Bước mở đường của nhạc cổ phong thuần Việt

Thứ Bảy, 19/12/2020, 17:11
Với công chúng Việt, dòng nhạc cổ phong có vẻ lạ lẫm bởi gần như chưa có nghệ sĩ nào chính thức khai phá. Mạo hiểm làm người mở đường cho dòng nhạc này, mới đây ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung trình làng ablum "Ngô đồng"


Thuật ngữ nhạc cổ phong xuất phát từ Trung Quốc. Đây là nơi dòng nhạc này phát triển mạnh mẽ và trở thành làn gió mới trong nền âm nhạc đương đại. Thế nên, với những người nghiền nhạc Trung thì nó không hề xa lạ. 

Khởi đi từ những bộ phim cổ trang, cung đấu, về sau, dòng game online ở Trung Quốc chú trọng hình thức cổ phong nên dòng nhạc này có thêm đất để sinh sôi nảy nở. Rất nhiều nhóm nhạc, nghệ sĩ thành danh với các tác phẩm đình đám như "Cố nhân thán" - Vương Bàn Tử, "Ái Phi" - Hậu Huyền…

Nội dung nhạc cổ phong có hai phong cách là phục cổ và giả cổ. Đặc trưng của thể loại cổ phong chính là lời ca trau chuốt, tinh tế, cách gieo vần hài hòa, đẹp như một áng thơ cổ. Ca từ điểm xuyết hình ảnh cổ xưa, gợi các điển tích, điển cố; giàu tính ước lệ tượng trưng, mượn cảnh tả tình. 

Nội dung ca từ thường nhẹ nhàng, âm điệu du dương, lãng đãng u buồn, thiên nhiều về tự sự. Nền nhạc được tạo nên từ các loại nhạc cụ dân tộc hoặc pha trộn chút với dòng nhạc khác như pop, jazz... tạo nên phong cách độc đáo. Tất cả khiến nhạc cổ phong khoác lớp áo cổ điển, vừa phong nhã vừa phiêu dật nên nó nhanh chóng chinh phục thính giả.

Chính vì xuất xứ nên nhạc cổ phong chủ yếu xuất hiện ở nước ta dưới dạng các bản nhạc Hoa lời Việt. Dễ nhận thấy nhất là nhạc của các bộ phim cổ trang nổi tiếng như "Hoàn Châu cách cách", "Mỹ nhân tâm kế", "Tam sinh tam thế thập lý đào hoa"… 

Gần đây nhất, làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng âm nhạc Việt Nam chính là "Độ ta không độ nàng". Ca khúc nhạc Hoa lời Việt này trở thành hiện tượng mạng xã hội, phủ sóng khắp mọi nơi và được nghệ sĩ có tiếng lẫn người vô danh thi nhau cover (hát lại). Bài hát kể chuyện tình ngang trái giữa một tiểu hoàng thượng và quận chúa.

Nguyễn Hồng Nhung trong buổi ra mắt album nhạc cổ phong.

Sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng với "Độ ta không độ nàng" khiến nhiều nghệ sĩ Việt không khỏi trăn trở. Dù ca từ gồm nhiều từ Hán Việt nhưng hầu hết mọi người đều thích chất văn chương tao nhã, cổ kính và mới lạ ấy. Rõ ràng, với những đặc trưng thể loại, nhạc cổ phong không đơn thuần chỉ để nghe giải trí mà còn gợi cho người ta nhiều suy ngẫm về nhân tình thế thái ngày xưa, về lịch sử, về tâm tình của tiền nhân. 

Nó không chỉ nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc, trình độ văn chương mà còn giúp công chúng xuyên không về quá khứ để hiểu người xưa, yêu thêm câu chuyện lịch sử nước nhà. Vậy tại sao nhạc cổ phong thuần Việt, kể câu chuyện lịch sử Việt gần như là một mảnh đất không bóng người để công chúng phải đi tìm nhạc cổ phong ngoại quốc giải cơn khát?

Nền nhạc Việt thỉnh thoảng cũng có một vài bạn trẻ thử sức với cổ phong. Điển hình như Cao Bá Hưng với "Tương tư", "Kiều", "Kết duyên tơ hồng"… Song, những ca khúc như thế còn quá ít ỏi và cũng chưa hẳn là cổ phong thuần nhất. 

Sáng tác lời cho ca khúc cổ phong rất gần với sáng tác văn chương nên nó đòi hỏi cao ở sự tài hoa, hiểu biết và khả năng thi phú của nhạc sĩ. Thiếu ca khúc, cộng với thể loại này chưa được ca sĩ dòng chính thống chọn làm hướng đi nên nó mãi chỉ đứng bên lề.

Ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung cũng từng có những trăn trở ấy vì cô vốn yêu thích thể loại cổ phong. Nỗi suy tư càng nặng thêm khi hơn một năm trước, cô được mời thể hiện "Ngô đồng" - ca khúc chủ đề series phim cung đấu thuần Việt "Phượng Khấu" của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. 

Ngoài "Ngô đồng", bộ phim còn nhiều bài hát khác để diễn tả nỗi niềm của đức vua, hoàng hậu, cung phi chốn cung cấm. Cuộc đời tưởng như trên bậc vinh hoa của Thái hậu Từ Dụ có lắm thăng trầm, uẩn ức, cất giữ bao nỗi ngang trái của bậc hồng nhan giữa hoàng thành Huế. Nước non nặng oằn trên vai mà nghĩa riêng cũng chất chồng như núi. 

Giọng hát trầm mặc, nặng ưu tư của Nguyễn Hồng Nhung đã chuyên chở được tâm tình của phi tần triều Nguyễn, làm bật lên cái đẹp ý nhị của câu từ giàu chất thơ: "Lá ngô đồng rơi giữa hoàng thành mong manh/ Đã bao mùa sương thấm gió quyện âm thầm/ Có hay bàn tay đọng nước mắt/ Phút giây kiệu cưới tình ai/ Ngóng trông chi nữa mùa xuân phai mờ…". Bài hát "Ngô đồng" nhanh chóng trở thành hiện tượng khi mới ra mắt. Nó nhanh chóng được các bản trẻ cover dưới nhiều dạng thức. 

Giữa thị trường nhan nhản ca khúc pop, ballad, EDM, rap…, "Ngô đồng" được xem là dòng chảy ngược độc đáo và khác biệt cuốn hút công chúng. Lần theo lời bài hát, họ tìm hiểu cây ngô đồng là loài cây thế nào, biểu trưng cho điều gì, tại sao lại được trồng nhiều ở Đại nội Huế cũng như tìm hiểu cuộc đời Thái hậu Từ Dụ…

Hiệu ứng tích cực thôi thúc Nguyễn Hồng Nhung quyết tâm thực hiện dự án dài hơi về nhạc cổ phong. Mở đầu cho chuỗi dự án là phim ngắn ca nhạc và album cùng tên "Ngô đồng". Vừa qua, nữ ca sĩ đã có buổi trình làng album dưới hình thức listening party (bữa tiệc nghe nhạc). 

Giải thích về việc không thực hiện MV như xu hướng hiện hành mà chọn cách ra album dưới nền tảng nhạc số, CD, đĩa than, cassette…, cô cho biết: "Nếu tất cả nghệ sĩ đều chạy theo xu hướng tung MV thì đến một ngày nào đó khán giả sẽ thấy không có gì mới mẻ. Tôi nghĩ âm nhạc vốn dĩ là để nghe, nên tôi đã thực hiện chỉn chu phần âm nhạc để khán giả nghe và cảm nhận nhiều hơn".

Album gồm tám ca khúc: Phượng Khấu, Điều tàn nhẫn sâu lắng, Hằng thương, Trà, Đóa tóc hương bay, Dương Nga, Nhật Bình, Ngô đồng. Dự án do nhiều nhạc sĩ trẻ như Jang Nguyễn, Minh Hà, Huỳnh Việt Anh Khang, Trần Tuấn Kha, Hứa Kim Tuyền... sáng tác giai điệu dựa trên nền thơ của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. Loạt ca khúc gợi mở nhiều câu chuyện, hình ảnh của vua chúa triều Nguyễn như Ngọ Môn, nhã nhạc, áo Nhật Bình, giai thoại cúc áo có hình chim phượng (tức Phượng khấu) của hai cung phi… Rất nhiều điển tích, điển cố ẩn trong lời ca khiến khán giả phải tò mò lần giở.

Nguyễn Hồng Nhung hóa thành cung phi trong phim ngắn ca nhạc "Ngô đồng".

Ngay buổi ra mắt, giới mộ điệu đã dành nhiều khen tặng cho dự án tâm huyết của Nguyễn Hồng Nhung. Từ cốt cách, con người lẫn giọng ca từng trải, lên hương sau bao đắng cay cuộc đời của Nhung đều trở nên vừa vặn, thăng hoa với dòng nhạc giàu chiêm nghiệm này. Nữ ca sĩ cho biết mình rất tâm đắc với những ca từ đậm chất văn chương, trầm mặc như: "Nguyệt cầm gieo, cô đơn tịch liêu/ Lệ nhòe mắt cay mỏi mòn mấy thu/ Nhìn trăng khẽ chao nhành liễu/ Để buồn vương chốn Ngọ Môn..." (Nhật Bình).

Là người tiên phong, cô không giấu tham vọng sẽ trở thành "nữ hoàng nhạc cổ phong" trong tương lai. "Bản thân là người tiên phong theo đuổi dòng nhạc này, tôi biết khán giả lúc đầu sẽ cảm thấy bỡ ngỡ, chờ đợi xem dòng nhạc cổ phong như thế nào. Mình sẽ gặp nhiều chông gai, thậm chí là phải đánh đổi. Nhưng nếu mình không bước thì không bao giờ có thành công. Tôi tâm niệm dốc hết công sức, đam mê và kinh nghiệm trong nghề để theo đuổi âm nhạc cổ phong vì dòng nhạc này thanh âm rất Việt Nam và mang những giá trị văn hóa về bảo tồn" - Nguyễn Hồng Nhung tâm sự.

Sắp tới, cô còn tổ chức liveshow dành riêng cho nhạc cổ phong mang tên Nhung's Show. Liveshow có sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng như Bằng Kiều, Lệ Quyên, Quang Dũng, Tóc Tiên… Họ sẽ hát lại nhạc phẩm trong album "Ngô đồng". 

Chọn lối đi hẹp và mạo hiểm nhưng cách làm của Nguyễn Hồng Nhung được cho là rất khéo léo nhằm trở lại thị trường nhạc Việt sau thời gian dài hoạt động ở Mỹ. Cô biết cách để nhạc cổ phong chinh phục công chúng, chinh phục các đồng nghiệp. Từ đó, giấc mơ về một ngày mai nhạc cổ phong được nhiều nghệ sĩ theo đuổi, thu hút nhiều nhạc sĩ mạnh dạn sáng tác không còn là giấc mơ hão huyền…

Mai Quỳnh Hoa
.
.