Đấu thầu sản xuất phim: Còn lắm gian nan

Thứ Sáu, 26/04/2013, 09:35

Sau một thời gian dài bàn thảo, chờ đợi, cuối cùng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đệ trình bản Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện đấu thầu và đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách Nhà nước để Chính phủ phê duyệt. Đây được trông chờ như một trong những bước đột phá nhằm sử dụng hiệu quả đồng vốn tài trợ của Nhà nước dành cho Điện ảnh, vực dậy nền Điện ảnh, nhất là các hãng phim Nhà nước đang xuống dốc hiện nay. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu lý tưởng ấy, cần một lộ trình dài và sẽ còn không ít khó khăn.

Cán cân cơ hội làm phim sẽ được lập lại

Không phải tới bây giờ, vấn đề chất lượng phim đặt hàng - tức là phim được nhà nước rót tiền - không xứng đáng với số tiền được đầu tư mới được đặt ra mà nó đã tồn tại khá lâu. Nhưng cho đến thời điểm này thì vấn đề này đã trở nên đáng báo động. Tại Giải thưởng Cánh diều vừa qua, trong số hơn 10 phim truyện nhựa tranh giải thì chỉ vỏn vẹn có 3 phim là thuộc hãng phim Nhà nước. Đó là "Lạc lối", "Đam mê" và "Cát nóng". Ít về số lượng nhưng lại hạn chế về chất lượng là suy nghĩ của bất kỳ ai sau khi xem những tác phẩm điện ảnh này. Trong số những phim ít ỏi đó thì đã có tới 2 phim được khán giả và giới truyền thông xếp vào hàng "thảm họa điện ảnh", đó là "Đam mê" và "Cát nóng". Đáng buồn là những phim kém chất lượng ấy lại là những phim được Nhà nước bỏ tiền ra sản xuất (như "Cát nóng" được đầu tư tới 6 tỷ đồng). Đó là con số không quá lớn cho việc sản xuất một bộ phim hiện nay nhưng trong thời buổi kinh tế suy thoái thì đó cũng là số tiền đáng mơ ước của bất kỳ đạo diễn nào.

Dường như, chúng ta đã để quá lâu tình trạng Nhà nước thì cứ bỏ tiền cho những bộ phim kém chất lượng ra đời, trong khi thực tế, những năm trở lại đây, những bộ phim ăn khách, có doanh thu cao hầu hết đều thuộc về các hãng phim tư nhân. Có một nguyên nhân là lâu nay, các bộ phim sử dụng vốn ngân sách Nhà nước chỉ cần đáp ứng nội dung đề tài phục vụ chính trị mà không hề được yêu cầu phải thu hồi lại vốn và kiếm được lợi nhuận ngoài phòng vé nên đã dẫn đến tình trạng các đạo diễn, các hãng phim Nhà nước có tâm lý ỉ lại, không phải đầu tư để có được phim hay, hấp dẫn. Theo lãnh đạo Cục Điện ảnh, trước đây, các dự án được Nhà nước cấp kinh phí thường được Cục hợp đồng hoặc đặt hàng các hãng phim theo đề tài, tiêu chí đề ra. Sắp tới, Cục Điện ảnh sẽ áp dụng hình thức đấu thầu. Ví dụ như khi cần làm một bộ phim, Cục sẽ thông báo đến các đơn vị sản xuất phim và mời họ gửi dự án đến tranh thầu. Có hai mức đấu thầu: đã có kịch bản hoặc chưa có kịch bản. Trong dự án, các bên tham gia đấu thầu phải trình bày những điều kiện để làm phim như kinh phí, nhân lực, kỹ thuật, địa điểm… Hội đồng liên Bộ sẽ xem xét cấp kinh phí cho dự án khả thi nhất… Về mặt lý thuyết, đó là một cách hữu hiệu nhất cho đến thời điểm này để không lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước dành cho điện ảnh. Điều này bắt buộc mỗi nghệ sĩ phải đổi mới tư duy sáng tạo và xác định được vị trí cũng như trách nhiệm của mình.

Thời gian gần đây, các hãng phim tư nhân mới chỉ hợp tác sản xuất, đấu thầu thực hiện các dự án phim truyền hình chứ chưa được làm phim điện ảnh bằng kinh phí Nhà nước. Cho nên, với không ít hãng phim tư nhân, thông tư này được coi là những tín hiệu tốt để các hãng phim này có cơ hội cạnh tranh công bằng với các hãng phim Nhà nước để giành được những gói thầu làm phim. Đặc biệt, với những dự án về đề tài phim lịch sử lại càng có ý nghĩa vì từ trước đến nay, việc làm phim lịch sử với các hãng phim tư nhân gần như "lực bất tòng tâm". Kinh phí cho những bộ phim này quá lớn. Việc tạo dựng bối cảnh, thuê đạo cụ, sản xuất trang phục… nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ rất khó thực hiện. Trong cuộc cạnh tranh này, với các hãng phim tư nhân là cho thêm họ cơ hội vì từ trước đến nay, họ chưa từng can hệ tới kinh phí sản xuất phim của Nhà nước. Chưa kể, với những lợi thế như kinh nghiệm cạnh tranh, khả năng thu hút khán giả, tài năng thuyết phục nhà đầu tư thì các hãng phim tư nhân có nhiều khả năng thắng thế. Hơn nữa, với bộ máy gọn nhẹ, năng động, họ cũng có nhiều khả năng để đưa ra được những gói thầu hợp lý.

Ngược lại, lợi thế của các hãng phim tư nhân sẽ là khó khăn cho các hãng phim Nhà nước. Lãnh đạo các hãng phim Nhà nước không khỏi lo lắng trước thay đổi này. Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam cho rằng, đây sẽ là sự thay đổi khó khăn với các hãng  phim Nhà nước. Bởi các hãng phim nhà nước với một bộ máy nhân lực cồng kềnh, bao năm nay đã được bao cấp thì phải có một lộ trình từ từ chứ không thể một sớm một chiều là thay đổi được. Theo ông thì cần trang bị cho các hãng một cách đầy đủ hệ thống những thiết bị làm phim, để các hãng nuôi được bộ máy làm việc rồi mới cạnh tranh với nhau.

“Cát nóng” dù được Nhà nước đầu tư tiền tỉ nhưng vẫn bị xếp vào diện “thảm họa điện ảnh”.

Có một thực tế là một vài năm trở lại đây, các hãng phim Nhà nước gần như bế tắc. Anh em nghệ sĩ hao hụt tinh thần, chán nản vì mệt mỏi. Công việc ít, kéo theo tình trạng thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu luôn tính chuyên nghiệp. Chính vì vậy, nếu không có có sự thay đổi mang tính cách mạng thì trong cuộc cạnh tranh giữa một bên là các hãng phim tư nhân đông đảo với những ưu thế vượt trội như công nghệ, kỹ thuật làm phim tân tiến, cách làm phim nhạy bén với thị trường và một bên là các hãng phim Nhà nước với kỹ thuật cũ kỹ, lạc hậu, tư duy quan liêu, bảo thủ  thì sẽ biết chắc cán cân lợi thế nghiêng về bên nào.

Còn nhiều khó khăn

Rõ ràng, đấu thầu là hình thức cạnh tranh sòng phẳng, công bằng để đạt đến mục tiêu cuối cùng là có được một sản phẩm điện ảnh xứng tầm. Tuy nhiên, với một sản phẩm nghệ thuật sẽ khác rất nhiều những công trình xây dựng.  Một câu hỏi được đặt ra là tiền hay đội ngũ sản xuất sẽ là tiêu chí lựa chọn hàng đầu? Thường thì các hãng phim tư nhân sẽ đưa ra được mức chi phí hợp lý, nhưng xét về tên tuổi những người làm phim có uy tín thì hầu hết thuộc về các hãng Nhà nước. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào những người nắm quyền quyết định. Phải là những người công tâm, có chuyên môn, có tầm nhìn và trực giác để chọn đúng nhà thầu đủ năng lực và thế mạnh.

Và một điều mà nhiều người làm điện ảnh băn khoăn là trong bất kỳ một cuộc đấu thầu nào, tính minh bạch phải được đặt lên hàng đầu. Một số lãnh đạo hãng phim tư nhân lo ngại liệu hồ sơ đấu thầu của họ có được công khai hay không, hay chỉ biết nộp lên rồi sau đó câu trả lời sẽ nhận sau. Và thực sự, nếu không minh bạch, công khai, đấu thầu chỉ là hình thức và vấn đề sẽ trở về tình trạng ban đầu là chỉ các hãng phim Nhà nước mới cạnh tranh với nhau.

Ngay cả việc chọn kịch bản nào đấu thầu cũng là nỗi băn khoăn của những người làm điện ảnh. Hiện nay, các hãng thường làm việc theo kiểu đặt hàng. Tức là thường gợi ý đề tài, ứng trước tiền cho tác giả. Khi kịch bản được đưa ra làm phim là hãng cũng phải trả số tiền không nhỏ. Khi đưa kịch bản ra đấu thầu, nếu bản thân hãng đó không trúng thì chắc chắn các hãng sẽ lấy lại kịch bản chứ sẽ ít chịu để các đơn vị khác làm. Còn nếu đấu thầu sẵn kịch bản của Cục Điện ảnh thì không biết các đơn vị có mặn mà không, vì lâu nay điện ảnh chúng ta thường hoạt động theo ê kíp, từ biên kịch tới đạo diễn. Còn nếu cạnh tranh từ khâu kịch bản thì nhiều nhà biên kịch cho rằng, thực tế hiện nay, rất ít nhà biên kịch chịu viết khi có một nhà biên kịch khác cũng viết đề tài giống mình. Bởi công sức bỏ ra nhiều mà rủi ro gặp phải cũng khá cao.

Bên cạnh đó, một quy định là đơn vị nào trúng thầu cũng mới chỉ được nhận 70% kinh phí. Sau đó, khi tác phẩm hoàn thành, tùy theo mức độ được Hội đồng đánh giá mà nhà sản xuất mới được nhận tiếp. Mức cao nhất là nhận 100%, mức tiếp theo là 95% và mức thấp nhất là 90%. Vậy sẽ dễ có tình trạng phim được Hội đồng xét duyệt đánh giá là hay nhưng lại không thu hút khán giả. Hoặc phim không được đánh giá cao nhưng lại đạt doanh thu cao thì sẽ tính thế nào?

Như vậy, để hình thức đấu thầu sẽ trở thành biện pháp hữu hiệu ngăn chặn triệt để những "thảm họa điện ảnh" thì các cơ quan có thẩm quyền cần có những quy định cụ thể, phù hợp với tình hình điện ảnh giai đoạn hiện nay

K.T.
.
.