“Bolero hóa” văn chương

Thứ Sáu, 19/01/2018, 08:26
Khi dòng nhạc bolero thịnh hành, nhà nhà người người mê mẩn thì văn chương của một số tác giả đương đại cũng bắt đầu nhuốm “màu bolero”. Chất tự sự lãng mạn, sâu lắng, dễ đi vào lòng người phủ bàng bạc từ tựa tác phẩm đến giọng văn....


Định danh bolero là gì vẫn gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn âm nhạc. Bolero là một điệu nhạc du nhập từ Cuba. Theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, khi vào Việt Nam dòng nhạc này được “thuần hóa” và trở thành dòng bolero mang đặc trưng rất Việt. Đó là tiết điệu chậm hơn, chất tự sự nhiều hơn, giai điệu rất gần với âm nhạc dân tộc, còn nội dung thì thường xoay quanh chuyện sầu khổ trong tình yêu, đời sống cá nhân.

Tâm sự cá nhân gần gũi nên ai cũng thấy bóng dáng mình trong đó. Bolero không đơn thuần chỉ khai thác chuyện tình yêu mà còn khai thác tự sự khác như tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước…

Có người cho rằng ở nước ta, bolero không đơn thuần là một điệu nhạc mà nó trở thành một dòng mang cảm thức thẩm mỹ đặc trưng không nhầm lẫn. Do đó người ta vẫn hay tranh cãi tại sao các nhạc phẩm viết theo thể điệu tango, slow rock, âm hưởng dân ca… chứ không hề dùng điệu bolero vẫn được xếp vào dòng bolero.

Tiêu biểu như  bài “Kiếp nghèo”, “Bài tango cho em” (theo điệu tango), “Thành phố buồn” (slow rock) của nhạc sĩ Lam Phương; “Mấy nhịp cầu tre”, “Rước tình về quê hương” mang màu sắc dân ca Bắc Bộ của Hoàng Thi Thơ. Riêng nhạc sĩ Thanh Sơn lại theo dòng bolero mang âm hưởng dân ca Nam Bộ.

Một lần trò chuyện với người viết bài này, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng cho rằng: "Bolero có thể điệu riêng nhưng người nghe bolero đã hình thành nên một cảm thức thẩm mỹ chung. Đó là ca từ mộc mạc, dễ hiểu, mùi mẫn mang nhiều tính tự sự, bộc bạch thân phận con người cộng với giai điệu đều đều, buồn man mác rất gần chất oán trong nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Ca từ của bolero không sính chữ,  không nặng tính triết lý. Do vậy, những bài dùng thể điệu khác nhưng mang cảm thức thẩm mỹ gần với bolero vẫn được xếp vào dòng này”.

Tác giả trẻ Huyền Thư và tập thơ “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu”.

Dài dòng như vậy để thấy rằng, nói về văn chương có hơi hướng “bolero”  là ta đang xét về ngôn từ thuộc cảm thức thẩm mỹ này. Những tác phẩm ra mắt gần đây như “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu” của tác giả trẻ Huyền Thư, “Sao phải đau đến như vậy” của Nguyễn Phong Việt, “Em có nghe trời buồn trời đổ mưa đó không” của Vũ Thành Sơn đều mang dấu ấn bolero ngay từ cái tựa.

Ra mắt tập thơ đầu tay “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu”, Huyền Thư gửi đến bạn đọc những câu chuyện tình yêu, tình cảm gia đình, tấm lòng với quê hương xứ sở trong giọng thơ đượm màu tự sự và lãng mạn. Ngoài bài thơ được lấy tên làm tựa sách thì những bài khác cũng mang chất bolero như: “Yêu em nhiều như cách Huế mộng mơ”, “Đành giấu nỗi buồn lên những vì sao”, “Đừng yêu nữa, thương thôi”, “Đâu phải chỉ mùa thu mới đổ lá bình minh”, “Mùa hạnh phúc trần tình cơn mơ cũ”…

Đọc thơ Huyền Thư mới thấy, đó không đơn thuần là những vần thơ lãng đãng mộng mơ của một cô gái trẻ đang yêu mà còn trĩu nặng suy tư, trĩu nặng nhớ thương, hoài cảm trong từng câu từ mộc mạc, man mác. “Nếu đành phải phai phôi xin giữ mình chẳng buồn đau/ Có lẽ anh dễ quên thôi vì non ngàn cho anh muôn điều cần nhớ/ Thì cứ đi đi, đừng quay lưng làm em sợ/ Mình chẳng đủ bao dung, vụn vỡ trước non ngàn”. (Nếu một ngày đành phải phai phôi)

Dù vô tình hay hữu ý khai thác theo hướng “bolero hóa”  nhưng thơ Nguyễn Phong Việt luôn mang lớp nghĩa sâu sắc, giàu tính triết lý hơn so với thơ của Huyền Thư,  so với thẩm mỹ bolero đơn thuần. Có lẽ tuổi 36 từng trải của anh so với tuổi đôi mươi của Huyền Thư mang lại sự khác biệt. Từ tập thơ đầu tay “Đi qua thương nhớ”  rồi đến “Sinh ra để cô đơn”, “Về đâu những vết thương”… và mới nhất là “Sao phải đau đến như vậy”, Nguyễn Phong Việt luôn gieo rắc màu bolero lãng đãng. 

Nhưng phía sau vần thơ không cầu kỳ mà mộc mạc, dễ hiểu, giàu cảm xúc như ai đó thủ thỉ một câu chuyện tâm tình ấy, tác giả gửi gắm chiêm nghiệm về cuộc sống, về triết lý nhân sinh dày dặn theo năm tháng trưởng thành: “Cuộc đời bình yên không phải trong lặng thinh/ Mà mưa gió có một bàn tay để ngỏ/ Cho mình đặt vào…”  hay “Cảm ơn ta vẫn háo hức với mỗi chặng đường/ Mặc bàn chân còn nhói đau với vết thương chưa lành hẳn/ Phải tội tình cho mình thì mai kia mới thương mình chân thật/ Vì đến cuối cùng có còn ai khác/ Hiểu hơn mình nữa đâu?”

 Các bài thơ của Việt hầu hết đều buồn, nặng trĩu ưu tư, dằn vặt, nhớ thương. Nó chất chứa nỗi sầu khổ, muộn phiền của đời sống tình cảm cá nhân. Đây là điểm rất gần với thẩm mỹ bolero. Nhưng tính triết lý, suy ngẫm sâu cay là cách Việt làm mới văn chương khai thác theo hướng này, khoác cho nó lớp áo có chiều sâu bên cạnh sắc màu dễ hiểu, dễ cảm thuần túy.

Ở văn, tập truyện ngắn của Vũ Thành Sơn gây chú ý bởi cái tựa được lấy từ câu hát của một bài bolero nổi tiếng: “Em có nghe trời buồn trời chuyển mưa đó không” (trích từ ca khúc “Chuyện hẹn hò” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh).  Lý giải về lý do lấy tên sách “rặt bolero” như thế, Vũ Thành Sơn cho hay ông rất yêu câu hát này vì thấy đó là một hình ảnh rất đẹp, đong đầy cảm xúc chứ không hề sến.

Mới đọc tựa đề, có lẽ ai cũng nghĩ nhà văn sẽ trình làng những mẩu chuyện yêu đương mộng mơ, ủy mị đóng khung trong cảm xúc cá nhân. Nhưng không, tập truyện ăm ắp chất liệu sống và giàu chiều sâu, tư duy nghệ thuật của một tác giả không ngừng tìm tòi, đổi mới mình. Trái với dự đoán của độc giả, tập truyện ngắn này không hề sến, không hề dễ dãi, đọc là hiểu ngay mà khiến độc giả phải “căng não”.

Chất bolero pha ngôn tình của Vũ Thành Sơn có lẽ chỉ hiện hữu trọng cái tựa như: “Em có nghe trời buồn trời chuyển mưa đó không”, “Thức dậy bỗng nhớ”, “Con cừu có mái tóc màu hạt dẻ”… Còn lại là ngôn ngữ không cảm xúc, lạnh lùng mô tả cuộc sống vô vị một cách tỉ mỉ đầy bức bối, ngột ngạt và ám ảnh. Để thoát khỏi ám ảnh đó, Vũ Thành Sơn buộc độc giả phải cùng mình tư duy, tìm lời giải đáp trong  hiện thực tẻ ngắt.

Với các “nhà văn thần tượng” thì hơi hướm bolero phủ rất dày. Các tản văn và truyện ngắn của Anh Khang, Hamlet Trương, Gào, Iris Cao… đều khoác những cái tựa mĩ miều như “Buồn làm sao buông”, “Ngày trôi về phía cũ”, “Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em”, “Người yêu cũ có người yêu mới”, “Đường hai ngả người thương thành người lạ”, “Trời còn xanh và em vẫn còn anh”… Chất bolero cũng thấm đẫm giọng văn và ý tứ tác phẩm.

Tập truyện ngắn “Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không” của Vũ Thành Sơn mang cái tựa rất bolero.

Người ta mặc định rằng ca từ bolero là bình dân, giàu cảm xúc nên dễ đi vào lòng người. Tính triết lý và hình tượng tác phẩm bolero hầu như không mấy chú trọng. Văn chương của các “nhà văn thần tượng” này có vẻ rất thuần bolero nếu theo định nghĩa trên bởi giọng văn mùi mẫn, dễ hiểu, dễ cảm, đèm đẹp và có ý tứ, thông điệp không mấy sâu xa.

Thế nhưng, là người đầu tiên đưa ra khái niệm “bolero hóa” văn chương, nhà văn Hòa Bình lại không đồng tình khi xếp dòng tác phẩm của các “nhà văn thần tượng” này vào dòng bolero. Chị cho rằng họ chỉ khai thác chuyện tình ủy mị, nhàn nhạt và dễ dãi thì chỉ nên xếp vào dòng ngôn tình.  “Tôi không phản đối ngôn tình nhưng không đánh giá cao. Còn ví von tác phẩm này, tác phẩm kia  “bolero hóa” thực ra là có ý đánh giá tác phẩm đó cao hơn mức nhảm nhảm ngôn tình dù có người đồng tình, có người phản đối khi tôi đưa ra khái niệm này.

Bolero có yếu tố phổ thông, đi theo xu hướng thời cuộc và mơ mộng, lãng mạn nên nhiều người thích như ngôn tình. Nhưng bolero còn có tính trữ tình một cách sâu sắc mà lại rất dễ đi vào lòng người. Đó là đẳng cấp hơn hẳn ngôn tình” – nhà văn Hòa Bình phân tích.

Trong cuộc đại chiến về dòng nhạc bolero, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, chính dòng nhạc này cũng có thứ hạng, tầng bậc. Hai tầng bậc, thứ hạng đó tạm phân chia thành: tầng bình dân và tầng văn minh. Tầng văn minh nghĩa là ca từ trau chuốt, giàu chất văn, thông điệp sâu sắc, trình nghệ thuật cũng cao hơn dù giới bình dân vẫn nghe được.

Và theo căn cứ này, họ xếp nhạc Vinh Sử vào tầng bình dân. Riêng tầng văn minh gồm nhạc Lam Phương, Hoàng Thi Thơ, Trúc Phương…  Nếu “ăn theo” cách phân tầng dòng nhạc bolero như thế thì phải chăng văn chương mang chất bolero của Nguyễn Phong Việt, Huyền Thư, Vũ Thành Sơn thuộc tầng văn minh, còn của Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao… thuộc hạng bình dân?

Mai Quỳnh Nga
.
.