Ca sĩ kiêm nhạc sĩ phủ sóng làng nhạc

Thứ Sáu, 10/05/2019, 08:24
Điểm qua các bảng xếp hạng ca khúc ăn khách lẫn danh sách đề cử các giải thưởng, ta sẽ dễ dàng nhận thấy sự áp đảo của giới ca sĩ kiêm nhạc sĩ. Họ là những nhân tố trẻ nổi bật và không ít trong số đó bước ra từ giới underground (hoạt động ngầm) hoặc indie (hoạt động độc lập).


Vũ Cát Tường, Sơn Tùng M-TP, Phan Mạnh Quỳnh, Tiên Tiên, Only C, Tạ Quang Thắng... là những ca sĩ - nhạc sĩ liên tục "càn quét" ở nhiều giải thưởng âm nhạc. Họ vừa có khả năng sáng tác lại có cả khả năng ca hát. 

Đương nhiên, không ai biểu diễn bài hát hay bằng chính tác giả. Chính vì vậy mà chương trình "Sing my song" lấy cái tên Việt hóa là "Bài hát hay nhất" để truyền tải đầy đủ ý nghĩa của một cuộc thi mà thí sinh sẽ trình diễn chính bài hát do mình sáng tác.

Nhạc sĩ, ca sĩ Bùi Lan Hương.

Tiên Tiên có nhiều bài hát do cô tự sáng tác, tự biểu diễn gây bão như "Say you do", "My everything", "Vì tôi còn sống"... và mới đây là "Em không thể". Cá tính âm nhạc của cô gái trẻ tạo nên sắc màu độc lạ cho mỗi sản phẩm. Vũ Cát Tường cũng ngày càng khẳng định mình khi ra mắt ablum "Stardom" và tổ chức liveshow cùng tên vào năm ngoái. Cô có nhiều ca khúc được giới trẻ ưa chuộng như "Đông", "Vết mưa", "Don't you go", "Góc đa hình"...

Nổi lên với hit "Vợ người ta", nhiều người vẫn cho rằng Phan Mạnh Quỳnh chỉ hợp với nhạc giải trí mang hơi hướng nhảm, xàm khi anh viết lời hát kiểu: "Nhạc tung tóe thanh niên hòa ca/ Vài ba đứa lên lắc lư theo...". Thế nhưng qua thời gian, anh chứng tỏ sự trưởng thành, độ sâu trong mỗi ca khúc. Từ "Tri kỷ", "Khi người yêu mình khóc" cho đến "Nước ngoài", "Có chàng trai viết tên lên cây" và bây giờ là "Huyền thoại" đã cho thấy một chàng nhạc sĩ xứ Nghệ thâm trầm, sâu lắng.

"Huyền thoại" khắc họa về đời người, đời thơ của thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử. Qua giọng hát Phan Mạnh Quỳnh, cái hồn thơ Hàn, sự giao cảm của hai kẻ sĩ vong niên nối kết và hòa nhập đến lạnh người. Bài hát đậm đặc biểu tượng và không khí thơ Hàn như: trăng, áo trắng, hồn, ớn lạnh, vật vờ, kêu van, điên dại, cô đơn, cay đắng, tủi hờn, bẽ bàng...

Một bài hát chạm đến chiều sâu tâm thức, đong đầy tìm tòi sáng tạo lẫn dụng ý nghệ thuật. Thế nên dù ra mắt vào những ngày cuối cùng của năm 2018 nhưng "Huyền thoại" vẫn xứng đáng có mặt trong danh sách đề cử "Bài hát của năm" ở giải âm nhạc Cống hiến 2019.

Nhờ tiêu chí tìm kiếm thí sinh có khả năng sáng tác lẫn ca hát, chương trình "Sing my song" đã tìm ra vô số gương mặt ca sĩ kiêm nhạc sĩ ấn tượng. Từ nơi đây, nhiều nhân tố bắt đầu gắn bó đường dài với nghề như Bùi Lan Hương, Bùi Công Nam, Lê Thiện Hiếu...

Họ vốn là những nghệ sĩ indie hoặc underground, coi âm nhạc là một cuộc chơi hồn nhiên, vô tư không toan tính thiệt hơn. Họ thỏa sức vẫy vùng, thể hiện chất riêng mà không sợ bị ai bó buộc, chi phối. Ở dòng này, nếu điểm tên những cá nhân tự sáng tác và thể hiện thì đếm không xuể. Thậm chí, nhiều ca khúc của họ còn nóng sốt, làm mưa làm gió vượt mặt ca khúc dòng maintream (chính thống).

Có thể kể đến "Túy âm" của Xesi, "Cô gái m52" của HuyR và Tùng Viu, "Hongkong1" của Nguyễn Trọng Tài, "Hôm nay tôi buồn" của Phùng Khánh Linh, "Hành tinh song song" của Thái Vũ, "Đưa nhau đi trốn" của Đen Vâu, "Kém duyên" của Rum và Nit... Sự năng động của tuổi trẻ, tư duy hiện đại và sức sáng tạo không ngừng giúp họ tạo nên bước đột phá.

Đến khi bước ra hoạt động ở dòng maintream, cuộc chơi với âm nhạc dù trở nên nghiêm túc, chuyên nghiệp hơn nhưng họ vẫn giữ nguyên cá tính nghệ thuật. Mới xuất hiện, họ nhanh chóng khẳng định tài năng khi các sản phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao, được công chúng đón nhận và góp mặt trong nhiều giải thưởng âm nhạc.

Trong danh sách đề cử các hạng mục giải Cống hiến 2019, gương mặt nghệ sĩ "2 trong 1" này áp đảo. Việc ca sĩ - nhạc sĩ Bùi Lan Hương giành giải "Nghệ sĩ mới của năm" ở giải Cống hiến là hoàn toàn xứng đáng. Bởi cô thực sự mang lại làn gió mới mẻ khi một mình một lối theo đuổi dòng nhạc dream pop ma mị, quyến rũ, huyền hoặc với album "Thiên thần sa ngã".

Không chỉ nghệ sĩ solo mà ngay cả nhóm nhạc cũng dần chuyển sang xu hướng tự sáng tác và biểu diễn. Nổi bật có nhóm Ngọt, Cá hồi hoang, Lộn xộn... Nếu Ngọt có kiểu âm nhạc mang đậm chất hiện sinh (như các bài hát "Không làm gì", "Cho tôi đi theo", "Em dạo này"...), Cá hồi hoang rất điên, rất nghênh ("Cánh cửa cuối cùng", "Đã một lần", "Cánh đồng", "Nhà 9A"...) thì "Lộn xộn" lại đầy ắp chất giễu nhại, trào phúng thói hư tật xấu của xã hội ("Người yêu tôi không có gì để mặc", "Khoan cho em ngủ", "Đường của bố mày", "Nổi tiếng dễ không"...).

Nhạc sĩ - ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh.

Những buổi biểu diễn của họ dù ở ngoài Bắc hay trong Nam luôn "cháy" vé bởi giọng điệu lạ lẫm, độc đáo so với dòng chảy âm nhạc đại chúng đương thời. Nhận xét về thế hệ nhạc sĩ kiêm ca sĩ trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x, nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi quả quyết rằng chính họ mang lại mảng màu đa dạng, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho làng nhạc Việt.

Xu hướng tự sáng tác, tự biểu diễn của thế hệ nghệ sĩ trẻ ngày càng thịnh hành so với thế hệ đàn anh. Nếu trước kia Trần Tiến, Đức Huy, Thế Hiển, Minh Thư, Lê Cát Trọng Lý... là của hiếm của làng nhạc khi sở hữu hai khả năng này thì giờ đây lực lượng nghệ sĩ như thế trở nên áp đảo.

Như trên đã nói, tự trình diễn các ca khúc của mình, họ là người thể hiện trọn vẹn và thăng hoa nhất ý đồ nghệ thuật lẫn cảm xúc mà mình gửi gắm. Với nhạc sĩ mới vào nghề, tự trình diễn là cách tiếp thị sản phẩm hiệu quả nhất khi nhiều ca sĩ vẫn e dè hợp tác với tên tuổi xa lạ.

Thêm nữa, sở hữu khả năng sáng tác, ca sĩ trẻ không phải đau đầu và mất tiền bạc để đặt hàng ca khúc từ các nhạc sĩ nổi tiếng vốn đã quá bận rộn. Chưa kể ca khúc đó không chắc đã hợp gu của họ trong khi sáng tác giờ đây được coi là kỹ năng cần thiết để khẳng định đẳng cấp ca sĩ, tạo ra ca khúc phù hợp với chất giọng và cá tính của họ. Đương nhiên không phải ca sĩ nào thử sức sáng tác cũng thành công. Nhiều người vẫn cho ra đời những ca khúc hời hợt, ca từ yêu đương đơn điệu rồi lồng giai điệu và nhạc nền xập xình là ra bài hát.

Ngoài bài hát chất lượng, giới underground và indie cũng có không ít nhạc rác. Sáng tác theo kiểu "mình thích thì mình làm thôi" nên vô số ca từ nhảm nhí, tục tĩu theo "chủ nghĩa tự nhiên" hoặc nội dung cổ xúy tệ nạn xã hội nhưng cư dân mạng tung hô là "chất chơi" được đem ra trưng trổ. "Mình cưới nhau đi", "Quăng tao cái boong", "Khu tao sống", "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em", "Thu dẩm"... là những bài hát như thế. Đáng báo động là các ca khúc này lại trở thành hit.

Nhạc sĩ Huy Tuấn nhận định hiện tượng nhạc sĩ kiêm ca sĩ ngày càng nở rộ là xu thế tất yếu theo đúng trào lưu nghệ sĩ đa năng trên thế giới. Nghệ sĩ ngày nay có thể vừa hát, vừa đàn, vừa sáng tác, vừa vũ đạo đẹp mắt, nếu biết diễn xuất thì càng tốt. Nó cho phép họ thể hiện tối đa tài năng.

Đáng mừng là số ca khúc ý nghĩa, thú vị khai thác về đề tài xã hội, tâm tư người trẻ đương đại tăng dần chứ không chỉ quẩn quanh ở đề tài yêu đương. Âm nhạc và ca từ của họ cuốn hút giới trẻ bởi tính phóng khoáng, bộc trực, không hoa mỹ mà vẫn đẫm triết lý sống.

Ông nhận định: "Với lớp nhạc sĩ kiêm ca sĩ trẻ, tôi nghĩ họ có thế mạnh là sự nhanh nhạy trong việc cập nhật các xu thế mới trong âm nhạc trên thế giới. Và cái được nhất ở họ là phong cách và thể loại âm nhạc rất rõ nét vì ngay từ đầu họ đã xác định dòng nhạc mình theo đuổi. Đây là điều rất đáng để chúng ta hy vọng".

Phan Thi Uyên
.
.