Ảnh flycam: Kinh ngạc những bứt phá

Thứ Sáu, 23/08/2019, 08:47
Lâu nay, ảnh chụp bằng flycam (thiết bị bay ghi hình từ trên cao) thường bị chê là không có tính sáng tạo vì góc hình đơn điệu, na ná nhau. Đến khi chiêm ngưỡng các tác phẩm tại cuộc thi dành riêng cho thể loại này, công chúng mới ngạc nhiên khi ảnh flycam Việt đã tiệm cận thế giới, thể hiện sức sáng tạo mạnh mẽ.


Ảnh chụp bằng flycam vốn chịu nhiều thăng trầm. Trước năm 2016, dù có xuất sắc đến đâu, ảnh flycam cũng chỉ dừng lại ở vòng trưng bày chứ không đoạt giải. Đến năm 2016, tình hình thay đổi 180 độ. 

Tại các cuộc thi ảnh thông thường, hễ có ảnh flycam góp mặt là y như rằng chủ nhân của nó cầm chắc giải thưởng. Liên tiếp nhiều giải thưởng cao thuộc về ảnh flycam khiến giới nhiếp ảnh cầm tay "nóng mặt".

Giọt nước tràn ly khi bức "Gạo xuất khẩu" của Nguyễn Minh Tân và "Cầu Chữ Y" của Thái Tôn Hạo lần lượt ẵm giải nhất và nhì tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực TP Hồ Chí Minh lần 6.

Bức "Lãng đãng sương giăng" của Trần Quang Anh.

Bấy giờ, nhiếp ảnh gia Huỳnh Mỹ Thuận bức xúc: "Qua rồi một thời fish eye (ống kính mắt cá) cứ cong cong là vô giải dù không đúng thực tế. Đến thời flycam cứ ở trên chụp xuống là vô giải, dù có hình ảnh không sắc nét". Từ đây, tranh cãi về vấn đề "ảnh flycam có phải là ảnh nghệ thuật" diễn ra gay gắt ngay trong giới chuyên môn.

Số đông nghệ sĩ nhiếp ảnh thấy những bức ảnh chụp bằng flycam chỉ lợi thế hơn ảnh truyền thống ở góc thẳng đứng trên cao. Nhờ vậy, góc nhìn trông lạ chứ không hề có sức sáng tạo, tư duy nghệ thuật của người chụp. Ảnh flycam chỉ có duy nhất ánh sáng bẹt, tính khoảnh khắc, thần thái và chi tiết không có, bố cục hình nào cũng giống hình nào, góc máy chung chung...

Thậm chí, có người còn quy kết: ảnh flycam là ảnh của cái máy chứ không phải của con người. Người chụp chỉ việc đưa thiết bị lên trên không, căn chỉnh góc chụp là có ngay tấm ảnh. Do vậy ảnh flycam không xứng là ảnh nghệ thuật, hàm lượng sáng tạo không cao.

Trái với luồng ý kiến "kỳ thị" ảnh flycam, ông Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, flycam chỉ là một thiết bị máy móc đơn thuần để hỗ trợ nghệ sĩ sáng tạo. Mỗi thiết bị đều có một thế mạnh riêng, như ống kính wide giúp chụp góc rộng, macro giúp chụp những vật thể nhỏ... thì flycam có lợi thế chụp trên cao.

Trước đây, khi chưa có flycam với bộ điều khiển từ xa, các nhiếp ảnh gia cũng đã tìm nhiều cách để sáng tác trên cao. Chẳng hạn nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn chụp toàn cảnh TP Hồ Chí Minh nhờ trực thăng, Trần Thanh Sang treo máy lên chùm bong bóng bay, Duy Anh leo lên ăng ten bưu điện để chụp thành phố Mỹ Tho… 

"Chụp ảnh bằng flycam tưởng dễ nhưng để ghi được góc ảnh đẹp, đầy cảm xúc là điều rất khó. Đặc biệt, việc chọn bố cục, giữ cho máy đứng vững trong thời tiết xấu còn khó hơn chụp dưới đất. Muốn có ảnh nghệ thuật thì tất cả phụ thuộc vào tư duy của người cầm máy vì flycam không thể tự bay rồi tự chụp được mà do con người điều khiển. Ống kính của flycam có thể xoay được nhiều góc trên không nên ánh sáng cũng đa dạng chứ không dừng lại ở ánh sáng bẹt. Nó cũng có đầy đủ tất cả yếu tố kỹ thuật của bức hình như: ánh sáng, bố cục, màu sắc, chi tiết… và có khoảnh khắc hẳn hoi" - ông Lê Xuân Thăng phân tích.

Đã có nhiều cuộc thi chấp nhận ảnh flycam và cả ảnh truyền thống cùng tranh tài vì không phân biệt thiết bị chụp, miễn đẹp, sáng tạo và nghệ thuật là được chọn. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, sở dĩ nhiều nghệ sĩ không tâm phục khẩu phục với ảnh flycam bởi những bức đoạt giải không lấy gì làm xuất xắc về mặt tư duy nhiếp ảnh cũng như chưa phát huy hết tiềm năng của loại hình này.

Các bức như "Cầu Chữ Y", "Gạo xuất khẩu" và nhiều bức chụp phong cảnh bằng flycam đều đơn giản, góc chụp chung chung rất chán, không nổi rõ phong cách mỗi nghệ sĩ. Các bức đều tĩnh, không có khoảnh khắc, chi tiết... nên có cảm tưởng ai biết điều khiển flycam cũng có thể chụp được một bức y chang như thế. Về lâu về dài, giới máy ảnh cầm tay có ác cảm với giới flycam.

Chính nhiếp ảnh gia Nguyễn Tấn Tuấn thừa nhận việc có sân chơi riêng dành cho ảnh flycam là rất cần thiết. Điều đó giúp các nghệ sĩ nhiếp ảnh đam mê loại hình này có thể so bì tài năng một cách công bằng. Chính vì ai cũng có flycam buộc các tác giả không ỷ vào thế mạnh thiết bị mà phải đào sâu tìm tòi, phát huy tính nghệ thuật.

Để có những bức ảnh nắm bắt trọn đường nét, chi tiết, sở hữu khoảnh khắc, bố cục đẹp, người chụp flycam phải dùng cái đầu và cảm xúc nhiều hơn. Rõ ràng, họ phải có tư duy nhiếp ảnh độc đáo thì mới mong tạo nên bức ảnh đột phá khiến người xem trầm trồ.

Năm 2019, cuộc thi "Việt Nam nhìn từ trên cao" do Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công ty Lịch xuân phương Nam tổ chức -sân chơi dành riêng cho những người chụp ảnh bằng flycam và các thiết bị chụp từ trên cao- bước vào mùa hai.

Nếu như mùa một (năm 2017) vẫn còn nhiều tác phẩm e dè, rập khuôn và chưa thuyết phục được số đông thì mùa hai hội tụ hàng loạt tác phẩm xuất sắc. Vượt qua gần 4.000 bức ảnh của 260 tác giả trên toàn quốc, bức "Thác Bản Giốc" của tác giả Nguyễn Tấn Tuấn giành giải nhất. 

Bức "Thác Bản Giốc" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tấn Tuấn - giải nhất cuộc thi "Việt Nam nhìn từ trên cao" 2019.

Bức ảnh ngợi ca nét đẹp tráng lệ của thác Bản Giốc dưới trập trùng núi đồi kỳ vỹ. Từng dòng thác đổ nước trắng xóa, như bản hòa ca giữa đại ngàn hoang sơ.

Đánh giá về tác phẩm đoạt giải nhất, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh dành nhiều lời khen tặng: "Chúng ta không thiếu các bức ảnh chụp thác Bản Giốc từ trên cao. Nhưng chúng tôi quyết định trao giải nhất cho Nguyễn Tấn Tuấn vì anh có cái nhìn mới lạ, khác biệt so với vô số bức ảnh cùng đề tài trước đó. Lớp lang, màu sắc và bố cục bức hình rất sáng tạo, mang lại cái nhìn kinh ngạc về một địa danh đã quá nổi tiếng".

Sáng tạo, đột phá, giàu sức đầu tư… là những đánh giá chung của ban giám khảo khi nói về chất lượng tác phẩm năm nay. "Chủ đề "Tự hào biên cương" của cuộc thi vừa hay vừa khó, nhưng các tác giả đã khiến ban giám khảo bất ngờ với nhiều góc ảnh thực sự mới mẻ, nhiều khoảnh khắc đắt giá đòi hỏi người chụp có kỹ năng tốt cũng như cảm quan nghệ thuật mãnh liệt.

Không còn là những góc ảnh thẳng đứng với ánh sáng bẹt vốn khiến bức hình trông giả tạo như đồ họa, ảnh flycam hiện nay đã dần có sự đổi mới về cách lấy bố cục, ánh sáng, khoảnh khắc ấn tượng… để thể hiện ý tưởng, thông điệp. Nhiều tác phẩm có bố cục lạ, có trước có sau, dày lớp chứ không đơn điệu" - nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Tâm nhận xét.

Tại buổi trao giải cuộc thi, công chúng trầm trồ với những bức ảnh độc đáo ghi lại hình ảnh người lao động cần mẫn, cảnh sắc đất nước Việt Nam tuyệt đẹp, huyền ảo. Đó là một góc TP Hồ Chí Minh trong bình minh rạng rỡ, là đỉnh Fansipan hay TP Đà Lạt bồng bềnh trong mây, là biển đảo với con sóng uốn lượn, cảnh chợ đông tấp nập hay trâu theo đàn kiếm ăn...

Điều người ta hay tranh cãi là ảnh flycam ít bắt được khoảnh khắc độc, lạ và chưa đi sâu chi tiết thì giờ đây đã được khắc phục hoàn toàn. Những tấm lưới xòe tung như lá sen, những chiếc xe, xuồng máy chạy với tốc độ cao vụt qua trong tích tắc… được nắm bắt khéo léo để tạo nên góc hình không ngờ. Tất cả tạo nên một diện mạo mới của ảnh flycam.

Rõ ràng, so với tác phẩm flycam của những nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới ở các cuộc thi mang tầm cỡ châu lục, toàn cầu như cuộc thi Dronestagram, Skypixel..., tác phẩm flycam của giới nhiếp ảnh Việt Nam không hề kém cạnh. Điều này mang lại sự kỳ vọng lớn khi từ cuộc chơi trong nước, họ sẽ mạnh dạn đem tác phẩm của mình so tài với bạn bè năm châu.

Mai Quỳnh Nga
.
.