Chìa khóa nào mở cửa thị trường mỹ thuật Việt?

Thứ Bảy, 18/03/2017, 08:00
Năm 2017 được giới chuyên môn coi là năm “bản lề” của thị trường mỹ thuật Việt Nam. Từ việc xuất hiện nhà đấu giá, mối liên kết giữa họa sĩ và các nhà đại diện, giám tuyển, gallery (phòng tranh)... ngày càng chặt chẽ, chuyên nghiệp đến sự quan tâm của người yêu hội họa đang thắp nên nhiều kỳ vọng.


Họa sĩ Lê Kinh Tài được xem là một trong những họa sĩ đương đại Việt Nam vừa thành công trong sáng tạo nghệ thuật, vừa bán được tranh giá cao. Giai đoạn năm 1997- 2000, anh đã thu về 4.000 đôla từ tác phẩm khổ 60cm x80cm.

Làm sao để đưa đứa con tinh thần đến với đông đảo công chúng và bán được giá tiền tương xứng với giá trị nghệ thuật là câu hỏi hóc búa mà các họa sĩ trẻ loay hoay đi tìm lời giải. Lê Kinh Tài cho biết hồi mới ra trường, anh cũng lâm vào vòng luẩn quẩn này khi không biết mình phải làm gì, tìm cách đưa tranh của mình ra thị trường như thế nào?

Nhiều lần tham dự các buổi triển lãm, hội chợ đấu giá ở nước ngoài, Lê Kinh Tài không còn ngạc nhiên khi người ngoại quốc không biết nhiều về hội họa Việt Nam. “Trên bản đồ mỹ thuật thế giới, Việt Nam vẫn còn là vùng trũng. Thậm chí, ngay cả những danh họa Việt Nam, bạn bè quốc tế cũng không hề biết. Thật đáng buồn” – anh thở dài.

Quả đáng buồn thật khi hiếm có nước nào sở hữu ba bộ tứ danh họa đình đám như nước ta, gồm: “Trí, Vân, Lân, Cẩn” (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn), “Sáng, Liên, Nghiêm, Phái” (Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái) và “Phổ, Thứ, Lựu, Đàm” (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm).

Họa sĩ Lê Kinh Tài (giữa) trong một buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên mỹ thuật.

Thực trạng xám xịt này xuất phát từ vấn nạn “vàng thau lẫn lộn”. Nhiều nhà sưu tập quốc tế hụt hẫng, mất lòng tin với những bức tranh giống môtip, sao chép, đụng đâu cũng vơ phải tranh giả, tranh nhái. Có lẽ mọi người còn nhớ đến vụ triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh hồi năm ngoái gây rúng động làng mỹ thuật khi tất cả tranh mang mác họa sĩ danh tiếng như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên… đều là tranh rởm. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm cho hiện tượng tranh giả, tranh chép bát nháo tại Việt Nam.

Điều nhà sưu tập cần là giá trị nghệ thuật chân chính, vấn đề bản quyền minh bạch, chặt chẽ… Do đó, để tạo nên thế cân bằng giữa giá và giá trị, họa sĩ Lê Kinh Tài khuyên các họa sĩ trẻ không nên chú tâm vào việc làm cách nào để tranh mình bán nhiều tiền. Bởi có không ít trường hợp mải lo chạy theo lợi nhuận đã cho ra sản phẩm chiều lòng các gallery, chiều lòng công chúng.

Rốt cuộc, họ tự chép tranh của mình hoặc “sản xuất” hàng loạt tác phẩm na ná nhau, không có đột phá sáng tạo mới. Lê Kinh Tài thừa nhận rằng hành vi đó không xấu, vì nghệ sĩ nào cũng mong muốn tác phẩm của mình được nhiều người đón nhận.

Tranh càng bán nhiều chứng tỏ có nhiều người đồng cảm với người nghệ sĩ. Nhưng lâu dần, nó khiến cho sức sáng tạo trở nên cùn mòn và khiến tranh của mình rơi vào tình trạng bão hòa, ít người mua. Người ta mua làm gì khi họa sĩ đó có nhiều tác phẩm giống nhau xuất hiện cùng một thời điểm?

Lê Kinh Tài chia sẻ: “Theo tôi, nghệ sĩ chỉ nên chăm chú vào chuyên môn, làm nghề một cách nghiêm túc. Người ta chẳng bao giờ tâm sự với nghệ sĩ là tôi muốn cái gì ở anh. Họ chỉ theo dõi nghệ sĩ, cách làm việc của anh, giá trị nghệ thuật mang anh lại cho họ như thế nào…

Khi anh muốn phát triển giá trị nghệ thuật của mình thì hãy thôi ngay chuyện anh định giá tác phẩm của mình bao nhiêu tiền. Còn phần đưa tranh đi hội chợ nghệ thuật, giao dịch mua bán tranh, họa sĩ cần giao phó cho người đại diện hoặc giám tuyển”.

Tuy nhiên nhiều năm qua ở Việt Nam, vai trò của người đại diện, giám tuyển, nhà phê bình mỹ thuật… vẫn còn bị nhìn nhận chưa thấu đáo và còn rất mù mờ. Sự liên kết của bộ tứ quyền lực trong thị trường mỹ thuật gồm họa sĩ - người đại diện - giám tuyển - nhà phê bình nghệ thuật vẫn còn rất lỏng lẻo, được chăng hay chớ. Người ta vẫn hình dung giám tuyển là người tuyển chọn tranh của họa sĩ, sắp xếp trong các bảo tàng, triển lãm. Tuy nhiên, công việc của giám tuyển là một khối lượng khổng lồ và vai trò của họ rất quan trọng trong việc tôn vinh giá trị tác phẩm.  Theo giám tuyển Nguyễn Như Huy, lâu nay các triển lãm cá nhân thường trưng bày những gì mới nhất, xuất sắc nhất của họa sĩ để người ta xem là chính. Điều đó tốt nhưng không phải là một trong những mấu chốt để bước vào thị trường mỹ thuật.

Ngày nay, một triển lãm có cả tác phẩm không mấy tiêu biểu nhưng nó vẫn toát lên giá trị riêng nhờ bàn tay sắp đặt, đôi mắt thẩm mỹ của giám tuyển. Lê Kinh Tài thành công trong thị trường nghệ thuật cũng bởi đứng sau anh là một êkip hỗ trợ đắc lực, đặc biệt là vị giám tuyển mát tay, thấu hiểu anh như Nguyễn Như Huy.

Cuối năm 2016, sự ra đời của nhà đấu giá mỹ thuật Lý Thị Auction đã khiến giới yêu hội họa nức lòng. Đây có thể xem là nhà đấu giá “nghệ thuật vị nghệ thuật” đầu tiên ở Việt Nam bởi nó không đấu giá vì mục đích từ thiện mà đấu giá vì giá trị tác phẩm, đưa tác phẩm đến người yêu cái đẹp. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho biết, trước đây hơn chục năm, nước ta từng có nhiều phiên đấu giá “vị nghệ thuật” như thế. Nhưng do nhiều người mua nhầm tranh giả, tranh nhái nên các sàn đấu giá trong nước dần rơi rụng và mất tích.

Dù phiên đấu giá đầu tiên của Lý Thị Auction vẫn còn nhiều hạt sạn trong khâu tổ chức nhưng nó cho thấy thị trường mỹ thuật trong nước đã có những bước đi chập chững để chuẩn bị cho bước đà vững vàng sau này. Bà Lý Thị Bích Ngọc, đại diện nhà đấu giá Lý Thị Auction vui mừng cho biết: “Nhà đấu giá của chúng tôi ra đời dựa theo nhu cầu của thị trường, là kênh sàng lọc kỹ càng tranh giả mạo, tranh kém chất lượng. Từ đó, giúp minh bạch thị trường hội họa.

Nếu trước đây, phần lớn người trả tiền cho bức tranh có giá trị cao là khách du lịch nước ngoài thì bây giờ lượng khách hàng Việt tăng đáng kể. 20% khách hàng trả tiền mua bức tranh cao nhất là người Việt Nam. Rất hiếm nhà sưu tập nước ngoài trả tiền cao hơn nhà sưu tập nước ta”. Trước tín hiệu đáng mừng này, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân lý giải: “Tại sao thị trường trong nước bây giờ mới hình thành? Là bởi vì bây giờ người ta mới có tiền. Chứ lúc trước kể cả những người giàu nhất cũng không thể chi ra 4.000 – 5.000 đôla để mua một tác phẩm”.

Năm 2017 được dự báo là năm thị trường mỹ thuật Việt Nam thu hút các nhà sưu tập quốc tế và cả giới yêu hội họa trong nước.

Theo giám tuyển Nguyễn Như Huy, việc tác phẩm bán được giá cao không đồng nghĩa với giá trị nghệ thuật của nó cao và ngược lại. Rất hiếm người bỏ ra 5.000 đôla để mua tác phẩm chỉ vì thích, vì đồng cảm với tác giả. Họ thường tính tới bài toán đầu tư. Từ thế hệ nhà sưu tập Đức Minh, đến nay thị trường Việt Nam xuất hiện thế hệ nhà sưu tập thứ tư coi tranh như loại tài sản đặc biệt cần được củng cố để sinh lợi nhuận. “Tác phẩm nghệ thuật nó đặc biệt ở chỗ người mua tác động đến giá trị của nó. Ví dụ anh bán cho quân lừa đảo thì giá trị tranh sẽ đi xuống, còn nếu anh chọn đúng người tử tế thì tranh sẽ đi lên” – anh phân tích.

Nếu đã  gọi là thị trường thì nó luôn có những quy định, ràng buộc rất chặt chẽ mà khách hàng lẫn họa sĩ phải tuân thủ chứ không thể nói cảm tính chung chung. Bởi khi nào họa sĩ biết được quyền lợi và trách nhiệm của mình thì mới tự tin giới thiệu đứa con tinh thần và bảo vệ uy tín cá nhân. Khi bán tranh có rất nhiều quy chế ràng buộc họa sĩ như không được làm bản sao, phỏng tác, vẽ với kích thước nhỏ hơn hoặc màu sắc khác.

Từng là người đại diện của các họa sĩ, để thuyết phục nhà sưu tập mua tranh, bà Lý Thị Bích Ngọc phải có một danh sách dài các lý do. Danh sách đó không chỉ riêng về chất lượng nghệ thuật mà còn có lý do về thị trường, mức độ tăng trưởng, bản quyền…

Cuốn sách “Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật” của tác giả Sarah Thornton (giám tuyển Nguyễn Như Huy là dịch giả) phát hành mới đây đã nêu lên 7 hạng mục mà một thế giới nghệ thuật đương đại muốn hoàn hảo phải đạt được. Đó là: trường dạy mỹ thuật, hội chợ nghệ thuật, nhà đấu giá, xưởng của nghệ sĩ, triển lãm bom tấn, tạp chí chuyên sâu và bộ sưu tập lớn. Tất cả 7 tiêu chí này đã manh nha tại Việt Nam. Do đó, đáp ứng đầy đủ 7 tiêu chí này là tương lai không quá xa vời với chúng ta.

Mai Quỳnh Nga
.
.