Web drama khai thác đề tài giang hồ và câu hỏi về “sứ mệnh” của người nghệ sĩ

Thứ Sáu, 01/05/2020, 08:03
Web drama (phim phát hành trực tuyến) là xu hướng làm phim mới xuất hiện ở Việt Nam một vài năm trở lại đây. Thể loại phim này thường được phát miễn phí trên YouTube và nhiều trang mạng trực tuyến nên việc tiếp cận khán giả dễ dàng, linh hoạt hơn so với phim chính thống.


Trong dòng chảy của web drama, mảng đề tài về giang hồ là “sôi động nhất”. Nhiều người lo ngại rằng, những hình ảnh bạo lực sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến lớp khán giả trẻ tuổi.

“Nở rộ” phim về đề tài giang hồ, bạo lực

  Qua theo dõi, có thể thấy rằng, tâm linh, cổ trang và giang hồ là ba mảng đề tài hot nhất của phim chiếu mạng. Mặc dù mới xuất hiện và trở thành trào lưu trong thời gian ngắn nhưng web drama khai thác đề tài giang hồ đã có danh sách “khá dày dặn” như “Thập tam muội” (nhà sản xuất Thu Trang – Tiến Luật), “Tay buôn, buông tay” (nhà sản xuất Võ Đăng Khoa), “Chết thì chịu”, “Trật tự mới” (nhà sản xuất Việt Hương), “Vi Cá tiền truyện”  (nhà sản xuất Quách Ngọc Tuyên), “Ông trùm – Dẹp loạn giang hồ” (nhà sản xuất Ưng Hoàng Phúc), “Thập tứ cô nương” (nhà sản xuất Nam Thư)…

So với phim khai thác các mảng đề tài khác, phim về giang hồ có sức hút hơn hẳn. Cuối năm 2018, “Người trong giang hồ” (phần 6) của ca sĩ Lâm Chấn Khang trở thành video đầu tiên lọt top 10 video nổi bật trên thế giới với 61 triệu lượt xem.

“Thập Tam Muội”, một bộ phim về đề tài giang hồ gây chú ý trong cộng đồng mạng thời gian gần đây.

Tiếp sau đó, tập 1 của “Thập Tứ cô nương” đạt hơn 10 triệu lượt xem chỉ sau một tuần, “Thập Tam Muội” đạt hơn 100 triệu lượt xem sau 3 tập phát sóng. Phần lớn phim về đề tài giang hồ đều thu hút lượng người xem từ vài triệu đến vài chục triệu – những con số đáng mơ ước với phim chiếu mạng.

Các nghệ sĩ cho biết, làm web drama là kênh đầu tư mạo hiểm vì số tiền đầu tư không nhỏ trong khi khả năng thu hồi vốn thấp, chỉ những kênh YouTube đã có số lượng người theo dõi lớn mới có khả năng thu lợi nhuận từ quảng cáo. Phải chăng, chính vì lẽ đó mà các nghệ sĩ  tìm đến những mảng đề tài “sốc”, “sến” để thu hút khán giả?.

Tuy nhiên, thật đáng báo động khi làn sóng phim giang hồ ồ ạt xuất hiện và lượng người xem, có lẽ trong số đó nhiều nhất là khán giả trẻ không ngừng tăng lên. Nhiều người đặt câu hỏi về sứ mệnh của nghệ sĩ là dẫn dắt và định hướng thị hiếu khán giả hay chiều theo thị hiếu của họ. Rõ ràng, người nghệ sĩ phải nhận thức rõ vai trò truyền bá và giáo dục thẩm mỹ cho công chúng. Web drama cũng giống như các sản phẩm nghệ thuật khác có chức năng giải trí nhưng bấy nhiêu chưa đủ, những sản phẩm giải trí cũng phải góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Phim có nội dung bạo lực, phiêu lưu mạo hiểm luôn có sức hút với khán giả. Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, không thể kiểm soát được độ tuổi khán giả xem web drama. Ai dám chắc rằng, những màn bạo lực như ẩu đả, đâm chém, đập chai bia vào đầu, cắt ngón tay… không ảnh hưởng đến nhận thức của khán giả trẻ?.

Qua thời gian, những câu chuyện, hình ảnh bạo lực sẽ ăn sâu vào tiềm thức các em. Trẻ em chưa hình thành nhân cách dễ hành động theo bản năng, bắt chước hình ảnh, cảnh quay được xem. Quá trình từ nghe, nhìn đến hành động là khoảng cách không xa và điều này vô cùng nguy hại. Ngoài việc phản ánh cuộc sống trong “thế giới ngầm”, phim khai thác đề tài giang hồ đã mang đến những góc nhìn khác về những bậc “đàn anh, đàn chị” ngoài đời thực.

Sự hào hiệp của những tay giang hồ phản ánh trong phim khiến nhiều người lầm tưởng rằng, sâu thẳm trong cái vẻ ngoài bất cần ấy là sự tử tế, trọng tình nghĩa anh em… Điều này ảnh hưởng đến nhận thức, làm cho người xem có nhận thức không chuẩn xác về giới giang hồ.

Đâu rồi sự nhạy cảm của người nghệ sĩ?

Nghệ sĩ đóng vai giang hồ và giang hồ đóng phim đang xóa nhòa đi những ranh giới cần có trong nghệ thuật. Một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của phim ảnh nói chung, web drama nói riêng chính là diễn viên. Tài năng diễn xuất cũng như danh tiếng của diễn viên có vai trò rất lớn tạo nên sự thành công của mỗi tác phẩm.

Điều đáng buồn là trong một số phim giang hồ xuất hiện trên YouTube có sự tham gia của cả những nghệ sĩ tên tuổi trong làng giải trí Việt bên cạnh những tay giang hồ thực thụ. Đó không phải là những nghệ sĩ trẻ mới “chân ướt, chân ráo” bước vào môi trường nghệ thuật, mà là những nghệ sĩ lớn, có nhiều năm cống hiến trong nghề. Sự nhạy cảm của người nghệ sĩ ở đâu?

Tại sao không tìm hiểu kỹ về thân thế bạn diễn khi nhận lời tham gia phim… là những câu hỏi được đặt ra. Tuy nhiên, cũng rất khó trách các nghệ sĩ bởi đôi khi họ chỉ nghĩ đơn giản rằng, tham gia một dự án phim chiếu mạng để có thể tiếp cận nhiều hơn với khán giả trẻ.

Những cảnh bạo lực trong phim về đề tài giang hồ có ảnh hưởng không tốt đến đối tượng khán giả trẻ.

Giờ đây, khi Đường “Nhuệ”, một đối tượng đang bị cơ quan chức năng bắt giữ, điều tra về hàng loạt sai phạm, mọi người mới phát hiện ra rằng, “diễn viên” tay ngang này đã xuất hiện trong hàng loạt web drama như: “Chạm mặt giang hồ 1, 2”,  “Luật lệ giang hồ 1, 2, 3”, “Tỷ phú đè đại gia”, “Gangster – Gã giang hồ”… Đường “Nhuệ” đã có “vỏ bọc hoàn hảo” khi xuất hiện trong những bộ phim này. Trong phim, Đường “Nhuệ” luôn là người tốt, xuất hiện vào những thời điểm quan trọng, có cơ hội để trình diễn võ thuật cũng như đưa ra phân tích về đúng, sai, đạo lý làm người.

Ngoài Đường “Nhuệ”, không ít những tay giang hồ có “đam mê” nghệ thuật đã tìm đến web drama hay âm nhạc như một cách để đánh bóng tên tuổi, “tạo vỏ bọc” cho mình. Điều đáng quan tâm là những bộ phim có dàn “diễn viên tay ngang” này tham gia đều đạt từ vài triệu đến vài chục triệu lượt xem, thậm chí có sản phẩm âm nhạc thu hút hơn 100 triệu lượt xem.

Sự phát triển tự do của web drama, cụ thể là những bộ phim về đề tài giang hồ đang tạo ra giá trị ảo trong nghệ thuật. Ảo ở chỗ, phim nhảm nhí, không có giá trị nghệ thuật đích thực lại có lượng người xem cao ngất ngưởng. Bên cạnh đó, ranh giới hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ đích thực và những người dùng nghệ thuật để tạo vỏ bọc cho mình bị xóa mờ. Sự thiêng liêng của thánh đường nghệ thuật đang mất dần đi.

Trở lại câu chuyện về sứ mệnh của người nghệ sĩ. Rõ ràng, người nghệ sĩ cần nêu cao trách nghiệm với sự phát triển của xã hội. Với nhà sản xuất, cần phải dung hòa giữa yếu tố thương mại và định hướng nghệ thuật. Không nên chỉ đơn thuần chạy theo lợi nhuận mà chiều theo thị hiếu khán giả. Với diễn viên, cần sự tỉnh táo và nhạy cảm khi quyết định tham gia các dự án nghệ thuật, nhất là web drama.

Một vấn đề nữa cũng cần phải đề cập là câu chuyện quản lý nội dung các sản phẩm được đăng tải trên YouTube. Đây không phải là vấn đề mới nhưng vẫn là bài toán chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Hiện nay, chúng ta vẫn đang quản lý các sản phẩm được đưa lên YouTube theo kiểu “hậu kiểm”, tức các sản phẩm chỉ bị xử lý sau khi đăng tải, bị dư luận, các cơ quan báo chí phản ánh và yêu cầu gỡ bỏ.

Gần đây nhất là câu chuyện đề nghị xử phạt kênh YouTube có tên “A Hy Tivi”. Lý do là trên kênh này đăng tải nhiều video clip có nội dung chế diễu các dân tộc thiểu số, rất phản cảm. Hiện các video clip trên kênh “A Hy Tivi” đã bị xóa. Mặc dù vậy, cách xử lý này vẫn không triệt để nếu người dùng đã tải về lưu trữ tại máy tính cá nhân trước đó.

Khi chưa có giải pháp hiệu quả để quản lý nội dung video đăng tải trên YouTube, khi khán giả vẫn tò mò với những đề tài “sốc”, “sến”, “sex” thì vai trò, sứ mệnh của người nghệ sĩ lại càng trở nên quan trọng. Nói rộng ra, mỗi sản phẩm nghệ thuật có giá trị chân chính sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội, nhất là đối tượng khán giả trẻ.

Tường Phạm
.
.