Triển lãm “60 năm Minh họa Văn nghệ Quân đội”

Cuộc hôn phối giữa văn chương và hội họa

Thứ Ba, 03/01/2017, 08:00
Lần đầu tiên, triển lãm minh họa trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một trong những tạp chí sáng tác, lý luận phê bình văn học có uy tín ở Việt Nam được tổ chức. 100 gương mặt các họa sĩ qua nhiều thế hệ, người còn, người mất thể hiện chiều dài biến thiên của lịch sử, ở đó văn chương và hội họa đã cùng chắp cánh cho nhau, tôn vinh nhau, tôn vinh cái đẹp của cuộc sống.


Họa sĩ Ngô Xuân Khôi đã bày tỏ niềm hạnh phúc khi được vẽ minh họa cho các truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bởi với các họa sĩ, đó vẫn là tạp chí hàng đầu về văn chương, nơi phát tích của những cây đa cây đề trong làng văn Việt Nam, tạo nên những "tượng đài chữ nghĩa" như Thanh Tịnh, Từ Bích Hoàng, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Xuân Thiều, Mai Ngữ, Hải Hồ, Nguyễn Trọng Oánh, Duy Khán, Triệu Bôn, Đỗ Chu, Lê Lựu… 

Và cũng từ đó, bên cạnh những tượng đài về chữ nghĩa là những tên tuổi lừng lẫy, thậm chí có mặt cả một số ngôi sao trong làng hội họa như Dương Bích Liên, Diệp Minh Châu, Ngọc Thọ, Dương Viên, Huy Toàn, Nguyễn Bích, Văn Đa, Nguyễn Thụ, Đào Đức, Huy Oánh, Thành Chương, Nguyễn Đăng Phú, Lê Trí Dũng, Đào Quốc Huy, Phạm Minh Hải,… 

Nếu như sân chơi bên kia có đủ các thể loại như truyện ngắn, bút kí, tản văn, thơ ca, lí luận phê bình… thì sân chơi bên này cũng nảy nở đủ những kí hoạ bút sắt, bút chì, màu nước, sơn dầu, thậm chí cả sơn mài…

Ngay từ những ấn phẩm đầu tiên, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã chú trọng vẽ minh họa. Và thực tế, đó là nơi tập hợp những cây bút có thương hiệu trong làng hội họa. Điều đó chứng tỏ, minh họa không phải là trò chơi dễ dãi. 

Minh họa truyện “Chuyện Nguyên Phong” của Doãn Dũng (họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương).

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi chia sẻ: "Vẽ minh họa trên các báo thực tế không được chú trọng, nhiều tờ báo không xem hình ảnh như một ngôn ngữ song hành cùng chữ, để độc giả hiểu hơn câu chuyện mà chỉ coi đó là lấp chỗ trống. Thực tế, hình ảnh là một thứ song hành cùng chữ nghĩa, làm đa dạng hơn ý nghĩa tác phẩm. Người họa sĩ vẽ minh họa cũng phải lao tâm khổ tứ, day dứt sáng tạo. 

Thế mới có những gương mặt tiêu biểu, mang đậm dấu ấn phong cách. Những Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái hay sau này Lê Trí Dũng, Thành Chương, những tên tuổi nổi tiếng trong làng hội họa Việt Nam đều định hình những phong cách vẽ minh họa riêng trên các ấn phẩm".

Với nhiều họa sĩ, có thể vẽ minh họa cho báo chí không phải là công việc chính của họ, nhưng là những tài năng và tên tuổi đích thực, họ đã làm công việc này với tất cả tâm huyết, tài năng và trách nhiệm trước bạn đọc. Và bạn đọc cũng khó quên những cái tên thân thuộc vẫn thường ký dưới các bức tranh minh họa vẫn gắn với những tác phẩm văn học mà họ yêu thích. 

Nhà thơ Anh Ngọc nói rằng, ngay từ khi Tạp chí Văn nghệ Quân đội ra những số đầu tiên, khi ông còn là đứa trẻ sống ở quê hương Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An, một buổi đến trường, một buổi về ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, ông đã bị hút hồn vì tờ Tạp chí quá hấp dẫn này. Đó là những truyện ngắn, thơ, cả những tranh luận bếp núc văn chương, nhưng có một thứ hình ảnh đã hỗ trợ rất ấn tượng cho các bài vở và chắp cánh cho các con chữ ấy - đó chính là những bức tranh minh họa. 

Minh họa truyện “Hương thôn dã” của Nguyễn Kim Hòa (họa sĩ Vũ Đình Tuấn).

Và chắc hẳn, nhiều bạn đọc thủy chung với tạp chí có chung cảm xúc đó khi được thả hồn mình vào thế giới của văn chương - hội họa ấy. Bởi ở đó có sự thăng hoa của người cầm cọ, để cùng với nhà văn tôn vinh tối thượng vẻ đẹp của văn chương. Điều đó cũng tạo nên một phong cách minh họa riêng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cùng với báo Văn nghệ, khẳng định vai trò quan trọng của minh họa trên báo chí, không phải là công cụ lấp chỗ trống như nhận thức của nhiều người.

Nhà thơ Anh Ngọc

Nhiều khi nhớ về một tác phẩm nào đó đã đọc, trong trí não tôi thường nhớ luôn cả những hình ảnh minh họa như khi ta nhớ một con người thì vừa nhớ đường nét, màu sắc, vừa nhớ tính nết, thậm chí cả quần áo và cốt cách hành xử của người ấy… Có lẽ chức năng của nghệ thuật minh họa là thế… 

Một chú bộ đội tươi cười và một em bé còn tươi hơn, những cô gái áo váy khi thì giản dị, khi thì hoa lá cành, một bà cụ già nhà quê móm mém…, tất cả đều luôn ấm áp, dịu dàng… và hoa, và cây lá, và những con đường, những chiếc xe, những ngọn núi và những cánh rừng là những thứ "đề co" luôn hiện hữu, như không thể thiếu với cuộc đời người lính… 

Tôi nghĩ rằng, nếu gắn liền với tờ Tạp chí này trong 60 năm qua có tên tuổi những nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận phê bình nổi tiếng… mà bạn đọc đều ghi nhận và thiết tưởng không cần kể ra ở đây nữa, thì chắc chắn ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế này cũng là nơi lưu dấu mãi mãi những tên tuổi các họa sĩ lừng danh, vốn là cộng tác viên thân gần của Tạp chí về phần mỹ thuật nói chung và minh họa nói riêng như: Diệp Minh Châu, Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên, Trọng Kiệm, Quang Thọ, Huy Toàn, Văn Đa, Phạm Học Hải, Lương Xuân Đoàn, Lê Trí Dũng v.v và v.v..., cùng những họa sĩ là biên tập viên mĩ thuật của Tạp chí như các anh Hà Trì, Trương Hạnh, Quách Đại Hải, Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Duy Quang…

Nhà văn Chu Lai

Sáu mươi năm, "lò luyện đan" mang dáng ngói xô nghiêng rêu phong, cổ kính đã cung cấp biết bao tài văn, tài quán xuyến nghề văn cho nền văn hoá, văn nghệ nước nhà. Nhưng vẫn còn có một sắc màu khác tưởng như không dính dáng đến văn chương bao nhiêu song lại thổi hồn thổi vía không thể thiếu cho những đà bay chữ nghĩa. Đó là những bức tranh minh họa.

Cứ thử hình dung ra những năm tháng ấy, những năm tháng này mà vắng thiếu đi phần minh họa xuất thần, tài hoa thì những trang viết sẽ cô quạnh, rậm rịt, nặng nề đến nhường nào. Nó không ăn theo trang viết mà tồn tại độc lập, một nét cộng hưởng sáng tạo làm cho con chữ bay đến trái tim người đọc với một tốc độ, một cung đường nhanh nhạy, thẳng thớm hơn. 

Và, giống như những ca khúc người nhạc sĩ viết cho một bộ phim, một vở kịch, một khi đã thấm được hồn khí kịch bản ấy tự khắc nó sẽ thoát ra thành một ca khúc tồn tại độc lập, có sức truyền cảm, âm vang mãnh liệt trong công chúng. Vấn đề là nó thẩm thấu như thế nào? Nếu chỉ vẽ cho có vẽ, thêm thắt chút gia vị cho cay cho chua rôn rốt tí thì âu là chả cần đến những cây cọ tài hoa phải dốc công dốc sức vào.

Họa sĩ Trần Khánh Chương

Triển lãm tập hợp được 108 tác giả qua các thời kỳ khác nhau, trong đó có nhiều người cao tuổi, thuộc thế hệ trước đã mất như cụ Mai Văn Hiến, cụ Dương Bích Liên rồi đến thế hệ chống Mỹ chúng tôi cũng nhiều người tham gia, sau đó là những thế hệ họa sĩ đổi mới. 

Chính việc tăng cường, bổ sung, tiếp nối các tác giả cho chúng ta thưởng thức cách nhìn khác nhau, bút pháp khác nhau, làm cho tạp chí đẹp, phong phú hơn, sinh động hơn. Tôi đánh giá cao việc tổ chức triển lãm này. 

Đã từng có triển lãm minh họa của Báo Văn nghệ và đây là lần đầu tiên Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức triển lãm kiểu này. Tạp chí đã biết tập hợp lực lượng, mời các nghệ sĩ có tên tuổi và các nghệ sĩ trẻ bổ sung cho minh họa của mình. Vì thế minh họa của Tạp chí Văn nghệ Quân đội bao giờ cũng chất lượng cao, tương xứng với truyền thống và thành tựu về văn chương của họ. 

Thời chiến tranh, do nhiều sáng tác về đề tài chiến tranh nên hình tượng người chiến sĩ xuất hiện khá nhiều trong các minh họa. Sau này, thời bình xây dựng Tổ quốc, các sáng tác mở rộng hơn nên không chỉ có hình tượng người lính mà còn nhiều hình ảnh khác, đề tài khác về cuộc sống, tình yêu, điều đó làm cho minh họa không bị khuôn mẫu. Nhiều minh họa có thể trở thành những tác phẩm độc lập bởi sự thăng hoa trong sáng tạo của họa sĩ.

Phan Chi
.
.