Thị trường mỹ thuật Việt Nam bao giờ mới minh bạch?

Thứ Bảy, 30/07/2016, 08:03
Thị trường mỹ thuật Việt Nam vốn lộn xộn, nay càng tuột dốc không phanh bởi những rắc rối từ những kẻ đầu cơ. Đến bao giờ chúng ta mới có một thị trường mỹ thuật minh bạch, ở đó, giá trị của các tác phẩm, được trả về đúng giá trị của nó?


Bỏ trống một địa hạt

Có một câu chuyện đang gây sốc trong giới mỹ thuật về triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" của ông Vũ Xuân Chung, trong đó có 15/17 bức tranh giả của các họa sĩ nổi tiếng Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm…

Gây sốc hơn, khi tranh của họa sĩ Thành lại được ký tên là Tạ Tỵ ngang nhiên được trưng bày trong triển lãm này. Từ trước đến nay, thị trường mỹ thuật Việt Nam vẫn "tranh tối, tranh sáng" với nhiều câu chuyện lùm xùm. Tranh giả là một vấn nạn. Nhưng để tranh giả ngang nhiên bước vào một bảo tàng lớn như Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh thì thật quá sức tưởng tượng.

Thị trường mỹ thuật Việt Nam vốn lộn xộn, nay càng tuột dốc không phanh bởi những rắc rối từ những kẻ đầu cơ. Đến bao giờ chúng ta mới có một thị trường mỹ thuật minh bạch, ở đó, giá trị của các tác phẩm, được trả về đúng giá trị của nó?

Nhà sưu tập tranh người Pháp gốc Việt Gérard Chapuis (người được mệnh danh là người "gác đền" Bùi Xuân Phái ở Marseille) nói rằng: "Nếu như về phía Việt Nam không quyết tâm mạnh bạo xử lý những vấn nạn kiểu này, Mỹ thuật Việt Nam sẽ trong vòng luẩn khuẩn, xuống dốc không phanh". Bởi đó không còn chỉ là câu chuyện của mỹ thuật, mà còn là câu chuyện văn hóa, là diện mạo văn hóa của một quốc gia.

Những bức tranh được vẽ na ná nhau.

Còn nhớ, trong triển lãm ký họa màu nước của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cách đây ít lâu, bà Trần Thị Hồng, vợ họa sĩ chia sẻ, bà lo lắng, khi bà mất đi, những bức tranh của ông sẽ lưu lạc về đâu? Rồi ai sẽ tiếp tục gìn giữ gia tài tranh đồ sộ mà họa sĩ Trần Văn Cẩn để lại khi sức khỏe của bà Hồng đang chạy đua với thời gian. Ai sẽ đảm bảo những tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn sẽ được gìn giữ, bảo quản như khi ông còn sống để dành cho công chúng yêu nghệ thuật Việt như nguyện vọng cuối đời của ông.

Từ chuyện về những bức tranh giả đội lốt trong một cuộc trở về sang trọng từ châu Âu đến nỗi âu lo của nhà điêu khắc Trần Thị Hồng về gia tài của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn không còn là những câu chuyện cá biệt của hội họa Việt. Và nó đều bắt nguồn từ một cơn cớ: Chúng ta chưa có một thị trường mỹ thuật minh bạch, nhà nước và người Việt chưa quan tâm đến hội họa. Chúng ta đang bỏ trống một địa hạt mà ở đó, không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, mà còn là cái gốc để minh chứng cho sự tồn tại của văn hóa Việt trong cuộc hội nhập ồ ạt với thế giới.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh & Triển lãm: Giải cứu thị trường mỹ thuật không dễ

Nhiều biện pháp được đưa ra để "giải cứu" thị trường mỹ thuật nhưng có thể thấy rằng, không có cái nào một mình ngành Mỹ thuật có thể xoay xở một mình được. Nếu như không có sự ủng hộ của xã hội, ngành Mỹ thuật cũng chỉ loanh quanh mãi thế thôi.

Gần đây, việc mua lại những bức tranh quý của Việt Nam lưu lạc ở nước ngoài hầu như đều do tư nhân thực hiện. Trong khi các đơn vị nhà nước, như Bảo tàng Mỹ thuật gần như chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này.

Điều các bạn thắc mắc đúng là một thực trạng bất cập của mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Nhưng phải hiểu việc mua các tác phẩm mỹ thuật thất lạc về cho Bảo tàng chỉ là một phần nhỏ của thị trường mỹ thuật. Phải hiểu thị trường mỹ thuật có phạm vi rộng hơn rất nhiều và liên quan đến nhiều vấn đề. Một trong những bất cập rõ nhất của mỹ thuật Việt Nam hiện nay chính là sự "nhập nhèm", chưa có sự minh bạch của các gallery.

Hiện các gallery hoạt động không theo một quy luật nào, và phía sau còn có rất nhiều vấn đề bất cập. Cho nên để hoạt động của gallery chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn, tiến tới phải thành lập hiệp hội, có sự liên kết giữa các garrelly để bảo vệ quyền lợi của nhau, trao đổi thông tin với nhau. Việc này nếu ở nước ngoài thực hiện rất dễ, nhưng ở Việt Nam lại rất khó. Bởi vì, các gallery đều có những bí mật riêng không muốn cho ai biết. Cũng chính sự tù mù này đã dẫn đến những việc bất cập như tranh giả, sao chép…

 Từ năm năm trước, theo đề xuất của Cục, Trung tâm giám định và đấu giá tác phẩm đã được thành lập tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây chính là mắt xích quan trọng để thị trường phát triển chuyên nghiệp. Thế nhưng đơn vị này gần như không hoạt động được vì nhu cầu xã hội không đến với họ. Có lẽ do người ta chưa nhận thức được sự cần thiết của nó.

Bà Linh Cao, Chủ Gallery 42 Tràng Tiền, Hà Nội: Giao dịch tranh nếu ràng buộc vào pháp luật, con đường đi rất rõ ràng

-  Lâu nay, các hội thảo về mỹ thuật ở mình luôn đặt ra câu hỏi "Chúng ta đã có thị trường mỹ thuật chưa?". Là một trong những chủ gallery có tiếng ở Hà Nội, bà sẽ trả lời như thế nào câu hỏi này.

+ Về câu hỏi này, bạn thử đếm số lượng gallery và cơ sở kinh doanh tranh của họa sỹ vẽ sẽ ngã ngửa ra thôi. Riêng ở Hà Nội có hàng trăm cửa hàng như vậy. Và họ vẫn sống. Họ vẫn bán và đi mua tranh họa sỹ. Chưa kể, rất nhiều họa sỹ mở triển lãm. Đó chính là sự tồn tại. Tất nhiên, sự tồn tại này chưa dậy sóng lắm. Nhưng nó vẫn cứ chảy như sông. Nếu kinh doanh lỗ, sao họ không đóng cửa đi? Mô hình thị trường tranh hiện nay của chúng ta giống như kim tự tháp. Phần trên, giao dịch dòng tranh maitre (gọi chung là tranh bậc thầy, ở Việt Nam chỉ họa sỹ thế hệ Đông Dương) thì rất ít. Nhưng đáy thì rất rộng.

Những bức tranh trong Gallery 42 Tràng Tiền, Hà Nội.

- Với kinh nghiệm của một người lăn lộn trong giới, bà có thể khái quát một chút về thị trường mỹ thuật này không?

+ Thị trường mỹ thuật hiện nay chủ yếu là những giao dịch ngầm. Hiện nay, giao dịch dạng này đang rất mạnh.

Với các bộ sưu tập thuộc dòng tranh maitre, người ta giữ cho cá nhân và chỉ trao đổi với nhau khi thiếu hoặc thừa tranh. Không phải kiểu mua bán kiếm lời ở dòng tranh này. Để chơi dòng tranh maitre phải là người có điều kiện. Họ là các đại gia, nhà sưu tập, có tiền và vốn kiến thức hoặc giới tài phiệt mới, tư bản trẻ.

Việc mua bán mạnh nhất hiện nay vẫn thuộc về tranh hiện đại và đương đại. Sở dĩ 2 dòng tranh này giao dịch mạnh vì giá cả không quá đắt, người công chức bình thường nào cũng có thể chơi tranh được. Đây giống như cái nền rộng lớn của thị trường tranh bởi nó dễ hiểu, dễ mua bán, dễ cảm nhất. Thị trường công khai, sôi động ở phố Hàng Bông, Tràng Tiền, Nguyễn Thái Học… hoặc các tranh được trình bày ở các triển lãm, bán với giá vài triệu đồng một bức.

- Và trong đó có cả tranh nhái nữa?

+ Thực ra nhái cũng có nhiều vấn đề của nhái. Thứ nhất, nếu một họa sĩ tài năng, họ sẽ tự tìm con đường của mình, không bao giờ nhái tranh cả. Đó cũng là cách để phân loại họa sỹ luôn. Nhìn tranh, người trong giới sẽ hiểu anh ta ở đẳng cấp nào. Thứ 2, tôi nghĩ rằng, hàng nhái là hàng rẻ - cũng là để phục vụ người dân. Người dân không có khả năng để mua được bản gốc thì mua bản nhái. Có sao đâu? Mỗi người tìm đến sản phẩm phù hợp với mình. Đó cũng là một cách để phổ cập văn hóa, kiến thức.

Vấn đề nhái ở nước mình đau đớn ở chỗ, anh ta ghi hẳn tên mình vào tác phẩm của bạn. Đây rõ ràng là một sự ăn cắp bản quyền. Cần nhớ rằng ở nước ngoài, nhái nhưng phải tôn trọng bản quyền. Ở nước mình, việc sao chép và còn mang đi dự giải thưởng không phải không có. Nhái chia nhiều đẳng cấp. Trung thực hay trắng trợn?

Nhái là vấn nạn của thị trường mình cách đây 3 năm. Nhái kinh khủng, nhái sôi động và vi phạm bản quyền một cách trơ trẽn. Bây giờ, loại tranh ấy không bán được nữa. Bây giờ, khách hiểu rằng đâu là nhái rồi. Theo thời gian, thị trường sẽ "lớn" và "hiểu" hơn chứ. Tự thị trường sẽ lọc bỏ bớt. Khi tranh nhái không bán được nữa, phải vẽ tranh thật. Tôi nghĩ rằng, vấn đề nhái không có gì đáng sợ. Cái chính là Nhà nước phải quản lý, bảo hộ, thu thuế. Tôi đặc biệt nhấn mạnh vấn đề thu thuế. Nộp thuế là trách nhiệm của công dân nhưng cũng là cách để bảo hộ.

- Bà có thể nói rõ hơn một chút về vấn đề này?

+ Nếu Nhà nước đầu tư vào thị trường mỹ thuật thì sẽ thu được thuế, thậm chí thuế cao là đằng khác. Nhưng nói gì thì nói, phải đầu tư mới có thu. Không có thao tác nào "đẩy" thì sao kéo về được? Khi Nhà nước đưa ra chế tài mới về quản lý thuế, chúng ta mới quản lí được.

Tôi cũng biết rằng trong thời gian qua, Nhà nước có quan tâm tới vấn đề này. Các hội thảo cũng đã để ý đến. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, chưa có hoạt động nào cụ thể. Ví dụ như chúng ta hoàn toàn có thể ra một đạo luật, trong đó quy định rằng mỗi giao dịch tranh sẽ trích lại cho Nhà nước bao nhiêu phần trăm nào đó, hoặc giao dịch tranh của họa sỹ quá cố thì gửi lại cho những người đại diện trong gia đình họ bao nhiêu phần trăm - coi như tiền tuất, cũng là như tiền bản quyền.

Chúng ta hoàn toàn có khả năng mở ra một trung tâm bản quyền tranh, có con dấu để chứng minh ông này bán cho ông kia, và coi như đó là bản quyền. Giao dịch này hoàn toàn công khai, đi từ bóng tối ra ánh sáng. Tranh được bảo hộ. Toàn bộ châu Âu và Mỹ cũng đã sử dụng biện pháp này lâu rồi. Những người bán và mua tranh ở mình không muốn trích cho ai cái gì cả nên các giao dịch tranh hầu như trở thành giao dịch ngầm hết. Nhưng một khi công khai, mỗi lần có một bức tranh được chuyển nhượng, chúng ta đều nhìn thấy được con đường đi của nó.

Con dấu nhà nước "cộp" vào cơ mà. Bây giờ, mua bán chẳng có giấy tờ gì. Không có cả giấy chứng nhận. Nếu thay đổi, nó sẽ ràng buộc những người tham gia giao dịch tranh vào Nhà nước và pháp luật. Người mua cũng như người bán đều yên tâm.

- Tôi nhớ có lần ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh & Triển lãm nói rằng, việc "chảy máu nghệ thuật" xuất phát một phần từ các nhà sưu tập, gallery tự phát, đơn lẻ, hoạt động không minh bạch và không theo một hiệp hội nào cả?  

+ Về vấn đề trên, tôi có thể nói như thế này, chúng tôi đã từng tham gia hiệp hội nhưng hiệp hội không cho chúng tôi một quyền lợi gì mới cả. Nếu có một hiệp hội để quản lí, chúng tôi nộp phí, được thôi, nhưng kèm với đó, là cái gì?

Chúng tôi cũng khao khát cái hiệp hội đó đấy. Hiện nay, các gallery có phần na ná nhau vì cùng kinh doanh tranh của các hoa sỹ giống nhau. Khi có hiệp hội, sẽ phân chia nhau để tạo thế độc quyền. Điều đó buộc khách hàng phải đến gallery này thì mới tìm được loại tranh này, phải đến gallery kia mới tìm được loại tranh kia. Nó khu biệt từng gallery và gu của mỗi gallery luôn. Các gallery không cần tranh khách vì mỗi gallery đã có nguồn khách riêng của mình. Chứ đằng này, thế giới gallery cũng có từng đó họa sỹ thôi, không mua của gallery này thì sang gallery bên cạnh giá rẻ hơn, mua luôn gallery bên cạnh. Nguy hiểm chưa? Thị trường chết là ở đấy.

Vào hiệp hội để tạo thế độc quyền, để không bị hạ giá tranh, đóng thuế cho Nhà nước là để Nhà nước bảo vệ, tổ chức cho mình những triển lãm nghệ thuật, bảo vệ bản quyền, đảm bảo niềm tin cho khách hàng, không lăn tăn đó là tranh giả hay thật. Nhà nước bảo hộ con dấu, cung cấp những giấy tờ liên quan đến vấn đề bản quyền, bảo hộ về pháp lý. Nhà nước chẳng mất gì cả.

- Ý bà là chúng ta chưa có sự nhạy bén với thị trường mỹ thuật?

+ Chúng ta không biết nhìn xa nên câu chuyện thị trường mỹ thuật bàn lên bàn xuống tại các hội thảo vẫn chẳng đâu vào đâu. Cái cụ thể, trước mắt cần làm ngay và luôn thì không làm, cứ toàn nói những giải pháp chung chung. Nên chủ động và đi trước một bước. Khi chưa ai nhìn ra mai mốt nó sẽ là tranh maitre thì các bảo tàng, vụ viện phải "thâu tóm" nó rồi. Đây là những vấn đề Tây đi trước rồi. Họ mua bao nhiêu tranh nước mình mang đi. Việc "chảy máu" không còn bàn cãi.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của bà!

Nhà sưu tập  Phạm Văn Thông: Thiếu hành lang pháp lý cho thị trường mỹ thuật

- Với tư cách một nhà sưu tập tranh, ông có giật mình khi biết tới câu chuyện tranh giả từ triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu"?

+ Tôi sưu tập từ những năm 2000, chỉ chuyên về tranh của "các cụ" Đông Dương (tức các họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), trước hết vì đó là sở thích của tôi, hơn nữa, tranh của các cụ là những giá trị đã được định hình rồi. Rõ ràng, câu chuyện từ triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" khiến chúng ta càng phải nhìn nhận lại thực trạng của thị trường Mỹ thuật Việt Nam.

Bản thân tôi là nhà sưu tập, mua tranh ở Việt nam cũng sợ tranh giả, vì thị trường thiếu minh bạch. Giữa thị trường tranh thật, tranh giả lẫn lộn, đội ngũ thẩm định chuyên nghiệp không có, chuyên môn không cao, đáng lo ngại lắm chứ. Vấn đề tranh giả không chỉ mới bây giờ mà tôi biết hai chục năm nay rồi. Trong Sài Gòn có một nhóm chuyên chép tranh của các cụ đưa ra nước ngoài. Đến gói mì chính, chai nước gội đầu cũng có hàng giả, nói gì đến những tác phẩm nghệ thuật đắt tiền. Người sưu tập buộc phải làm những nhà thông thái, hiểu biết, tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc của tác phẩm rồi mua, phải mua từ gốc tác phẩm của những nhà sưu tập có uy tín. Như thế, tỷ lệ tranh giả mới hạn chế được.

Nhà sưu tập Phạm Văn Thông (bên phải) cạnh một tác phẩm của họa sĩ Dương Hướng Minh.

- Tranh giả, tranh thật lẫn lộn bởi nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chưa có một thị trường tranh thực sự?

+ Đúng thế, Việt Nam chưa có một thị trường tranh. Mọi hoạt động mua bán đều diễn ra theo kiểu giao dịch ngầm. Chúng ta chưa có nổi một sàn đấu giá bởi không có hành lang pháp lý để sàn hoạt động. Muốn các sàn đấu giá nổi tiếng của thế giới vào Việt Nam thì chúng ta phải có hành lang pháp lý.

Tôi xem vài cuộc đấu giá ở ta, thấy thiếu sự chuyên nghiệp, chỉ manh mún, mang tính bột phát, để lại dư âm không tốt. Ở nước ngoài, khi mua một bức tranh phải có tài khoản đặt cọc, trả tiền qua thẻ. Vì thế đồng tiền cũng được lưu thông, các đơn vị nuôi sống lẫn nhau. Nhà nước cũng sẽ thu được phí qua việc bán mua đó. Rất nhiều lợi ích từ một thị trường mỹ thuật minh bạch mà nhà nước cần sự đầu tư, kiểm soát.

- Vì không có thị trường nội địa, nên tranh Việt lưu lạc ra nước ngoài nhiều, nhiều người gọi đó là "chảy máu mỹ thuật". Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

+ Tranh không được đưa ra sàn đấu giá thì không nâng giá trị lên được. Theo tôi không phải chảy máu mà là vấn đề cung và cầu. Bởi tôi bán trong nước không ai mua, các bảo tàng cũng chỉ mua vài bức thôi, bắt buộc phải bán ra nước ngoài, ngày xưa là các sứ quán, tham tán văn hóa, các doanh nhân nước ngoài mua. Qua năm tháng, thời gian, qua sự lăng xê của sàn đấu giá, giá trị của các tác phẩm được nâng lên. Nên tôi nghĩ không dùng từ chảy máu, tranh phải được người nước ngoài sưu tập, để đưa hội họa Việt ra thế giới.

Vấn đề cần bàn ở đây là 90% người Việt chúng ta chưa có thói quen văn hóa sưu tập tranh. Chúng ta cũng không có những tập đoàn lớn, những ông chủ lớn, các doanh nghiệp đầu tư vào mỹ thuật, coi mỹ thuật là một giá trị thiết yếu trong sự phát triển của mình. Không có sự phát triển đồng bộ mà chỉ là ý thích sở hữu của từng cá nhân mà thôi.

Khi có thị trường, vận hành theo thị trường thì mọi thứ sẽ minh bạch, chứ không à uôm, lẫn lộn vàng thau như thế này. Và khi chúng ta minh bạch, các sàn đấu giá quốc tế có uy tín mới vào, tạo điều kiện cho tranh Việt nâng cao giá trị của mình ngay chính tại đất nước mình.

Các nước xung quanh chúng ta đều có sàn đấu giá tranh cả, hội họa Việt Nam vẫn còn lẹt đẹt trong khu vực. Hiện nay giá tranh trong khu vực của chúng ta rất thấp, ngay cả tranh các cụ Đông Dương, bức đắt nhất chưa tới 1 triệu đô. Đó là điều đáng tiếc cho tranh Việt. Chúng ta phải ra nước ngoài, không thể cứ ở trong nước, mẹ hát con khen hay được.

- Không có một đội ngũ thẩm tranh chuyên nghiệp, giá trị thật - giả không được phân định. Vậy những nhà sưu tập như ông dựa vào điều gì để mua tranh?

+ Nếu ra nước ngoài, chúng tôi dựa vào các sàn đấu giá chuyên nghiệp, tuy nhiên, bản thân mình cũng phải tìm hiểu về gốc gác, lai lịch của tác phẩm nữa. Còn ở trong nước thì bằng kinh nghiệm, bằng niềm tin. Tôi thường mua tận gốc chứ không dám mua trôi nổi, thậm chí phải có những cuộc điều tra về bức tranh đó rồi mới dám mua.

- Tham gia nhiều cuộc đấu giá quốc tế, ông thấy vị thế tranh Việt ở nước ngoài ra sao?

+ Mỹ thuật Việt gần như vắng bóng trên các sàn đấu giá quốc tế. Họ ít để ý đến tranh Việt, chỉ có tranh của một số họa sĩ Đông Dương vẫn được đánh giá cao. Chắc vì các cụ vẽ không nhiều, họ vẽ bằng cảm xúc của mình, của thời đại mình đã sống, nên rất giá trị. Cái gì ít mới quý và hiếm. Còn các họa sĩ đương đại đang gặp nhiều thách thức trên sàn đấu giá quốc tế, tranh của họ không được đánh giá cao. Giới sưu tập ít để ý đến họ, bởi bây giờ các họa sĩ nhân bản nhiều quá, công nghiệp hóa tranh quá. Nói chung, hiện nay tranh Việt khá khiêm tốn trên các sàn đấu giá, một triệu đô đã là giá kỷ lục của tranh Việt, trong khi các nước trong khu vực, có những bức lên tới chục, vài chục triệu đô la.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông!

Hà - Dung (thực hiện)
.
.