Những tranh cãi xung quanh cuộc thi dành riêng cho ảnh flycam

Thứ Năm, 13/07/2017, 09:10
Sau một thời gian gây tranh cãi, cuối cùng ảnh chụp bằng flycam (thiết bị bay có gắn máy ảnh hoặc camera) đã có sân chơi dành riêng cho mình. Dù vậy, trước câu hỏi "ảnh flycam có phải là ảnh nghệ thuật?", giới chuyên môn vẫn choảng nhau chan chát.


Cuộc thi ảnh nghệ thuật "Việt Nam nhìn từ trên cao" do Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công ty Lịch xuân phương Nam tổ chức kéo dài đến ngày 5-8 dành cho nhiếp ảnh gia chuyên và cả không chuyên. Các tác phẩm dự thi có thể được chụp từ trực thăng hay nhiều cách thức lấy góc chụp trên cao. Đặc biệt, ban tổ chức khuyến khích ảnh chụp bằng flycam. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một cuộc thi ảnh chụp từ trên cao, đồng nghĩa với việc lần đầu tiên giới flycam có sân chơi riêng.

Theo đánh giá của ông, những năm gần đây, người chơi flycam sáng tác rất nhiều ảnh đẹp nhưng chưa có nhiều cơ hội để chia sẻ và thi thố. Trước năm 2016, những ảnh chụp bằng flycam dù có đẹp đến đâu cũng chỉ vào tới vòng trưng bày là cùng chứ không được xét giải. Đến năm 2016, tình hình có vẻ đảo ngược khi rất nhiều cuộc thi nhiếp ảnh có ảnh flycam tham dự. Dù số lượng chỉ rải rác (khoảng 10% trong cuộc thi) nhưng đa phần tác phẩm flycam đều đoạt giải cao. Tuy nhiên, sự lên ngôi này lại vấp phải phản ứng dữ dội của giới máy ảnh cầm tay. Tất cả đều xuất phát từ định kiến: ảnh flycam không phải là ảnh nghệ thuật!

Dù có nhiều tác phẩm đẹp nhưng ảnh chụp bằng flycam vẫn chưa được nhiều người đánh giá cao (Ảnh mang tính chất minh họa).

Cụ thể, năm 2016, hai tác phẩm chụp bằng flycam là "Gạo xuất khẩu" của Nguyễn Minh Tân và "Cầu Chữ Y" của Thái Tôn Hạo khiến giới nhiếp ảnh cầm tay nóng máu khi chúng lần lượt đoạt giải nhất và nhì tại "Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực TP Hồ Chí Minh" lần 6. Họ cho rằng ảnh flycam có lợi thế hơn ảnh truyền thống ở góc chụp thẳng đứng trên cao nên góc máy trở nên lạ lẫm, ăn đứt tác phẩm chụp dưới đất. Nhưng đó chỉ là ảnh của cái máy chứ không hề có tố chất sáng tạo của người nghệ sĩ. Anh chỉ việc bay flycam lên cao rồi căn chỉnh vị trí thấy ưng ý bằng điều khiển từ xa rồi chụp. Góc máy chụp rất chung chung và ánh sáng cũng chỉ là ánh sáng bẹt, không có chi tiết, bố cục, khoảnh khắc, thần thái… như ảnh dưới đất.

Trái với ý kiến cho rằng ảnh flycam không phải là ảnh nghệ thuật, nhiếp ảnh gia Lê Hải, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang  cho rằng flycam cũng chỉ là một thiết bị có lợi thế chụp ảnh trên cao để hỗ trợ nghệ sĩ. Chấm hết. Bởi ngày trước, lúc thiết bị flycam chưa xuất hiện ồ ạt như bây giờ, để có tấm ảnh chụp từ trên cao ưng ý, các nhà nhiếp ảnh phải vất vả trèo lên trực thăng hoặc leo lên cây cao, tòa nhà chọc trời để chụp.

Điển hình phải kể đến nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn với không ảnh TP Hồ Chí Minh chụp từ trực thăng, Trần Thanh Sang treo máy lên chùm bong bóng bay…  "Muốn có ảnh nghệ thuật thì tất cả phụ thuộc vào tư duy của người cầm máy. Bởi flycam không thể tự bay rồi tự chụp được mà do con người điều khiển. Nếu anh dùng máy ảnh cầm tay mà anh không có tư duy nhiếp ảnh, không có cảm xúc mà chỉ giơ cái máy lên rồi chụp thì cũng không thể có ảnh nghệ thuật" - anh nói. 

Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng flycam cũng như ống kính tele, wide hay macro… (những thiết bị dùng cho các góc chụp xa, gần, rộng, dài hay chụp các vật thể rất nhỏ…). Trong nhiếp ảnh, nó chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ chụp ở trên cao. Ảnh chụp bằng flycam vẫn rất thật chứ không giả tạo, sắp đặt, can thiệp về kỹ thuật và cảm xúc quá sâu như photoshop. Chụp ảnh bằng flycam tưởng dễ nhưng không dễ.

Việc vừa điều khiển cho thiết bị trụ vững vừa chụp, nhất là vào những ngày gió to, rất khó khăn. Chưa kể việc thiết bị này chụp dưới mưa rất hiếm gặp. Ảnh flycam ngoài ánh sáng bẹt còn có nhiều góc độ ánh sáng khác nhau vì camera ngày càng cải tiến, có thể xoay nhiều chiều. Cũng không thể nói ảnh flycam không có bố cục, chi tiết, khoảnh khắc.

Chẳng hạn như chụp những con sóng uốn lượn vỗ bờ, xe cộ chạy trên đường hay vận động viên trượt tuyết lao vun vút trên sườn núi, đàn lạc đà đi trong ráng chiều… đều có khoảnh khắc của nó. Việc chụp từ trên cao khiến người ta có cảm tưởng bức ảnh không có khoảnh khắc vì mọi vật khá bé nhỏ và đa phần flycam thích hợp nhiều hơn với ảnh tĩnh mô tả phong cảnh hùng vĩ, bao la của quê hương, đất nước, sự tráng lệ của những tòa nhà chọc trời…

Chính vì đặc trưng này nên để làm nổi bật phong cách, sự dụng công của nghệ sĩ nhiếp ảnh trong việc thể hiện ánh sáng, đường nét, nắm bắt khoảnh khắc… như ảnh chụp cầm tay, người chụp flycam phải dùng cái đầu và cảm xúc nhiều hơn, tư duy nhiếp ảnh độc đáo thì mới mong có bức ảnh khiến người khác sững sờ.

Tác phẩm "Gạo xuất khẩu" của Nguyễn Minh Tân đoạt giải nhất tại một cuộc thi ảnh năm 2016 gây nhiều tranh cãi.

Đã có nhiều cuộc thi chấp nhận ảnh flycam và cả ảnh truyền thống cùng thi vì không phân biệt thiết bị chụp, miễn đẹp và nghệ thuật là được chọn. Thế nhưng, tranh cãi vẫn không có điểm dừng khi liên tiếp ở các cuộc thi này, ảnh flycam luôn được giải cao. Nhìn nhận khách quan mà nói, những ảnh ẵm giải cao ở đây cũng không lấy gì làm xuất sắc, mới mẻ ngoại trừ góc chụp từ trên cao.

Đơn cử như bức "Cầu Chữ Y" của Thái Tôn Hạo, người xem có cảm giác như tác giả chỉ đưa flycam bay ngay chính giữa cầu rồi bấm máy. Khoảnh khắc ở đây không hề có vì nếu ai có flycam, dám chắc thực hiện đúng y như vậy sẽ ra tấm ảnh y chang. Nó cũng giống như hình ảnh địa danh dùng in trên bưu thiếp mà góc chụp thường là chính diện, không hề khác biệt và độc đáo.

Cao trào tranh cãi, người ta kiến nghị nên có một cuộc thi riêng dành cho ảnh flycam. Vì cùng góc nhìn trên cao như nhau, ai ít có tố chất sáng tạo sẽ "lộ gót chân asin". Ở nước ngoài, các cuộc thi dành hẳn cho giới săn ảnh bằng thiết bị bay này đã diễn ra từ lâu. Nổi tiếng nhất phải kể đến cuộc thi Dronestagram - bắt đầu từ năm 2014, được sự tài trợ của tạp chí chuyên về địa lý, lịch sử nổi tiếng National Geographic (Mỹ) và cuộc thi Skypixel được sự tài trợ của các tập đoàn sản xuất sản phẩm công nghệ liên quan đến hình ảnh, in ấn.

Cả hai cuộc thi đều thu hút hàng chục ngàn tác phẩm từ khắp nơi trên thế giới. Những bức ảnh đoạt giải ở đây khiến người ta phải sửng sốt, bái phục cái nhìn sáng tạo vô biên của người nghệ sĩ. Hình ảnh những ngọn sóng xoắn mình hút mắt với muôn màu sắc hay chiếc xe tải lao vun vút trong rừng thông giữa trời mưa tuyết dường như chỉ có trong ảnh photoshop lại là hình ảnh thật dưới góc flycam điệu nghệ.

Hay hình ảnh vận động viên leo núi trên vách đá dựng đứng, sâu hun hút khiến người ta rợn tóc gáy. Khoảnh khắc chú chim ưng xòe chân bắt mồi trong ánh bình minh rực rỡ khó có thể bắt gặp ở  một tấm ảnh khác. Khỏi phải nói, để bắt được những tích tắc tài tình, người nghệ sĩ đã phải canh me, nhọc công như thế nào.

Chính vì quan niệm flycam chỉ là một thiết bị nên nhiếp ảnh gia Lê Hải  không mấy đồng tình với việc tổ chức hẳn một sân chơi dành riêng cho flycam thử sức, tránh chung đụng với các tay máy cầm tay. Tại sao ở các cuộc thi ảnh nghệ thuật, các tác phẩm chụp bằng ống kính tele, macro, wide, fix… được quyền thi thố với nhau công bằng mà flycam phải đứng riêng ở một sân chơi khác? Làm như thế một mặt vừa đề cao ảnh chụp bằng flycam, một mặt vừa phân biệt đối xử với nó về mặt nghệ thuật. Theo nhiếp ảnh gia Lê Hải, mỗi thiết bị đều có một lợi thế riêng.

Nếu ở cuộc thi có đề tài ảnh chân dung thì flycam sẽ mất thế mạnh còn máy ảnh cầm tay sẽ lột tả được thần thái nhân vật. Nếu cuộc thi thiên về ảnh phong cảnh, quê hương hay đề tài tự do thì lợi thế sẽ ngang nhau. Do vậy, các cuộc thi không nên câu nệ ảnh chụp bằng thiết bị nào mà nên tạo một sân chơi lành mạnh, chọn tác phẩm đẹp, xuất sắc, đậm tính nghệ thuật và có góc nhìn sáng tạo thì chắc chắn mọi người sẽ tâm phục, khẩu phục.

Mai Quỳnh Nga
.
.