Ca trù: Ngổn ngang trăm mối

Thứ Hai, 21/11/2016, 08:01
Bảo tồn ca trù, xét đến cùng điều quan trọng nhất vẫn phải là làm sao có được những ca nương - kép đàn thực sự chuyên nghiệp và phải có môi trường để cho họ diễn xướng. Nhưng xem ra cả hai yếu tố này của ca trù đều vẫn còn đang thiếu và yếu...


Những nỗi niềm trăn trở

Nguyệt Hà

Từ ngày 11 đến 13-11 vừa qua tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Liên hoan tài năng ca trù trẻ Hà Nội 2016 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Liên hoan lần này có sự tham gia của 62 thí sinh dự thi tiết mục tập thể, 35 thí sinh dự thi đào nương - kép đàn tài năng đến từ 10 câu lạc bộ ca trù trên địa bàn TP. Hà Nội. Sau nhiều năm nỗ lực "trẻ hóa" đội ngũ, tín hiệu đáng mừng đến từ Liên hoan lần này là số thí sinh từ 6 đến 15 tuổi chiếm tới trên 60%, thí sinh "già dặn" nhất đang ở tuổi 29.

Khép lại 3 ngày tranh tài, Ban tổ chức Liên hoan tài năng ca trù trẻ Hà Nội 2016 đã trao 2 giải tài năng ca trù xuất sắc cho ca nương Nguyễn Thu Thảo (CLB ca trù Thái Hà) và Đinh Thị Vân (CLB ca trù Lỗ Khê). Bên cạnh 2 giải ca nương xuất sắc, Ban tổ chức cũng trao 4 giải A, 4 giải B, 8 giải Khuyến khích và 2 giải tập thể cho các tập thể, cá nhân.

Liên hoan tài năng ca trù trẻ Hà Nội 2016 được các nhà chuyên môn đánh giá là một kỳ liên hoan thành công. Đặc biệt, với sự tham gia đông đảo của một lực lượng đào - kép trẻ đã khiến cho nhiều nhà nghiên cứu ca trù tràn đầy hi vọng về việc chúng ta có thể khẳng định với Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Thế giới UNESCO rằng: "Ca trù Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp" như lời của Giáo sư, TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại buổi lễ bế mạc Liên hoan tài năng ca trù trẻ Hà Nội 2016.

Thí sinh Nguyễn Thu Thảo của CLB ca trù Thái Hà trở thành một trong hai ca nương tài năng tại Liên hoan tài năng ca trù 2016.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh cũng chia sẻ thêm: "Sự tham gia đông đảo của lực lượng trẻ là một niềm vui lớn đối với những người già chúng tôi. Có thể khẳng định rằng, như thế này thì có nghĩa ca trù của Việt Nam không thể nào mất được.

Nếu như Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch có sự tác động như thế nào đó để 14 tỉnh, thành phố khác có ca trù cũng có được một nguồn lực tốt như Hà Nội thì chúng ta sẽ không khó khăn gì có thể "xin" với UNESCO rằng: "Thưa các vị, ca trù của chúng tôi không còn nằm bên bờ vực của sự xóa sổ nữa". Tôi đặc biệt vui mừng khi thấy ca trù được các bạn trẻ đón nhận rất có trách nhiệm khi mỗi em đến với cuộc thi đã biết được nhiều thể cách của ca trù, có em biết được trên 10 thể cách, và biết cách trình bày đúng các thể cách là một bước tiến có chất lượng rất đáng ghi nhận!".

Theo quy định của UNESCO, đối với các di sản văn hóa nằm trong danh mục cần được bảo vệ khẩn cấp, cứ 4 năm một lần quốc gia có di sản nằm trong danh mục này phải báo cáo với UNESCO về tình trạng bảo tồn di sản.

Năm 2013, Việt Nam đã tiến hành báo cáo lần thứ nhất và theo lộ trình đến năm 2017, Việt Nam sẽ phải sẽ phải tiếp tục báo cáo với UNESCO về việc bảo tồn, khôi phục ca trù với mong muốn ca trù sẽ bị "gạch tên" khỏi danh mục các di sản phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản phi vật thể của nhân loại.

Như vậy, chỉ còn vài tháng nữa là bước sang năm 2017, nhưng xem ra, việc bảo tồn phát huy những giá trị của ca trù trong đời sống mới chỉ thực sự có hiệu quả ở đất kinh kỳ Thăng Long với 14 CLB ca trù được duy trì, trong đó 3 địa điểm duy trì được việc tổ chức biểu diễn ca trù là Bích Câu đạo quán, Đền Quan Đế, Đình Kim Ngân. Chỉ có duy nhất Câu lạc bộ ca trù Thăng Long duy trì được việc biểu diễn ca trù vào 20h các ngày thứ 3-5-7 tại số 28 Hàng Buồm. Còn lại ở các địa phương có truyền thống hát ca trù như Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Tĩnh..., trong 5 năm đầu kể từ sau khi ca trù được UNESCO vinh danh, lên tới gần 50 CLB phong trào ca hát, truyền dạy và học ca trù có phần nở rộ, sau đó dần đi vào im ắng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ trước đến nay mới chỉ có CLB ca trù Cổ Đạm (Hà Tĩnh) nhận được nguồn kinh phí 130 triệu đồng (được chia làm 2 đợt) từ ngân sách của tỉnh cho việc bảo tồn, phát huy những giá trị của ca trù. Các CLB khác, nguồn kinh phí nhận được (nếu có) chỉ là khi chuẩn bị có các Liên hoan ca trù, kinh phí này được dùng đầu tư cho các tiết mục để đi... dự thi mà thôi và số tiền cũng chỉ là vài triệu đồng, có khi chưa đủ tiền đi lại hay mua sắm phục trang, đạo cụ.

Ở làng Cổ Đạm nếu dăm năm trước đến đây đi quanh làng rất dễ gặp tiếng ư hự, tiếng trống, tiếp phách dìu dặt, thiết tha thì nay đến làng Cổ Đạm đã không còn chuyện này. Người dân lại chuyên tâm với việc cày cấy, làm ăn, chẳng mấy ai còn mặn mà với việc học hát còn các nghệ nhân cây đa cây đề có vai trò quan trọng trong việc truyền dạy các điệu hát cổ thì đã lần lượt khuất bóng, đem theo những vốn quý tinh hoa về ca trù có thể đã không kịp truyền dạy cho con cháu đời sau.

Theo chia sẻ của một số nghệ nhân ca trù, cho đến nay, việc tìm kiếm người theo học ca trù rất khó khăn, mặc dù việc truyền dạy luôn luôn là... miễn phí. Lâu lâu mới gặp được 1 vài học viên có tiềm năng, thì theo được một thời gian các em lại bỏ với lý do học quá khó mà sau này lại rất ít cơ hội được biểu diễn chứ chưa nói đến chuyện có thể kiếm sống được bằng nghề.

Bảo tồn ca trù, xét đến cùng điều quan trọng nhất vẫn phải là làm sao có được những ca nương - kép đàn thực sự chuyên nghiệp và phải có môi trường để cho họ diễn xướng. Nhưng xem ra cả hai yếu tố này của ca trù đều vẫn còn đang thiếu và yếu. Việc duy trì được ca trù trong đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng đến nay vẫn còn quá ngổn ngang trăm mối tơ vò với quá nhiều thách thức. Vậy thì, việc các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cứ nhăm nhăm muốn khẳng định rằng, ca trù Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng khẩn cấp có phải là hơi tự tin, chạy theo thành tích quá không?

NSUT Nguyễn Văn Khuê (CLB ca trù Thái Hà): Chấn hưng ca trù không thể làm theo... phong trào

Việc nở rộ các CLB ca trù cũng chưa hẳn đã nói lên rằng ca trù đã ra khỏi tình trạng khó khăn. Ca trù là nghệ thuật đỉnh cao, với những đòi hỏi hết sức khắt khe, không phải ai cứ muốn, cứ thích là học được, theo được. Chính vì thế, xưa nay ca trù vẫn cứ phải được dạy theo kiểu chân truyền "một thầy - một trò" vì tìm được một người có đủ năng lực theo đuổi nó cũng chẳng dễ dàng gì.

Việc có đông người tham gia tìm hiểu, học hỏi như một cách phổ cập cho người dân biết về ca trù thì cũng tốt thôi, có điều đào tạo nghệ nhân ca trù là vẫn phải dựa vào tài năng của ca nương, kép đàn. Theo tôi, ca nương bây giờ đã xuất hiện nhiều hơn, còn kép đàn vẫn thiếu nhiều và sai nhiều.

Đào tạo được ca nương - kép đàn tài năng, nâng lên ở trình độ chuyên nghiệp và tạo cho họ một có điều kiện trình diễn ca trù nhiều với không gian trình diễn tái hiện đúng là cửa đình chính là cách bảo tồn ca trù tốt nhất. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ với nghệ nhân, chưa có chính sách thỏa đáng đối với việc đào tạo thế hệ trẻ chính là điều khiến các nghệ nhân băn khoăn, nản lòng.

Nếu có môi trường chuyên nghiệp cho họ, ví dụ họ giỏi giang, xuất sắc có thể được tuyển dụng vào một nhà hát nào đó hay nhà nước có thể thành lập ra một nhà hát nghệ thuật ca trù như một cái đích hướng đến của những nghệ nhân thực sự đam mê, dấn thân thì mới có thể thu hút, động viên được tài năng. Còn bây giờ, mọi thứ vẫn còn mông lung thế này, ai học ca trù cũng chỉ vì đam mê thôi, nếu có cơ hội lại đi tìm một con đường khác cho mình, thì việc chấn hưng ca trù vẫn chỉ mang tính chất... phong trào chứ không thể bền vững, dài lâu.

Mà chấn hưng một bộ môn nghệ thuật đặc sắc, đỉnh cao, được thế giới ghi nhận, đánh giá cao thì không thể, không nên chỉ là phong trào mà phải làm thật sự từ gốc. Nó cần phải được quan tâm đúng mức, nếu không lại rất dễ một lần nữa rơi vào tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thu Yên (CLB Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN): Dạy miễn phí vẫn khó kiếm học trò

Tôi nhờ có gia đình hậu thuẫn nên vẫn duy trì được niềm đam mê đến tận hôm nay. Tôi không phải lo toan về kinh tế gia đình nên xưa thì mày mò đi học, cứ được biểu diễn là vui rồi chứ thực sự cũng chẳng mấy khi quan tâm đến chuyện thù lao. Giờ thì cứ phải đi đến tận nhà, tận các CLB dạy miễn phí cho các em thôi, ai thương thì đưa cho vài đồng để cô đổ xăng xe đi lại chứ tôi cũng chẳng bao giờ đề cập.

Vì tình yêu với nghệ thuật mà làm như thế, nhiều người vẫn bảo tôi bị điên đấy. Nhưng bây giờ tìm được người yêu ca trù để dạy miễn phí cũng khó lắm. Đôi khi tìm được người có khả năng, dạy được một thời gian rồi, nhưng các em lại bỏ vì bảo phải chăm chú kiếm cái nghề gì sau còn kiếm sống.

Vì cuộc sống mưu sinh, nên cô giáo có tiếc có buồn cũng không được, phải thông cảm cho các em thôi. Vì các em phải sống đã, cứ theo mình thì có khi chết đói mất.

Năm 2002, tôi theo học lớp ca trù đầu tiên được mở với 65 người, giờ ca nương không còn ai theo nghề, chỉ có kép đàn là còn một số người vẫn theo đuổi. Năm ngoái tôi được phong danh hiệu nghệ nhân ưu tú như một niềm động viên, an ủi. Bạn bè gia đình đều mừng cho tôi vì những cống hiến của mình cuối cùng cũng có ngày được bù đắp.

Nói cho đúng là với tôi cái nghiệp nó vận vào thân, vì quá đam mê, quá yêu ca trù mà theo thôi chứ nếu cứ phải cân nhắc được cái gì, mất cái gì chắc tôi không còn gắn bó với ca trù đến hôm nay.

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan: Bao giờ thoát cảnh "cha chung"?

Hà Anh (thực hiện)

-Thưa nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, việc tổ chức các Liên hoan ca trù như hiện nay hình như đang được xem là cách bảo tồn ca trù tốt nhất?

+ Theo tôi, cách làm này là rất hiệu quả và các kỳ Liên hoan nên được tổ chức thường xuyên hơn ở các địa phương khác nhau chứ không riêng ở Hà Nội. Ở Liên hoan ca trù lần này tôi thấy có khoảng 15 đào nương hát rất hay, rất đáng để hi vọng.

Có thể nói rằng, ca trù đã ra khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp với đủ các lớp nghệ nhân nghệ sĩ kế tiếp nhau. Lúc khởi phát, cả nước chỉ có khoảng 20 người hiểu biết và có thể thực hành ca trù, đến nay đội ngũ đã rất đông đảo, lên tới 500 người. Chỉ có điều, cùng với đào tạo ca nương, nhất thiết phải có đào tạo kép đàn. Ở Liên hoan ca trù lần này chỉ có các CLB như Lỗ Khê, Thái Hà, Thăng Long là có kép đàn tốt, còn lại kép đàn đều rất yếu.

- Trong quá trình đào tạo những hạt nhân của ca trù, chúng ta cần chú trọng điều gì?

+ Tôi muốn nói thêm rằng, đối với ca trù, không thể đánh đồng nó với những sinh hoạt văn hóa dân gian thường gắn với một làng, một địa phương khác như hát xoan, quan họ. Ca trù là nghệ thuật chuyên nghiệp mà ở đó người nghệ sĩ rộng cánh bay lên trên nhiều vùng.

Thế nên, đào tạo ca trù không căn cứ vào làng ấy, xã ấy mà căn cứ vào khả năng của nghệ nhân, nghệ sĩ. Tôi đã rất nhiều lần phát biểu về việc Bộ Văn hóa cứ xếp ca trù vào chung một chiếu với âm nhạc dân gian. Thực tế, âm nhạc nghi lễ khác, âm nhạc phong tục khác, âm nhạc giải trí khác... Ở Việt Nam, ca trù, ca Huế và đờn ca tài tử là 3 loại hình âm nhạc giải trí đã đạt đến trình độ cao.

Với ca trù, dù anh ở đâu khi anh cất tiếng hát lên cũng phải như thế, đàn yêu cầu phải như thế, thơ văn như thế. Vì thế, với việc bảo tồn ca trù là phải chọn những hạt nhân, là những người ca nương, những kép đàn để truyền nghề cho họ thì chúng ta sẽ có ca trù. Và khi những ca nương ấy trở thành xuất sắc thì nó trở thành phong cách của người ta.

- Ông vừa nói rằng, ca trù đã ra khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp nhưng một số nghệ nhân vẫn cho rằng, hiện nay việc họ phải chủ động đi tìm kiếm học trò để truyền dạy ca trù không công nhưng vẫn rất khó khăn. Chúng ta có đang bị "bệnh thành tích" không hay có sự mâu thuẫn nào đó ở đây?

+ Trước hết, phải khẳng định rằng ta đã tạo được một lực lượng lên đến mấy trăm người biết hát ca trù là rất quý so với con số ban đầu là chừng trên 20 người. Thế giới rất coi trọng việc một cộng đồng quý trọng và tự thực hành di sản. Nếu ta chứng minh được rằng, người Việt Nam hiện nay không kiếm sống bằng cái đó, không thu hoạch từ cái đó, không được ca ngợi về cái đó nhưng vẫn đang duy trì, đang bảo tồn, đang phát huy di sản ấy trong lòng xã hội hiện đại thì được đánh giá rất cao.

UNESCO luôn coi trọng thái độ của cộng đồng và bảo vệ di sản ấy ra sao. Gần đây, nhà nước đã có một số chính sách dành cho các nghệ nhân như phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân và có hỗ trợ vốn cho các CLB như một hình thức kích thích. Nhưng theo tôi, không có sự kích thích nào bằng được việc tạo cho họ có môi trường biểu diễn, cọ xát.

- Chính sách đãi ngộ của nhà nước đối với nghệ nhân ca trù còn quá ít ỏi, việc có thể kiếm sống bằng ca trù lại là điều quá khó khăn chính là rào cản khiến các nghệ sĩ trẻ không thể toàn tâm toàn ý với ca trù. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

+ Việc kiếm sống bằng ca trù là khó nhưng với gia đình anh Khuê của CLB ca trù Thái Hà hay CLB ca trù Thăng Long họ vẫn tìm cách để có được nguồn thu nhập bên cạnh những thu nhập khác. Với nhiều người theo đuổi ca trù, họ phải nghĩ rằng nguồn thu nhập không quan trọng mà thú chơi mới là quan trọng. Kể từ xưa, đào - kép ca trù đã không thể kiếm sống được bằng nghề rồi. Trong thời buổi bão hòa các phương tiện giải trí như hiện nay thì việc này lại càng trở nên khó khăn hơn nên thực sự người ta chỉ có thể theo đuổi ca trù khi nghĩ rằng đó là một thú chơi tao nhã mà thôi.

- Việc nở rộ các CLB ca trù đã khiến nhiều người nghĩ rằng, chúng ta đang "bình dân hóa nghệ thuật ca trù" vốn là bộ môn nghệ thuật đặc biệt của Việt Nam đạt đến trình độ đỉnh cao. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Theo tôi đầu tiên phải có số lượng đã rồi mới bàn đến chất lượng được. Quá trình hoạt động của số lượng vẫn đang lộn xộn, "bát nháo" này sẽ chọn ra những tài năng. Chứ nếu bây giờ lại đi "nhón" tài năng ngay thì nó "chết" mất cái mặt bằng. Sự tham gia đông đảo của nhiều CLB, nhiều cách chơi khác nhau đang tạo ra một "bệ đỡ" cho các tài năng và đã bắt đầu xuất hiện những tài năng ca trù. Chỉ có điều, các nhà quản lý cũng phải chú ý, chăm chút cho các tài năng ấy.

Ví dụ như trường hợp của ca nương Kiều Anh, nếu thực sự chăm chút thì em ấy phải trở thành một ca nương xuất sắc từ lâu lắm rồi. Kiều Anh từng là một đứa bé hát ca trù làm cho người ta sửng sốt trong một liên hoan, thế nhưng sau đó lại ít được chăm chút, ít được quan tâm.

- Tức là lại quay về với câu chuyện cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho các ca nương, nghệ nhân chưa thỏa đáng, đúng không thưa ông?

+ Tất nhiên rồi. Đây là câu chuyện rất đáng bàn, đáng quan tâm, đặc biệt là ở đất nước chúng ta. Ở bất kỳ nơi nào có cơ chế chính sách đối với văn hóa - nghệ thuật tốt thì nơi đó văn hóa - nghệ thuật phát triển. Ví dụ, mấy năm nay tỉnh Phú Thọ ra rất nhiều cơ chế, chính sách đối với hát xoan nên hát xoan Phú Thọ rất có điều kiện phát triển.

Hát xoan Phú Thọ từ chỗ không có gì, đến nay phong trào hát xoan rất rầm rộ và người dân yêu hát xoan lắm! Hay đối với quan họ Bắc Ninh cũng vậy. Thế nhưng, cơ chế đặc thù với ca trù lại chưa có, nếu có thì cũng là chưa tốt. Chúng ta mới quan tâm đến việc xây dựng di sản chứ chưa quan tâm đến hoạt động của di sản. Hơn nữa, hiện nay ca trù lại rải rác ở 15 tỉnh, thành nên rơi vào tình trạng "cha chung không ai khóc", cứ dập dòm nhìn ngó nhau. Bao giờ thoát khỏi tình cảnh "cha chung" này thì mới mong khác được và để giải quyết được chuyện này thì lại là chuyện đại sự của Bộ Văn hóa!

- Theo ông, đã đến lúc ta nên thành lập một nhà hát chuyên biệt về ca trù để xứng tầm với di sản hay không?

+ Để thành lập một nhà hát bây giờ hơi khó. Vì nhà hát là chuyên nghiệp và đã chuyên nghiệp là phải tính đến doanh thu, mà doanh thu với ca trù như các bạn đã biết đấy là rất khó khăn! Vì thế, có thể thành lập một trung tâm thì tốt hơn!

- Xin cảm ơn nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan! 
PV
.
.