“Cảnh nóng” trong điện ảnh Việt: Bao nhiêu thì vừa?
- Lạm dụng cảnh nóng trong phim: Lợi bất cập hại
- Còn nhiều ý kiến trái chiều với cảnh nóng trong phim truyền hình Việt
Trong diễn đàn này chúng tôi bàn đến vấn đề đó cùng các nhà đạo diễn từng nhiều năm gắn bó với điện ảnh, truyền hình.
Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ trước, khán giả màn ảnh nhỏ đã vô cùng ấn tượng với một bộ phim “Làng Vũ đại ngày ấy” của cố Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Phạm Văn Khoa chuyển thể từ một số tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao. “Cảnh nóng” của Chí Phèo và Thị Nở ở vườn chuối ngày ấy đã làm dậy sóng truyền hình vì tính đột phá táo bạo của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa.
Ở thời điểm đầu những năm 1980 (trước thời kì Đổi mới), do quan niệm xã hội mà không mấy đạo diễn ở Việt Nam dám đưa vào phim những ''cảnh nóng'' mạnh bạo như thế. Lúc bấy giờ, cảnh quay Chí Phèo vồ lấy ngực Thị Nở ở vườn chuối được xem là quá mạnh bạo. Nghệ sĩ Đức Lưu ở ngoài đời hơn diễn viên Bùi Cường tới 10 tuổi. Bộ phim lúc hoàn thành xong nâng lên đặt xuống nhiều lần, rồi phải cắt đi nhiều cảnh mà vẫn chưa được duyệt.
Cuối cùng, nhờ ý kiến của một vị lãnh đạo lớn thì "cảnh nóng" trong phim mới được cho công chiếu. Khi bộ phim lên sóng truyền hình, tạo được ấn tượng tốt về một tình yêu chân phương và lãng mạn của cặp đôi, giữ nguyên được những giá trị trong tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao. Bộ phim được xếp vào tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam thế kỷ XX.
Ở một bộ phim khác của điện ảnh, truyền hình Việt Nam vào năm 1991, tiểu thuyết “Giông tố” của nhà văn Vũ Trọng Phụng được đưa lên phim. Trong bộ phim của đạo diễn Nguyễn Mạnh Lãi, NSND Trọng Khôi vào vai phản diện Nghị Hách, người đã hiếp dâm cô gái quê gợi cảm Thị Mịch trước ngày cô lấy chồng. Vậy cần đặc tả cảnh này ra sao?
Vốn là một bậc thầy về khả năng diễn xuất, vào ống kính, người đàn ông hồn hậu ngoài đời bỗng lập tức trở thành gã trọc phú dâm ô, khả ố và gian manh. Sau này, NSND Trọng Khôi nói về sự hóa thân này trên báo: “Nghị Hách là tên trọc phú ít học nên láu cá, lại có máu dê. Lúc đầu, tôi nghĩ mãi không ra cách thể hiện nhân vật. Bỗng một hôm chợt nghĩ Nghị Hách rất giống con dê. Thế là, Nghị Hách có kiểu cười nửa của người, nửa giống tiếng dê kêu”. Vậy là trên phim người đàn ông có tiếng cười như tiếng dê kêu cùng gương mặt biểu cảm đậm đặc chất “dê” này đã hoàn toàn chinh phục khán giả.
Nhà văn, nhà phê bình Ngô Thảo cho biết: “Hầu hết các đạo diễn thời kỳ đó đều rất nghiêm chỉnh lắng nghe ý kiến của các hội đồng kiểm duyệt, cắt xén tất cả những gì có thể. Nhưng nếu loại hết những hình ảnh bị cho là nhạy cảm ấy thì tác phẩm sẽ mất sức thuyết phục, trở nên thiếu hụt, vô lý, khập khiễng. Vì sự tồn tại và được ra đời, các nhà làm phim đã hy sinh cho sự toàn vẹn của tác phẩm. Mặc dù có không khí đổi mới nhưng các tác giả và đạo diễn đều là con đẻ của nền văn học nghệ thuật cách mạng, nên họ không muốn vượt những quy phạm phổ biến. Ở đây là chính bản thân hiện thực của đời sống mà họ thể hiện, họ buộc phải dựng lại những cảnh đó là thực sự cần thiết trong một tác phẩm điện ảnh”.
Sau này điện ảnh, truyền hình mở cửa hơn, thi thoảng đâu đó người ta vẫn thấy cảnh nóng một cách vừa đủ, hoặc hơi táo bạo trong các sê ri phim truyền hình ăn khách gần đây như cảnh Lan cave bị hiếp dâm tập thể trong phim “Quỳnh búp bê” chẳng hạn.
Một cảnh trong phim “Những cô gái trong thành phố”. |
Nhưng ''cảnh nóng'' trong phim bao nhiêu là đủ thì vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Gần đây bộ phim “Những cô gái trong thành phố” cũng nhận được sự phản hồi theo lối tích cực khi dàn dựng ''cảnh nóng'' cần thiết cho phim nhưng đâu đó trên một vài trang Facebook cá nhân vẫn có những nhận xét khắt khe khi mà khán giả cho là cảnh cưỡng hiếp táo bạo. Hay cảnh yêu đương mùi mẫn của Phan Hương và người tình tại phòng vệ sinh trong phim truyền hình nổi tiếng “Người phán xử”. Tiếp đến là “Người phán xử tiền truyện” phát online Phan Hải và Vân Điệp lại tiếp tục có nhiều cảnh thân mật giường chiếu cả ở hồ bơi lẫn trên giường khiến khán giả bỏng mắt.
Trong "Mộng phù hoa", cảnh đôi nam và nữ diễn viên chính cuốn vào nhau được thực hiện trên một cái chòi nổi lên giữa đầm sen mênh mông ao bùn, phía dưới là tiếng ếch nhái râm ran, trên trời mây trắng bồng bềnh. ''Cảnh nóng'' hoang dại này cũng thu hút được khán giả khi hai diễn viên nổi tiếng Kim Tuyến và Nhan Phúc Vinh thực hiện. ''Cảnh nóng'' trong sê ri phim truyền hình dài tập “Thương nhớ ở ai” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh chuyển thể từ tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng gây hoang mang cho khán giả khi xem cảnh nóng giữa người đàn ông tên Vạn và Hạnh đã dẫn đến sập giường, với hình ảnh đầy biểu cảm, khiến khán giả liên tưởng xa xôi.
Một bộ phim gây ồn ào của đạo diễn Phan Đăng Di “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” xoay quanh đề tài ẩm thực lồng ghép thông qua câu chuyện tình lãng mạn giữa một đầu bếp nhà hàng Nhật Bản và tiếp viên hàng không Việt Nam, bị tạm hoãn trên kênh truyền hình của HBO Go Việt, khi ''cảnh nóng'' quá “nóng”. Sau đó, bộ phim đã được chiếu khi nhà đài trực tiếp cắt cảnh nóng.
Đạo diễn Phan Đăng Di thấy bị xúc phạm vì phim "Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa" sau khi cắt ''cảnh nóng", phim bị thu hẹp ý nghĩa và mất một nửa ý đồ nghệ thuật của anh. Theo đạo diễn, các ''cảnh nóng" có ý đồ nghệ thuật chứ không phải để câu khách. "Tác phẩm đa nghĩa chứ không chỉ giới thiệu các món ăn. Nó kể về đam mê, đan xen tình yêu và ẩm thực. Thức ăn giống tình yêu, có thể rất ngon nhưng có khi là chất độc. Cơ thể con người cũng là một dạng 'thức ăn' của nhau”. Trước đây, bộ phim “Bi đừng sợ” tung hoành ở Liên hoan Phim quốc tế, nhưng tại nước chủ nhà bộ phim này cũng đã bị cắt một số ''cảnh nóng'' trước khi trình chiếu rạp.
Vấn đề cốt lõi ở đây có lẽ người làm phim và các nhà quản lý phải hiểu cho thấu những cảnh nóng trên phim là một thông điệp nghệ thuật hay đơn giản chỉ là những màn câu khách rẻ tiền? Và những cảnh ấy nếu bị cắt đi thì có bị giảm đi ý đồ nghệ thuật của phim hay chỉ giảm đi doanh thu của nhà sản xuất?
Hội đồng duyệt phim vẫn cắt “cảnh nóng” theo cảm tính - Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần
- Từng gắn bó với điện ảnh từ nhiều thập niên qua, ông thấy ''cảnh nóng'' trong phim Việt có những thay đổi gì trong hơn ba mươi năm qua?
+ Điện ảnh trước đây vào thời bao cấp bị ngăn cấm nhiều quá, đến sau này vào những năm đầu của thập niên 90, người ta đổ xô đi làm phim nhanh và nhiều, gọi là phim “mì ăn liền”, là thời kì làm phim tự do. Lúc đó thì gần như phim nào cũng phải có một tí ''cảnh nóng'', bởi vì khán giả đang khao khát về chuyện đó. Thật ra có ''cảnh nóng'' trong phim là để thu hút khán giả, hiểu được tâm lí của khán giả nên hồi đó chính tôi đi làm phim “mì ăn liền” thì cũng phải làm những cảnh đó thì mới hút khách, khán giả mới đến rạp. Nhưng sau này khi thế giới mạng đã phát triển quá nhiều rồi thì thấy cảnh nóng trên điện ảnh cũng không phải là chuyện quan trọng nữa.
Cũng vẫn có những nhà làm phim sử dụng cảnh nóng để câu khách nhưng hiệu quả câu khách thì không còn lớn nữa, khán giả bây giờ người ta thấy tính giải trí chung của câu chuyện quan trọng hơn là đoạn này hay đoạn kia có cảnh nóng và vì thế người ta cũng bớt đi. Nhưng trong nhiều phim, người ta vẫn sử dụng hình ảnh có cảnh nóng, nhưng sử dụng như thế nào để hội đồng duyệt không cắt được, để bộ phim vẫn có thể ra rạp và để có được sự hấp dẫn một cách vừa phải, thì khi quay vẫn bị hạn chế.
- Dưới góc độ của một đạo diễn, ông thấy ''cảnh nóng'' trong phim Việt hiện nay ra sao? Các nhà làm phim Việt có bị vướng rào cản về Hội đồng duyệt để phim được ra rạp?
+ Thật ra những cảnh cần thiết như trong miêu tả tâm trạng nhân vật hay nhấn vào tình huống thì cảnh nóng cần thiết phải có. Rõ ràng rằng nếu như chúng ta ở trong tình huống cần có mà chúng ta không có thì bộ phim cũng rất dở. Như chúng ta xem phim nước ngoài “50 sắc thái” mà lại không có ''cảnh nóng'', hoặc cắt ''cảnh nóng'' đi, hoặc là làm mờ trên màn ảnh thì chán lắm. Nhưng ''cảnh nóng'' như thế nào? Thời lượng và mức độ ra sao là một vấn đề. Mức độ cần thiết và mức độ cho vào bằng được để có hiệu quả kinh doanh là hai việc khác nhau. Vì thế cái sự cần thiết để phim có ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn và cái sự ngăn cấm trong Luật Điện ảnh thành ra nó cứ bị nửa chừng và không đâu vào đâu cả. Trong làm phim có rất nhiều zíc zắc như thế. Phim Việt hiện nay, nếu quay 2 người yêu nhau thì chỉ quay nuy hoàn toàn phần đằng sau thì không sao, không đặc tả vào bộ phận nhạy cảm thì không phải cắt, cũng chỉ dám làm đến thế.
''Cảnh nóng'' bây giờ thì không phải là chuyện lớn nữa. Bây giờ đối với xã hội trong điều kiện Internet thoải mái như thế này thì những ''cảnh nóng'' trên phim không còn là sự hấp dẫn nữa.
- Từng là một thành viên trong Hội đồng Duyệt phim quốc gia, ông thấy phim Việt có bị cắt nhiều ''cảnh nóng'' không, và người ta dựa trên tiêu chí nào để cắt cảnh được gọi là “nóng”?
+ Ở trong Luật Điện ảnh của chúng ta thì quy định khi duyệt phim không có khiêu dâm bằng hình ảnh, âm thanh. Nhưng để xác định thế nào là khiêu dâm thì rất là không cụ thể. Như Luật Điện ảnh Mỹ quy định hôn ở trên phim không quá 2 phút, ngực hở thì không được hở đến đâu, váy ngắn đến chỗ nào... quy định rất rõ những điều đó. Ví dụ như phim Mỹ, theo Luật Điện ảnh Mỹ là hôn không quá 2 phút, thế thì người ta lách luật người ta hôn nhau xong bỏ cái cảnh đấy một tí sau lại hôn lại thì thêm 2 phút nữa, không sao cả. Đấy tất cả những cái đấy là làm theo luật.
Nhưng ở ta thì không có chuyện quy định thế nào là cảnh nóng, khiêu dâm. Không bao giờ có quy ước cả, nên muốn thế nào người ta bảo thế cũng được. Vì thế trong hội đồng duyệt cứ bị cảm tính. Ví dụ như phim đang chiếu, hội đồng duyệt ngồi xem xong bảo: “Ui, cảnh này khó chịu quá nhỉ...”. Rồi đến lúc xem xong, mấy người ngồi lại với nhau họp, bàn bảo: “Cảnh này nên cắt đi...” thì đều do cảm tính thôi chứ không dựa theo luật cụ thể nào. Thế nên, nhất thiết cần có Luật điện ảnh cụ thể. Như thế nào là khiêu dâm? Được hở đến đâu? Hở như thế nào? Có lẽ dần dần quy định trong luật là phải làm cho rõ ra.
Cơ bản “cảnh nóng” giữa điện ảnh và truyền hình không khác nhau nhiều - Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng
Thực ra về cơ bản thì không có gì khác nhau thì đúng hơn, nếu nói về cách làm, nhưng khác nhau là ở cái cách tiếp cận tới khán giả, đối tượng xem. Ví dụ như bên truyền hình, phổ cập nó rất rộng, mọi lứa tuổi đều xem. Nên nó khác nhau là khi vào rạp thì là “cảnh nóng” đến đâu và lứa tuổi được xem, thì hai cái đó tạo ra sự khác biệt chứ về cách quay, cách thể hiện nó không khác gì nhau cả, vì đều là ngôn ngữ của hình ảnh hết. Thế thì, người xem mới là sự khác nhau, trẻ con không thể xem cảnh ấy, nên khi lên truyền hình người ta phải tiết chế.
Còn đối với phim điện ảnh là gì? Ví dụ như C13 (cấm khán giả dưới 13 tuổi), C16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi), C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi) và P (dành cho mọi độ tuổi), dưới bao nhiêu tuổi là không được xem thì vào rạp là họ cấm ngay từ ngoài rạp rồi. Nhưng lên truyền hình thì trẻ con, người già nhìn thấy là rất nguy hiểm và xấu hổ, cho nên cái sự kiểm soát của đạo diễn phải tiết chế lại xem là có phổ cập hay không và đến đâu thì vừa, “cảnh nóng” đến đâu thì đủ. Chứ còn điện ảnh có thể full luôn, nhưng full đấy là chỉ người vị thành niên như chúng ta xem.
Cái thứ hai là đối tượng xem là cái tivi, màn hình nó lại nhỏ hơn ngoài rạp thì phim điện ảnh chiếu ngoài rạp, kích cỡ nó lớn và sức tập trung nhiều. Nhưng phim truyền hình sức tập trung không nhiều, bởi vì mình còn vừa xem vừa có thể làm hoạt động khác như: lúc ăn, lúc làm, ngồi nói chuyện,... mình vẫn xem được, vẫn nghe được. Còn cách thể hiện giữa phim điện ảnh và truyền hình hiện giờ là không khác nhau nhiều.
Cấm đoán “cảnh nóng” trên phim không giải quyết được gốc vấn đề - Đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang
+ Về cảnh nóng ở phim truyền hình, người ta cũng không dám làm nhiều lắm đâu vì dù sao nó cũng là buổi chiếu có cả trẻ con, người già. Còn điện ảnh vẫn cho làm nhưng không được hở nhiều. Về văn hoá thì nước ta vẫn còn nặng nề, người ta thường rất e dè khi làm ''cảnh nóng''. Nhưng cũng có phim không thể không có được vì nó là đời sống con người.
- Vâng, có những cảnh “nuy” mà rất cần thiết cho nghệ thuật thì là được chứ?
- Đúng rồi. Về mặt nghệ sĩ thì chả ai thích cấm cái gì cả. Cái cấm đấy nó làm giảm sự sáng tạo của nghệ sĩ và nó làm mệt mỏi lắm. Nhìn chung, nghệ sĩ khi sáng tạo thì muốn bung hết biên độ, nhưng cái biên độ ấy bung đến đâu và giữ đến đâu thì vẫn cần phải bàn, vì chúng ta sáng tạo nhưng để trình chiếu cho hàng vạn người xem chứ không phải chỉ để một mình mình xem, nhưng nhà quản lý thì cũng phải xem cho được, rằng có cần thiết phải quá khắt khe trong kiểm duyệt hay không? Khi mà cái “gu” thẩm mỹ của nhà sản suất, người quản lý và công chúng “gặp” được nhau, thì chúng ta đã có câu trả lời thích đáng về mọi vấn đề của nghệ thuật.
Thật ra điện ảnh ở Việt Nam gọi là “cảnh nóng” thế thôi chứ hiếm khi hở, chả ăn nhằm gì với Internet đầy ra mà bây giờ ai vào cũng có thể mở ra xem được. Hiện nay, thời đại mới, Internet “cảnh nóng” thật sự khủng khiếp trên mạng. Bọn trẻ con bây giờ nó không sờ vào thì thôi, chứ bọn nhỏ sờ vào điện thoại, iPad thì cũng có thể vào ngay các trang độc hại... mở mạng ra mình đang đọc một cái khác thì quảng cáo la liệt ra ở đâu nhảy vào đủ các thứ hình ảnh nhức mắt.
- Thực tế cho thấy thường thì các nhà làm phim làm “cảnh nóng” có 2 mục đích, vì nghệ thuật hoặc để câu khách?
+ Thực ra cái việc làm câu khách đấy cũng không tác dụng gì đâu vì bây giờ khán giả của mình đã bão hoà việc đó, chứ có phải như thưở xa xưa thời bao cấp thèm thuồng đâu. Tôi bảo đảm đời sống cá nhân của mỗi người về tình dục thì trên Internet đã đáp ứng quá là nhiều. Ngay cả khi mình đang đọc báo trên mạng, mình không động gì cả, tự nhiên nó nhảy vào một cái quảng cáo về tình dục, nhiều lần như thế lắm. Hoặc là nhiều khi “con chuột” của mình vô tình chạm vào chứ mình không hề có ý định tìm thì nó đã xuất hiện rồi. Huống hồ nó gây nên cái sự tò mò cho bọn trẻ, nếu chỉ để xem “cảnh nóng” thì họ chỉ cần lên mạng, chả cần đến rạp xem phim làm gì.
- Vậy thì chúng ta cần phải có những điều quy định rất rõ ràng trong Luật Điện ảnh để các nhà làm phim không còn cảm thấy thiệt thòi nữa...
+ Luật Điện ảnh đang được nhiều người yêu cầu làm lại, bổ sung vì nó đã bị lạc hậu sau 10 năm ban hành. Hiện nay cũng đã bàn nhiều về cảnh nóng trong Luật Điện ảnh, như là không được hở ngực trên bao nhiêu giây hay là không được hở đến chỗ nào? Dự thảo Luật Điện ảnh sửa lên, sửa xuống không biết là đến bây giờ đã cụ thể cho một số giây, số phút chưa. Nhưng cho đến bây giờ thì mình hiểu rằng không được hở tất cả các bộ phận nhạy cảm. Tóm lại quay “nuy” thì phải quay từ sau lưng.