Ngày xuân chuyện phiếm về chỉ số thông minh

Thứ Năm, 12/03/2015, 08:00
Vài chục năm trở lại đây, người ta đề cập nhiều đến "Chỉ số thông minh" (IQ) của con người, đặc biệt là trẻ em. Song trong IQ, các nhà khoa học đã dày công chia IQ ra thành nhiều gói trắc nghiệm để khảo sát mức độ thông minh trong từng mặt hoạt động của con người. Và đặt tên là: EQ, SQ, CQ, MQ...Tôi rất thích câu nói:"IQ là để người ta tuyển dụng bạn. Nhưng EQ mới  là căn cứ để người ta đề bạt bạn". Câu này na ná với cách nhận xét của người Việt Nam rằng thông minh chưa đủ còn cần phải khôn khéo. 

Chỉ số IQ và các mối liên hệ

Người đầu tiên đưa ra khái niệm "Chỉ số thông minh" (IQ - viết tắt từ tiếng Anh: Intelligence Quotient) được xác định là nhà khoa học người Anh Francis Galton trong một công trình nghiên cứu của ông vào cuối thế kỷ XIX. Từ khái niệm này, một số nhà khoa học và tâm lý học người Pháp phát triển thành các bài học trắc nghiệm nhằm nâng cao trí tuệ cho học sinh. Sau đó một giáo sư người Mỹ ở Trường Đại học Standford đã xây dựng một bài trắc nghiệm với những câu hỏi phức tạp để kiểm tra mức độ thông minh ở người đã trưởng thành. Phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi ở Mỹ vào những năm đầu thế kỷ XX.

Chưa có một công trình nghiên cứu nào được coi là chuẩn xác nhất để làm chỗ dựa đánh giá về IQ của con người, nhưng dựa trên nguồn gene, chủng tộc, trình độ phát triển xã hội và thành tựu khoa học nói chung của con người, các nhà tâm lý học đã có những đánh giá khá giống nhau về chỉ số IQ. Theo đó, người ta đặt ra một biểu đồ IQ từ 1 đến 145, thậm chí những bậc vĩ nhân, thiên tài chỉ số IQ còn cao vượt khung 145. Nếu lấy chỉ số IQ từ 85 đến 115 là mức độ thông minh trung bình của con người thì các nhà khoa học chia IQ làm 7 bậc khác nhau.

Khoảng điểm từ 40 - 50 là tri thức phát triển rất kém. Từ 55 - 70 phát triển chậm. Từ 70 - 85 kém thông minh. Từ 85 - 115 trí tuệ bình thường. Từ 115 - 130 thông minh. Từ 130 - 145 rất thông minh, có tài và từ 145 - 160 là thiên tài. Tỷ lệ giữa các bậc qua khảo sát thấy rằng nhóm phát triển rất kém và nhóm thiên tài là ngang nhau (khoảng 0,13%). Nhóm có tài chiếm 2,14%, còn đông đảo nhân loại ở vào nhóm trí tuệ bình thường, chiếm 68,2%. So sánh về chủng tộc, nhóm người Do Thái và châu Á có chỉ số thông minh cao nhất, tiếp đến châu Âu và nhóm các nước châu Phi.

Để xác định các mối liên hệ hình thành nên chỉ số IQ, các nhà khoa học chú ý đầu tiên đến tính di truyền. Khả năng thừa kế của gene biểu hiện khá rõ. Đây là nguyên nhân quan trọng đầu tiên làm nên chỉ số thông minh của một con người. Ngoài yếu tố di truyền, các nhà khoa học còn xác định những tác động khác hình thành chỉ số IQ như giới tính, tôn giáo, sức khỏe, môi trường, điều kiện kinh tế…Trong nhóm điều kiện này, người ta không tìm ra thật rõ ràng có sự chênh lệch IQ giữa nam và nữ.

Đứng đầu trong số đó là Leonardo Da Vinci (1452 - 1519).

Một số nghiên cứu chuyên sâu về IQ giữa hai nhóm người tín ngưỡng và không tín ngưỡng, thì thấy những người không theo tín ngưỡng nào có chỉ số IQ phát triển hơn. Về sức khỏe cũng phản ánh chỉ số IQ thể hiện cao hơn ở những người khỏe mạnh. Điều này còn giúp cho những người thông minh tránh được bệnh tật cao hơn những người phát triển chậm. Hiện thực cuộc sống cũng chứng minh những người có chỉ số IQ cao thì cũng thành công hơn trong sự nghiệp, đi liền với đó là mức thu nhập cao. Khi kinh tế đã phát triển thì việc chăm sóc về mặt dinh dưỡng tốt hơn khiến hệ số IQ càng có điều kiện phát triển, đặc biệt là việc chăm sóc cho trẻ em ở lứa tuổi học trò.

Những biểu hiện của IQ trong cuộc sống

Để đánh giá chỉ số IQ được biểu hiện trong các mặt hoạt động của con người, người ta đã chia ra nhiều "gói" trắc nghiệm. Nếu IQ là chỉ số thông minh nói chung, thì sau nó có một chỉ số quan trọng không kém là chỉ số EQ (Emotional Quotient). EQ cao được biểu hiện ở người "biết mình biết người". Đó là những người biết thích hợp nhanh với hoàn cảnh, đặc biệt biết chế ngự và kiểm soát được cảm xúc.

Người có chỉ số EQ cao cũng rất biết tận dụng thời cơ và tranh thủ được thiện cảm của tập thể. Chính vì thế nhiều người còn khẳng định EQ còn quan trọng hơn IQ đơn thuần. Một biểu hiện khác của IQ là trí thông minh xã hội (Social Quotient) gọi tắt là SQ. Người có chỉ số SQ cao rất biết gắn cuộc sống và mục tiêu phấn đấu của mình với các vấn đề xã hội. Họ nhậy bén trong nhận thức cái mới, điều chỉnh rất nhanh cách ứng xử của mình để phù hợp với những gì đang diễn ra xung quanh.

Chỉ số thông minh sáng tạo là đánh giá thứ tư đối với một con người. Chỉ số này gọi là Creative Quotient- CQ. Người đạt chỉ số cao về CQ có biểu hiện năng động trong khi tiếp xúc với công việc. Họ không câu nệ về điều kiện sẵn có mà thường phát triển nó lên và tìm ra điều kiện mới để đạt được mục tiêu. Chính CQ là yếu tố quan trọng để con người khám phá, phát hiện ra cái mới. Nó thể hiện rất rõ ở những người chuyên nghiên cứu khoa học, sáng tạo văn học, nghệ thuật.

Các nhà khoa học tâm lý còn khảo sát mức độ thông minh ở các chỉ số khác như: chỉ số đam mê (Passion Quotient - PQ ); chỉ số vượt khó (Adversity Quotient - AQ); chỉ số trình độ biểu đạt ngôn ngữ (Speech Quotient - SQ) và chỉ số đạo đức (Moral Quotient - MQ ). Những người hội đủ các chỉ số trên ở mức độ cao đều đạt đến sự thành công. Họ là những người đạt tới sự tập trung rất cao trong công việc và rất kiên trì chịu khó. Ngôn ngữ của họ cũng phong phú, sáng rõ và chính xác trong giao tiếp.

Bí ẩn các vĩ nhân có chỉ số IQ cao nhất thế giới

Các nhà khoa học đã xác định chỉ số IQ ở mức 160 trở lên đối với những vĩ nhân tiêu biểu của thế giới trong vòng 500 năm trở lại đây. Đứng đầu trong số đó là Leonardo Da Vinci (1452 - 1519). Ông được đánh giá là một người đa tài: họa sĩ, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, nhà giải phẫu, nhà triết học, kỹ sư thực hành. Ở lĩnh vực nào ông cũng đạt được thành tựu xuất sắc nhưng lừng danh hơn cả là vai trò một họa sĩ với tác phẩm "Nàng Mona Lisa". Suốt 500 năm nay, bức tranh này đã được chép lại hàng chục triệu bản nhưng chưa một ai chép được chuẩn xác nụ cười đầy bí hiểm của nàng Mona Lisa. Chỉ số IQ của Leonardo Da Vinci được đánh giá cao đến mức khó tưởng tượng ở thang điểm 220, tức là gấp hai lần trí thông minh của một người bình thường.

Nhân vật thứ hai là đại thi hào Đức Wolfgang von Goethe (1749 - 1832). Ông là một người tài năng trên nhiều lĩnh vực: nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà khoa học và họa sĩ. Chỉ số IQ của ông là 210. Goethe là tác giả tác phẩm kịch thơ nổi tiếng thế giới " Faus" và để lại câu nói lừng danh cho mọi thời "Mọi lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi".

Người thứ ba có chỉ số IQ lên tới 190 là nhà bác học Isaac Newton (1642 - 1727). Ông là nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học thiên tài người Anh. Ông khám phá ra nguyên lý vạn vật hấp dẫn và có ảnh hưởng rất lớn đối với khoa học thế giới. Sau các nhân vật "khổng lồ" trên là các nhà khoa học thiên tài khác như: nhà thiên văn học và toán học người Ý Galileo Galilei (1564 - 1642) với chỉ số IQ là 185; nhà nghiên cứu di truyền học người Anh Charles Darwin (1809 - 1882) chỉ số IQ 165.

Các nhà bác học của thế kỷ XIX và XX có chỉ số IQ ở bậc 160 gồm Albert Einstein (1879 - 1955), nhà vũ trụ học Stephen Hawking, kỹ sư Bill Gates và Paul Allen đồng sáng lập ra hãng máy tính Microsoft… Trong đó tiêu biểu nhất là nhà bác học Albert Einstein. Ông là cha đẻ của thuyết tương đối và thuyết lượng tử, được coi là những phát minh vĩ đại nhất thế kỷ XX. Chính vì sự thông minh tuyệt đỉnh của ông mà sau khi ông qua đời, nhà giải phẫu Thomas Harvey tại Bệnh viện Princeton đã giữ lại bộ não của Einstein để nghiên cứu. Tuy nhiên cho đến nay, các nhà khoa học đầu ngành ở nhiều nước tiên tiến vẫn không phát hiện ra điều gì khác biệt giữa não Albert Einstein với não một người bình thường.

Người ta đã thành lập tổ chức Mensa tập hợp những người có chỉ số IQ cao nhất thế giới. Ngoài những nhà khoa học đã thành danh gần đây người ta đã phát hiện ra những thiếu niên có chỉ số IQ cao ngất ngưởng. Cậu bé Sherwyn, người Anh mới lên 4 tuổi đã đạt chỉ số IQ 160, ngang bằng với Einstein, Bill Gates.

Sherwyn có trí thông minh, vốn từ vựng và khả năng diễn đạt ngang bằng với một thiếu niên lên 9 tuổi. Hiện chú bé đang theo học chương trình văn hóa của học sinh lớp 4 ở trường phổ thông. Một cô bé Ấn Độ đang sống ở Anh cũng được tổ chức Mensa xếp hạng chỉ số IQ cao hơn cả bác học Einstein là Neha Ramu. Neha năm nay 12 tuổi, trở thành người thông minh nhất nước Anh. Cô bé đã đạt số điểm 280/ 280 các môn thi vào trường và được tổ chức Mensa ra bài tập kiểm tra. Với số điểm tuyệt đối, Neha đã được xếp vào số 1% những người thông minh nhất Anh quốc và có chỉ số IQ lên tới 162. Còn nhiều thần đồng trên thế giới chưa được phát hiện nhưng người ta tin rằng với điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, lại được thành tựu khoa học tiên tiến như hiện nay hỗ trợ, lớp người của thế kỷ XXI chắc chắn sẽ rất thông minh và trong họ sẽ xuất hiện những thiên tài. Đó là điều may mắn cho nhân loại như người Việt Nam từng nói "Con hơn cha là nhà có phúc" vậy.

Nguyễn Trọng Tân
.
.