“Bom tấn” Việt cho phim thiếu nhi: Giấc mơ xa

Thứ Năm, 25/02/2021, 11:40
Phim điện ảnh dành cho thiếu nhi lâu nay vốn khan hiếm. Số lượng đã ít ỏi, chất lượng cũng không khá khẩm gì mấy. Thế nên, khi “Trạng Tí” ra mắt, công chúng hy vọng đây là “bom tấn” Việt đầu tiên trên màn ảnh rộng dành cho khán giả nhí.


So với địa hạt phim truyền hình, phim điện ảnh thiếu nhi có phần lép vế hơn. Nhắc đến phim truyền hình thiếu nhi, người ta có thể kể vanh vách các tác phẩm nổi tiếng một thời như: “Đội đặc nhiệm nhà C21”, “Đất phương Nam”, “Kính vạn hoa”, “Bong bóng lên trời”… Còn nhắc đến phim điện ảnh thì có lẽ họ phải ú ớ cả buổi. Một số phim có bóng dáng trẻ thơ như “Nắng”, “Hạnh phúc của mẹ”, “Anh thầy ngôi sao”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Mắt biếc”, “Mặt trời con ở đâu”… nhưng nội dung chính vẫn khai thác quanh nội tâm, đời sống của thanh niên và người lớn.

Đạo diễn Thanh Vân nhận định, phim điện ảnh dành cho thiếu nhi đúng nghĩa trong khoảng 10 năm trở lại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là bộ ba phim “Bảo mẫu siêu quậy 1”, “Bảo mẫu siêu quậy 2”, “Anh em siêu quậy” của đạo diễn Lê Bảo Trung, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ… và đang được chờ đợi công chiếu là “Trạng Tí” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. 

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) được coi là tác phẩm nổi bật nhất, cả khán giả và giới chuyên môn đều đánh giá cao. Ai cũng thích thú, bồi hồi khi phim tái hiện những trò chơi thôn quê như đá gà, bắn bi, thả diều… Những hỉ nộ ái ố hồn nhiên của trẻ thơ được thể hiện mộc mạc, giản dị mà lôi cuốn trong từng thước phim. 
Đến thời điểm này, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được coi là phim thiếu nhi thành công nhất màn ảnh rộng.

Tuy thành công về mặt thương mại lẫn nghệ thuật nhưng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” vẫn bị một số khán giả khó tính cho rằng nó mang hơi hướng hoài cổ, thương nhớ đồng quê một thời xa xưa chứ không mang tính đương đại. Trong khi đó, dòng phim thiếu nhi khai thác đề tài đương đại gần như thất thế. 

Có cảm tưởng các đạo diễn bắt tay vào lĩnh vực này như một cuộc tập sự đúng nghĩa. Khai thác vấn đề thời sự nóng hổi như nạn bạo hành, bắt cóc trẻ em, nạn ấu dâm nhưng “Bảo mẫu siêu quậy”, “SOS Sói trắng”… đều bị khán giả quay lưng vì kịch bản và diễn xuất quá tệ.


Cảnh trong phim “Trạng Tí”.

Riêng phim “Trạng Tí”, hy vọng về một “bom tấn” phòng vé cũng nhanh chóng xẹp xuống như quả bóng xì hơi. Từ trailer cho đến vài phân đoạn được “nhá hàng” trước ngày công chiếu đều khiến khán giả thất vọng, trái ngược hoàn toàn với lời giới thiệu hùng hồn của ekip trước đó về một bộ phim giả tưởng, kỹ xảo hoành tráng. 

Phân đoạn giới thiệu cảnh Tí chơi đá bóng bằng quả bưởi với chúng bạn, không may quả bưởi rơi xuống giếng. Để lấy quả bưởi, Tí kêu gọi các bạn dùng nước đổ vào giếng cho nước dâng lên. Chi tiết này bị khán giả phản đối kịch liệt. 

Theo đúng nguyên tác truyện tranh “Thần đồng đất Việt” lẫn giai thoại của tiền nhân, trái bưởi rơi xuống một cái hố sâu chứ không phải cái giếng. Chỉ có cái hố thì mới có thể đổ nước đầy để lấy quả bưởi, còn đổ nước vào giếng thì coi như công cốc. Từ “hạt sạn” to tướng này, nhiều người hoài nghi về chất lượng “Trạng Tí” dù đây là bộ phim có mức đầu tư lên tới 43 tỷ đồng - mức kinh phí chưa từng có cho phim thiếu nhi Việt Nam.

Giới làm phim thừa nhận phim thiếu nhi là một địa hạt vô cùng khó. Vì khó thu hồi vốn chứ chưa dám mơ tới chuyện kiếm lời, việc kêu gọi đầu tư lẫn khâu phát hành gặp nhiều khó khăn. Kinh phí thực hiện eo hẹp nên chất lượng phim rơi vào dạng yếu hoặc trung bình. Hiếm hoi mới có nhà sản xuất chịu chi như Ngô Thanh Vân. 

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” may mắn thoát khỏi số phận trên bởi có sự bắt tay giữa Nhà nước và tư nhân. Đây cũng có thể coi như một bộ phim Nhà nước đặt hàng thành công với kinh phí “khủng” năm 2015 là 20 tỷ đồng.

Nhưng có nguồn kinh phí chưa chắc đã có được phim hay. Đạo diễn Việt Linh từng chỉ rõ: “Kịch bản vốn là căn bệnh trầm kha của điện ảnh Việt. Ở thể loại phim thiếu nhi, tình hình càng bi đát hơn. Rất nhiều phim thiếu nhi hiện nay phải dựa vào các tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng ngoài Nguyễn Nhật Ánh ra, văn học thiếu nhi của các tác giả khác rất khiêm tốn và hiếm tác phẩm nổi trội. Bởi để viết nên câu chuyện gần gũi, chạm vào trái tim trẻ thơ thì người cầm bút phải hiểu thế giới của các em, am hiểu tâm lý, ước mơ của các em”.

Thực tế, vì không hiểu thế giới trẻ thơ nên phim Việt thường đi theo hai hướng. Một là quá ngô nghê, trẻ con đến mức khiên cưỡng. Hai là giáo điều, răn dạy khô cứng, biến các nhân vật nhí trong phim thành ông cụ non theo cách nhìn của người lớn. Thế nên không lạ khi các kịch bản mới mẻ, đề tài thời sự nóng hổi, chạm vào suy nghĩ, cái nhìn của trẻ em hiện nay gần như mất hút. Do không tạo được tiếng vang, kể từ sau năm 2017, đạo diễn Lê Bảo Trung không còn ra mắt thêm bộ phim nào dành cho thiếu nhi dịp hè.

Dàn diễn viên nhí cũng là bài toán hóc búa cho nhà sản xuất. Các em không phải là diễn viên chuyên nghiệp mà đa phần chỉ là có năng khiếu diễn xuất. Số lượng các em như thế cũng rất có hạn. Các buổi thử vai phải tìm đỏ con mắt mới ra được một em. Với diễn viên nhí, việc học tập ở trường cũng khiến các em không dễ sắp xếp lịch quay. 

Đạo diễn Đức Thịnh cho hay khi quay phim “Anh thầy ngôi sao”, ông phải mời thầy cô giáo ra ngoài đảo để các em vừa quay phim vừa theo kịp chương trình học ở trường. Còn phim “Trạng Tí”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh phải đưa phụ huynh theo để chăm sóc các bé. Bản thân anh tập làm bạn với từng bé, hiểu tâm tính các em thì mới dễ chỉ đạo diễn xuất. Có em, anh cố tình vào vai ác để các bé có tâm lý tức tối, hờn giận - những điều cần thiết cho một vài phân cảnh.

Mùa hè, khi học sinh nghỉ ngơi sau một năm học tập căng thẳng, các em mong muốn có thêm nhiều bộ phim, món ăn giải trí phù hợp lứa tuổi thì hầu như phòng vé chỉ tràn ngập phim ngoại quốc. Phim Việt dành cho thiếu nhi mất tăm mất tích trong khi mỗi năm chúng ta sản xuất từ 40 đến 50 phim. Đã thiếu và yếu như vậy thì ước ao có được “bom tấn” phim thiếu nhi là giấc mơ xa xỉ với điện ảnh Việt. 

Đây là điều đáng buồn bởi trẻ em rất cần những món ăn tinh thần vừa giải trí, vừa bổ ích để nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp nhân cách. Tâm hồn trẻ thơ Việt không thể phó mặc vào loạt phim của xứ người. Những nhà làm phim Việt phải nhận lãnh sứ mệnh hun đúc tâm hồn Việt cho thiếu nhi nước nhà.

Theo giới chuyên môn, để phim thiếu nhi phát triển mạnh thì cần có sự chung tay góp sức của nhà nước. Từ trường hợp của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, các đơn vị sản xuất tư nhân rất mong sự hỗ trợ của Nhà nước để họ có nguồn kinh phí và động lực làm phim thiếu nhi. 

Một nhà làm phim đặt ra câu hỏi: “Tại sao năm nào Nhà nước cũng sẵn sàng chi tiền để đặt hàng, tài trợ các phim khác mà phim thiếu nhi thì chúng ta lại thờ ơ, bỏ ngỏ? Đặt hàng hay tài trợ phim thiếu nhi là điều cấp thiết hơn rất nhiều”.

Phan Thi Uyên
.
.