Cuộc hội ngộ “đa sắc”

Thứ Hai, 13/03/2017, 08:00
Đó là cuộc hội ngộ của ba họa sĩ Ngô Huy Thanh, Phùng Quang Dực và họa sĩ trẻ Vũ Tuyên trong một triển lãm mang tên "Đa sắc". Ba họa sĩ, ba phong cách nhưng cùng kết nối trong cuộc chơi dữ dội và quyết liệt bằng sắc màu.


Ngô Huy Thanh và Phùng Quang Dực là hai họa sĩ cùng thế hệ, cùng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp từ những năm 60. Họ, mỗi người một công việc khác nhau. Ngô Huy Thanh làm thiết kế nhãn hàng cho Viện Dược liệu, còn Phùng Quang Dực làm họa sĩ ở Trung tâm Văn hóa Hà Nội. 

Nhưng họ có chung một niềm đam mê với hội họa. Không thuộc hàng sao, không có tranh bán với giá cao nhưng họ có một tình yêu nguyên thủy với hội họa. 

Đó là sự chắt chiu cảm xúc và tình cảm trong từng nét cọ. Tôi ngồi với họ và thấu hiểu, những con người đã dành trọn niềm đam mê của mình cho hội họa bởi sự quyến rũ của sắc màu. Họ gần như thấy mình lạc nhịp khỏi đời sống hiện đại, những cuộc bán mua, vẽ theo đơn đặt hàng.

Chân dung tự họa của họa sĩ Ngô Huy Thanh.

Đối với họ, vẽ là một thế giới khác biệt, ở đó không có sự bon chen áp đặt, ở đó, họ được sống trọn với đam mê của mình. Mỗi người 10 bức tranh trong triển lãm "Đa sắc" là những gì chắt chiu từ cảm xúc, từ tình yêu của họ với hội họa. 

Tuy nhiên, đây cũng không phải là triển lãm chung đầu tiên. Thỉnh thoảng, họ lại bày tranh cùng nhau, như một cách hưởng thụ thành quả của mình. "Đôi khi vẽ xong, ngồi ngắm tác phẩm của mình cảm giác còn sung sướng hạnh phúc hơn bất cứ điều gì trên đời" - Họa sĩ Ngô Huy Thanh mộc mạc chia sẻ.

Tác phẩm “Sắc phố 4” của họa sĩ Ngô Huy Thanh.

Tranh của Ngô Huy Thanh là những dòng hoài niệm về một Hà Nội xưa. Cũng là phố, nhưng phố của Ngô Huy Thanh không có vẻ cổ kính, rêu phong. Phố của anh hiện đại trong sự pha trộn của sắc màu, của hình khối. 

Có thể nói, tranh Ngô Huy Thanh là một dòng chảy của màu sắc. Màu sắc như tràn lên, lấn át những đường viền mỏng manh của đường nét. Anh gọi lối biểu hiện ấy là một cuộc thử nghiệm của riêng mình. 

Nhưng Hà Nội trong tranh của anh đã thuộc về quá vãng, một Hà Nội phố trong làng, làng trong phố. Ngô Huy Thanh sử dụng những gam màu trầm buồn nhưng không lạnh lẽo. Anh vẽ về nỗi cô đơn, nhưng tận cùng trong nỗi cô đơn đó vẫn thấy những ấm áp, tin yêu cuộc sống, vẫn là những khát vọng về sự sẻ chia, thấu hiểu. 

Ngô Huy Thanh lớn lên ở làng Yên Phụ, ngôi làng thanh bình giờ chỉ còn trong ký ức. Cuộc sống của anh là những tháng ngày bôn ba, lang thang với những người cùng khổ. 

"Tôi thích trò chuyện với họ, tìm hiểu về cuộc sống của những tầng lớp dưới đáy xã hội. Tôi nhớ mãi một câu chuyện xảy ra 7, 8 năm rồi, khi chứng kiến hai người ăn xin ở trước cổng cơ quan đút cơm cho nhau ăn bằng ống bơ. Những con người dưới đáy xã hội đó, họ vẫn sống tình cảm và yêu thương như thế" - Ngô Huy Thanh kể. 

Tác phẩm “Phố” của họa sĩ Phùng Quang Dực.

Câu chuyện đó ám ảnh anh nhiều năm bởi cuộc sống hiện đại, con người dường như càng xa nhau hơn, lạnh lẽo hơn. Và anh vẽ về nỗi cô đơn của con người. 

Trong tranh của anh luôn ẩn hiện bóng hình con người nhỏ bé, liêu xiêu như muốn mất hút đi giữa những dãy phố dài hun hút. Một dáng người còng lưng gồng gánh, một gã hành khất. Chỉ một nhân vật, bé nhỏ trong sự hun hút dài dặc của phố. Những dáng người xiêu vẹo, khắc vào tranh của anh nỗi cô đơn vô tận của con người. 

Anh tâm sự: "Tranh của tôi, phố Hà Nội có sự hiện hữu của những con người lao động nhỏ bé, bươn chải, vật lộn với những vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Đó là một phần ký ức thân thương của tôi về Hà Nội". Còn tôi tự hỏi, Ngô Huy Thanh vẽ nỗi cô đơn của phố hay anh đang vẽ nỗi cô đơn của chính mình giữa đời sống xô bồ hôm nay?

Vẫn mạch nguồn cảm xúc về phố, nhưng phố của Phùng Quang Dực là những ngôi nhà "bao diêm" chồng lên nhau và nghiêng nghiêng trong chiều dài thời gian dằng dặc. Phố của Phùng Quang Dực không u buồn, trầm lắng mà tươi sáng và rực rỡ trong những gam màu trẻ trung, đầy phá cách. 

Chú trọng đến tính hiện đại và giá trị trang trí trong những tác phẩm của mình, phố của Phùng Quang Dực mang đến sự ngỡ ngàng cho người xem trước những cảm nhận màu sắc khác biệt: Phố đêm xanh cả vầng trăng, đối nghịch giữa thực tại và quá khứ, giữa sự bình yên của quá khứ và sự ồn ào của đời sống hôm nay. Phố chiều đỏ rực màu trời ám ảnh... hay phố sáng mùa thu dịu dàng trong trẻo như một giấc mơ. 

Một giấc mơ chỉ còn trong ký ức, trong sự pha trộn và hòa quyện của sắc màu. Những cách phối màu ít hiện thực nhưng đem lại những ấn tượng rất lạ và mới. "Tôi vẽ phố như đang vẽ giấc mơ của mình về phố" - Phùng Quang Dực nói. Phố trong tranh của anh không còn là thực tại mà như thực, như mơ.

Xem tranh của Phùng Quang Dực và Ngô Huy Thanh, trò chuyện với họ, tôi cảm giác họ cũng như vừa bước ra từ giấc mơ, từ câu chuyện cổ tích của chính mình. Đó là những bức tranh được chắt chiu từ cảm xúc, từ ký ức của chính họ. 

Nhưng liệu phố của  họ có bị hòa lẫn vào những bức tranh phố của các họa sĩ, bởi hình như những họa sĩ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đều say mê với mảng đề tài này. Nhưng sẽ không lẫn vào đâu khi họa sĩ vẽ bằng chính ký ức máu thịt của mình, những ngôi làng ven đô đã biến mất trong xu thế đô thị hóa. Phải lớn lên ở phố, thấm nỗi mất mát của phố xá trong sự biến thiên của thời cuộc, mới cảm nhận hết giấc mơ phố của họ. 

"Chúng tôi vẽ phố bằng chính những ký ức máu thịt của mình khi chứng kiến những đổi thay, còn - mất của phố ven đô Hà Nội. Phố xưa thanh bình. Bên này làng Yên Phụ, bên kia làng Yên Thái, những con đường bình an, nhịp sống bình an, tất cả đã biến mất". Họa sĩ Bùi Quang Dực ngậm ngùi.

Tách khỏi dòng hoài niệm về phố, ta sẽ bắt gặp một cuộc va chạm dữ dội và quyết liệt, phóng khoáng của sắc màu của họa sĩ trẻ Vũ Tuyên. Vũ Tuyên thuộc thế hệ 7X, mang đến một sắc khí mới vô cùng ấn tượng bởi sự khoáng đạt, phá cách, phá bỏ hết mọi quy chuẩn của sắc màu. 

Sự đối lập của màu sắc, của đường nét đã tạo nên ấn tượng mạnh trong tranh của Tuyên. Không phải phố, cũng không làng, Tuyên trình làng một series mới mang tên "Trừu tượng".

Tác phẩm “Trừu tượng” của họa sĩ Vũ Tuyên.

Vũ Tuyên được biết đến là một họa sĩ có nhãn quan đặc biệt về màu sắc, mỗi bức tranh đều đi đến tận cùng của cảm xúc, khai thác hết khả năng biểu đạt của sắc màu và hoàn mỹ trong từng chi tiết. 

Có thể nói, tranh của Vũ Tuyên là một bữa tiệc đa sắc màu mà ở đó, sự sáng tạo của người nghệ sĩ đã đạt đến độ thăng hoa của xúc cảm.

Vũ Tuyên đang ở trong thời điểm tràn đầy năng lượng sáng tạo. Anh xuất hiện liên tục trong các triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm. Sau "Sen", "Thiền"  Vũ Tuyên cho thấy sức sáng tạo vô cùng của người nghệ sĩ. Series "Trừu tượng" của Tuyên tưởng như xa lạ, khó hiểu, nhưng lại gần gụi ấm áp bởi những sự nhảy nhót, loang lổ, ẩn hiện của màu sắc đã tạo nên cảm xúc, niềm vui, sự hân hoan cho người xem. 

"Vậy đó, nghệ thuật không chỉ để hiểu mà cao hơn là sự cảm nhận, sự rung động của con tim…", hoạ sĩ Vũ Tuyên chia sẻ. Và Tuyên dù vẽ bất cứ gì, dù Sen, Thiền hay "trừu tượng" thì tranh của anh luôn hướng tới vẻ đẹp hoàn mỹ của đời sống, của con người, thiên nhiên, trời đất và vũ trụ bao la. 

Đó là một dòng chảy mạnh mẽ, bất tận. Anh lấy sự tự nhiên của sắc màu khởi nguồn cho mọi sáng tạo. Anh vẽ hối hả như không thể dừng lại, bởi thế, tranh của Tuyên ngập tràn những cảm xúc mạnh mẽ, tươi tắn. Tuyên hướng đến cái đẹp của sự bình yên trên một nền chuyển động tinh tế của sắc màu, hình khối như một quy luật tất yếu của sự sống.

Dù vẽ về phố, vẽ về nỗi cô đơn, hay vẽ về vũ trụ, thiên nhiên thì tranh của ba họa sĩ Ngô Huy Thanh, Phùng Quang Dực và Vũ Tuyên đều ấm áp tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu thương cuộc đời này. Đó cũng chính là lý do họ hội ngộ trong triển lãm "Đa sắc" diễn ra vào 18h ngày 3-3-2017 tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố Cổ, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội.

Khánh Linh
.
.