Đời sống nhạc trẻ Việt: Thừa sự kiện, thiếu điểm nhấn

Thứ Sáu, 29/04/2016, 08:00
Các chương trình ca nhạc vẫn tràn ngập trên sóng truyền hình, những liveshow ca nhạc vẫn liên tục được quảng cáo trên các tấm băng rôn, những sản phẩm âm nhạc dày thêm mỗi ngày trên giá đĩa, cũng như những giải thưởng âm nhạc vẫn được trao nhộn nhịp... Nhưng thật khó có thể tìm thấy những ca khúc để lại dấu ấn trong lòng khán giả, những ca sĩ có thể truyền tới niềm hy vọng cho những người yêu nhạc. Nhạc trẻ Việt dường như vẫn đang giậm chân khá lâu ở giai đoạn ăn xổi...


1.Không cần tìm kiếm ở đâu xa xôi, chỉ cần mở truyền hình là chúng ta có thể biết được đời sống âm nhạc vẫn sôi động tới mức nào. Cho tới thời điểm này, các chương trình ca nhạc vẫn đang giữ thế thượng phong trong số các chương trình giải trí trên truyền hình từ "Giọng hát Việt", "Thần tượng âm nhạc Việt Nam", "Nhân tố bí ẩn"...

Gần đây lại xuất hiện thêm "The Remix", "Thần tượng Bolero". Khác với sự ra mắt ban đầu, những chương trình này đang ngày càng nhạt dần đều. Những cách hút khán giả của nhà sản xuất như thay đổi thành phần ban giám khảo, tập trung vào những thí sinh mang yếu tố độc, lạ đã không còn hiệu quả nữa. Mọi bàn luận về đêm diễn có lẽ cũng chỉ xuất hiện ở các trang báo mạng cho tới ngày thứ 2. Quá nhiều các cuộc thi hát trên truyền hình trong khi "nhân tài như lá mùa thu" khiến cho chất lượng các thí sinh ngày càng giảm sút. Có nhiều thí sinh đạt giải tại các cuộc thi này rồi cũng mất hút trong đời sống âm nhạc.

Cống hiến - giải thưởng được ví như Grammy Việt Nam - dường như cũng đang kém thu hút so với thời gian trước.

Vẫn biết, âm nhạc là lĩnh vực có thể thu hút sự quan tâm của đại đa số khán giả nên các nhà sản xuất chương trình phải loay hoay nghĩ ra đủ món. Thay vì những chương trình nhạc nhẹ thông thường, họ chuyển sang nhạc điện tử, nhạc bolero. Tuy nhiên, chỉ đi tới mùa thứ 2, "The Remix" - chương trình dành riêng cho thể loại nhạc điện tử - đã xuống dốc một cách không phanh.

Sự bão hòa của nhạc điện tử, thí sinh không đồng đều, cách dẫn thiếu lửa của MC là những lý do khiến chương trình này đã kết thúc trong tẻ nhạt. "Thần tượng bolero" dù xuất hiện lần đầu tiên, theo trào lưu đang thịnh hành của loại nhạc này, nhưng vẫn không tạo được dấu ấn trong lòng khán giả.

Sự hiền lành quá mức của "bộ tứ quyền lực": ca sĩ Quang Linh, Quang Dũng, Cẩm Ly, Đan Trường dường như cũng khiến chương trình thiếu lửa. Nhưng quan trọng hơn cả, với một dòng nhạc cần chất giọng, cần cảm xúc, cần sự trải nghiệm hơn là kỹ thuật hay sự trình diễn thì những thí sinh còn ít tuổi đời vẫn chưa làm được. Chính vì thế, nghe thí sinh hát, khán giả lại nhớ tới tên tuổi những ca sĩ đã thành danh ở dòng nhạc này hơn là những gì các bạn ấy mang tới trong cuộc thi.

2. Không chỉ thể hiện sự áp đảo đời sống bằng cách chiếm lĩnh sóng truyền hình, những tháng đầu năm 2016 vừa qua, sự sôi động bề nổi ấy vẫn tiếp tục ghi dấu ấn bằng sự ra mắt của vô vàn những album ca nhạc. Có lẽ ngày nào cũng có sự xuất hiện của những sản phẩm âm nhạc được thực hiện bởi những ca sĩ có tên tuổi hay những gương mặt mới. Thậm chí, vào thời điểm Tết, Valentine, chỉ trong vòng 2 tuần, khán giả gần như bội thực trong hàng loạt những sản phẩm âm nhạc của Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Hồ Trung Dũng, Thiện Nhân, Võ Hạ Trâm...

Chưa kể tới các nghệ sĩ thuộc lĩnh vực khác cũng "đá sân" như họa sĩ Phạm Hồng Minh, hoa khôi Nam Em... và một loạt những cái tên lạ lẫm khác. Thay vì đầu tư tiền tỉ cho các sản phẩm âm nhạc, giờ đây, với sự hỗ trợ của nhiều thiết bị điện tử, các MV ca nhạc thường được thực hiện đơn giản và tiết kiệm. MV ca nhạc được thực hiện chỉ với trên dưới 10 triệu đồng.

Quan niệm ra mắt các MV ca nhạc của các ca sĩ cũng thay đổi: chủ yếu là để kỷ niệm chứ không bàn tới chuyện kinh doanh. Bởi một lực lượng khán giả trẻ khá đông đảo hiện nay chọn cách nghe nhạc trực tuyến hơn là mua đĩa. Chưa kể tới việc, ngày hôm nay có mặt trên sạp đĩa thì chỉ ngày mai thôi đã tràn ngập đĩa nhái. Nhưng, có đĩa nhái cũng lại là một hạnh phúc vì chứng tỏ ca sĩ vẫn nhận được sự quan tâm của công chúng. Hơn là những sản phẩm nằm im ỉm, phủ bụi trên giá ngay từ khi vừa ra mắt cũng là chuyện không lạ.

Gần đây, những tổng kết về thị trường sản xuất và phát hành âm nhạc theo phương thức truyền thống đang cho thấy những con số đáng buồn. Doanh số các album đang xuống đến mức khó tin. Theo những nhà sản xuất album cho biết nếu như trước đây, số lượng phát hành mỗi album thường từ 20.000 đến 30.000 bản thì hầu hết những album sau này chỉ dừng ở con số trên dưới 2.000 bản.

Thị trường băng đĩa vẫn đang ở trong giai đoạn khủng hoảng. Chính vì vậy, khuynh hướng hiện nay là nhiều ca sĩ, nhạc sĩ khi ra album đã trực tiếp ký với nhà mạng để phát hành trực tiếp dạng mp3. Cách thức này vừa tiết kiệm, bảo vệ được nguồn vốn đầu tư, vừa phù hợp với xu hướng thưởng thức của nhiều khán giả hiện nay. Tuy nhiên, dù dư thừa về số lượng nhưng xét về mặt chất lượng, các single, MV này vẫn chưa để lại nhiều dấu ấn đáng kể.

Ít khi nào, đời sống âm nhạc Việt lại nhộn nhịp với nhiều đêm nhạc riêng đến vậy. Suốt từ cuối năm 2015 cho tới những tháng đầu năm 2016 liên tục diễn ra các đêm nhạc của các ca sĩ, nhạc sĩ tên tuổi. Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm có đến 5 liveshow lớn được thực hiện.

Qúa nhiều các cuộc thi hát trên truyền hình khiến đời sống âm nhạc chỉ sôi nổi bề mặt.

Ngoài đêm nhạc "Đôi bàn tay thắp lửa" của nhạc sĩ - ca sĩ Trần Lập cùng ban nhạc Bức Tường tạo được tiếng vang và để lại nhiều dư âm trong lòng người hâm mộ bởi ý nghĩa nhân văn thì các chương trình của các ca sĩ Đan Trường, Mỹ Tâm, Thu Phương, Lệ Quyên, Sơn Tùng MTP... cũng trôi qua mà không để lại dấu ấn gì đặc biệt. Hầu hết đều là sự tập hợp những ca khúc đã gắn liền với những tên tuổi này.

Thời gian vừa qua cũng ghi dấu sự trở về làm liveshow của các ca sĩ hải ngoại. Tuy nhiên, những sự trở về, ôn lại kỷ niệm với người hâm mộ ấy chỉ làm phong phú hơn cho bữa tiệc âm nhạc chứ không góp phần nâng cao chất lượng của lĩnh vực này.

3. Những tháng đầu năm 2016 vẫn khẳng định sự nhộn nhịp của các giải thưởng âm nhạc. Ngoài những tên tuổi vẫn liên tục được xướng tên tại các cuộc thi hát trên truyền hình thì những giải thưởng âm nhạc thường niên cũng tiếp tục trao cho các chủ nhân. Từ giải thưởng "Làn sóng xanh", "Zing Music Awards", "HTV Award", "Mai vàng"... cho đến những giải âm nhạc thuần túy như "Cống hiến". Nhưng giải thưởng nhiều, quanh đi quẩn lại cũng chỉ những tên tuổi quen thuộc khiến cả người nhận cũng không còn hào hứng.

Các ca sĩ như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng từng hơn một lần từ chối giải thưởng vì... nhiều quá! Ngay cả người nhận cũng không coi trọng khiến giải thưởng âm nhạc trở nên mất thiêng trong lòng công chúng. Thời gian gần đây, giải thưởng "Cống hiến" vốn được kỳ vọng là giải "Grammy của Việt Nam", do các nhà báo theo dõi mảng văn hóa bình chọn cũng chỉ giữ được sự công khai, minh bạch còn không thật sự chất lượng như ngày đầu. Nhiều hạng mục đề của giải thưởng "Cống hiến" gây bất ngờ với khán giả vì sự xa lạ và loạn tiêu chí.

Không thể phủ nhận đời sống âm nhạc vẫn có những nghệ sĩ lặng lẽ, nghiêm túc với đam mê của mình như Lê Cát Trọng Lý, Vũ Cát Tường, Tạ Quang Thắng... nhưng con số ấy dường như còn quá nhỏ so với hằng hà sa số những ồn ào, nhốn nháo của đời sống âm nhạc, của những chiêu trò để mong nhanh nổi tiếng hơn là ý thức cống hiến. Sự phát triển và tiện lợi của các hệ thống truyền hình, phát thanh, Youtube... đã giúp giới nghệ sĩ trẻ có cơ hội xuất hiện trước khán giả thuận lợi hơn rất nhiều. Nhưng cũng chính vì nhiều và nhạt khiến ít tác giả, tác phẩm nào đọng lại được trong lòng khán giả.

Thị trường âm nhạc hiện nay xuất hiện quá nhiều giọng ca, bài hát mới nhưng thiếu cá tính và ấn tượng riêng. Chính vì thế, nó vẫn chỉ loay hoay trên bề nổi với những cái tên như Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên, Sơn Tùng MTP... Những sự kiện bùng lên rồi nhạt nhòa, cho thấy nhạc Việt cần một sự thay đổi thật sự về chất hơn là những sôi động bề ngoài. Một diện mạo âm nhạc sáng sủa với nhiều sản phẩm chất lượng và chuyên nghiệp là mơ ước của nhiều khán giả, tuy nhiên, chưa biết khi nào mới trở thành hiện thực.

Khánh Thảo
.
.