Nữ đạo diễn có duyên với kịch bản nước ngoài

Thứ Bảy, 13/03/2010, 08:00
So với những đạo diễn sân khấu ở Hà Nội như Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Phạm Thị Thành, tên tuổi Đặng Tú Mai dường như mờ nhạt hơn, ít được công chúng biết đến hơn. Bà thậm chí còn ít được nhắc đến hơn người em trai cùng mẹ khác cha của mình là nghệ sĩ Nguyễn Anh Dũng, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.

Một số bạn bè đồng nghiệp hiểu bà cho rằng, Tú Mai "mờ nhạt" hơn là do tính cách của bà khiêm tốn, kiệm lời. Tú Mai thường rất ngại ngần khi xuất hiện ở đám đông, và cũng ít khi tuyên ngôn về công việc của mình.

Mặc dù vậy, nếu nhìn vào số lượng vở diễn Tú Mai tham gia với vai trò là diễn viên và đạo diễn thì khán giả sẽ thấy con số ấy không phải là nhỏ. Không sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật nhưng Tú Mai lại bộc lộ năng khiếu diễn xuất từ khi còn rất trẻ. Năm 17 tuổi bà đã nổi tiếng với những vai chính trong các vở: "Đôi mắt", "Chim sơn ca", "Bay trước mùa xuân". Bà là diễn viên trẻ nhất theo học khóa đầu tiên của Trường Sân khấu.

Thành công trong vai trò diễn viên nhưng Tú Mai lại yêu thích công việc của người đạo diễn nhiều hơn. Năm 1980, Tú Mai có cơ hội được sang Liên Xô học ngành đạo diễn tại Trường Nghệ thuật Kiev. 6 năm trời miệt mài học tập, Tú Mai về nước với tấm bằng đỏ trong tay và khả năng thông thạo hai ngoại ngữ là tiếng Nga và tiếng Pháp. Thời kỳ bao cấp khó khăn, lại thêm chuyện đời riêng bị đổ vỡ, phải một nách nuôi hai con nhỏ, chính ngoại ngữ là cứu cánh của Tú Mai. Bà bươn chải đi làm phim, dịch kịch bản nước ngoài, làm trợ lý cho các dự án phim nước ngoài... để có thể kiếm tiền nuôi các con ăn học.

Có một điểm đặc biệt trong sự nghiệp đạo diễn của Tú Mai là phần lớn các vở bà tham gia dàn dựng đều là kịch bản nước ngoài. Có thể kể tên hoàng loạt vở kịch ngoại đã từng đỏ đèn ở Nhà hát Kịch Việt Nam - ngôi nhà nghệ thuật mà Tú Mai góp mặt trong suốt sự nghiệp của mình - như "Trái tim Luizi" (kịch Czech), "Người khách cuối cùng" (kịch Nga), "Ả cave ở nhà hàng Macxim" (kịch Pháp), "Ê, có ai đấy không" (kịch Mỹ), "Trăng soi sân nhỏ" và "Ca sĩ đười ươi" (kịch Trung Quốc), "Matsu - kẻ sống ngoài vòng pháp luật" (kịch Nhật Bản). Gần đây nhất, vở kịch Trung Quốc "Hàng xóm chung cư" do Tú Mai dàn dựng cũng đã dành được rất nhiều tình cảm quý mến của khán giả thủ đô, vì nó đề cập đến một vấn đề thời sự rất gần với đời sống của người Việt Nam ở các đô thị lớn. Đó là mối quan hệ giữa con người với con người trong một cộng đồng nhỏ ngày càng đông đúc, chật chội hơn...

Tú Mai tâm sự, bà thích dựng các vở kịch nước ngoài trước tiên vì sự hoàn chỉnh của kịch bản. "Kịch của chúng ta những năm gần đây rất khan hiếm. Quá ít kịch bản hay để người đạo diễn lựa chọn và thăng hoa cùng các nhân vật. Người tâm huyết với sân khấu nói chung và người viết kịch bản đang ngày một ít dần đi. Vốn có thế mạnh về ngoại ngữ, tôi có thể tìm hiểu nguyên tác kịch, tác giả, thậm chí là tự mình dịch kịch bản, tìm hiểu các nhân vật trong mỗi vở diễn. Nhưng khi dàn dựng, mặc dù làm việc trên nguyên tắc trung thành với kịch bản, tôi bao giờ cũng đầu tư thời gian, công sức vào việc khai thác tâm lý nhân vật sao cho hợp gu với khán giả Việt".

Nhiều khán giả hẳn còn nhớ, Tú Mai đã mạnh dạn thử nghiệm một vở kịch toàn là các nhân vật nữ - vở "Trăng soi sân nhỏ". Tưởng là đơn điệu nhưng câu chuyện về ba thế hệ phụ nữ trong gia đình với nhiều day dứt đã thực sự ám ảnh người xem. Là một nữ đạo diễn, Tú Mai tỏ ra rất nhạy cảm và tinh tế khi thể hiện những vấn đề thuộc về nữ giới trên sân khấu kịch.

Ngoài những vở kịch nước ngoài đã dàn dựng trên sân khấu, Tú Mai còn nhiều kịch bản đang nằm trong ngăn kéo mà bà đã dụng công dịch trong những năm qua. Bà có lẽ là đạo diễn có trong tay nhiều kịch bản nước ngoài nhất. Muốn lắm mà Tú Mai chưa có cơ hội để dựng những vở mình yêu thích. "Với sự thiếu thốn về các phương tiện vật chất của sân khấu hiện nay, tôi không thể hiện được hết các ý tưởng của mình. Sân khấu khu vực phía Bắc nhiều năm nay không được đầu tư: nhà hát thì nhỏ, phương tiện thì nghèo nàn, người làm nghề giỏi thì mai một dần đi, trong khi những lớp trẻ kế cận lại không đủ tài năng và tâm huyết. Hồi tôi dựng vở "Hàng xóm chung cư", nhiều khán giả xem xong rất khen, nhưng cá nhân tôi thì lại thấy mình khốn khổ, yếm thế, không hài lòng, vì nhiều ý tưởng chưa thực hiện được".

Cũng bởi đam mê với những vở kịch ngoại mà đạo diễn Tú Mai chẳng có giải thưởng, huy chương trong các kỳ hội diễn để kể về thành tích của mình. Nguyên do là các hội diễn chuyên nghiệp chỉ chấm các vở kịch bản Việt Nam nên các diễn viên, đạo diễn dựng vở bằng kịch ngoại không được dự thi, thậm chí xin được diễn vở có kịch bản ngoại bên lề các hội diễn cũng không được phép. Đạo diễn Tú Mai cho rằng cách thức đánh giá như vậy là chưa công bằng với các nghệ sĩ. Vì dù là tham gia vở có kịch ngoại hay kịch nội thì người nghệ sĩ vẫn đang lao động nghệ thuật, đang cống hiến tài năng và công sức, tâm huyết của mình cho khán giả. Bà nói: "Nếu chúng ta cứ phân biệt kịch bản nội với ngoại như vậy thì khẩu hiệu hội nhập văn hóa có ý nghĩa gì? Và ai sẽ còn muốn tâm huyết với việc đưa những giá trị nghệ thuật của bạn bè thế giới vào làm giàu cho đời sống tinh thần khán giả trong nước nữa?".

Đạo diễn Tú Mai chia sẻ rằng bà vẫn chờ để có được cơ hội dựng những vở diễn mà mình tâm huyết, trong một điều kiện sân khấu lý tưởng, vì bà cảm giác như mình vẫn chưa làm được một vở diễn lớn nhất trong đời nghệ thuật của mình. Sân khấu đối với bà là một tình yêu không bao giờ vơi cạn. Mặc dù, vào tuổi tóc đã dần bạc, bà nhận ra rằng, là một đạo diễn nữ cũng có lúc bị yếm thế và cô độc lắm. Không phải lúc nào một phụ nữ như bà cũng nhận được sự nhìn nhận công bằng của đồng nghiệp, đặc biệt là các đồng nghiệp nam giới. Bà tâm sự: "Tôi nhìn thấy ở đâu đó sự "độc quyền" trong nghệ thuật. Tôi cho rằng sự độc quyền ấy sẽ làm thui chột những cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Nghệ thuật ở đâu và khi nào cũng cần sự đa dạng. Chỉ như vậy chúng ta mới phát huy được hết tài năng, tâm huyết của từng cá nhân mà thôi".

Khi nào buồn, Tú Mai lại đi làm phim cho thay đổi không khí. Bà đã từng làm giám đốc cassting cho đạo diễn Việt Kiều Trần Anh Hùng trong phim "Mùa hè chiều thẳng đứng" và tham gia nhiều phim truyền hình. Bà nói: "Tôi là một cá nhân chủ động". Làm việc là cách để giữ cho tư duy của chính mình trẻ trung và sắc nhọn, để tiếp tục với niềm đam mê sân khấu.

Từ một diễn viên trở thành đạo diễn, Tú Mai hiểu thấu những lao động nhọc nhằn của người nghệ sĩ. Sự lấp lánh hào quang dưới ánh đèn sân khấu ẩn giấu đằng sau nó bao nhiêu mồ hôi, công sức, và cả những nỗi buồn. "Tôi làm nghệ thuật không phải để trở thành ngôi sao nọ, ngôi sao kia. Nghệ thuật với tôi như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Tôi gắn bó với nó giản dị và hết lòng, và chỉ mong mang lại chút niềm vui nào đó cho khán giả. Tôi cho rằng người làm nghệ thuật chân chính phải luôn tự hỏi mình đã mang đến cho khán giả của mình điều gì đáng giá. Làm sân khấu, tôi khi nào cũng mong muốn làm sao để ngày càng có nhiều khán giả đến với mình. Bởi vì khi ngày càng có nhiều khán giả đến với nghệ thuật thì đồng nghĩa với việc cái ác ít đi, xã hội tốt lên. Nếu chúng ta không lôi kéo được khán giả đến với mình thì đó là lỗi của chính chúng ta".

Sau đổ vỡ của cuộc hôn nhân, Tú Mai lựa chọn cuộc sống một mình để làm nghệ thuật. Các con bà nay đã khôn lớn, trưởng thành và bà lấy đó làm niềm tự hào. Độc lập, quyết đoán, luôn biết cách "tự cứu mình", Tú Mai đã tạo dựng một cuộc sống đủ để yên tâm làm nghề. "Tôi cho rằng cái mà tôi có thể tự hào nhất về bản thân là tôi đã luôn là chính mình, ngay cả trong những thời điểm mà chỉ một chút ngả nghiêng thôi là đã có rất nhiều sự xô bồ, cám dỗ lôi kéo làm mình khác đi. Tôi đã luôn giữ một cái Tâm sáng với nghề, nên không có gì day dứt, dù cho tôi cảm thấy mình vẫn đang "nợ" chính mình một vở diễn lớn nhất"

Tường Hương
.
.