Cao điểm phòng chống dịch COVID-19: “Cơ hội vàng” cho văn hóa đọc

Chủ Nhật, 05/04/2020, 08:00
Nhìn từ góc độ tích cực, sẽ thấy việc trường học, công sở, nhà hàng... đóng cửa và công dân thực hiện việc hạn chế đi lại, tiếp xúc để phòng tránh dịch COVID-19 lại chính là “cơ hội vàng” cho văn hóa đọc lên ngôi...


Đây thực sự là cơ hội để “sống chậm” bằng nhiều cách, trong đó việc tĩnh tâm, tập trung đọc sách vừa để thu nạp thêm kiến thức, đồng thời cũng là cách mà nhiều người lựa chọn để nạp thêm năng lượng tích cực, bình tĩnh đi qua những tháng ngày gian khó...

Văn hóa đọc “lên ngôi”?

Cho đến nay, cả nước đã có tới hàng trăm ngàn lượt người phải cách ly y tế tại các khu tập trung hoặc phải tự thực hiện việc cách ly tại nhà để đối phó với COVID-19. Kể đến từ 0h ngày 28-3, Chính phủ khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, dừng hết các cuộc hội họp tập trung đông người và có thể sẽ tạm thời đóng cửa một số công sở. Điều đó sẽ khiến nhiều người có một khoảng thời gian “rảnh rỗi hiếm hoi” trong cuộc đời.

Từ đầu mùa dịch đến nay, trên mạng xã hội và một số phương tiện thông tin đại chúng đã bắt đầu xuất hiện khái niệm “Đọc sách mùa COVID” với nhiều lời kêu gọi trên facebook. Nhiều nhà văn như Y Ban, Uông Triều, Nguyễn Bích Lan... các biên tập viên của các NXB, nhà báo là những người hưởng ứng tích cực phong trào này.

Cùng con đọc sách và nuôi dưỡng văn hóa dọc giữa mùa dịch đang là phương châm giáo dục của nhiều gia đình.

Đáng chú ý là, trong đợt cao điểm cả nước chung tay ủng hộ Chính phủ phòng chống dịch COVID-19, ngoài tiền và hiện vật, Tập đoàn Trung Nguyên Legend của ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ đã ủng hộ 30.000 cuốn sách gửi đến các khu cách ly tập trung như một “món quà tinh thần” cho những người bị cách ly. Đây là một việc làm có truyền thống của Trung Nguyên và mang đậm dấu ấn cá nhân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Theo chia sẻ của nhiều người trong diện phải đi cách ly ở các điểm tập trung có sự quản lý của chính quyền, họ đã đem theo những cuốn sách như món tư trang không thể thiếu trong hành lý của mình. Trong hoàn cảnh bị cách ly, việc đọc sách không chỉ bổ ích, thú vị mà còn khiến thời gian như trôi nhanh hơn, là cách tích cực để khiến 14 ngày bị cách ly trở nên giống một “kỳ nghỉ phép”, bớt đi những suy nghĩ tiêu cực, hoang mang, dao động.

Ngoài ra, việc đóng cửa trường học sẽ khiến trẻ em có rất nhiều thời gian rảnh rỗi dành cho việc ngủ nướng, xem tivi hay chơi game... Nhất là trong cả tháng 2, việc học online với các trường vẫn chưa phải là một phương án được tính đến một cách rộng rãi, thì “khuyến đọc” đúng là một biện pháp tối ưu.

Nắm bắt được điều này, ngay từ cuối tháng 2, NXB Phụ nữ đã tổ chức một hội chợ sách online mang tên “Đọc đi cho khỏe” diễn ra từ ngày 24-2 đến 8-3-2020 trên fanpage của NXB Phụ nữ và tại các cửa hàng giới thiệu sách của NXB Phụ nữ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tại hội chợ này, NXB Phụ nữ áp dụng chương trình sách đồng giá, sách giảm giá từ 40-60% kèm theo chữ ký của tác giả như một biện pháp “kích cầu” đọc sách. Cũng trong dịp này, NXB Phụ nữ đã tổ chức một cuộc thi viết review dành cho độc giả có độ tuổi từ 8 đến 17 với mong muốn độc giả ở lứa tuổi học sinh sẽ đầu tư thời gian, công sức, tâm huyết vào những việc có ý nghĩa, có chiều sâu với sách.

Với slogan “Bí kíp ở nhà thời “Cô Vy” không cô đơn quá” cùng những hoạt động bên lề vui nhộn, hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi học sinh, hoạt động này của NXB Phụ nữ không chỉ thu hút sự quan tâm của độc giả nhỏ tuổi, mà còn nhận được sự ủng hộ từ đông đảo các bậc phụ huynh.

Bên cạnh những giải thưởng là một khoản tiền nhỏ, voucher giảm giá và sách, các giải thưởng khác được trao như: “Độc giả nhí tham gia sớm nhất”, “Độc giả nhỏ tuổi nhất”, “Độc giả có nhiều bài tham dự nhất”, “Bài review được yêu thích nhất” đã thực sự trở thành một niềm vui, nguồn động viên để các con hào hứng hơn với việc đọc sách.

NXB Kim Đồng lâu nay đã trở thành một địa chỉ tin cậy dành cho độc giả thanh thiếu niên - nhi đồng. Thời gian qua, NXB Kim Đồng đã liên tục có các hoạt động “khuyến đọc” dành cho các em thiếu nhi. Trong thời gian học sinh cả nước được nghỉ học kép dài để phòng chống dịch bệnh, NXB đã liên tục tổ chức các đợt mời độc giả tham gia viết bài review về các cuốn sách đã phát hành của Kim Đồng. Điều đáng mừng là, có nhiều bạn không chỉ viết để tham gia và được tặng quà, mà còn viết với tâm thế ham mê khi có các chùm bài gửi đến fanpage của NXB.

Điều này khiến các biên tập của NXB Kim Đồng hết sức cảm động và họ có mong muốn hoạt động này sẽ được duy trì một cách thường xuyên, liên tục như một sợi dây kết nối NXB, các biên tập viên với độc giả nhỏ tuổi trong cả nước. Những hoạt động này nếu được tiếp tục đồng hành, tiếp sức của các đơn vị làm sách, của các bậc phụ huynh, thì chắc hẳn văn hóa đọc của người Việt sẽ được cải thiện đáng kể.

“Cây cao bóng cả” tiếp tục thắp lửa văn hóa đọc

Tuần qua, thông tin nhà văn hóa Hữu Ngọc ra sách ở tuổi 102 và dịch giả Dương Tường ra mắt bản dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Anh thực sự đã khiến nhiều độc giả xúc động. Những “cây cao bóng cả” như nhà văn hóa Hữu Ngọc, dịch giả Dương Tường đã ở tuổi thượng thượng thọ mà vẫn say mê với sự nghiệp truyền bá văn hóa như thế này, họ thực sự trở thành những người thắp lửa của văn hóa đọc Việt Nam, xứng đáng nhận được sự kính trọng, vị nể của các thế hệ hậu bối.

Dịch giả Dương Tường hoàn thành tác phẩm “Truyện Kiều” bằng tiếng Anh ở tuổi xưa nay hiếm.

Với bộ sách mới “Cảo thơm lần giở” gồm 2 quyển với dung lượng gần 1.000 trang, có lẽ nhà văn hóa Hữu Ngọc đã trở thành người Việt Nam cao tuổi nhất ra mắt sách. Kỷ lục này có lẽ cũng hiếm hoi ngay cả trên thế giới. Bộ sách đã chắt lọc những trải nghiệm, suy ngẫm của tác giả về cuộc đời và xã hội qua lăng kính tư duy của những trí tuệ uyên thâm trên thế giới, là thành quả lao động miệt mài tích lũy suốt cả cuộc đời chữ nghĩa của nhà văn hóa Hữu Ngọc.

Bộ sách giới thiệu đến độc giả 180 danh nhân của đủ “ Đông - Tây - kim - cổ” trải rộng trên đủ các lĩnh vực từ văn học nghệ thuật, khoa học, đạo đức, tôn giáo đến chính trị học, triết học... đại diện cho các nền văn hóa của nhân loại. Trong cuốn sách, nhà văn hóa Hữu Ngọc trân trọng giới thiệu về các vị danh nhân Việt Nam được UNESCO công nhận là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiền sư Thích Nhất Hạnh. Mượn ý thơ trong “Truyện Kiều” đặt tên cho cuốn sách là “Cảo thơm lần giở”, nhà văn hóa Hữu Ngọc có ý muốn tổng kết, gửi gắm vào cuốn sách cả một đời suy tưởng, và ngẫm ngợi của mình.

Với dịch giả Dương Tường, năm nay ông đã vào tuổi 88. Cách đây mấy năm, ông bị lòa, tưởng chừng phải kết thúc công việc dịch thuật mà ông đã cả đời gắn bó. Và trong lúc khó khăn ấy, ông bỗng nảy ý định chuyển ngữ “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du sang tiếng Anh.

Dịch giả Dương Tường coi “Truyện Kiều” là một “công trình vĩ đại, một ngọn núi khó vượt qua”, nhưng ông cũng là người luôn tâm niệm “Hãy làm việc gì đó vượt quá khả năng mình một chút để còn cố gắng!”. Vậy là mặc dù mắt không còn nhìn thấy, nhưng ông vẫn lần mò dịch “Truyện Kiều” trên máy tính và sau 2 năm, bản thảo hoàn thành và được Nhã Nam ấn hành ngày 25-3 vừa qua.

Cho đến nay, “Truyện Kiều” đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng và phiên bản tiếng Anh của dịch giả Dương Tường đã trở thành bản dịch mới nhất. Trong thời đại 4.0, độc giả truyền thống bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, nhưng câu chuyện về nhà văn hóa Hữu Ngọc và dịch giả Dương Tường thực sự đã để lại trong lòng bạn đọc, người yêu văn hóa đọc sự trân trọng về những nhân cách lớn, những ngọn lửa âm ỉ nuôi dưỡng, thắp lửa văn hóa đọc cho thế hệ hậu bối hôm nay...

Nguyệt Hà
.
.