Bức tranh nhạc Việt 2020: Nhiều sắc màu hy vọng

Chủ Nhật, 10/01/2021, 20:34
Dù dịch bệnh COVID - 19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống văn văn hóa nghệ thuật trong nước và quốc tế nhưng nhạc Việt lại nhanh chóng có sự thích nghi và bứt phá mạnh mẽ ở những tháng cuối năm. Với những nỗ lực sáng tạo không mệt mỏi, những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đã biến bất lợi thành ưu thế để vẽ lên một bức tranh đa sắc và giàu hy vọng.


Dịch bệnh COVID - 19 bùng phát ngay từ những tháng đầu năm 2020 đã khiến không ít nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc hoang mang, lo lắng. Các chương trình phải ngừng tổ chức đồng nghĩa với việc các ca sĩ đồng loạt bị hủy show, rơi vào cảnh nhàn nhã bất đắc dĩ. 

Nhưng "cái khó ló cái khôn", các nghệ sĩ vẫn luôn là người đi đầu trong việc sáng tạo, khiến hoàn cảnh khách quan không thể "làm khó" được mình. Hơn nữa, âm nhạc cũng là loại hình nghệ thuật có thể đến với khán giả bằng nhiều cách ngoài việc biểu diễn trên các sân khấu lớn. Các show diễn phải hủy hoặc hoãn vô thời hạn, ca sĩ bắt tay vào thu âm hoặc thực hiện các sản phẩm trực tuyến. 

Nhiều sản phẩm âm nhạc ra mắt trong giai đoạn này không chỉ góp phần khiến cho đời sống tinh thần của công chúng phong phú mà còn từng bước ổn định thị trường âm nhạc. Lợi thế của những sản phẩm âm nhạc ra mắt trực tuyến là phương thức tiếp cận công chúng nhanh, ít tốn kém, đặc biệt phù hợp với khán giả trẻ. 

Từ các ca sĩ có chỗ đứng vững chắc trong thị trường âm nhạc đến những ca sĩ mới vào nghề đều liên tục cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc. Với những ca sĩ tên tuổi thì đây là một cách để đỡ nhớ nghề và khán giả không quên mình. Còn với những nghệ sĩ trẻ coi đây là cách tiếp cận khán giả hiệu quả. 

Các liveshow, minishow trực tuyến đã trở thành xu hướng tất yếu trong một quãng thời gian nhất định. Hồ Ngọc Hà có chuỗi show cá nhân mang tên "Lovesongs", Noo Phước Thịnh có "Noo's chill night"... hay một loạt ca sĩ như Đức Tuấn, Tuấn Hưng, Bảo Anh, Ngô Kiến Huy... có chương trình hát tại nhà để phục vụ fan hâm mộ.

Một hình ảnh trong MV “Đường về nhà” của Đen Vâu.

Một số nghệ sĩ thực hiện những bản thu âm hay những MV đơn giản, nhiều cảm xúc, tiết kiệm vì không cần phải chi phí nhiều cho bối cảnh hay đầu tư quá nhiều kịch tính mà vẫn tạo được sức hút riêng. 

Trong phong trào thực hiện MV phải kể đến "Gặp nhưng không ở lại" (Hiền Hồ), "Không thể cùng nhau suốt kiếp" (Hòa Minzy), "Trời hôm nay nhiều mây cực" (Đen Vâu), "Em bỏ hút thuốc chưa" (Bích Phương)... Đặc biệt có trường hợp như MV "Hoa nở không màu" của Hoài Lâm chỉ được thực hiện với kinh phí 1,5 triệu đồng nhưng vẫn lot top MV nổi bật trong năm của Youtube.

Không chỉ có vậy, những người làm nhạc còn nhanh nhạy chuyển hướng sang chủ đề phòng chống COVID - 19. Phong trào này thực sự rầm rộ khi có nhiều ca khúc, sản phẩm âm nhạc được ra mắt trong một thời gian ngắn. Và có thể nói rằng, nhạc Việt đã tạo nên được một dấu ấn không chỉ với khán giả trong nước mà còn công chúng quốc tế với chủ đề này. 

Hàng loạt ca khúc ra đời như "Ghen Cô vy", "Việt Nam ơi! Đánh bay Covid", "Ông bà anh thời Covid-19", "Diệt giặc Corona"... Các tác phẩm có thể là những bài hát được viết lời mới trên những ca khúc nổi tiếng hoặc có thể được sáng tác mới. Thậm chí cả những loại hình âm nhạc truyền thống như xẩm, chèo cũng đề cập tới đề tài này. 

Nhưng tựu trung lại, những ca khúc mang chủ đề này đều có giai điệu vui tươi với ca từ dễ nhớ, dễ thuộc không chỉ truyền thông điệp hiệu quả mà còn lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng.

Khi dịch bệnh được khống chế, xã hội bước vào giai đoạn bình thường mới, các hoạt động âm nhạc nghệ thuật được tái khởi động, các ca sĩ tiếp tục mang đến cho công chúng những dự án âm nhạc đầu tư kỹ lưỡng của mình. 

Với không ít nghệ sĩ, thời gian thực hiện giãn cách xã hội lại chính là giai đoạn năng lượng của họ được dồn nén lại để rồi khi dịch bệnh lắng xuống, nguồn năng lượng sáng tạo ấy được dịp bung ra. Có thể kể tới một số cái tên như Hà Anh Tuấn với album "Truyện ngắn", Đức Tuấn với "Trọn một kiếp yêu", Dương Triệu Vũ với "Bức tranh tiền kiếp"...

Một trong những điểm nhấn không thể không nhắc tới trong bức tranh âm nhạc 2020 phải kể tới sự lên ngôi của rap. Chỉ trong vòng mấy tháng cuối năm sau khi dịch bệnh lần thứ 2 lắng xuống là sự trỗi dậy và chiếm ngôi mạnh mẽ của rap. Rap xuất hiện từ sân khấu thực và các chương trình truyền hình. Nhiều ca sĩ hát nhạc khác cũng kết hợp với rap để đảm bảo cho tính thời thượng cho sản phẩm của mình. 

Sự lên ngôi của nhạc rap là kết quả từ thành công của hai show truyền hình là "Rap Việt" và "King of Rap".Lần đầu tiên, thể loại âm nhạc dành riêng cho những cá tính khác biệt, đầy tinh thần tự do lên truyền hình và được phát sóng vào khung giờ vàng. Cộng hưởng với dàn thí sinh trẻ tuổi, đa dạng màu sắc cùng những phần trình diễn lôi cuốn tiệm cận với xu hướng âm nhạc thế giới thu hút lượng khán giả khổng lồ. 

Những cái tên như Binz, Touliver, JustaTee, Rthymastic, Karilk, Wowy, Suboi... liên tục được công chúng nhắc đến cũng như cát xê cao chóng mặt. Với "Bigcityboi", Binz gây bất ngờ khi liên tục đem về những thành tích vô cùng ấn tượng. MV cho ca khúc vươn lên vị trí thứ 3 top trending Youtube Việt Nam chỉ sau 12 giờ phát hành, đồng thời tiến thẳng vào top những video thịnh hành nhất trên nần tảng này ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. 

Bên cạnh Binz, Đen Vâu cũng đang nhận được nhiều cảm tình từ công chúng với những bản nhạc Rap rất đời của mình. Nhiều bản rap của Đen Vâu đã đi vào đời sống một cách tự nhiên, gần gũi, đặc biệt với khán giả trẻ. 

Nhạc rap đã thoát ra khỏi vị trí là phụ họa cho nhạc pop để có thể sống một cách độc lập trên các sân khấu lớn cũng như phổ cập mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Không ít bản rap đã có mặt trên các bảng xếp hạng âm nhạc lớn cũng như xuất hiện trong lĩnh vực quảng cáo. Từ sân chơi dành cho người lớn, một số đơn vị tổ chức đã bắt đầu tiến đến việc tạo sân chơi nhạc rap cho trẻ em. 

Đặc biệt, khi dải đất miền Trung phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bão lũ, sạt lở gây ra thì đội hình nghệ sĩ lại là một trong những "đội quân xung kích". Nhiều chương trình đã được tổ chức nhằm gây quỹ từ thiện ủng hộ người dân phải chịu thiệt hại nặng nề sau thiên tai. Dù là những chương trình mang tính chất từ thiện nhưng đều được đầu tư kỹ càng, công phu. Không thể phủ nhận, những chương trình này cũng đã góp phần khiến đời sống âm nhạc thêm phần phong phú, sôi động.

Bìa album “Tuổi thơ tôi” của Hồng Nhung.

Những tháng cuối năm 2020 càng cho thấy sự sôi động của đời sống âm nhạc. Bên cạnh những show ca nhạc có tính chất "mùa vụ" như show nhạc trữ tình, thì là xuất hiện những liveshow mang dấu ấn sáng tạo cá nhân. Nổi bật nhất phải nói tới liveshow "Human" của Tùng Dương vào tháng 11 ở Hà Nội. Với sự tham gia của Hà Trần, Ngọt và Bùi Lan Hương đã mang đến những điểm nhấn khá thú vị trong show diễn lần này của anh. 

Ngoài ra, một loạt ca sĩ ra mắt album như Linh' journey (Khánh Linh), "Nhã" (Lân Nhã), "Yesterday" (Phùng Khánh Linh), "EP Một triệu năm ánh sáng" (Vũ Cát Tường), "Cuối ngày người đàn ông một mình" (Hà Anh Tuấn), "Tuổi thơ tôi" (Hồng Nhung)... Đây đều là những nghệ sĩ có thực lực, nghiêm túc với âm nhạc và khát khao đi đến tận cùng con đường họ chọn. Những sản phẩm âm nhạc này đều được công chúng cũng như giới chuyên môn đánh giá cao.

Có thể nói, 2020 thực sự là một năm  nhiều biến động trong đời sống văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Nhưng với đặc trưng riêng và nỗ lực của cá nhân các nghệ sĩ, đời sống âm nhạc vẫn mang trên mình những sắc màu rực rỡ, tươi tắn và đầy hy vọng. 

Năm 2020 vẫn chứng kiến sự giữ phong độ của các ca sĩ tên tuổi và sự kế thừa xứng đáng của lớp ca sĩ trẻ. Chưa khi nào khán giả ở nhiều lứa tuổi có thể dễ dàng có cho mình những sản phẩm âm nhạc phù hợp với sở thích như hiện nay. 

Không chỉ nhiều về số lượng, nhạc Việt năm 2020 ít đi những sản phẩm "ăn xổi" và đặc biệt có được những điểm nhấn, hay đỉnh cao đáng mơ ước. Những chiêu trò trong âm nhạc đã dần biến mất, điều đó cho thấy khán giả ngày khó tính hơn trong thưởng thức. Chỉ có những sản phẩm âm nhạc đích thực ra đời từ nỗ lực làm nghề nghiêm túc mới có thể chinh phục được khán giả.

Khánh Thảo
.
.