện về việc quản lý khu dinh thự họ Vương đã trở nên hết sức phức tạp và có nhiều vấn đề cần giải quyết đối với cả 2 phía là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang) và chủ sở hữu (mà đại diện ông Vương Chí Bảo và các hậu duệ họ Vương).

Theo quy định của pháp luật, dinh thự họ Vương mặc dù đã được cấp quyền sở hữu (sổ đỏ) cho hậu duệ họ Vương, nhưng thực tế công trình này đã trở thành di sản cấp quốc gia năm 1993, vì thế nó thuộc danh sách các công trình được nhà nước quản lý (có sự phối hợp với chủ sở hữu) và chịu ảnh hưởng của Luật Di sản.

Vì thế, việc ông Vương Chí Bảo cho rằng mình có thể "đóng cửa nhà Vương" hay lý luận theo kiểu: "khi đã được cấp sổ đỏ tức là chủ sở hữu thì có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt..." là không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì thế, việc mở cửa hay đóng cửa khu di tích dinh thự họ Vương  này đến nay không phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của ông Vương Chí Bảo và con cháu  vua Mèo nữa, mà phải chịu sự chi phối, điều tiết của Luật Di sản và sự quản lý của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang.

Trùng tu di tích - trăm mối tơ vò

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với TP. Hội An và các đơn vị có liên quan về công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa, trong đó trọng tâm là tìm biện pháp tu bổ chùa Cầu. Chùa Cầu là một di sản văn hóa nổi tiếng mang tính biểu tượng cho phố cổ Hội An và đã có niên đại 400 năm.

Từng trải qua 7 lần tu bổ lớn và nhiều lần tu bổ nhỏ, đến nay, di tích chùa Cầu (còn được gọi với tên khác là Lai Viễn Kiều) lại đối mặt với nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng, có khả năng bị sụt lún, xô lệch, mất an toàn cho di tích...

Theo báo cáo, mỗi ngày chùa Cầu đón tiếp lượng khách trung bình khoảng 4.000 người. Đứng trước nguy cơ xuống cấp, để đảm bảo an toàn cho di tích cũng như khách tham quan, gần đây Hội An đã đề xuất quy định hạn chế số khách tham quan lên cầu chỉ còn 20 người/lượt. Đây thực sự là biện pháp cần thiết và cần được làm ngay, nhưng cấp bách vẫn là phải tìm ra biện pháp tu bổ làm sao vừa để giữ được kết cấu an toàn mà vẫn giữ được sự cổ kính, di tích không bị "làm mới - trẻ hóa".

Hiện nay, TP. Hội An đang đề xuất việc một lần nữa mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia trực tiếp vào quá trình khảo sát, tu bổ di tích chùa Cầu để tìm ra biện pháp bảo vệ lâu dài cho công trình vốn được coi là "biểu tượng của mối quan hệ giao thương Việt Nam - Nhật Bản" này.

Câu chuyện bảo vệ - tu bổ chùa Cầu từ nhiều năm nay đã trở thành bài học về sự cẩn trọng trong việc bảo tồn - trùng tu các di tích văn hóa - lịch sử. Bởi lẽ, việc bảo tồn - trùng tu các di tích văn hóa lịch sử trên khắp rẻo đất hình chữ S này đã để lại nhiều bài học cay đắng: Không phải cứ có tiền là bảo tồn, bảo vệ được di tích mà việc trùng tu các di tích một cách vô tội vạ, không lường hết hậu quả tai hại của việc trùng tu, lại thường xảy ra khi công trình quyên góp được nhiều tiền.

Di sản quốc gia Dinh thự họ Vương đang nảy sinh những bất cập mới cần được sớm giải quyết.

Chắc nhiều người vẫn còn nhớ vụ việc đình làng Lương Xá (Ứng Hòa - Hà Nội) vốn là một ngôi đình cổ có niên đại 300 năm với nhiều nét kiến trúc chạm khắc tinh xảo bị dỡ bỏ để làm mới hoàn toàn bằng bê tông cốt thép, mất đi giá trị lịch sử - văn hóa vốn có. Bị công luận lên tiếng và công trình bị buộc tạm dừng, khi phóng viên xuống địa phương hỏi, người dân đã tỏ ra bức xúc, cho rằng: "Dân có tiền thì dân sửa, nhà nước có cho tiền không mà đòi can thiệp vào đình của dân, của làng?".

Thực tế, những câu chuyện đáng tiếc như thế vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương, với nhiều ngôi chùa - đền - đình mà mới đây là sự việc đình làng Văn Xá (Hà Nam) bị sơn đỏ choe choét là một ví dụ điển hình.

Nhà báo Nguyễn Đức Bình - người có thâm niên nghiên cứu về đình làng và các công trình kiến trúc cổ cho rằng, trong quá trình đi điền dã lâu năm của mình, anh phát hiện ra cứ ở đâu dân nghèo, chùa ở xa xôi, hẻo lánh, khó kêu gọi quyên góp để tôn tạo, tu bổ, thì đình - đền - chùa mới thường giữ được nét nguyên bản, cổ xưa, không bị "trẻ hóa - làm mới" bằng gạch hoa, sơn công nghiệp...

Bởi thế, ngoài việc kiểm kê, có báo cáo thường xuyên về tình trạng của di tích cũng như các công trình tuy chưa được xếp hạng di tích nhưng đã nằm trong danh mục cần được bảo vệ, ngành Văn hóa vẫn phải tiếp tục có những việc làm, có sự tuyên truyền - giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ các di tích - di sản ở địa phương mình. Mọi sự cẩn trọng trong việc trùng tu di tích hôm nay đều góp phần giữ gìn, bảo vệ sự nguyên vẹn của những di sản quý báu mà cha ông để lại cho con cháu đời sau.

Điều 15 - Luật Di sản (2013)

Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu di sản văn hóa có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

Thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp di sản văn hóa có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị hủy hoại, bị mất.

Gửi di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vào bảo tàng nhà nước hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp không đủ điều kiện và khả năng bảo vệ và phát huy giá trị.

Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hóa.

Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Nguyệt Hà
.
.