Ca nương tài năng Nguyễn Thu Thảo: "Tin ở hoa hồng"

Thứ Bảy, 03/12/2016, 08:03
Tin ca nương Thu Thảo trở thành một trong hai "Ca nương tài năng" của Liên hoan tài năng ca trù do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức đã không khiến nhiều người bất ngờ. Dù mới ở tuổi 22, nhưng cho đến nay Thu Thảo đã có tới trên 15 năm gắn bó với nghệ thuật ca trù. 


Thu Thảo rất tự hào là truyền nhân đời thứ 7 của Câu lạc bộ ca trù Thái Hà - một câu lạc bộ gia đình có truyền thống gắn bó với ca trù trên đất kinh kỳ đã trên 160 năm đầy biến cố lịch sử thăng trầm. Dẫu biết rằng lựa chọn gắn bó với ca trù là chọn "đường đi khó" nhưng Thu Thảo cho biết em vẫn "tin ở hoa hồng", tin rằng di sản quý giá của cha ông sẽ được người đời trân trọng, nâng niu, gìn giữ...

Tìm đến nhà của ca nương Thu Thảo ở một con ngõ nhỏ trên phố Thụy Khuê - nơi cô gái 22 tuổi đang  sống cùng cha mẹ và em trai và cũng là nơi sinh hoạt chính của Câu lạc bộ ca trù Thái Hà do ông nội em làm chủ nhiệm. Mấy ngày nay Hà Nội trở lạnh đột ngột khiến ông nội em là nghệ nhân - "cụ trùm" Nguyễn Văn Mùi bị mệt, phải nằm nghỉ ngơi. Vì thế tôi cứ tiếc mãi vì không có cơ hội được hầu chuyện cụ, mà chỉ được gặp con trai cụ là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Khuê - một trong những nghệ nhân đàn đáy xuất sắc khá hiếm hoi còn sót lại sau nửa thế kỷ ca trù vắng bóng. 

Ca nương Nguyễn Thu Thảo vừa tốt nghiệp ngành Quản lý Văn hóa của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Đang trong thời gian đi xin việc, Thu Thảo gặp ngay kỳ Liên hoan tài năng ca trù Hà Nội được tổ chức để hưởng ứng Ngày di sản Việt Nam 23-11 nên hào hứng tham gia.

Ca nương Thu Thảo (người ngoài cùng bên phải) nhận giải thưởng "Ca nương tài năng".

Có lẽ, Thu Thảo là thí sinh dày dặn kinh nghiệm biểu diễn sân khấu nhất tại Liên hoan lần này, bởi em bắt đầu biểu diễn trên sân khấu lớn lần đầu tiên từ năm lên 7 tuổi và từng có những chuyến đi biểu diễn giới thiệu di sản ca trù đến với các nước như lớn như Trung Quốc, Pháp. Nhưng với lần đi ứng thí này, cả bố em và ông nội vẫn vô cùng nghiêm khắc.

Từng câu từng chữ "nhả", từng nhịp phách, cách lấy hơi, khuôn miệng, biểu cảm trên gương mặt... đều được cha và ông rèn giũa, uốn nắn thật kỹ lưỡng. Vì thế, các bài dự thi lần này của Thu Thảo là"Thét nhạc", "Tỳ bà hành" đều gây ấn tượng đặc biệt với Ban giám khảo.

Đến phần thi ca nương tài năng, khi bốc thăm được bài "Hát nói dở gửi thư", Thu Thảo đã có phần thể hiện xuất sắc để trở thành một trong hai "Ca nương tài năng" của kỳ Liên hoan lần này.

 Trở thành ca nương trẻ tài năng, ngoài việc một lần nữa khẳng định tài năng của  Thu Thảo ở thể loại âm nhạc đặc biệt này, nó còn dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành của Thu Thảo sau 2 năm chính thức trở thành ca nương từ sau "lễ mở xiêm áo" - một nghi lễ thiêng liêng đối với một ca nương chuyên nghiệp khi xưa.

Cho đến nay, sau hơn 15 năm kiên trì học hát từ những người thân trong gia đình là ông, bố và cô ruột, đến nay có thể khẳng định rằng ca nương Thu Thảo là người có thể hát được nhiều nhất các thể cách của ca trù: khoảng gần 20 thể, thuộc rất nhiều bài hát và các bài hát múa "Bỏ bộ", "Bài bông"... Và nữa, Thu Thảo cũng chính là ca nương có quá trình học tập dài nhất, kỳ khu nhất, chuyên nghiệp và vất vả nhất từ khi nghệ thuật ca trù được khôi phục đến nay.

Trước đây, cùng học hát với Thu Thảo còn có em họ là ca nương Kiều Anh. Cặp đôi ca nương Kiều Anh - Thu Thảo từng được gọi là cặp chị em "Thúy Kiều - Thúy Vân" trong làng ca trù với rất nhiều hi vọng, nhưng đến nay ca nương Kiều Anh đã lựa chọn "rẽ lối" khác, theo con đường âm nhạc đương đại. Còn Thu Thảo, kể cả khi trở thành sinh viên của Đại học Văn hóa cho đến nay, vẫn kiên định con đường và tình yêu đối với ca trù, đem theo tâm niệm muốn giữ nghề của cha ông.

Thu Thảo mong muốn sẽ được làm việc trong lĩnh vực văn hoá, góp phần sức lực vào việc bảo tồn nghệ thuật ca trù nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung. Mặc dù mới ở tuổi 22, nhưng nhìn vào "bảng vàng thành tích" Huy chương của Thu Thảo, em đã đủ "tiêu chuẩn" để được phong danh hiệu nghệ nhân ưu tú!

Cho đến nay, Thu Thảo cũng là ca nương được Đài Tiếng nói Việt Nam mời đến thu thanh các bài hát ca trù nhiều và thường xuyên nhất. Vì thế, tiếng hát của ca nương Thu Thảo đã trở nên rất quen thuộc với khán thính giả của VOV, VTV. Em cũng là đại diện được mời tham gia nhiều buổi trình diễn, giao lưu, giới thiệu, quảng bá nghệ thuật ca trù ở trong và ngoài nước.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê cho hay, trong mấy ngày diễn ra Liên hoan ca trù trẻ tài năng, ngày nào cụ Nguyễn Văn Mùi cũng ra Văn Miếu vừa để xem các cháu thi thế nào vừa là để cảm nhận sức sống của ca trù đến hôm nay ra sao.

Cụ Mùi cảm thấy rất vui về sự trưởng thành của cháu gái nội Thu Thảo. Ngoài Thu Thảo là ca nương, có 2 cháu nội trai của cụ cũng rất có năng khiếu đánh đàn đáy khiến lòng cụ tràn đầy hi vọng về sự hồi sinh của ca trù nói chung và sức sống của "giáo phường" ca trù Thái Hà mà ông đang là người cầm chầu, tiếp lửa nói riêng.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê cho biết, dòng họ Nguyễn của anh khởi nguồn đến với ca trù là từ cụ Nguyễn Đức Ý - là người đỗ Thủ khoa năm 1852 và làm quan tại huyện Gia Lộc (Hải Dương), truyền sang đời thứ 2 là cụ Nguyễn Đức Bồ là người chuyên về đàn đáy và các điệu ca vũ trong cung đình. Ca nương Nguyễn Thị Tuyết là người tiêu biểu nhất của đời thứ 3. Bà từng là người rất được triều đình nhà Nguyễn ưu ái, giao cho việc quản lý bộ phận ca vũ trong cung đình và được vua ban một mảnh đất tại ấp Thái Hà để xây dựng đình Ca Công.

Đình được coi như "nhà hát" riêng của dòng họ Nguyễn và giáo phường Thái Hà xưa kia - vốn là một nhóm hát danh tiếng bậc nhất ở đất kinh kỳ Thăng Long. Đến đời thứ 4, dòng họ Nguyễn lại có cụ Nguyễn Văn Xuân từng vô địch đàn đáy Bắc Hà và bà Phán Huy vốn là ca nương nổi tiếng bởi nhịp phách điêu luyện và tiếng hát mẫu mực.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Khuê và con gái - Ca nương Thu Thảo.

Truyền nhân đời thứ 5 là cụ Nguyễn Văn Mùi - có lẽ là nghệ nhân cao niên nhất còn sót lại sau sự ra đi của những người bạn nghề "một thời vang bóng" như các nghệ nhân Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Chúc... Anh Nguyễn Văn Khuê cùng với em trai Nguyễn Minh Tiến (cũng là nghệ nhân đàn đáy) và ca nương Nguyễn Thúy Hòa được ghi nhận là thế hệ thứ 6 của dòng họ theo nghề.

Sau "Lễ mở xiêm áo" hồi năm 2014, ca nương Nguyễn Thu Thảo đã chính thức trở thành truyền nhân đời thứ 7 của dòng họ Nguyễn xưa kia, tiếp nối nghề của cha ông góp phần giữ gìn di sản ca trù khỏi bờ vực của sự xóa sổ.

Ca nương Thu Thảo chia sẻ, ngay từ nhỏ, các em đã được chìm đắm trong không gian của tiếng đàn, tiếng phách, tiếng ngâm, chính vì thế âm hưởng của ca trù đã ngấm vào các em một cách rất đỗi tự nhiên. Đến khi cất tiếng hát hay cầm cây đàn đánh một vài nốt nhạc đã khiến người nhà cũng phải ngạc nhiên.

Học hát ca trù vô cùng khó và vất vả trong cách lấy hơi nhả chữ cho nên không thể một sớm một chiều mà thành công. Điều này cũng đã không ít lần khiến ca nương Thu Thảo chán nản, thậm chí muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi thương bố, thương ông và hiểu được tâm huyết của bố, của ông trong việc muốn gìn giữ vốn di sản quý báu của dân tộc, mỗi ngày Thu Thảo lại cố lên một chút, cho đến ngày có được kỹ thuật "nảy hạt" là kỹ thuật khó nhất trong hát ca trù - kỹ thuật này từng được GS Trần Văn Khê ví như "tiếng trân châu rơi xuống mâm vàng"...

Với bản tính khiêm tốn, dịu dàng, Nguyễn Thu Thảo cho biết, dù là con "nhà nòi" được học ca trù từ tấm bé, nhưng cho đến nay, ngày nào em cũng vẫn dành thời gian để học tập, trau dồi kiến thức. Các bài hát ca trù vốn thường là các áng thơ  trác tuyệt nhưng cũng rất khó hiểu.

Để có thể hát hay, biểu cảm được phải hiểu được nội dung của các bài thơ ấy, nên em cũng phải dành nhiều thời gian để đọc sách, nghe bố giảng giải để có được cảm thụ tốt nhất về văn chương trước khi cất lên tiếng hát.

Là cô gái vẫn đang ở tuổi đôi mươi phơi phới với nhiều khát vọng, niềm tin ở tương lai, song Thu Thảo vẫn biết rằng mình đang đi một con đường nhiều thử thách, chông gai, đòi hỏi ở em sự kiên định cũng như một ngọn lửa, một tình yêu với ca trù đủ bền bỉ. Nhưng cô gái bé nhỏ ấy vẫn tha thiết mong muốn sẽ góp phần công sức nhỏ bé của mình vào việc gìn giữ, bảo tồn và quảng bá nghệ thuật ca trù đến với các bạn trẻ cũng như đưa vẻ đẹp của ca trù vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam...

Nguyệt Hà
.
.