Phim thiếu nhi- - còn đó những băn khoăn…

Thứ Năm, 30/05/2019, 09:04
Có thể nhận thấy ngay cứ hè về, cùng với cái oi nóng là "cơn khát" phim Việt Nam dành cho thiếu nhi. Các em nhỏ có nhu cầu đến rạp xem phim vào dịp hè là rất lớn, nhưng chỉ có thể chọn xem phim nước ngoài...


Đã có một thời, hàng triệu khán giả nhí mê mẩn với những bộ phim "Đất phương Nam", "Kính vạn hoa", "Đội đặc nhiệm nhà C21", "Hoa cỏ may", "Chiến dịch trái tim bên phải". Mỗi bộ phim là một câu chuyện khác nhau với những trò chơi thú vị, nghịch ngợm, tràn ngập tiếng cười, đồng thời cũng là giá trị của tình bạn, tình yêu thương rất đỗi ngọt ngào, những bài học cuộc sống sâu sắc và đầy ý nghĩa để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí cả khán giả nhỏ tuổi và cả các bậc phụ huynh. Nhưng những tác phẩm này cũng đã có tuổi đời từ 15 đến 20 năm rồi.

Hiện nay, hiếm hoi lắm, chỉ vào dịp Quốc thế Thiếu nhi 1-6 hay Rằm Trung thu, khán giả nhí may ra mới được xem phim về mình, về bạn bè cùng trang lứa. Gần đây chỉ lác đác có một vài phim như "Bảo mẫu siêu quậy", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Nhắm mắt thấy mùa hè"… Phim thiếu nhi được sản xuất quá ít như vậy thì lượng còn chưa đủ, lấy đâu có sự biến đổi về chất, do vậy, không mấy thu hút được sự chú ý của các em.

Bên cạnh đó, làm phim cho trẻ em, nhưng khi chiếu lại là phim... người lớn. Bởi các em không phải chủ thể phản ánh của câu chuyện, mà các nhà làm phim chỉ mượn đề tài thiếu nhi để nói về những bi kịch đang diễn ra ở các gia đình và xã hội, ở đó các em là nạn nhân. Thấy quá rõ những yếu tố tâm lý người lớn vẫn chi phối, chiếm vị trí quan trọng, nên khó có thể cho rằng đây là tác phẩm điện ảnh hướng đến đối tượng người xem nhỏ tuổi.

Bộ phim “Đất rừng phương Nam” được liệt vào hàng phim kinh điển dành cho thiếu nhi.

Thế giới tâm hồn trẻ em muôn hình, vạn trạng như "kính vạn hoa" chưa ổn định, rõ nét mà người lớn chúng ta lại đưa ra cái nhìn ổn định, rõ nét nên đã xa lạ với tâm hồn các em. Còn với phim hoạt hình Việt Nam thì hoàn toàn "mất tích" ở các rạp chiếu phim, họa hoằn lắm mới thấy xuất hiện trên sóng truyền hình.

Hè về, đây là thời điểm thích hợp để các nhà làm phim tung ra các bộ phim phục vụ thiếu nhi. Nhưng mùa hè năm nay, chưa thấy một hãng phim nào giới thiệu phim dành cho các khán giả nhí cả? Có thể nhận thấy ngay cứ hè về, cùng với cái oi nóng là "cơn khát" phim Việt Nam dành cho thiếu nhi. Các em nhỏ có nhu cầu đến rạp xem phim vào dịp hè là rất lớn, nhưng chỉ có thể chọn xem phim nước ngoài.

Việc nhà nước không rót vốn mà dành cho xã hội hóa, tư nhân thì phim thiếu nhi sẽ ngày càng vắng bóng. Trong khi đó, những đề tài phim dành cho người lớn hầu như đã được khai thác triệt để đến mức "bội thực". Ðiều này khiến không ít người băn khoăn: Phải chăng, vì thực hiện những bộ phim thiếu nhi quá khó hay vì những nhà làm phim Việt Nam đang thiếu mất cái "tâm" dành cho trẻ?

Lý giải việc phim thiếu nhi Việt không có nhiều và nếu có cũng chưa thật sự chất lượng, nhiều nhà sản xuất phim cho rằng làm phim thiếu nhi khó nên chưa mạnh dạn đầu tư bởi nhiều nguyên nhân: Thiếu kịch bản, thiếu diễn viên "nhí", lợi nhuận thấp và nguy cơ bị lỗ là rất cao.

Kịch bản nằm trong nền văn học, nhưng hiện nay, số lượng tác phẩm văn học viết về thiếu nhi ít, vả lại, đạo diễn làm phim thiếu nhi sẽ vất vả và tốn công sức hơn rất nhiều so với phim dành cho người lớn. Diễn viên nhí là diễn viên không chuyên, còn là trẻ con nên rất hiếu động, nghịch ngợm, nên đạo diễn vừa là người hướng dẫn, thị phạm về diễn xuất, vừa đồng thời  làm bảo mẫu. Bên cạnh đó, khi các em tham gia đóng phim còn phải thỏa thuận được sự đồng ý của gia đình, nhà trường  cho các em tham gia đóng phim nhưng vẫn phải đảm bảo việc học hành đầy đủ…

Đúng là làm phim cho thiếu nhi rất khó, bởi ai cũng có ký ức tuổi thơ, nhưng để  đưa được vào phim thì các nhà làm phim phải hóa thân trở về với tuổi cởi truồng tắm mưa trong tiếng cười giòn giã, trốn ngủ trưa mải mê chơi đùa cùng nhóm bạn hay cùng nâng niu con diều giấy làm từ tờ báo… để từ đó, xây dựng nên các nhân vật trong phim đúng là các em chứ không phải là các "cụ non" phát biểu, ứng xử khéo léo như người lớn. Còn một áp lực nữa là làm phim thiếu nhi không những để trẻ em thấy thích mà người lớn cũng thấy thú vị, thấy hấp dẫn khi họ được quay trở về với quãng đời tươi đẹp như mơ với những trò nghịch ngợm, ngây thơ, ngộ nghĩnh của ngày xưa.

Phải thật sự yêu quý con trẻ, thâm nhập vào đời sống của các em để không bị lạc hậu so với đời sống chung của thiếu nhi trong từng thời điểm. Nghệ thuật không đuổi bắt mà phải đón đầu thị hiếu. Trẻ em rất hiếu động, luôn tìm tòi, do đó thị hiếu của các em cũng luôn thay đổi. Muốn phim hấp dẫn trẻ em thì phải luôn nắm bắt nhu cầu thẩm mỹ của trẻ để đi trước, đáp ứng mong muốn đó.

Bên cạnh phim truyện thì phim hoạt hình vẫn được coi là món khoái khẩu, ưa thích của thiếu nhi, nhưng thực tế cho thấy, trẻ em không thích xem phim hoạt hình Việt Nam. Bởi phim hoạt hình Việt Nam hình vẽ xấu, không sinh động, nội dung mang nặng tính tuyên truyền, giáo dục luân lý mà xem nhẹ tính giải trí, nên không chinh phục được khán giả nhỏ tuổi.

Trong khi nước ngoài coi phim hoạt hình là phương tiện chuyển tải ngôn ngữ hình ảnh, có khả năng thể hiện rất tốt, rất hiệu quả những ý tưởng phiêu lưu vào thế giới muôn màu của các loài động vật, hoa lá, các câu chuyện cổ tích về các nàng công chúa, phép thuật của các bà tiên… vì với tâm hồn trong sáng, ngây thơ, đầy mơ mộng và trí tưởng tượng phong phú, lý thú chưa bị những trải nghiệm cuộc sống, lý trí phá vỡ, bác bỏ những bất hợp lý, không có thật của phim hoạt hình mà thực tế ngoài đời không bao giờ có thật, nên các em dễ tin, dễ yêu những hình tượng nhân vật đẹp đẽ đó.

Từ lợi thế đó, đối tượng, đề tài đề cập của phim hoạt hình rất đa dạng, từ vấn đề mang tính triết học tới những vấn đề mang tính đời thường, gây cười như "Tôm và Jery", "Vua Sư tử", "Người đẹp ngủ trong rừng", "Nữ hoàng băng giá, "Kungfu Panda", "Kỷ băng hà",… rất nhẹ nhàng, hài hước, mang tính giải trí cao và cũng đầy triết lý nhân văn. Các tác phẩm điện ảnh hoạt hình không chỉ dành cho trẻ em mà ngay cả người lớn cũng yêu thích.

Một cảnh trong phim “Đội đặc nhiệm nhà C21”.

Rõ ràng, khán giả thiếu nhi có thể tiếp nhận, cảm thụ các thể loại phim này tốt hơn phim truyện. Tuy nhiên, lâu nay, chúng ta thường làm phim cho các em theo một nếp có sẵn, đi theo lối mòn, thiếu trăn trở, chưa đào sâu suy nghĩ, kém tưởng tượng nên không đem lại kết quả nghệ thuật mong muốn.

Khác với các nước có nền điện ảnh tiên tiến, phim hoạt hình đã có những cuộc cách mạng về tạo hình, xuất hiện nhiều dạng phim khái quát lớn mang ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng, triết lý về những vấn đề xã hội, về chiến tranh và hòa bình, về suy tư của con người với cuộc sống và thời đại, trong đó mang nhiều yếu tố giải trí, các tác phẩm này đã vượt qua biên giới quốc gia, vượt giới hạn về tuổi tác và thu về lợi nhuận kếch xù.

Hình như những nhà làm phim chưa bao giờ có một cuộc nghiên cứu, thăm dò, khảo sát nào về thị hiếu của khán giả nhí một cách đầu đủ, nghiêm túc nên chưa thể kết luận trẻ em Việt Nam thích thể loại phim gì. Làm phim cho trẻ em và dành được sự yêu thích, ngưỡng mộ của các em là một việc cực kỳ gian nan, nhất là trong tình hình hiện nay phim Việt Nam còn yếu, thiếu hấp dẫn là cả một quá trình tìm tòi công phu, cần có sự phấn đấu cao độ mới mong gặt hái được thành quả.

Làm phim cho thiếu nhi mặc dù khó nhưng rất cần vì chúng ta có lượng thanh thiếu niên đông đảo, nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật rất cao. Vì thế Nhà nước, các hãng phim cùng các nhà làm phim cùng nhau đưa ra chủ trương, kế hoạch đầu tư đích đáng cho những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật thực sự dành cho khán giả nhỏ tuổi, những khán giả đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ từ những giá trị văn hóa, nghệ thuật của ngày hôm nay, chứ đừng để thi thoảng, "năm thì, mười họa" mới có được một phim và phải thay đổi tư duy, bỏ lối suy nghĩ là làm phim cho thiếu nhi thì chỉ có thiếu nhi xem.

Phim dành cho thiếu nhi vẫn còn đang là mảnh đất màu mỡ hứa hẹn nhiều tiềm năng, đang cần những con người tâm huyết, những bàn tay "vàng" khai phá để làm nên những tác phẩm điện ảnh hấp dẫn làm lay động tâm hồn trẻ thơ. Đừng để hàng triệu trẻ em Việt Nam phải mỏi cổ ngóng phim nước ngoài để giả cơn "khát" thiếu phim vào mỗi dịp hè.

Cù Tuệ Minh
.
.