Cầu nối văn hóa Việt - Nga

Thứ Ba, 28/11/2017, 08:05
Trong Diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24-11-1946, Bác Hồ đưa ra một quan niệm về tiếp biến văn hóa đi trước thời đại: "Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại... Tây Phương hay Đông Phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa thật có tinh thần thuần túy Việt Nam, hợp với tinh thần dân chủ" (Báo Cứu quốc, số ra ngày 25-11-1946).


Trong xu thế hội nhập văn hóa toàn cầu hôm nay thì câu nói trên có thể coi là một định nghĩa và bài học phổ quát về tiếp thu, kế thừa, phát triển và nâng cao giá trị văn hóa, không riêng cho Việt Nam mà chung cho bất kỳ quốc gia nào. Đó là một quy luật.

Những ngày kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại hôm nay chúng ta có dịp học lại thành tựu, kinh nghiệm, tư tưởng nhân văn của văn hóa Nga vĩ đại, mà người giới thiệu đầu tiên và là cầu nối hai nền văn hóa Việt - Nga, không ai khác chính là Bác Hồ.

Trong bài "Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin" viết cho Tạp chí Các vấn đề phương Đông (Liên Xô) nhân dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh V.I. Lênin, Hồ Chí Minh so sánh Chủ nghĩa Lênin với cái "cẩm nang": "Khi người ta gặp những khó khăn lớn, người ta mở cẩm nang ra, thì thấy ngay cách giải quyết. Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái "cẩm nang" thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản" (Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2001, tập 10, tr 128).

Cách so sánh giản dị nhưng nêu bật được tính ưu việt của Chủ nghĩa Lênin  trong việc tìm ra phương hướng, phương pháp giải quyết vấn đề ở những tình huống khó khăn nhất. Ở câu văn sau cấu trúc theo lối tăng cấp hình ảnh: Cái "cẩm nang" - cái kim chỉ nam - mặt trời soi sáng, càng nêu rõ hơn ý nghĩa chỉ đường dẫn lối, sức sống, niềm tin, sức lan toả của chủ nghĩa khoa học, biện chứng này.

Quang cảnh buổi tọa đàm “Dịch sách văn học Nga hôm qua và hôm nay”.

Ngày 15-7-1969, trả lời báo L'Humanite'(Pháp), Hồ Chí Minh nhắc lại hình ảnh cái "cẩm nang", nhắc lại lời dạy của Lênin với những người cộng sản phương Đông để khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam đi theo Chủ nghĩa Mác Lênin là tất yếu: "… Đồng chí biết truyền thuyết của chúng tôi về cái "cẩm nang". Khi gặp khó khăn, người ta giở cẩm nang ra và tìm thấy cách giải quyết. Chủ nghĩa Lênin cũng gần như cái cẩm nang thần kỳ đó" (Sđd, tập 12, tr 473).

Chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa của tình yêu thương và đoàn kết, Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở cán bộ: "Chủ nghĩa Mác-Lênin dạy chúng ta rằng: Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù. Mọi người yêu nước và tiến bộ là bạn của ta…" (Sđd, tập10, tr 605).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn được kế thừa và sáng tạo trên quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin - một lý luận sinh động, gắn liền với thực tế chứ không hề khô cứng như có kẻ đã bôi xấu lý luận biện chứng cách mạng này: "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin… Những người cộng sản các nước phải cụ thể hoá chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi" (Sđd, tập 8, tr 496).

Là một nhà cách mạng thực hành nên ngay từ năm 1927, Hồ Chí Minh đã có quan điểm riêng về quan hệ giữa lý luận và thực tiễn. Quan điểm này quán xuyến và chi phối con đường, phương pháp cách mạng không chỉ cho riêng Người mà còn cho cả cách mạng Việt Nam: "Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin" (Sđd, tập 2, tr 454). Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp tinh hoa của quá khứ và hiện tại, phương Đông và phương Tây, truyền thống với cách mạng, cơ bản hơn là tiếp thu những điểm "cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh" Việt Nam. Đối chiếu với lời phát biểu của Người năm 1946 ở trên và sau này, chúng ta thấy quan điểm về tiếp biến văn hóa của Người là nhất quán, trước sau như một.

Sức sống tư tưởng của Chủ nghĩa Mác, của Cách mạng tháng Mười Nga là bất diệt, đã và đang tỏa sáng ở văn hóa Việt Nam hôm nay và nhiều nền văn hóa khác.

Bác Hồ không chỉ là người giới thiệu mà còn là người hiện thực hóa tư tưởng Mác-Lênin và văn hóa Nga ở Việt Nam.

Trong bài viết "Một cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh" tác giả Rut Bersatxki (Liên Xô cũ) nhắc lại lời Bác Hồ: "Có điều các bạn chớ hiểu là tôi cho rằng chúng tôi cần phải dứt bỏ văn hoá nào đó, dù là văn hoá Pháp đi nữa.

Ngược lại, tôi muốn nói điều khác. Nói đến việc phải mở rộng kiến thức của mình về văn hoá thế giới, mà đặc biệt hiện nay là văn hoá Xôviết - chúng tôi thiếu, - nhưng đồng thời phải tránh nguy cơ trở thành những kẻ bắt chước. Không thể lấy từ nghệ thuật của dân tộc khác chỉ riêng mặt nào đó - chẳng hạn, tính ước lệ nổi tiếng của văn nghệ Trung Quốc - cái đó sẽ chẳng hay ho gì.

Văn hóa của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hoá của chính mình…" (Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb Tác phẩm mới, 1985, tr.349). Tư tưởng Hồ Chí Minh về việc mở rộng tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới phải trên cơ sở "nghiên cứu toàn diện" để hiểu một cách đầy đủ nhất, và dĩ nhiên, phải hiểu sâu sắc cả văn hoá nước mình, có thế mới tránh được nguy cơ "bắt chước" để giữ được cá tính, bản sắc của mình.

Trong "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", Người đã khẳng định ảnh hưởng của văn hóa Nga, cụ thể là "… L.Tônxtôi có thể nói là người đỡ đầu văn học cho ông Nguyễn (ông Nguyễn - Bác Hồ của chúng ta - NV)".  L.Tônxtôi đã ảnh hưởng lớn tới nhà văn, nhà thơ Hồ Chí Minh rõ nhất ở mặt nào?

Trong bức thư gửi cho Báo Văn học Liên Xô, số ra ngày 19-11-1960, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của đại văn hào, Người viết: "Cách viết của Tônxtôi rất giản dị, rõ ràng và dễ hiểu, làm tôi rất thích". Dễ thấy ảnh hưởng trước tiên là cách viết, một cách viết "giản dị, rõ ràng và dễ hiểu" như sau này Người bàn về cách viết trong một bài báo cùng tên: "Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu, có đuôi".

Ảnh hưởng thứ hai là cách dựng truyện: "Đọc những truyện ngắn của Anatôn Phơrăngxơ và của L.Tônxtôi, ông Nguyễn thấy hứng thú về văn chương giản đơn và tự nhủ: Người ta chỉ cần viết điều gì người ta thấy và cảm, bằng cách nắm lấy màu sắc và hoạt động của sự vật như thế thì viết cũng không khó lắm".

Vấn đề này cũng được Người nhấn mạnh: "Viết truyện có nhiều ngóc ngạnh thì phải nắm lấy cái chính, không nên kể con cà con kê. Nhằm lấy điểm chính mà viết". Ảnh hưởng thứ ba là về nội dung tư tưởng. Cũng trong bức thư trên, sau khi kể lại câu chuyện được đọc một cuốn tiểu thuyết của Tônxtôi, Người đã tóm tắt nội dung bài học thu nhận: "Từ đó rút ra kết luận: Sự chỉ trích đạo đức phong kiến".

Bác Hồ thích đọc và thuộc nhiều thơ Maiakôpxki. Trong Đại hội lần thứ III Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam năm 1961, Bác nhắc nhở thanh niên: "Nhà thơ Xôviết, đồng chí Maiakôpxki viết: Chủ nghĩa cộng sản/ Là tuổi trẻ của thế giới/ Do những người trẻ tuổi/ Xây dựng nên". Hai nhà thơ lớn ấy có sự gặp gỡ nhau ở quan niệm về sứ mệnh thơ ca. Maiakôpxki tuyên ngôn: "Tôi muốn/ đem ngòi bút/ sánh lưỡi lê lợi hại" (Trở về, 1925). Bác Hồ viết: "Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong".

Bác Hồ dịch "Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô" ngay từ khi mới về nước (1941), tiếp theo đó là dịch "Tỉnh Ủy bí mật" của A. Phêđôrốp.

Bác Hồ lại là nhà thơ có tác phẩm sớm được dịch sang tiếng Nga - tập thơ "Nhật ký trong tù" nổi tiếng. Bản thân tác giả và tác phẩm đã gây một ấn tượng mạnh với người dịch để rồi lan toả vào đông đảo bạn đọc Nga.

Dịch giả Paven Antôcônxky đã kể lại ấn tượng ấy trong lời đề tựa bản dịch: "Tôi báo cáo với Người về công việc đã làm được trong một tháng ở Việt Nam và nhắc rằng những bài thơ của Người mới đây được công bố trên một tờ tạp chí Việt Nam. Phản ứng thật hoàn toàn bất ngờ! Người phá lên cười một cách vui vẻ.

Trong đôi mắt Người ánh lên những tia hài hước - Nhà thơ gì tôi cơ chứ hả đồng chí? Chẳng qua là những năm kháng chiến, khi còn sống trong khu Việt Bắc, chúng tôi có nhiều thời giờ rỗi rãi quá đi mất. Và thế là chúng tôi làm thơ chơi - cả tôi lẫn những đồng chí khác nữa! Ở Việt Nam ai cũng làm thơ cả. Nhưng bây giờ, thơ của chúng tôi là những con số. Vâng, đúng như vậy, những con số về mùa màng và hoa lợi - đó là thơ ca của chúng tôi đấy!".

Mấy câu nói ngắn gọn hóm hỉnh nhưng toát lên một cách sinh động về cách ứng xử văn hoá, chủ động, khiêm tốn và một quan niệm văn chương phải gắn chặt với cuộc sống, phục vụ cuộc sống của nhà thơ Hồ Chí Minh. Còn đây là lời dịch giả nhận định về tác phẩm: "Gần một trăm bài thơ tứ tuyệt có sức thuyết phục lớn lao đối với lòng người và có sức mạnh nghệ thuật ghê gớm. Sự chân thành của tác giả, tính chân thật, chất phác của Người đã chinh phục được người đọc…" (Bác Hồ với văn nghệ sĩ - Nxb Tác phẩm mới, 1985, tr.310).

Bác Hồ là người đưa chủ nghĩa Mác - Lênin từ quê hương Cách mạng Tháng Mười vĩ đại về Việt Nam, là cầu nối văn hóa, là người góp phần làm giàu có thêm gia sản tinh thần của cả hai nền văn hóa Nga - Việt. Dưới góc nhìn tiếp biến văn hóa thì nhà thơ Hồ Chí Minh là vị sứ giả văn hóa kiệt xuất kết nối hai nền văn hóa gần gũi nhau hơn, thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ.

Nguyễn Thanh Tú
.
.