Biếm họa không phải là minh họa

Thứ Tư, 25/03/2015, 08:00
Phòng chống tham nhũng là một đề tài nhức nhối, gai góc của xã hội. Đương đầu với vấn nạn này, các họa sĩ biếm - những cây cọ chuyên đấu tranh với các vấn đề tiêu cực - cũng đã gặp vô vàn khó khăn, hạn chế từ khâu lựa chọn đề tài, cách thể hiện cho đến cách đưa nó đến công chúng.

Đỏ mắt tìm tranh biếm hay

Lần đầu tiên tổ chức cuộc thi dành cho tranh biếm họa với đề tài "Công khai, minh bạch trên báo chí" cuối năm 2014 (nằm trong khuôn khổ chương trình "Sáng kiến phòng chống tham nhũng"), ông Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) - đơn vị tổ chức - chỉ dám hy vọng có khoảng 200 tranh tham gia. Bởi ngay khi phát động cuộc thi,  nhiều họa sĩ tỏ ra e ngại với đề tài được cho là dễ "động chạm" này.

Lo vậy nhưng ông Mai Phan Lợi cũng tự tin: đây là đề tài rất nóng, bức xúc của xã hội, dễ dàng tạo cảm hứng để các họa sĩ biếm thể hiện và bày tỏ suy nghĩ của mình. Kết quả: hơn 615 tác phẩm của 35 cây cọ chuyên và không chuyên gửi về. Trong đó đề tài chống tham nhũng, tiêu cực nói chung chiếm số lượng áp đảo với 236 tác phẩm. Số lượng dồi dào nhưng chất lượng tranh vẫn chưa khiến ban tổ chức vui mừng.

"Căn bệnh" mà tranh biếm Việt thường xuyên mắc phải chính là lạm dụng… chữ. Họa sĩ Nguyễn Trung Liêm cho rằng, tranh biếm đắc địa khi không lời. Đã là tranh thì hình vẽ là yếu tố hàng đầu. Hình vẽ có tính biểu trưng, cô đọng hoặc liên tưởng cao để người xem chỉ cần nhìn hình là dễ dàng hiểu điều tác giả muốn nói.

Quang cảnh Hội thảo "Nâng cao vai trò của biếm họa trong công tác phòng chống tham nhũng" tháng 2/2015 ở TP HCM.

Để đạt được trình độ "không lời" mà dễ hiểu, thâm thúy đó là điều cực khó. Nó đòi hỏi trí tuệ, tài năng của người cầm cọ. Khi không đạt đến mức trên thì họa sĩ phải dùng lời để giải thích cho từng hình vẽ trong tranh, có vậy người xem mới hiểu hoặc không hiểu sai ý. Chính vì lạm dụng chữ nên nhiều họa sĩ không chú trọng ngôn ngữ tự thân của hình ảnh mà vẽ hình sơ sài và chêm đoạn hội thoại dài dằng dặc để mô tả thông điệp.

Hình ảnh trong tranh biếm họa để lại cảm quan ấn tượng tức thì, trong khi câu từ mang tính diễn giải chỉ để người ta nhận diện sự vật, hiện tượng. Chữ nhiều đồng nghĩa với việc người xem phải đọc, rất mất thời gian. Tính chiến đấu của tranh đương nhiên giảm xuống đáng kể.

Không ít tranh có ý tưởng trừu tượng, phức tạp khiến người xem mệt óc. Thậm chí có nhiều bức không hiểu điều tác giả gửi gắm là gì. Có tranh lại thể hiện ý tưởng đơn giản, thật thà đến mức sơ sài từ hình vẽ, nội dung. Chẳng hạn phê phán nạn phong bì trong nhà trường thì vẽ cái phong bì lồng trong hình ngôi trường. Hay lên án nạn tham nhũng thì vẽ quả táo có ghi chữ "Ngân sách Nhà nước" đang bị con sâu có chú thích là "Quan X, Y, Z..." đục gặm. Vậy là xong.

Theo đánh giá của ông Lợi, những tranh này gần với tranh minh họa cho một bài báo hơn là tranh biếm họa. Họa sĩ Nguyễn Văn Dũng (bút danh Cận) cho rằng cần có sự phân biệt giữa biếm họa và minh họa. Vì nhiều họa sĩ còn nhầm lẫn nên tranh biếm họa của họ không khác gì minh họa, sức chiến đấu của nó gần như không tồn tại.

"Tranh minh họa phản ánh những điều đã và đang xảy ra ở mức độ đơn giản, khái quát. Tranh biếm họa phải đạt được nấc cao hơn thế, nó có thể nhìn sâu xa bản chất sự vật, hiện tượng, phán đoán được nó. Tiếc là tranh biếm ở ta chưa có nhiều những bức đạt được mức như vậy" - họa sĩ Cận nói.

Những hạn chế trên đã khiến biếm họa - vũ khí sắc bén của báo chí - trở thành con dao cùn. Về nguyên nhân dẫn tới sự yếu kém này, họa sĩ Trần Thanh Trung (bút danh Cua Con) phân tích: "Ở phương Tây, biếm họa được xem là một môn học được đưa vào trường phổ thông, đào tạo bài bản. Còn ở Việt Nam, biếm họa đa phần là tự phát. Hầu hết các họa sĩ biếm đều coi nó là nghề tay trái, vẽ vì niềm đam mê, vẽ sao cho vơi bớt những tiêu cực trong xã hội hoặc để trút bực bõ. Họa sĩ biếm ngày càng nhiều hơn nhưng để sống bằng nghề này thì số lượng họa sĩ cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay".

Mở rộng đất sống cho biếm họa

Theo ông Mai Ngọc Phước, Quyền Tổng biên tập Báo Pháp luật TP HCM, với báo chí, tỉ lệ rủi ro của những bài điều tra về tham nhũng cao hơn nhiều so với biếm họa vì nó đòi hỏi người thật, việc thật cụ thể. Trong khi biếm họa vốn là một loại hình sáng tác dựa trên sự thật, độ rủi ro sẽ thấp hơn. Nhưng không vì thế mà vai trò của biếm họa giảm, ngược lại chính đặc điểm đó khiến nó gần như không ngại chủ đề nào. Thậm chí, một bức biếm họa có giá trị tương đương bài điều tra.

Còn họa sĩ Nguyễn Trung Liêm cho rằng: "Biếm họa là đặc thù riêng của báo chí, có thể độc giả không đọc hết bài nhưng sẽ xem hết bức tranh. Thông điệp của nó truyền tải nhanh gọn, dễ tiếp nhận dưới góc nhìn hài hước. Vậy mà nhiều báo trước đây có mục biếm họa thì giờ bỏ đi không rõ nguyên nhân".

Lâu nay các họa sĩ cho rằng biếm họa như "đứa con hoang bị bỏ rơi" của  "ông bố" báo chí. Riêng mảng tranh về đề tài chống tham nhũng thì càng bị "ông bố" này "ghẻ lạnh". Vấn nạn tham nhũng được xem là một đề tài nhạy cảm, dễ động chạm, công cuộc phòng chống nó gặp không ít khó khăn. Những người chiến đấu với vấn nạn tham nhũng bằng cây cọ cũng không phải là ngoại lệ.

Họa sĩ Nguyễn Thị Diệp Thanh (bút danh Sói, công tác tại Báo Lao động Nghệ An) kể rằng nhiều lần mình vất vả chọn đề tài rồi đau đầu tìm cách thể hiện, nhưng đến khi trình lên ban biên tập thì buộc phải bỏ hoặc chỉnh sửa cho phù hợp. Cuối cùng sản phẩm trên báo chỉ là một tác phẩm đả kích chung chung, chưa cụ thể, sâu sắc. Chị thẳng thắn: "Biếm họa chỉ trích cái xấu nên thường chịu sự thù ghét, gây khó dễ từ những đối tượng bị chỉ trích. Do đó, cả họa sĩ lẫn ban biên tập cần sự can đảm, quyết đoán lẫn sự tỉnh táo khi dùng biếm họa làm công cụ phòng chống vấn nạn này".

Hơn 20 năm gắn bó với biếm họa và là họa sĩ hiếm hoi sống được bằng nghề, họa sĩ Nguyễn Văn Dũng tiết lộ rằng, với mỗi báo người họa sĩ phải biết cách vẽ, khai thác đề tài đúng gu của báo đó, nếu không tranh rất khó sử dụng. Thế nhưng họa sĩ Nguyễn Văn Dũng cũng phải rất chật vật, vì số lượng các báo dùng tranh biếm họa quá ít ỏi.

Ông bày tỏ quan điểm: "Chính mảnh đất sống quá nhỏ hẹp đã khiến biếm họa chống tham nhũng không thể phát triển nổi, nói chi có tác phẩm hay, nâng cao tính chiến đấu. Tôi đề nghị các báo phải mở rộng đất ra, dành cho biếm họa có chỗ đăng. Số lượng các cuộc thi lại càng ít. Tôi mong mỏi cuộc thi biếm họa như Cúp rồng Tre, cuộc thi của Tuổi Trẻ Cười, của MEC cũng nên tổ chức thường xuyên hơn chứ đừng để 2, 3 năm mới tổ chức một lần. Liên tục với cuộc thi là việc cố gắng xuất bản các tập san biếm họa để đưa nó tới gần công chúng".

Họa sĩ Trần Thanh Trung chỉ rõ, ở TP HCM có khoảng 100 tờ báo nhưng chỉ có vài tờ như Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cười, Pháp luật TP HCM… sử dụng tranh biếm họa. Nhuận bút dành cho mỗi tác phẩm rất thấp so với các thể loại báo chí còn lại, chỉ dao động từ 50 ngàn đến 400 ngàn tùy tờ báo, không xứng đáng với công sức lao động.

Chính vì thiếu "sân chơi", mức sống của họa sĩ biếm còn khó khăn nên cơ hội để họ gặp gỡ, giao lưu với nhau vô cùng hiếm hoi. Họa sĩ Diệp Thanh ngao ngán khi ở Nghệ An, các họa sĩ biếm nghiệp dư thì nhiều nhưng người làm nghề chuyên nghiệp như cô chỉ có một thì lấy ai mà giao lưu.

Nỗ lực cải tiến từ năm 2010 đến nay, Báo Pháp luật TP HCM đang dành nhiều ưu tiên cho mảng biếm họa. Ông Mai Ngọc Phước lý giải: "Báo chúng tôi đi sâu về mảng pháp luật. Đó vốn là những điều khô cứng, khó tiếp thu với nhiều đối tượng bạn đọc. Biếm họa đơn giản hóa và truyền tải câu chuyện pháp luật bằng hình ảnh dễ hiểu. Vấn đề chống tham nhũng cũng được báo đẩy mạnh. Chúng tôi đang cố gắng nâng cao số lượng, chất lượng cũng như mức nhuận bút cho các họa sĩ biếm".

Cuộc chiến chống tham nhũng đang được sự ủng hộ và vào cuộc quyết liệt của nhân dân, các ngành, các cấp. Vì vậy, nói như ông Nguyễn Văn Hùng, hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản - Ban Tuyên giáo Trung ương: "Cần khuyến khích các cơ quan báo chí quan tâm mảng tranh biếm họa. Việc dùng tranh biếm họa cũng là cách bày tỏ trách nhiệm, thái độ của các cơ quan báo chí không khoan nhượng trong cuộc chiến chống tham nhũng, có ý nghĩa thiết thực trong việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Đảng, Chính phủ hiện nay trong công tác phòng chống quốc nạn này". 

Phòng chống tham nhũng là một đề tài nhức nhối, gai góc của xã hội. Đương đầu với vấn nạn này, các họa sĩ biếm - những cây cọ chuyên đấu tranh với các vấn đề tiêu cực - cũng đã gặp vô vàn khó khăn, hạn chế từ khâu lựa chọn đề tài, cách thể hiện cho đến cách đưa nó đến công chúng.

Phan Thi Uyên
.
.