Bên bếp lửa ngày xuân

Thứ Năm, 28/01/2016, 11:11
Theo quan niệm dân gian, củi là giống cái, lửa là giống đực. Hai thứ cái và đực quện khít khịt vào nhau mới làm nên mùa Xuân đời người. Nếu ở trên dương thế này chỉ có mỗi giống đực hoặc cái, sẽ chả làm nên trò trống gì. Cũng như thế, không có củi lửa, tết đến nhà cũng vô duyên. Tết không có củi như khách đến nhà không mua quà cho trẻ...


Tết ngồi đâu thì ngồi chả ai hỏi tết một câu. Đêm đông lạnh lẽo không củi lửa, khiến gái quá lứa quá thì ngủ một mình, buồn thèm sưng vù lên đôi mắt. Vì thế, thấy củi xếp đặt đầy hiên nhà. Củi chất đầy là là trên sàn gác. Nó báo hiệu cho mọi người biết tết đang đến rất gần, mùa xuân đang cận kề ngoài ô cửa.

Người Tày chúng tôi gọi fừn nèn nghĩa là củi tết. Củi dùng để đun luộc nồi bánh chưng, đồ xôi nếp giã làm bánh dày, vò bánh khảo, nặn thúc théc (bỏng gạo), đun quấy chè lam, chế biến đồ ăn, dọn dẹp cỗ bàn... Tiếp khách quý gần xa cũng ngồi vây quanh bếp lửa. Các bạn biết đấy, ở chỗ chúng tôi coi lửa là trái tim của nhà sàn. Lửa là tổ tiên ông bà hiển hiện về cùng con cháu ăn tết. Nghĩa là muốn sống cái chi chi, muốn làm cái gì gì cũng phải cần đến củi lửa. Củi lửa như một thứ nghi lễ mà người Tày Nùng chúng tôi kính cẩn gọi bằng bố. Bố củi. Bố củi đứng vào hàng thiết yếu số hai La Mã, chỉ sau mẹ nước và mẹ gạo.

Người Việt có truyền thống nấu bánh chưng ngày Tết.

Chúng tôi quý củi lửa như hơi thở, như thuốc thang. Cha tôi thường tận dụng triệt để sức nóng hơi ấm củi lửa. Khi thấy những hòn than còn đo đỏ hồng hồng, cha tôi lùa múc từng gáo than cho vào lồng ấp để hơ tay chống rét. Mà cái rét ở vùng núi đá Cao Bằng nhà tôi nó chỉ kém Mẫu Sơn Sa Pa mấy nhiêu mi li mét thôi. Ở Phủ Trùng cũng có tuyết đóng băng, nhưng không dày bằng họ. Ở Hiếu Lễ cũng có mưa sương ầm ào, nhưng không mây mù dày đặc bằng họ. Ở Thông Huề cũng nhặp nhẹp ẩm ướt, nhưng không lâu dài lê thê bằng họ. Vì thế, củi để dùng đun chín thức ăn và dùng sưởi ấm cho người, có giá trị ngang nhau năm mươi năm mươi.

Lại nhớ ngày xưa, cái thời bà cụ tổ dả cúng dả ké chưa có đèn dầu. Người Tày chúng tôi chỉ dùng củi đốt lửa để lấy ánh sáng. Ánh sáng từ củi lửa bắt lên toàn thân con người, soi rõ nhận biết từng đồ vật, từng bộ phận này đây là lông, kia là mắt. Đấy là bắp đùi da non kia là râu ria lún phún. Lửa như một thứ ánh sáng đầy mộng mị ma quái. Ánh sáng trèo lên tụt xuống, ập vào rồi tan ra. Ánh sáng còn canh chừng bảo vệ sinh mạng con người và súc vật. Nhìn thấy ánh sáng ở đâu, những loài thú dữ không dám mó mé kéo đến gần.

Xưa kia, cả gia đình ông bà cha mẹ con cái cháu chắt người nào cũng trần như nhộng. Người người nằm co quắp ôm lấy nhau vòng trong vòng ngoài, vây quanh đống lửa. Sáng bảnh mắt ra, nhìn đống than hồng, lúc này thấy các chú lửa bắt đầu thiu thiu ngủ bù cho cả đêm thức trắng. Lửa lấy hơi nóng hơ ấm giúp cho người ngủ ngon lành. Cảm ơn lửa nhé.

 Ở thời hiện tại, loài người không còn dùng lửa để chiếu sáng nữa. Nhưng củi lửa vẫn rất cần thiết. Nhất là ở những nơi vùng sâu vùng xa. Củi là phương tiện duy nhất để bảo toàn và duy trì cuộc sống và nòi giống. Vì thế, người Việt xưa kia mới truyền lại rằng: "gạo châu củi quế" đều có cái lý của nó. Gạo quý như châu ngọc. Củi đắt ngang bằng quế chi. Còn người Tày Nùng chúng tôi gọi lửa ơi nước à như những người thân thiết. Thử hỏi trên đời này còn gì gần gũi hơn bố củi mẹ gạo mẹ nước.

Thế là cả làng, cả xã đổ xô lên núi vào rừng hái cành chặt củi chuẩn bị đón tết. Tiếng dao nghe chí chát khua ròn như chiêng. Tiếng búa nghe rộn ràng nhộn nhịp như trống. Khắp nơi khắp chốn đâu đâu cũng vang lên tiếng dao tiếng búa, tiếng cây đổ xùm xòa, tiếng đá rơi lạch cạch. Khi nào các chị các em thấy buồn buồn đăng đắng ở trong miệng, lại lên tiếng thách thức các cánh đàn ông con trai hát lượn. Tiếng lượn chờn vờn nhú nhí xanh xanh như lá bên sườn núi.

Câu lượn hát rằng anh ơi hỡi anh ơi chặt cây chặt cành nhớ chặt bằng đầu. Nếu chặt bằng tay có ngày em bỏ anh đi ...với người khác. Ha há he hé... Lên núi hái củi thực sự là những ngày hội liên miên từ đầu mùa Thu, khi lá xau xau tây tấy đỏ. Đây đó khắp chốn khắp vùng Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hạ Lang xứ miền đông toàn núi đá núi đá. Sừng sững hiên ngang những núi đá núi đá. Nhọn hoắt chênh vênh những núi đá núi đá. Lòng người nhớ nhau nhứ nhừ như rêu bò lan man trên đá trên đá. Họ liều lĩnh lắm coi chừng nhé em. Họ lấy cớ rủ em lên núi vắng vẻ hái củi, nhưng biết đâu họ không hái củi mà hái em thì sao. Xem kìa, khi nào thấy lùm lá rung rung êm êm là biết trong nớ có hai người đang yêu nhau thắm thiết. 

Quây quần bên bếp lửa.

Khi chiều về, mặt trời như chảo lửa nghiêng nghiêng đi qua hai làng Hiếu Lễ, Tà Than. Con đường làng tôi gập ghềnh toàn đá đen gan gà. Hòn đá nhỏ như ngón tay út rải đều tăm tắp. Con đường làng bỗng rập rẹp tối om. Từng đoàn người gánh củi to như bồ thóc. Những gánh củi kĩu kịt kìn kìn đi qua. Củi rùng rùng giẫm đạp lên bóng tối mà đi. Củi thơm tho vượt lên ngang mặt mà qua. Tiếng người ọt ẹt ới ới rúc rích vào tới đầu làng. Tiếng ngỗng đực lẹt bẹt cáo cạt chào anh gánh củi. Tiếng chân chó chạy nhay nhay đón đường người gánh củi. Tiếng đuôi nó đập phì phẹt như quạt mát đôi bàn chân người gánh củi. Đàn vịt con ngẩng đầu chào chị gánh củi. Tiếng gà đập cánh lấy đà bay vào cửa chuồng nhường đường người gánh củi.

Đến súc vật cũng biết cảm thông nỗi nhọc nhằn người lao động. Ánh lửa vàng lòa xòa lọt qua vách nứa. Lửa cũng biết đổ xuống lòng đường, lấy ánh sáng từ mình soi cho chân người gánh củi.

Khi bước chân tới trước sân nhà mình, người người hất thật mạnh gánh củi từ vai xuống đất, gieo một tiếng phịch rõ ràng no giòn. Người người vươn vai xả một hơi hì hà thật dài rõ dài và cực kì sảng khoái. Còn những bó củi thì ngồi yên ngoan ngoãn. Bây giờ, lúc này mới thật sự được sung sướng ai ơi. Nghe trong lòng nhì nhào man mát lên tận cổ. Mát từ trong ruột mát ra. Mát từ da mát vào.

Những hạt mồ hôi no bóng như hạt ngô. Những hạt ngô no bóng chầm chậm lăn. Những hạt ngô no bóng chầm chậm lăn từ cổ xuống cằm. Từ cằm chầm chậm rơi rơi rơi. Chầm chậm rơi rơi rơi xuống ngực. Một ngày mệt nhọc ới a là mệt nhọc. Mệt nhọc này mới vừa được trút bỏ. Thật kì lạ cái sự sung sướng này bà con nhé. Không thể tả nổi sự sung sướng này bà con nhé. Nghĩa là nó sung sướng sau mỗi lần mệt nhọc, ới này a là mệt nhọc...

Ngày nay, bà con ở phố xá đun nấu bằng bếp ga, bếp điện, bếp từ, bếp hồng ngoại... Người làng người bản đun bằng bếp trấu, bếp than tổ ong, có một số ít người đã biết dùng bếp bằng khí bi ô ga... Vừa sạch sẽ tiện lợi vừa tiết kiệm. Nhất là lại được thong dong nhàn nhã. Chân tay thừa thãi chả biết dùng để làm gì. Ta đem chân tay ra chơi bời. Ta đem người mình ra tập khí công yoga cho thân ta thêm khỏe. Thời đại văn minh làm đổi đời những người dân quê tôi từng ngày. Lên núi hái củi nay chỉ còn trong kí ức. Con dao cái cuốc hoen rỉ thì được chứ đừng để cái đầu ta hoen rỉ nhé bà con.

Dân quê tôi tuy một thời vất vả trèo non lấy củi, nhưng tràn đầy tinh thần thượng võ. Nay người làng người xã không phải lên núi đốn củi nữa. Rừng tái sinh đang phủ xanh đất trống đồi trọc. Cây như người khoan khoan hít thở lộc trời. Chim chóc, hươu nhỏ, nai to, ong đất, ong bò vẽ, kiến, mối... chúng bắt đầu lò dò kéo đến đạp mái sinh con đẻ cái. Ối giời ơi cái giống rừng quê tôi từ hồi nào sinh sôi mạnh mẽ. Đất đá cỏ cây xanh rì như khói như mây bời bời nối nhau lên giời xa tít mù tắp.

Tết đang đến rồi. Ừ nhỉ. Tết sắp đến thật rồi. Nhìn mưa phùn bao phủ kín nhà kín phố như đõ xôi khổng lồ đang bốc khói. Nghe cái lạnh lần lần bò lên da thịt. Theo hơi mưa, tôi lại muốn ngược về chốn rừng xanh để được sưởi lửa, được nhí nhoáy vùi sắn nướng khoai. Được ngồi vây quanh bếp lửa, trò chuyện cùng những người dân làng. Những người dân nơi đây có cả một kho chuyện. Còn khối buồn vui chưa mang ra san sẻ. Còn nhiều điều tò mò muốn thử muốn biết. Từ chuyện con cà con kê đến chuyện ma chuyện quỷ, chuyện học hành chữ nghĩa. Những câu chuyện không đầu không cuối chắp ghép vào nhau. Như cuộc đời này, người nối vào người sinh con đẻ cái giữ gìn nòi giống. Như căn bếp này, củi nối vào củi để giữ gìn ngọn lửa muôn đời bất diệt.

Y Phương
.
.