Bạt gió trầm hương

Thứ Năm, 30/07/2020, 09:16
Hành trình xuyên Việt của chúng tôi tiếp tục từ Phú Yên hướng tới Nha Trang. Ngôi tháp Nhạn đỏ au dưới ánh bình minh như con mắt trong veo hò hẹn. Một số người Chăm trong xóm núi khuyên chúng tôi bỏ qua đường hầm mới mở mà nên đi theo cung đèo Cả cũ. Bởi những vòng lượn trên độ cao hơn 300 mét sẽ đem lại những cảm giác chênh vênh bất ngờ. Chả thế mới có câu: “Đường vô xứ Vạn, xứ Ninh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”.


Khúc bi tráng Đèo Cả và eo gió Tu Bông

Khi xe bắt đầu lên dốc bỗng có ai đó nhắc đến thi sĩ Hữu Loan chúng tôi mới sực nhớ đến bài thơ “Đèo Cả” (1946). Đây là sáng tác đầu tiên của Hữu Loan khi tham gia kháng chiến. Những câu thơ gợi nhớ đến một thời Đèo Cả lừng lẫy trong chiến tranh chống thực dân Pháp của quân và dân ta. 

Nhịp thơ của thi phẩm “Đèo Cả” thể hiện được không khí khốc liệt trên chiến trường: “Ngày thâu/Vượn hót/ Đêm canh/ Gặp hùm lang thang. Gian nan lòng không nhợt/ Căm hờn trăm năm xa. Máu thiêng trôi dào dạt/ Từ nguồn thiêng ông cha…”. 

Hình ảnh thơ cứ điệp trùng hiển hiện với khí phách kiêu hùng. Chúng tôi thật ngỡ ngàng khi đứng trên đèo cao mới thấu hiểu hình ảnh: “Sau mỗi trận thắng/ Ngồi bên suối đánh cờ/ Kẻ hái cam rừng ăn nheo mắt/ Người vá áo thiếu kim mài sắt/ Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu”.

Đèo Cả trong nắng sớm.

Người hướng dẫn viên cho biết hơn 500 năm trước Đèo Cả trên dẫy núi Đại Lãnh (Trường Sơn) đã là ranh giới phân giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Nhiều cuộc xung đột đã xảy ra tại đây. Sau này những cuộc giao tranh khốc liệt giữa Nguyễn Ánh và anh em nhà Tây Sơn đều lấy Đèo Cả làm mốc trận địa. Khi giặc Pháp xâm lược miền Nam cũng đã bao phen muốn đánh bật quân đội ta khỏi Đèo Cả để tiến về phía Bắc. 

Trong thời gian 1946 nhà thơ kiêm chiến sĩ Hữu Loan đã đến đây hoạt động và tham gia chiến đấu để bảo vệ chiến khu miền Trung Nam bộ. Bài thơ “Đèo Cả” được coi là bản anh hùng ca thời kháng chiến của quân và dân ta. Những câu thơ vẫn còn âm vang đến ngày nay: “Giặc từ trong tràn tới/ Giặc từ Vũng Rô bắn qua/ Đèo Cả vẫn giữ vững/ Chân đèo máu giặc mấy lần nắng khô”.

Con đèo bồng bềnh trong mây bay. Gió từ vịnh biển thổi ào tới. Đoàn xe chúng tôi chậm chạp xuống dốc. Phía trước bãi biển Đại Lãnh như cô gái e thẹn trong dải lụa cát trắng thơ mộng. Gió mỗi lúc một mạnh. Người hướng dẫn viên thông báo phía trước là một eo gió kỳ lạ nhất nước ta. Ai nấy đều ngạc nhiên. 

Eo gió thực là một thung lũng kéo dài chừng ba cây số nằm trên đường số một thuộc vùng Tu Bông. Đó là một đoạn đường thuộc xã Vạn Khánh (huyện Vạn Ninh) quanh năm gió thổi từ trên dẫy núi Đại Lãnh xuống. Đó là thác gió đặc biệt với những trận xoáy lốc. 

Rất nhiều người đi xe máy đã bị gió thổi bay xuống ruộng. Chỉ những ô tô tải mới dám đi như bò trên đường. Liên tiếp các đợt gió thay nhau quần nát cỏ cây và hoa màu. Thường ai muốn đi chỉ tranh thủ lúc chuyển đợt gió mới. Người già trẻ con không dám ra đường những lúc thần gió lên cơn phẫn nộ.

Lúc này tôi chợt nhớ tới những câu thơ của nữ sĩ Lê Khánh Mai (Nha Trang) viết về quê hương mình: “Xa hai mươi năm giờ trở lại Tu Bông/ Tôi đâu ngờ quê tôi nhiều gió thế/ Gió đầy ắp trong căn nhà của mẹ/ Giật mái tranh nghèo/ Giằng cây trái vẹo nghiêng/ Lúa xác xơ oằn rạp trên đồng/ Con gái Tu Bông suốt ngày tóc rối”. 

Tu Bông quả là một vùng ngựa gió bất kham. Mùa hè gió giật. Mùa đông gió buốt. Trong dân gian truyền lại rằng: “Gió đâu bằng gió Tu Bông/ Thương ai bằng thương cha, thương mẹ, thương chồng , thương con”.  Phải mươi phút sau xe chúng tôi mới lướt ván qua được cái eo gió tinh quái này. Thị trấn Vạn Giã đã ở phía trước.

Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm

Từ lâu những câu chuyện về cây Dó bầu đã được phổ cập trong đời sống. Nói Khánh Hòa xứ trầm hương, kỳ nam chính là hình ảnh của rừng núi Vạn Giã. Xưa đã truyền rằng: “Núi rừng Vạn Giã trông u tịch/ Tỏa ngát trầm hương xứ Vạn thơm”. Người hướng dẫn cho chúng tôi biết rừng núi trước kia Vạn Giã đầy cọp beo. Nhưng mọi hiểm nguy của thú dữ cũng không ngăn được sự khát vọng làm giầu của nhiều người dân quanh vùng. 

Đây là cánh rừng phía tây trên dẫy núi Trường Sơn có hàng ngàn cây Dó bầu hoang cổ. Không ít trong số đó đã hình thành Trầm một sản phẩm quý có giá trị không ngờ. Hoặc có những cây Dó Bàu lâu năm đã hình thành những cục bướu lớn tạo thành Kỳ nam thơm ngát. Đây là sản vật quý có giá trị làm hương liệu, nước hoa và thuốc quý trên thế giới. 

Ông chủ quán giải khát ở thị trấn Vạn Giã đã từng là dân đi “Địu” (tìm kiếm trầm và kỳ) bồi hồi nhớ lại bao ký ức kinh hoàng. Đó là những chuyến đi sâu và lên cao trong rừng Dó bầu. Ông nhớ có khi cả tháng trời mới tìm được một gốc nổi u. Có lần đêm tối sập xuống. Không thể nhận biết đường ra. Cọp voi gầm rú tìm mồi. Ông phải treo người trên cành cây lớn chờ cho đến sáng mới dám xuống đào bới.

Ca múa Chăm phục vụ khách du lịch ở Tháp Bà - Nha Trang.

Cuộc dấn thân của những người đi “Địu” là hành trình phiêu lưu cô độc. Một ăn cả ngã về không nhưng đôi khi phải trả giá bằng mạng sống. Cánh rừng Dó bầu là mỏ vàng vô giá. Có người đã phải nhịn đói khát vì lạc trong rừng sâu. Họ thường phải mang theo sâm ngải để lấy sức chống cái đói cái rét và muỗi độc. 

Dân gian có câu “Ngậm ngải tìm trầm” đúng với nghĩa biền biệt cả tháng trên núi cao rừng sâu. Không ít người đã trở thành tỷ phú khi đã tìm ra kho Kỳ nam cổ đúng như mong ước. Nhưng theo ông chủ cà phê Vạn Giã đa số dân “Địu”chỉ gặp những cây Trầm chứ ít khi gặp Kỳ nam. 

Hơn nữa một thời gian dài vào những thập niên 60 và 70 những cánh rừng Dó bầu đã bị dân đi “Địu” quần nát. Sau này cây Dó bầu mọc lại cũng phải vài ba chục năm sau mới khai thác được. Ông cho biết một cân trầm hương loại 1 có giá hàng trăm triệu đồng. Kỳ nam thì gấp đôi. Ai gặp may vớ được Kỳ nam cổ “Bạch” thì mới gọi là lên đời tỷ phú.

Nhưng giờ đây dân đi “Địu” cũng bị phân tâm vì đã có xí nghiệp trồng rừng Dó bầu để lấy nguyên liệu chế tạo trầm hương. Tuy công nghệ cao tạo trầm có sản lượng cao nhưng chất lượng không thể bằng hương liệu được tự nhiên tạo nên. Do vậy giá cả cũng trở nên hẻo hơn. 

Tuy nhiên giới đi “Địu” vẫn âm thầm trong những cuộc phiêu lưu của mình. Bởi họ vẫn hy vọng vào Kỳ nam sẽ xuất hiện trong một góc rừng nào đó trong thiên nhiên trên đình núi cao hay dưới vực sâu. Bởi bằng thần giao cách cảm họ luôn luôn nhận biết ra: “Dó lâu năm dó thành Kỳ/ Đá kia lăn lóc có khi hóa vàng”. Họ vẫn ngậm ngải tìm trầm. Đó là những kẻ khát vọng làm giàu một cách điên rồ trong những cánh rừng Trường Sơn bí ẩn.

Công chúa Kỳ nam

Câu chuyện về những người đi “Địu” trầm kỳ vẫn còn theo chân chúng tôi khi về tới thành phố Nha Trang. Người hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi biết tấm bia đá được dựng từ năm 1856 phía sau tòa tháp thờ Po Nagar (cao 23m). Trên tấm bia khắc ghi câu chuyện cổ về cuộc đời của công chúa Po Nagar (con nhà trời) đã nhập thân trong một cây Kỳ nam đi chu du khắp thiên hạ. 

Nàng rời xa quê trầm hương để xây dựng hạnh phúc ở xứ người và sinh đẻ được hai người con. Nhưng hai tiếng quê hương luôn cất tiếng gọi về. Nàng cùng hai con nhập thân vào cây Kỳ nam trở lại thăm gia đình. Nhưng đã muộn màng. Cha mẹ nàng đều mất trong nỗi niềm thương nhớ người con gái ngoan hiền.

Công chúa Po Nagar đau buồn và nguyện ở lại quê hương chăm sóc mộ phần cha mẹ. Nàng thương những người dân quê xứ biển còn khổ cực trăm bề. Từ đó công chúa lo lắng cho dân nghèo và truyền dạy cách trồng cây, chăn nuôi, dệt lụa và nghề chài lưới. Cuối đời nàng và hai con cưỡi hạc bay về trời. 

Sau này công chúa chính là thần Thiên Ya Na trên núi Tháp Bà bên sông Nha Trang. Bà đã đem lại sự sinh sôi và thịnh vượng cho dân vùng biển Khánh Hòa. Dân khắp vùng thường hằng năm tổ chức lễ tưởng nhớ tới Po Nagar (23 tháng Ba âm lịch). Lời xưa nhắn nhủ: “Kỳ nam thơm ướp đất trời/ Công ơn thần nữ muôn đời ngát hương”.

Vương Tâm
.
.