Nữ đạo diễn người Đức Anne Zohra Berrached:

Có thể khán giả Việt Nam sẽ sốc khi xem phim của tôi

Thứ Bảy, 16/09/2017, 08:01
Trao đổi bên lề Liên hoan phim Đức tại Việt Nam, nữ đạo diễn tài năng Anne Zohra Berached chia sẻ rất thẳng thắn rằng, rất có thể, khán giả Việt Nam sẽ sốc khi xem phim của chị.


Trong khuôn khổ Liên hoan phim Đức tại Việt Nam lần thứ 8 diễn ra vào tháng 9-2017, bộ phim "24 tuần" của nữ đạo diễn đến từ Đức – Anne Zohra Berached được trình chiếu khai mạc. Đây là tác phẩm điện ảnh từng giành nhiều giải thưởng uy tín, trong đó có giải Bạc Liên hoan phim Đức năm 2017; giải Đạo diễn xuất sắc nhất, Biên kịch xuất sắc nhất và Giải khán giả bầu chọn tại Liên hoan nghệ thuật điện ảnh Mecklenburg-Vorpommern lần thứ 26; giải khán giả bầu chọn cho Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Emden/Norderney lần thứ 27.

Tuy nhiên, trao đổi bên lề Liên hoan phim Đức tại Việt Nam, nữ đạo diễn tài năng này chia sẻ rất thẳng thắn rằng, rất có thể, khán giả Việt Nam sẽ sốc khi xem phim của chị.

- Trong Liên hoan phim Đức tại Việt Nam lần này, chị tham gia đến 2 phim là "24 tuần"  và "Thế hệ Y". Trong đó "24 tuần" có đề tài bị cho là rất nhạy cảm. Chị muốn chuyển tải thông điệp gì đến khán giả qua bộ phim này?

+ Đạo diễn Anne Zohra: Tôi rất tự hào về phim "24 tuần" . Phim đã mang về nhiều giải thưởng điện ảnh lớn. "24 tuần" xoay quanh câu chuyện về một  nữ diễn viên hài. Cô ấy mang thai, sau đó phát hiện thai nhi bị dị tật bẩm sinh và phải quyết định nên giữ hay bỏ đi. Ở một nước phát triển như Đức, đây vẫn là chủ đề bị bàn tán rất nhiều nhưng tôi vẫn quyết định chọn làm. Khi kể câu chuyện, tôi không đồng tình, cũng không phản đối. Tôi chỉ chia sẻ câu chuyện với khán giả và để họ tự cảm nhận, tự quyết định xem mình nên làm gì. Xét cho cùng, mọi sự lựa chọn đều có mặt này hay mặt khác. Chúng ta chọn lựa như thế nào thì có hệ quả tương ứng…

Nữ đạo diễn Anne Zohra.

- Trước đây, chị làm phim "Hai người mẹ" cũng có nhiều hình ảnh, chi tiết liên quan đến việc cho ra đời các thế hệ mới. Vì sao các tác phẩm của chị gắn bó mật thiết với đề tài này như thế?

+ Tôi cũng không biết vì sao chủ đề phim của mình hay xoay quanh chuyện sinh con. Phim hoàn thành, nhìn lại kết quả, tôi cũng mới nhận ra điều này. Khi làm phim tôi chỉ quan tâm chọn chủ đề mình tâm đắc, cảm nhận được. Có lẽ vì sinh con là chủ đề rộng rãi, liên quan đến nhiều người. Ngay cả những người chưa từng có con cũng nghĩ về việc này. Tôi nghĩ, phim về đề tài ấy sẽ tạo sự rung động cho nhiều người, mà tôi thì muốn làm ra những bộ phim có thể chạm đến cảm xúc của càng nhiều người càng tốt.

- Chị nói phim "24 tuần" có đề tài nhạy cảm. Trong quá trình sản xuất, phát hành phim, chị có chịu nhiều áp lực tại Đức và các quốc gia phát hành phim không?

+ Khi tôi chọn chủ đề này, tôi đã gọi điện cho một bác sĩ phụ sản. Bác sĩ đã hét lên trong điện thoại rằng không có chuyện phá thai sau 3 tháng chỉ vì em bé dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, thực tế thì tôi biết là khác. Trong quá trình làm phim, tôi cũng vấp phải nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có người đồng tình, có người không đồng tình. Ngay cả khi trình chiếu trong Liên hoan phim Berlin, từ 2 tuần trước đó, chúng tôi đã rất lo lắng vì không biết khi trình chiếu, khán giả sẽ tiếp nhận như thế nào.

Sau khi chiếu phim, tôi được mời lên sân khấu giao lưu. Một phụ nữ tham gia chương trình ngày hôm ấy đã hét lên rằng, đây là tác phẩm quảng cáo cho phá thai muộn và có khoảng 10 đến 15 người vỗ tay cổ vũ cô ấy.

Sau đó, tôi đã phải giải thích với nữ khán giả rằng, tôi là nghệ sĩ, tôi có quyền chạm đến mọi khía cạnh, mọi vấn đề trong xã hội. Bộ phim này chỉ là câu chuyện về một gia đình gặp phải thai dị tật và vấn đề họ phải đối diện. Tôi không đánh giá vấn đề này vì mỗi người có sự lựa chọn của mình và phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình…

Rất may, sau khi trình chiếu, phim đã nhận được sự hưởng ứng rất tốt từ phần lớn khán giả. Các bài báo phê bình đều bày tỏ ý kiến khen ngợi.

- Thực tế, phim của chị có được chiếu phổ biến ở rạp chiếu thương mại hay chỉ được hưởng ứng qua các liên hoan phim?

+ Bộ phim "24 tuần"  của tôi đã được chiếu ở 16 nước và thu hút rất đông khán giả. Phim của tôi là phim nghệ thuật nhưng có tính thương mại, bất kỳ khán giả nào cũng có thể xem và hiểu được.

- Hiện nay có rất nhiều xu hướng làm phim, đặc biệt là nhiều đạo diễn có xu hướng làm phim chạy theo thị hiếu khán giả hơn là làm nghệ thuật đích thực. Chị lựa chọn như thế nào?

+ Đúng là hiện nay có nhiều xu hướng làm phim khác nhau, nhưng tôi không quan tâm mà tôi luôn mong muốn làm phim theo cách của tôi, hợp với cá tính của tôi.

- Làm theo cá tính của mình, chị có khó khăn khi kêu gọi tài trợ hay không?

+ Luôn luôn có khó khăn. Có những quỹ họ từ chối ngay từ đầu, có quỹ kiểm tra các khâu xong cũng… từ chối. Nhưng bằng nhiều cách tôi đã thực hiện được bộ phim của mình. Ở Đức, hằng năm Chính phủ đều có rất nhiều sự hỗ trợ cho hoạt động điện ảnh. Tiền hỗ trợ được đưa về nhiều quỹ khác nhau. Tùy theo tính chất, mục đích hoạt động của quỹ mà nghệ sĩ chọn để giới thiệu, đề nghị hỗ trợ dự án của mình.

Một cảnh trong phim “24 tuần” – tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín, được chọn chiếu khai mạc Liên hoan phim Đức tại Việt Nam 2017.

- Trong phim "Thế hệ Y", chị vào vai một nữ đạo diễn thành công. Chị có ý định gắn bó với công việc của diễn viên không?

+ Khi được mời tham gia diễn xuất, lại là vai nữ chính, tôi rất hứng thú, muốn thử nghiệm xem diễn viên như thế nào. Nhưng khi trải nghiệm, tôi nhận ra làm diễn viên không phải sở thích của tôi, không phải nghề tôi muốn theo đuổi. Khi làm diễn viên, tôi bị ảnh hưởng của đạo diễn, phải theo sự chỉ dẫn của đạo diễn. Với tôi như thế là khá khó khăn. Tôi cảm thấy không có hứng thú với công việc diễn viên và thấy làm đạo diễn vui hơn nên chỉ làm đạo diễn thôi. Khi làm đạo diễn, tôi chỉ chăm chút cho nội dung, cách kể câu chuyện và làm sao để diễn viên diễn xuất thật nhất.

- Ở Việt Nam, nữ đạo diễn thường cho rằng họ gặp khá nhiều khó khăn hơn so với nam đạo diễn. Ở Đức, nữ đạo diễn như chị có gặp nhiều khó khăn không? 

+ Ở Đức, đạo diễn nữ gặp nhiều khó khăn hơn đạo diễn nam, kể cả trong kêu gọi tài trợ. Số lượng nữ đạo diễn cũng ít hơn nam đạo diễn. Tôi nghĩ đây là thực trạng chung của nhiều nước trên thế giới, không phải của riêng nước Đức hay Việt Nam. Vẫn còn nhiều người nghĩ, để cho 1 người nữ đạo diễn định hướng cả một cộng đồng làm phim là không phù hợp. Người ta chưa tin tưởng phụ nữ làm đạo diễn. Nữ đạo diễn thường được giao những bộ phim ít kinh phí, còn phim có kinh phí lớn như phim về chiến tranh chẳng hạn thì họ ít được giao.

Tôi có cảm giác, người ta không tin tưởng khi trao nhiều tiền cho phụ nữ làm phim. Tôi không đồng tình với việc này. Ở Đức có nhiều nữ đạo diễn rất thành công. Họ có những cách tiếp cận vấn đề khác các nam đạo diễn. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ cái nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Nữ đạo diễn ít, gặp khó khăn nhưng khi làm phim thành công thì cũng dễ được các nhà sản xuất chú ý. Nhiều người cũng muốn thử giao tiền cho họ làm phim xem như thế nào.

- Đây là lần thứ mấy chị đến Việt Nam? Chị kỳ vọng gì khi đưa phim đến Việt Nam?

+ Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Nói thật là thị trường điện ảnh Việt Nam hoàn toàn mới với tôi. Tôi đã từng chiếu phim ở một số nước châu Á nhưng Việt Nam thì chưa bao giờ. Tôi thấy khán giả châu Á rất thân thiện và khán giả Việt Nam cũng vậy. Nhưng tôi nghĩ họ sẽ sốc khi xem phim của tôi vì ngay ở nước Đức, đề tài của phim "24 tuần" đã bị cho là khá nhạy cảm.

- Cảm ơn đạo diễn Anne Zohra!

Hoa Nguyễn (thực hiện)
.
.