Tổ chức Liveshow ca nhạc cuối năm: Chỉ để làm... kỷ niệm?

Thứ Sáu, 28/11/2008, 08:45
Lâu nay, có một tiền lệ, những tháng cuối năm luôn là thời điểm để các ca sĩ dồn dập tổ chức liveshow. Cùng với việc ra album sòn sòn thì hoạt động tốn kém này luôn được các ca sĩ coi như chiêu thức để "báo cáo" với giới truyền thông về những "đóng góp" của họ trong một năm qua.

Cũng không ngoài quy luật ấy, thời điểm này đang là giai đoạn sôi động nhất của sân khấu ca nhạc 2008 với một loạt các liveshow lần lượt ra mắt. Dù số lượng liveshow khá nhiều nhưng những người yêu âm nhạc Việt Nam lại thấy chạnh buồn khi chúng đang bị mất dần đi ý nghĩa đích thực của mình.

Đã qua rồi cái thời các ca sĩ chạy đua làm liveshow đến mức liveshow ca nhạc diễn ra suốt 12 tháng trong năm. Khán giả có thời điểm bội thực với những liveshow ca nhạc cùng diễn ra một thời điểm, trên cùng một địa bàn.

Năm 2004, đang giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp cũng như đỉnh cao của trào lưu làm liveshow ca nhạc, ca sĩ Mỹ Tâm đã khiến đồng nghiệp "lác mắt" khi sẵn sàng chi ra hơn 3 tỉ đồng cho liveshow "Ngày ấy và bây giờ" (số tiền lớn nhất cho một liveshow tính đến thời điểm ấy).

Trước đó, một loạt các diva nhạc nhẹ Việt Nam như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh cũng tung ra những liveshow được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của riêng mình. Số tiền 3 tỉ ngày ấy của Mỹ Tâm đến bây giờ đã bị rất nhiều ca sĩ khác "qua mặt". Điều đó cho thấy, cuộc chạy đua tổ chức liveshow chưa bao giờ là cơ hội dành cho những người ít tiền.

Rồi cuộc đua ấy cũng có lúc phải tạm lắng xuống khi các ca sĩ phải chi quá nhiều mà nhận lại chẳng bao nhiêu. Nhưng điều quan trọng là với khán giả, chất lượng của các chương trình ấy lại đang có nhiều dấu hiệu đi xuống. Với những ca sĩ có tiềm lực kinh tế hay có các Mạnh Thường Quân đứng sau thì việc tổ chức một liveshow không phải là điều khó khăn. Nhưng để có được liveshow đúng nghĩa, đúng đẳng cấp chưa bao giờ là một điều dễ dàng.

Sau một thời gian dài thị trường âm nhạc Việt Nam tương đối ảm đạm thì sự bùng phát các liveshow vào những tháng cuối năm này liệu có phải là một tín hiệu đáng mừng? Câu trả lời là không vì phần lớn đó đều là những đêm diễn kỷ niệm. Đầu tiên phải kể tới ca sĩ của dòng nhạc trữ tình, Quang Dũng quê Bình Định đã "nhanh chân" chọn ngày được coi là đẹp nhất trong năm (ngày 8/8/2008) để tổ chức livevshow "Chuyện tình" của mình.

Với mục đích kỷ niệm 10 năm ca hát nên chương trình không có nhiều ca khúc mới. Chủ yếu vẫn là những ca khúc đã gắn bó với anh 10 năm qua trên chặng đường chinh phục khán giả. Có thay đổi cũng là thay đổi chút xíu về cách xử lý ca khúc, phần phối khí hay sự xuất hiện của người vợ xinh như mộng jennifer Phạm mà thôi.

Cùng chung mục đích với Quang Dũng, ca sĩ Cẩm Ly cũng đang dồn hết sức cho liveshow kỷ niệm 15 năm ca hát của mình. Liveshow diễn ra vào ngày 15/11 tại sân vận động Lan Anh và ngày 6/12 tại Cần Thơ. Dù theo đuổi sự nghiệp âm nhạc đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên Cẩm Ly làm liveshow. Cô chia sẻ, chương trình sẽ chỉ tập hợp những ca khúc ăn khách của cô trong thời gian qua.

Cẩm Ly và nhạc sĩ Minh Vy, phu quân của cô, đồng thời cũng là nhà tổ chức bộc bạch: Cô không tham vọng liveshow có thể hâm nóng lại được tên tuổi mà đây chỉ là để kỷ niệm một chặng đường sự nghiệp của mình. Cẩm Ly và Minh Vy nửa đùa nửa thật rằng, không thể đợi đến 5 năm sau để tròn 20 năm được vì có thể lúc ấy khán giả không nghe cô hát nữa.

Ca sĩ Mỹ Lệ cũng đang tất bật chuẩn bị cho liveshow kỷ niệm hơn 10 năm ca hát của mình, dự định sẽ tổ chức vào cuối tháng 12 với tên gọi "Mỹ Lệ in Symphony" tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh. Những ca khúc ăn khách của Mỹ Lệ trước đây sẽ được phối lại với bản nhạc giao hưởng. Và nghe đâu, Mỹ Lệ còn có dự định hát opêra trong đêm nhạc này.

Với tên gọi "Thập đại mỹ nhân" (dự định sẽ diễn ra vào ngày 29/11 tại sân vận động Quân khu 7), liveshow của ca sĩ được coi là chịu khó và chịu chơi làm liveshow vào hạng nhất trong làng ca nhạc Đan Trường cũng không ngoài mục đích là liveshow cuối cùng, chấm dứt dự định chuỗi liveshow 2 năm một lần của anh.

Đình đám nhất thời gian vừa qua phải kể tới liveshow "Sóng đa tần" của "tóc nâu" Mỹ Tâm khởi động này 7/9 tại Sân vận động Tao Đàn và tiếp tục lưu diễn ở nhiều tỉnh thành. Bên cạnh đó là liveshow "Dạ tiệc trắng" của Đàm Vĩnh Hưng diễn ra ngày 1/10 tại White Place với những độc chiêu như sẵn sàng mời khán giả quay về và hoàn lại tiền nếu khán giả không mặc đồ trắng theo như quy định.

Mỹ Tâm và Đoan Trang biểu diễn trong liveshow “Sóng đa tần”.

Và cuối tháng 9, ca sĩ trẻ Tóc Tiên cũng bắt đầu cho tua diễn vòng quanh các trường trong chương trình "Tóc Tiên và những giấc mơ". Ngoài ra, còn có các liveshow tổ chức nhân dịp sinh nhật của ca sĩ Phương Thanh, liveshow của Trà My với tên gọi "My Idol và những người bạn" diễn ra ở nhiều địa điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh các liveshow được làm với mục đích kỷ niệm thì nhiều ca sĩ chọn con đường làm liveshow miễn phí (dĩ nhiên, đứng đằng sau các ca sĩ ấy là các nhà tài trợ). Đối tượng hướng đến chủ yếu của các liveshow này là học sinh, sinh viên, và cả công nhân các khu công nghiệp. Tuy nhiên, những liveshow tưởng như  hết sức vô tư ấy thường được tính toán rất kỹ, đang trở thành những chương trình quảng cáo, tiếp thị cho những chiến lược kinh doanh mới của các đơn vị tài trợ.

Đơn cử như liveshow "Sức mạnh của những giấc mơ" của Mỹ Tâm, hay "Thập toàn thập mỹ" của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vừa qua luôn có hình ảnh những chiếc xe máy - sản phẩm của đơn vị tài trợ xuất hiện nhiều khi quá đậm đặc trên sân khấu khiến cho đêm nhạc giảm bớt phần nào ý.

Phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, nhiều chương trình ca nhạc được truyền hình trực tiếp, giá vé xem liveshow ca nhạc còn chưa phù hợp với mức sống của đại đa số dân chúng đã khiến cho liveshow không còn sức hấp dẫn với khán giả. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn cả, là thời gian gần đây, liveshow đã bị lạm dụng.

Cần phải hiểu đúng nghĩa liveshow tức là khi ca sĩ phải có tầm cỡ, có thể "hát sống" tất cả các ca khúc trong chương trình và có số đông công chúng nhất định. Điều quan trọng hơn cả, tại liveshow đó, các nghệ sĩ phải thể hiện những sáng tạo mới mẻ, những đột phá trong sự nghiệp của mình. Như thế, liveshow là một dấu mốc khẳng định tên tuổi hay bước ngoặt của người nghệ sĩ.

Nhưng lâu nay, nhiều ca sĩ đã tổ chức liveshow theo kiểu là chương trình tập hợp lại các ca khúc và nó trở thành một cuộc chạy đua về chi phí, thể hiện sự "hoành tráng". Có ca sĩ mới vào nghề dù kỹ thuật thanh nhạc chưa học hết, làn hơi còn yếu nhưng nóng vội, muốn nhanh nổi tiếng, cũng đổ tiền vào liveshow. Cuối cùng chỉ khán giả khổ khi phải thưởng thức những liveshow kém chất lượng trong đó ca sĩ thì hát nhép, tổ chức sơ sài, mô típ giống nhau.

Như đã nói ở trên, làng ca nhạc đang bước vào giai đoạn sôi động nhưng về bản chất, đời sống âm nhạc vẫn chưa có thêm bước phát triển nào vì những hạt nhân của nó là các nghệ sĩ vẫn chỉ dừng lại ở việc tổ chức những liveshow có tính chất kỷ niệm. Không thể phủ nhận, ôn lại những bài ăn khách, đó cũng là một cách tri ân với khán giả của mình. Nhưng nếu các ca sĩ cứ mãi đứng yên một chỗ, gặm nhấm những thành quả đã qua mà không có bứt phá gì về chất lượng thì chính khán giả sẽ từ bỏ họ ra đi.

Với rất nhiều ca sĩ quốc tế, hay những ca sĩ đã thành danh ở trong nước, việc tổ chức một liveshow vẫn là một áp lực lớn với tên tuổi vì họ phải thể hiện được bản lĩnh, những cái mới chứ không đơn thuần chỉ là trình diễn những cái đã có. Không thể dùng "mánh khóe" để qua mắt khán giả, làm liveshow quá sức mình hay hy vọng cứ đổ tiền vào liveshow khi "độ chưa chín" với hy vọng đó sẽ là "nấc thang lên thiên đường"... Bởi đó mãi mãi sẽ chỉ là ảo tưởng!

Thảo Duyên
.
.