Chông chênh đời múa bóng rỗi

Thứ Năm, 09/01/2020, 17:56
Tiết giêng hai, khi mai vàng bung nở khắp đường làng, khi áo mới dập dìu khoe sắc, đó cũng là lúc các “bà bóng” bận rộn nhất. Chiếc váy xòe ngũ sắc xoay tròn trong tiếng hát rỗi bổng trầm, trong tiếng song lang điểm nhịp, trong trầm trồ ngưỡng vọng của bà con miệt vườn. Xuân nay, dáng các “bà bóng” vắng dần, dẫu khói nhang hư ảo còn đó...


Múa bóng rỗi là loại hình văn hóa dân gian lâu đời của người dân Nam Bộ. Đi cùng với tín ngưỡng thờ Bà, vào dịp đầu xuân, các nghệ nhân sẽ biểu diễn nghi lễ múa hát tại các đình, miễu trong tiếng trống, tiếng đờn rộn ràng. Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, Chi hội Văn nghệ dân gian tại Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho biết, múa bóng rỗi xuất hiện từ thế kỷ XVII. Với lịch sử hàng trăm năm, múa bóng rỗi tích hợp nhiều nghi lễ văn hóa khác như hát theo lối đọc kinh của đạo Cao Đài, đạo Phật...

“Dù gắn với nghi thức thờ cúng thần linh nhưng múa bóng rỗi thực chất là nghệ thuật diễn xướng dân gian, không hề nhuốm màu mê tín dị đoan hoặc liên quan đến sức mạnh thần thánh. Các bài cúng, tiết mục múa hát đều chỉ mang mục đích ca ngợi, cảm ơn công đức của thần linh, cầu cho quốc thái dân an, gia đạo yên bình, mưa thuận gió hòa với châm ngôn “Bà vui thì dân vui/ Dân vui thì Bà vui”. Vì vậy, đây là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo gắn liền với đời sống tinh thần của cha ông thuở khai hoang mở đất, lập làng” – TS Mai Mỹ Duyên phân tích.

Quả vậy, không dừng lại ở nghi thức thờ cúng đơn thuần, múa bóng rỗi còn thu hút khán giả ở những màn trình diễn điêu luyện, công phu, mang đậm màu sắc miệt vườn Nam Bộ. Múa bóng rỗi bao gồm hai phần: hát rỗi và múa bóng.

Nghệ nhân bóng rỗi múa dâng bông.

Nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Tư (thường gọi là Tư Trầu, ngụ ở Tiền Giang), cho hay người hát rỗi đúng bài bản là phải rành Xuân-Ai- Đảo-Lý; hát sóng đâu, ngừng thàn, mường, san, thài. Nếu cúng tại gia thì hát “Lý cây bông”, cúng miễu Bà thì hát “Lý con cá”, cúng tại miễu Ông thì hát “Lý ngựa ô”… “Bà bóng” còn phải biết ngắt nghỉ đúng điệu, kết hợp uyển chuyển giữa hát ca và nói lối.

Tùy theo mỗi địa phương, múa bóng rỗi sẽ được phân chia thành các tổ hợp tiết mục tùy chọn, gồm có lễ khai tràng, chầu mời - thỉnh tổ, mời tiên ra tuồng, phước lộc, hát chặp, lễ dâng bông, dâng mâm… Mỗi vật dụng mà nghệ nhân múa đều mang hàm ý sâu sắc. Chẳng hạn chén bông, mâm vàng là để dâng Bà, múa lục bình là để mong cho gia đạo, chòm xóm bình an… Các “bà bóng” thường mặc áo dài và chân váy ngũ sắc rực rỡ. Khuôn mặt luôn được điểm tô kỹ lưỡng.

Mùa lễ vía Bà bắt đầu từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch. Đây cũng là lúc các “bà bóng” tất bật ngược xuôi. Với màn múa mâm vàng, dùng đầu múa lu, múa trống da bò, rót rượu, đội xe máy… hay ngậm con dao, cây kiếm hoặc miếng thép để giữ thăng bằng bông huệ, lông công, chiếc bình, cái đĩa…, các “bà bóng” không khác gì nghệ sĩ xiếc thực thụ. Những pha biểu diễn đòi hỏi sự dẻo dai, khéo léo và tập trung cao độ. Thậm chí đôi khi phải liều lĩnh, mạo hiểm vì tai nạn luôn chực chờ.

Gần 50 năm gắn bó với nghiệp “bà bóng”, nghệ nhân Lê Minh Hùng (ngụ tại tỉnh Long An) bảo rằng, cũng vì lý do này mà hầu hết “bà bóng” là đàn ông. Phụ nữ vẫn theo múa rỗi nhưng số lượng khá khiêm tốn vì sức vóc không đủ để kham hết những tiết mục khó. Khi đảm nhiệm “bà bóng”, cánh mày râu cũng phải mặc áo dài, trang điểm, vấn tóc như phụ nữ để hầu Bà.

Vin vào việc đàn ông giả gái múa bóng rỗi nên có một thời loại hình diễn xướng dân gian này bị cho là nghề của cộng đồng giới tính thứ ba. Cái nhìn về múa bóng rỗi vì thế đầy dị nghị. Ngày còn nhỏ, khi mê câu hát, điệu múa ở miễu thờ Thiên Hậu, cậu thiếu niên Lê Minh Hùng đã bị gia đình cấm cản dữ dội. “Biết tui trốn đi coi bóng rỗi là mấy anh chị treo ngược tui lên xà nhà mà đánh.

Rồi thấy tui mê quá, lén tập hát, tập múa thì mấy anh dọa: “Suốt ngày giả gái, trang điểm lòe loẹt, bộ mày không biết mắc cỡ, không muốn lấy vợ hả?”. Tui biểu với mấy ảnh và ba má rằng, tui là thanh niên thì tui vẫn lấy vợ, còn múa bóng rỗi là để phụng cúng lệnh Bà, phục vụ bá tánh nên không việc gì phải mắc cỡ” – Ông Hùng trầm ngâm kể.

Mỗi khi đi lễ, tiết mục mà nhiều người chờ đợi nhất của nghệ nhân Lê Minh Hùng chính là nuốt rắn. Bàn tay ông vuốt ve chú rắn rồi từ từ cho con vật chui vào họng trong tiếng hò reo như sấm của người coi.

Ông tâm sự: “Làm nghề vừa cực vừa khó, lại nguy hiểm đến tánh mạng. Nhưng nhiều ngày không được múa cúng Bà là tui ngứa ngáy chân tay. Khi nhạc lễ nổi lên, khán giả vây kín chung quanh là tôi quên trời quên đất, say sưa biểu diễn. Vui nhất là sau mỗi tiết mục, nhiều bạn trẻ, du khách gần xa lân la hỏi chuyện, tìm hiểu về loài hình nghệ thuật này”.

Đáng buồn thay, bây giờ những nghệ nhân giỏi nghề và tâm huyết như nghệ nhân Lê Minh Hùng, Ngô Thị Tư… chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nghệ thuật múa bóng rỗi dần mai một và có nguy cơ thất truyền theo thời gian. Do hoạt động tự phát cộng với cách truyền nghề kiểu “nhớ đâu dạy đó” nên những màn múa phụng cúng và hát rỗi đúng bài bản mất dần hoặc xuất hiện nhiều dị bản.

Tai hại hơn, di sản đặc sắc này đang bị biến tướng khi nhiều nhóm đồng tính nam lợi dụng để lừa gạt. Họ bỏ luôn nghi thức hát rỗi mà chỉ chăm chăm vào những màn biểu diễn tạp kỹ giật gân, táo bạo nặng mùi giải trí. Nhiều người còn đem bóng rỗi đến làm trò ở đám ma, tiệc cưới. Tất cả làm mất đi giá trị văn hóa, sự tôn nghiêm của loại hình này.

Sau phút thăng hoa giữa khói nhang chánh điện, trút xiêm y, nghệ nhân múa bóng rỗi lại cám cảnh phận mình. Tiền hiếu hỷ của bà con không đủ nuôi sống buộc họ phải bươn chải đủ nghề. Đời “bà bóng” bạc bẽo, mồ hôi thấm áo, đôi khi nước mắt hòa lẫn máu, khiến rất ít người trụ lại. Phụ vợ bán hột vịt, tất tả làm mướn để mưu sinh, có thời gian rảnh, nghệ nhân Lê Minh Hùng lại mở lớp truyền nghề miễn phí cho lớp trẻ.

Nghệ nhân Lê Minh Hùng biểu diễn màn nuốt rắn.

Học vài ba bữa, đứa thì nghỉ, đứa thì kêu sức khỏe không tốt. Ông năn nỉ muốn gãy lưỡi mà đâu mấy đứa chịu ở lại. Trách sao được vì cái nghề khó quá, khổ quá! Để trở thành nghệ nhân múa bóng rỗi thực thụ, người học không chỉ có năng khiếu ca - múa mà còn phải biết chịu khó, kiên trì luyện tập, vượt qua đàm tiếu của người đời. Đến giờ, nghệ nhân Lê Minh Hùng chỉ còn một vài học trò ruột chịu khó theo thầy tập tành.

Công chúng ít biết về múa bóng rỗi đã đành. Ngay cả cơ quan quản lý văn hóa cũng ít quan tâm đến di sản văn hóa này trong một thời gian dài. Đến nay, mới chỉ có hai liên hoan dành cho múa bóng rỗi là Liên hoan “Nghệ thuật Múa bóng rỗi Nam Bộ” do tỉnh Tiền Giang tổ chức năm 2007 và Liên hoan Nghệ thuật diễn xướng dân gian “Bóng rỗi - Địa nàng” do tỉnh Đồng Nai tổ chức năm 2017. Bên lề Liên hoan, đáng chú ý nhất có Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ nữ thần và thực hành “Bóng rỗi - Địa nàng” ở Nam Bộ”.

Tại hội thảo, múa bóng rỗi mới thực sự được các chuyên gia nghiên cứu và nhà quản lý văn hóa nhìn nhận thấu đáo, chỉ ra những thách thức và giải pháp cấp thiết để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc này.

Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, những hội thảo, liên hoan như trên cần được nhân rộng và diễn ra thường xuyên để người dân am hiểu về múa bóng rỗi, các nghệ nhân có nơi giao lưu, học hỏi. Nhà nước cần tăng cường công tác chấn chỉnh quản lý biểu diễn và có chính sách đãi ngộ, đào tạo các nghệ nhân.

Đặc biệt, việc khai thác múa bóng rỗi như một sản phẩm du lịch là hình thức hay để loại hình diễn xướng này tồn tại, giới thiệu vẻ đẹp của nó đến du khách trong và ngoài nước. Đây là điều mà Festival “Nghệ thuật dân gian Việt Nam” 2019 đã làm được khi đưa múa bóng rỗi cùng các loại hình nghệ thuật dân gian khác như bài chòi, múa Xuân Phả, múa Chăm... ra phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP Hồ Chí Minh.

Màn múa đã xong, tiếng hò reo của bà con đã lặng dần. Người vãn, ông Lê Minh Hùng cùng học trò thu dọn đạo cụ, lui ra chái sau ngồi nghỉ hóng mát. Nhìn con nước lững lờ đẩy trôi những cánh mai vàng, ông lấy hơi ngân một câu rỗi: “Ai về xóm Bóng thăm nhà/ Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn không?”. Dứt khúc hát, hai thầy trò nhìn nhau, rồi thở dài nhìn con nắng lay lắt đã ngả về Tây…

Mai Quỳnh Nga
.
.