Kịch chất lượng cao liên tục diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội:

“Chơi sang lấy tiếng”?

Thứ Sáu, 04/08/2017, 08:01
Trong khi sân khấu kịch bị than thở rằng đang hoạt động vô cùng chật vật, vắng khán giả thì ngay trong đầu tháng 8, người quan tâm đến bộ môn nghệ thuật này bất ngờ nhận thông tin: 11 vở diễn chất lượng cao của 5 đơn vị, đoàn kịch nói có uy tín sẽ phục vụ người xem liên tục trong tháng. Tham gia diễn xuất phần lớn là những gương mặt đang rất nổi tiếng. 


Địa điểm là Nhà hát Lớn Hà Nội – “thánh đường” của người làm nghệ thuật cả nước. Nhưng, ngạc nhiên hơn nữa là cả lãnh đạo lẫn nghệ sĩ tham gia đợt biểu diễn này đều tình nguyện và chấp nhận “diễn không phải vì tiền”. Vì sao lại có sự “lạ đời” này?

Anh tài hội ngộ

Theo kế hoạch, 11 vở diễn chất lượng cao sẽ biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ ngày 5/8 đến 20/8. Những vở diễn này, ban tổ chức gọi chung là “Những vở kịch còn mãi với thời gian” – chuỗi chương trình do Nhà hát Lớn phối hợp với các đơn vị sân khấu thực hiện.

Gọi là kịch còn mãi với thời gian nhưng được giới thiệu đợt này vẫn có những vở vừa được dàn dựng không lâu: “Kiều”, “Lão hà tiện” của Nhà hát Kịch Việt Nam. Nhà hát Tuổi trẻ có 3 vở: “Vòng phấn Kavkaz” (tác giả: Bertol Brech, dịch giả: Lê Quang, đạo diễn: Dominik Gunther), “Ai là thủ phạm” (tác giả: Lưu Quang Vũ, đạo diễn: NSƯT Chí Trung), “Công lý không gục ngã” (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang). Nhà hát Kịch Hà Nội có 3 vở: “Cát bụi” (tác giả: nhà văn Triệu Huấn, đạo diễn: NSND Xuân Huyền), “Điện thoại di động” (tác giả: Nguyễn Quang Lập, đạo diễn: NSND Hoàng Dũng), “Bỉ vỏ” (tác giả: Nguyễn Đăng Thanh, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang).

Đoàn Kịch nói CAND “góp mặt” với 2 vở: “Bão của hoàng hôn” (tác giả: Vũ Thị Thu Phong, đạo diễn: NSND Lê Hùng) và “Quyết đấu giữa sương mù” (tác giả: nhà văn Chu Lai, đạo diễn: NSND Lê Hùng). Nhà hát Kịch nói Quân đội có vở “Dưới cát là nước” (tác giả: nhà văn Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: NSND Lê Hùng).

Cảnh trong vở “Lão hà tiện” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Trao đổi quanh “sự kiện lạ” này, NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ rằng, 11 vở diễn giới thiệu tại Nhà hát Lớn đợt này có thể mới, có thể cũ nhưng đều là những tinh túy của các nhà hát trong thời điểm hiện tại. Không chỉ được đầu tư dàn dựng kỳ công, các vở diễn đều có sự tham gia diễn xuất của đông đảo các gương mặt đang rất được yêu mến.

“Nếu với sự nỗ lực của chúng tôi, của người làm quản lý, của các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông cùng đồng hành mà khán giả không đến thì họ sẽ không thể xem kịch ở đâu tốt hơn nữa” - NSƯTXuân Bắc nhấn mạnh..

Nhưng không kỳ vọng bán vé

Mặc dù khẳng định “Những vở kịch còn mãi với thời gian” là những vở diễn tốt nhất, là cơ hội để công chúng yêu sân khấu kịch và chưa biết đến sân khấu kịch đến thưởng thức, tìm hiểu nhưng NSƯT Xuân Bắc cũng cho rằng sẽ rất khó khăn nếu muốn bán được vé.

Vì nhiều lý do, khán giả có thể rất yêu thích nghệ sĩ nào đó, rất yêu bộ phim nghệ sĩ này tham gia diễn xuất, thích tìm đọc thông tin về nghệ sĩ ấy, còn được mời gọi đến rạp xem kịch thì lại ngần ngại “mình chả thích”.

Có một thực tế xảy ra ngay tại Nhà hát Kịch Việt Nam – đơn vị chỉ cách Nhà hát Lớn “vài bước chân” là đã có những khán giả rất lớn tuổi, sinh ra và lớn lên ngay tại Hà Nội từng chia sẻ rằng, đến tận bây giờ, khi đã gần 70 tuổi, ông mới đến xem kịch lần đầu tiên. Ông chỉ vô tình mà tham dự buổi diễn hôm ấy. Lâu nay ông không quan tâm vì nghĩ kịch không hấp dẫn. Bây giờ biết rồi mới tiếc là mình đã không quan tâm đến nghệ thuật này sớm hơn…

Chắc chắn, đây sẽ không phải là trường hợp khán giả cá biệt, duy nhất. Vì vậy, các đơn vị tập trung lực lượng, cố gắng nương vào nhau thành một thể thống nhất để quảng bá, giới thiệu nghệ thuật kịch thực thụ cho người yêu thích kịch và người chưa biết đến nghệ thuật kịch là rất cần thiết lúc này.

“Ai cũng cần có tài chính để trang trải cho cuộc sống, cho công việc của mình, nhưng chúng tôi xác định phải kết thành 1 khối để quảng bá, giới thiệu nghệ thuật kịch với khán giả dù có thể quyền lợi trước mắt không được đảm bảo như ý muốn. Tham gia chương trình này, các nghệ sĩ không mong muốn gì hơn là tạo được sự chú ý, thu hút khán giả đến rạp. Chúng tôi quyết tâm làm và đảm bảo rằng khán giả cứ đến rạp đi, đến xem rồi sẽ còn thích đến xem hơn nữa” – Xuân Bắc nói.

Theo đại diện đơn vị chủ trì, kết nối, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội thì nhà hát cũng đã rất nỗ lực làm truyền thông, quảng cáo, bán vé cho thật tốt. Nhà hát đã lên kế hoạch truyền thông, quảng bá đến các công ty đối tác, trên website của nhà hát từ 2 tháng trước. Bán vé lẻ cho người xem có chuyển dịch song vẫn rất ít. Nhưng, cả nhà hát và các đơn vị phối hợp làm chương trình đều không kỳ vọng nhiều vào kết quả bán vé.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo nhà hát không thu tiền rạp với các đơn vị, đoàn không trực thuộc Bộ tham gia đợt này. Các đơn vị nghệ thuật công lập do Bộ quản lý, tiền chi trả được trích từ ngân sách hàng năm mà Bộ đã cấp cho từng đơn vị. Số tiền này chỉ có thể phụ cho Nhà hát Lớn trong việc trang trải chi phí điện thắp sáng, máy lạnh… Số tiền bán vé thu được, các đơn vị dành để bồi dưỡng cho nghệ sĩ tham gia vở kịch.

Giữ niềm tin cho nghệ sĩ làm nghề

Xác định tham gia diễn tại Nhà hát Lớn đợt này sẽ không thể “lấy thu bù chi” nhưng các đơn vị, người làm nghề đều bày tỏ thái độ hưởng ứng nhiệt tình. NSƯT Ngọc Thư, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội nhân dân cho biết, đơn vị có đối tượng khán giả riêng song vẫn luôn khao khát được gắn bó với khán giả chung của cả nước.

Cảnh trong vở “Dưới cát là nước” của Nhà hát Kịch Quân đội.

Vở diễn của đơn vị ra Nhà hát Lớn đã thực hiện bước đầu mong muốn này. Diễn ở công trình nghệ thuật hàng trăm năm tuổi như Nhà hát Lớn vẫn là mơ ước của bất cứ diễn viên nào. Hơn thế, đơn vị còn không mất chi phí mặt bằng. Đây là một lợi thế rất lớn. Nếu không tận dụng, phát huy được thì các đơn vị khó có cơ hội nào thuận lợi hơn.

Các nghệ sĩ đều xác định, có thể sẽ có những vở diễn ra Nhà hát Lớn rồi “im lặng luôn” nhưng sẽ vẫn làm hết sức mình vì mục đích cuối cùng không phải doanh thu bán vé mà là đưa sân khấu đến với đông đảo khán giả.

NSND Trung Hiếu thì cho rằng, với anh và các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội nói chung “diễn ở Nhà hát Lớn hay bất kỳ sân khấu nào cũng đều “cháy hết mình”. Vì “diễn hay hay không là danh dự của người nghệ sĩ”. Có khác chăng, đây là dịp để các đơn vị gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển bộ môn nghệ thuật mình yêu mến, cùng vực dậy nền sân khấu đang rất chật vật để tồn tại. Trước sức ép tài chính, kịch nói đang dần mai một. Nhiều nơi, nhiều đoàn không còn duy trì được đoàn kịch nói riêng mà tập hợp chung thành đoàn tạp kỹ gồm ca múa nhạc kịch ghép vào.

NSƯT Chí Trung, Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng tâm sự rất thật rằng:  “11 vở diễn được giới thiệu tại Nhà hát Lớn đợt này chứa đựng rất nhiều tâm sức của người làm nghề. Khi đưa sang Nhà hát Lớn, chúng tôi xác định phải cố gắng với 1.000% công suất. Chúng tôi cố gắng không phải vì không có phương tiện để sống nếu không có sân khấu. Hiện nay, các nghệ sĩ có tên tuổi đã không còn trông vào sân khấu để kiếm tiền.

Nhưng sân khấu là đam mê, là tình yêu vô cùng lớn. Ai cũng “thèm” được làm nghề nên đi đâu, làm gì thì làm, nếu đơn vị gọi về dựng vở mới là hào hứng tập trung làm. Dựng vở xong lại mong tác phẩm đến được với khán giả còn khán giả thì thờ ơ. Hầu như chúng tôi không hoạt động vì khán giả không quan tâm. Đưa vở diễn ra Nhà hát Lớn là giải pháp cho lúc này. Chúng tôi chọn cách liên kết với nhau, nương tựa vào nhau để quảng bá, tìm lại vị trí xứng đáng cho sân khấu kịch. Có thể mỗi đêm diễn có 400-500 khán giả vẫn không thể là cứu cánh của nền sân khấu nhưng giữ được niềm tin cho chúng tôi, hàng nghìn nghệ sĩ làm nghề”. 

Ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng cho hay, chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch là không chỉ chọn, đưa ra Nhà hát Lớn các vở của Nhà hát Kịch tại Hà Nội, Nhà hát Kịch của Trung ương mà là cả nước, kể cả TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của các lực lượng khác.

“Bộ cũng xác định, đây là hoạt động cần thiết vì số lượng kịch chất lượng cao, kịch còn mãi với thời gian đang “teo tóp” dần. Nếu không mạnh dạn, quyết tâm đầu tư, với tốc độ như hiện nay, tác giả viết không nhiều, vở kịch đọng lại sẽ ngày càng ít. Hy vọng, sẽ còn nhiều đợt hoạt động tương tự sẽ được tiếp nối, sân khấu Kịch sẽ theo đó dần được khôi phục lại” – ông Hoàn nhận định.

Hoa Nguyễn
.
.