Ca sĩ, nhạc sĩ Đức Chính: Cứ được mời là hát

Thứ Hai, 02/01/2012, 08:00
Ca sĩ Đức Chính là người trưởng thành từ môi trường quân đội. Anh có 15 năm trong quân ngũ với quân hàm Đại úy trước khi chuyển về Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Trong anh như vẫn còn nguyên "chất lính", luôn vô tư và không bao giờ đòi hỏi "chế độ" này khác. Có lẽ chính lối sống vô tư nên về hình thức, nom ca sĩ Đức Chính trẻ hơn tuổi thực của anh nhiều.

Ca sĩ, nhạc sĩ Đức Chính, nguyên là Trưởng đoàn ca nhạc 2 - Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Giọng hát được đánh giá dày dặn, tròn vành rõ chữ, mượt và đẹp của ca sĩ Đức Chính đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả qua các ca khúc "Cảm xúc tháng 10", "Tình ca Tây Bắc", "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em". Đặc biệt là với "Nhớ tuổi thơ Hà Nội" của nhạc sĩ Nguyễn Cường, giọng hát của ca sĩ Đức Chính trở thành giọng nam cao khó vượt bởi dường như anh hát có hồn hơn cả, đúng chất một người Hà Nội hát về Hà Nội. Nghệ sĩ Đức Chính còn được biết đến với vai trò một nhạc sĩ có những bài hát được yêu mến như "Nhớ quê", "Mùa nước cạn", "Ta tan vào nhau", "Đất nước huyền thoại"...

1. Trước đây nhiều năm, gia đình ca sĩ Đức Chính sống ở phố Hàng Ngang - một trong những con phố cổ nhất của Hà Nội. Ca sĩ Đức Chính tâm sự rằng, anh sinh ra vào "thời khắc đẹp" của Hà Nội. Khi ấy, Hà Nội còn nguyên nét đơn sơ, mộc mạc, cổ kính của một thành phố ngàn năm tuổi, chưa bị chiến tranh tàn phá và chưa nhiều nhà mới cao tầng như bây giờ. Tuổi thơ của ca sĩ Đức Chính đã trôi qua một cách đầy thơ mộng với những ngày hè trèo me, trèo sấu, tắm sông Hồng cùng bạn bè. Những năm tháng Hà Nội bị đánh phá, Đức Chính phải sơ tán về một vùng quê. Lúc ấy nỗi nhớ về Hà Nội trở thành nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ bạn bè, kỷ niệm...

 Với ca sĩ Đức Chính, những năm tháng đẹp đẽ ấy đã ngấm vào anh một cách tự nhiên từ lúc nào để rồi khi gặp được bài hát "Nhớ tuổi thơ Hà Nội" của nhạc sĩ Nguyễn Cường, anh đã hát bằng tất cả tình cảm, ký ức về thành phố tuổi thơ đầy ân tình - nơi anh sinh ra, lớn lên và gắn bó máu thịt từng tháng từng ngày.

Tuy không phải là người thể hiện "Nhớ tuổi thơ Hà Nội" đầu tiên (người đầu tiên thể hiện thành công bài hát này là ca sĩ Hồng Nhung) nhưng giọng hát sâu lắng, đầy cảm xúc của Đức Chính đã chinh phục khán giả yêu Hà Nội ở nhiều lứa tuổi. Album cá nhân thứ hai của mình, ca sĩ Đức Chính cũng chọn "Nhớ tuổi thơ Hà Nội" là "bài tủ" và cũng đồng thời là tên của album. Đây là sản phẩm âm nhạc được làm chau chuốt, cẩn thận từ hòa âm phối khí đến hình ảnh minh họa nên được công chúng đón nhận. Anh cũng đang ấp ủ một dự án âm nhạc tiếp theo và cho đến bây giờ, dường như ca sĩ Đức Chính chưa bao giờ ngừng sống với nhịp điệu đam mê. Bởi anh quan niệm: "Với tôi, cứ được mời là tôi hát mà không bao giờ quan tâm đến cát-xê họ trả mình bao nhiêu, cũng không có chuyện "mặc cả" bao giờ. Nhiều khi gặp một số khán giả ở sảnh, ở nhà hàng, thậm chí là ở bếp khách sạn mà họ đề nghị, tôi cũng hát... ngon lành khiến nhiều người rất cảm động, bởi tôi biết cơ hội được tận tai nghe ca sĩ có tên tuổi hát thường là không nhiều với người lao động. Nhiều ca sĩ cho rằng làm như vậy dễ... mất giá, nhưng tôi thì không, bởi vì tôi cho rằng mình được trời phú cho giọng hát, mình phải mang nó đến với mọi người. Đó chính là thiên chức, là niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ...".

Ca sĩ Đức Chính là người trưởng thành từ môi trường quân đội. Anh có 15 năm trong quân ngũ với quân hàm Đại úy trước khi chuyển về Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Trong anh như vẫn còn nguyên "chất lính", luôn vô tư và không bao giờ đòi hỏi "chế độ" này khác. Có lẽ chính lối sống vô tư nên về hình thức, nom ca sĩ Đức Chính trẻ hơn tuổi thực của anh nhiều. Sinh năm Đinh Dậu (1957) nhưng nhiều khán giả lầm tưởng ca sĩ Đức Chính chỉ tầm tuổi ngoài 40, bởi người nghệ sĩ đang độ chín chắn nhất của một đời người ấy dường như không già đi sau nhiều năm. Anh quan niệm: "Sống phải tự nhiên, khát vọng phải tự nhiên và làm nghệ thuật cũng phải tự nhiên. Tôi không thích sự "trình diễn" trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Khi tôi cầm một bài hát mới, tôi thường xem xét nó có phù hợp với chất giọng của mình không. Hát đúng kỹ thuật là đương nhiên rồi, nhưng tôi thường để cho tình cảm, tâm hồn mình tự do thăng hoa trên bài hát. Và đó chính là "điểm nhấn" quan trọng tôi có được trong lòng khán giả".

2. Ca sĩ Đức Chính chia sẻ rằng, anh là tuýp người không ngừng khám phá bản thân và luôn muốn làm mới mình. Bởi thế, song hành với công việc ca hát, ngay từ khi còn trẻ anh đã tham gia sáng tác âm nhạc và bài hát đầu tay là bài "Kỷ niệm không quên" anh viết về những người lính phòng không (cũng là viết về chính mình, về đồng đội) đã trở thành một trong những bài hát truyền thống của lực lượng bộ đội phòng không - không quân và đã đem về cho anh một Huy chương Vàng trong Hội diễn ca nhạc toàn quân năm 1979. Sau bài hát này, anh được cử đi học lớp đào tạo hạt nhân sáng tác, cùng với việc thuở nhỏ đã học nhạc lý cơ bản nên ca sĩ Đức Chính đã "sang ngang" cùng công việc sáng tác tự lúc nào.

Những bài hát của anh đầy chất trữ tình, sâu lắng. "Nhớ quê", "Đất nước huyền thoại", "Mùa nước cạn", "Ta tan vào nhau" - đó là 4 ca khúc đã đoạt giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và đã đi vào lòng công chúng, được nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NSND Thu Hiền, NSƯT Tố Uyên, NSƯT Minh Phương, ca sĩ Anh Thơ... lựa chọn đưa vào album cá nhân. Trong sáng tác, nhạc sĩ Đức Chính cũng luôn đặt yếu tố cảm xúc lên hàng đầu. Chẳng thế mà đến nay, bài hát nhớ quê của anh với hình ảnh người mẹ: "Hẳn là cốm đã lên hương/ Rơm vàng rải rác con đường thôn quê/ Ta xa lâu lắm chưa về/ Mẹ ta chân lấm nón mê ngóng chờ..." đã gây xúc động với nhiều người con xa quê. Nhạc sĩ Đức Chính tâm sự rằng, bài hát này được anh viết ra từ những gì thân thuộc nhất trong ký ức. Đó là những năm tháng chiến tranh, gia đình phải đi sơ tán ở một vùng quê, anh chị em tự bao bọc lẫn nhau, còn bố mẹ vẫn ở lại Hà Nội làm việc. Mỗi cuối tuần mẹ lên tiếp tế gạo, thức ăn cho anh em, dáng mẹ đi liêu xiêu trong chiều bên dòng sông bến nước anh không bao giờ quên được. Đến một ngày kia, nó bật lên trong bài hát với hình ảnh đẹp và xúc động như một bài thơ nên rất được khán thính giả yêu thích. "Trong sáng tác, chỉ cần được nhớ một câu, một bài thôi đã là hạnh phúc lắm rồi. Mỗi khi bài hát của mình được vang lên trên sân khấu, tôi như có thêm một đời sống tinh thần mới" - Nhạc sĩ Đức Chính chia sẻ.

Trong gia tài vài chục ca khúc của mình, nhạc sĩ Đức Chính từng sáng tác một bài hát cho Lực lượng Công an, đó là bài: "Làm người chiến sĩ vì dân". Bài hát được khởi nguồn từ một lời mời của Công an phường Hàng Bạc. Anh em muốn nhạc sĩ Đức Chính viết một bài hát để họ tham dự Hội diễn của ngành. Không ngờ bài hát lấy hình tượng bóng áo vàng, áo xanh làm chủ đạo đã đoạt giải nhất. Và sau lần ấy, nhiều đơn vị đã lựa chọn bài hát này trong các dịp liên hoan ca nhạc. Nhạc sĩ Đức Chính cũng dành cho các chiến sĩ Công an nhiều tình cảm bởi anh vốn là người trong quân ngũ, có nhiều tâm tư giống với người chiến sĩ công an nên khi anh bắt tay vào viết ca khúc "Làm người chiến sĩ vì dân", anh không hề cảm thấy khó khăn.

3.Trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2001, ca sĩ Đức Chính vẫn sáng tác đều nhưng không hề xa rời sân khấu lớn và khán giả truyền hình. Với giọng hát trời phú và những nỗ lực không ngừng để khẳng định tên tuổi, ca sĩ Đức Chính đã đoạt được một số giải thưởng lớn như: Ngoài Huy chương Vàng toàn quân năm 1979 với bài "Kỷ niệm không quên" do anh trực tiếp sáng tác như đã nhắc ở phần trên, anh còn đoạt Huy chương Vàng Hội diễn ca khúc chính trị toàn quốc năm 1980 với việc thể hiện bài "Cung đàn mùa xuân" và Giải nhất cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ nhất năm 1987 với bài "Ngọn lửa cao nguyên" và "Lời tỏ tình mùa xuân".

Có trong tay từng ấy "giải Vàng" và nhiều năm tháng gắn bó với âm nhạc chuyên nghiệp, có nhiều người nhầm tưởng ca sĩ Đức Chính phải được tặng danh hiệu NSƯT từ lâu. Thế nhưng chả hiểu "duyên số" thế nào, cả 2 lần đề nghị được xét tặng danh hiệu NSƯT vào các năm 2001 và 2006, hồ sơ của anh đều bị... gạt sang một bên. Không buồn rầu, bức xúc, khi được hỏi về vấn đề này, ca sĩ Đức Chính chỉ mỉm cười: "Cái quan trọng là khi mình cất giọng hát lên, khán giả nhận ra một cái gì đó của riêng mình, nhận ra đó là Đức Chính là tôi hạnh phúc lắm rồi..."

Hà Anh
.
.