Bộ phim “Ròm” và cuộc mưu sinh khốc liệt của người nghèo
- Những bộ phim về đề tài điệp viên "oanh tạc"phòng vé thế kỷ 21
- Những gương mặt diễn viên mới: Ẩn số thành công của mỗi bộ phim
- Những bộ phim dự báo về đại dịch khủng khiếp
Bộ phim “Ròm” trở thành tác phẩm điện ảnh Việt đầu tiên có mặt tại hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc, sau đại dịch COVID-19. Bộ phim “Ròm” được phát triển từ phim ngắn “16h30” nhận được nhiều sự tán thưởng của đạo diễn Trần Thanh Huy. Bộ phim “Ròm” mất 8 năm mới hoàn thành, nhưng liên tục đối mặt nhiều sự cố.
Bộ phim “Ròm” được trao giải New Current tại Liên hoan phim Busan - Hàn Quốc năm 2019, nhưng về nước bị phạt hành chính 40 triệu đồng vì… chưa được cấp phép.
Khi duyệt phát hành cho bộ phim “Ròm”, Cục Điện ảnh đã nhận định: “Phim phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trông chờ vào những con số may mắn để trúng lô, đề. Những tệ nạn xã hội như chơi lô, đề, cho vay nặng lãi, đòi nợ, mê tín, bạo lực xuyên suốt bộ phim, kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn.
Câu chuyện phim diễn ra tại TP Hồ Chí Minh nhưng không có sự quan tâm của chính quyền và cơ quan chức năng. Đồng thời, phim cũng thể hiện nhiều thông tin tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị - xã hội, thể hiện cách nhìn tiêu cực về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam”.
Một cảnh trong phim “Ròm”. |
Vì vậy, bộ phim “Ròm” phải cắt bỏ một số đoạn và chỉnh sửa cho phù hợp. Bộ phim “Ròm” từng được lên lịch công chiếu vào ngày 30/7 nhưng phải hoãn vì COVID-19. Bây giờ, sau khi dịch bệnh đã được khống chế cơ bản, bộ phim “Ròm” chính thức ra mắt khán giả từ ngày 25/9.
Bộ phim “Ròm” được đặt theo tên nhân vật chính. Cậu bé Ròm sống trong một xóm nghèo gần như bị lãng quên giữa đô thị nhộn nhịp. Ròm là một đứa trẻ đường phố kiếm sống bằng nghề cò đề và bán giấy dò vào mỗi lúc có kết quả xố sổ kiến thiết là 16h30.
Nhân vật Ròm dẫn dắt người xem vào thế giới của những giấc mơ đổi đời bằng vận may, qua giọng kể chân chất, mộc mạc, phát âm ngọng nghịu không rõ chữ của một đứa trẻ không được đến trường. Tuy nhiên, điều khiến người xem xúc động là Ròm cũng mang trong trái tim một mơ ước thật giản dị và thật cao đẹp: Ròm muốn kiếm được một số tiền để có thể đi tìm mẹ đẻ của mình. Từ nhân vật Ròm, thông điệp mà ê kíp làm phim muốn gửi tới người xem là lời trấn an “bạn hãy tin đi, bên trong mỗi con người là lòng nhân ái!”.
Bộ phim “Ròm” có đề cập đến tệ nạn số đề, nên khiến nội dung nặng nề chăng?
Đạo diễn Trần Thanh Huy tâm sự: “Tôi được sinh ra trong một gia đình lao động. Ba làm nghề sửa xe, mẹ buôn bán và tôi được sống gần gũi với những đứa trẻ bụi đời, những đứa trẻ đường phố. Tôi lang thang đi chơi với họ rất lâu nên phần nào hiểu được đời sống của họ. Câu chuyện về số đề và những đứa trẻ như Ròm xuất phát từ một phần tuổi thơ của tôi.
Số đề là một phần của đời sống người dân lao động Việt Nam, tôi muốn làm phim dựa vào những điều gần gũi với mình nhất. Đa số người lao động nghèo đều biết tới trò may rủi này. Để có được những con số đánh đề, họ tin vào những điều vô cùng phi lý. Những con số có thể đến từ con vật, sự kiện, giấc mơ hoặc thậm chí có người còn đi cầu cơ để xin số đánh đề.
Thực tế, trò chơi số đề đã ngấm vào máu của nhiều người dân Việt Nam, có người xem nó là một trò mua vui, nhưng cũng có những bộ phận đặt cược cả gia tài vào cuộc chơi may rủi này”.
Bộ phim “Ròm” mất 8 năm để hoàn thành. |
Trong sự kiện ra mắt bộ phim “Ròm”, có một ngôi sao khiến nhiều người chú ý là ca sĩ Mỹ Tâm đã đến ủng hộ đoàn làm phim tại buổi giới thiệu lịch công chiếu chính thức vào ngày 25/9. Ca sĩ Mỹ Tâm hoàn toàn không có vai diễn nào cũng như không có bất kỳ đóng góp gì vào bộ phim “Ròm”. Sự xuất hiện của ca sĩ Mỹ Tâm gây mò mò cho khán giả hâm mộ. Phải chăng, ca sĩ Mỹ Tâm có hợp đồng quảng bá cho bộ phim “Ròm”?
Ca sĩ Mỹ Tâm cho biết: “Tôi đã được xem phim ngắn “Ròm”, thật sự quá ấn tượng, nên chờ đợi “Ròm” trên điện ảnh. Tôi tin bộ phim “Ròm” sẽ mang lại cảm xúc sâu thẳm nhất đến với bất kỳ ai khi xem phim”.
Thế nhưng, vì sao ca sĩ Mỹ Tâm lại hứng thú với bộ phim “Ròm”? Không hề giấu giếm, ca sĩ Mỹ Tâm tiết lộ: “Lý do đơn giản là hồi bé tôi cũng có biệt danh là Ròm. Hồi bé, tôi ốm ốm, nhìn đẹp lắm. Chứ tôi không có mập mập, nhìn dễ thương như bây giờ. Lúc đầu, tôi cứ tưởng người ta làm phim về mình, ai ngờ không phải…”.
Không chỉ là một ngôi sao ca nhạc, ca sĩ Mỹ Tâm cũng từng ít nhiều dan díu với điện ảnh. Năm 2010, ca sĩ Mỹ Tâm từng đóng vai chính trong bộ phim truyền hình “Cho một tình yêu” của đạo diễn Nguyễn Tranh. Năm 2019, ca sĩ Mỹ Tâm đã đầu tư sản xuất bộ phim “Chị trợ lý của anh”.
Khi xem phim “Chị trợ lý của anh”, công chúng chỉ nhìn thấy ca sĩ Mỹ Tâm hiện rõ tên tuổi trong vai trò diễn viên chính kiêm đạo diễn. Thế nhưng, ít ai biết rằng ca sĩ Mỹ Tâm cũng là biên kịch cho bộ phim “Chị trợ lý của anh”. Bút danh nhà biên kịch Mira Dương đích thị là… ca sĩ Mỹ Tâm đấy. Theo ca sĩ Mỹ Tâm giải thích, thì “Mira” có nghĩa là tình yêu, còn Dương là họ của mẹ ruột Mỹ Tâm.
Bộ phim “Ròm” là tác phẩm được được đạo diễn Trần Thanh Huy phát triển từ phim ngắn “16h30” từng đoạt giải Cánh Diều Vàng 2012 của Hội Điện ảnh Việt Nam. Bộ phim “16h30” cũng được trình chiếu trong hạng mục “Góc phim ngắn” của LHP Cannes 2013. Bây giờ, bộ phim “Ròm” lên màn ảnh rộng, với ca khúc chủ đề là bài hát “Chạy” của Wowy, như một tiếng nói của những người lam lũ trong xã hội.
Nhân vật Ròm trong bộ phim “Ròm” do diễn viên trẻ Trần Anh Khoa - em ruột của đạo diễn Trần Thanh Huy thể hiện. Đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ về sự tương đồng giữa đời mình và bộ phim: “Để viết kịch bản “Ròm”, tôi đi ở thuê trong các khu chung cư cũ ở Sài Gòn trong nhiều tháng trời, đi lòng vòng tìm hiểu cuộc sống của người dân. Chủ đề này đã trở thành máu thịt của tôi. Từ máu biến thành năng lượng. Nguồn năng lượng đó tôi truyền lại cho nhiều người để cùng nhau làm bộ phim này.
Từ nhỏ đến lớn, gia đình tôi bị bủa vây bởi cái nghèo và tệ nạn xã hội. Xóm lao động chơi đề, đá gà, cờ bạc... vì họ cần kiếm tiền. Nhiều gia đình cho rằng chơi đề là cách kiếm sống khi không có công ăn việc làm. Mẹ tôi vất vả mưu sinh. Từ ngày đến đêm, bà bán đủ thứ tại nhà. Bán cơm, bò bít tết, xúp cua, ốc, rửa xe...
Ba tôi làm nghề sửa xe. Cuộc đời tôi gắn liền với công việc chân tay. Em trai tôi - Trần Anh Khoa, nhỏ xíu đã ra bán xúp cua cùng mẹ. Tôi không mồ côi, không phải trẻ đường phố nhưng rất hiểu hoàn cảnh của trẻ đường phố. Vì tôi lớn lên ở chợ Thị Nghè, chơi cùng những đứa buôn bán ở chợ.
Hồi đó là năm 1997. Mỗi ngày bọn trẻ phải tính toán bán được bao nhiêu món đồ ăn, bao nhiêu trái cây để sống qua ngày. Có đứa mồ côi, có đứa có cha mẹ nhưng cũng phải lao động, có đứa đi ở đợ. Người ta nói tôi là "đạo diễn bụi đời" cũng đúng, vì đó là xuất thân của tôi”.