Việt Nam chưa có nền công nghiệp âm nhạc?

Chủ Nhật, 09/02/2020, 08:05
Thị trường âm nhạc Việt Nam rất tiềm năng và có khả năng phát triển mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, để chạm đến nền công nghiệp âm nhạc đúng nghĩa, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều chung nhận định: Việt Nam phải mất ít nhất 10 năm nữa!


Nhạc sĩ Huy Tuấn thừa nhận, so với cách đây 10 năm, nhạc Việt thay đổi chóng mặt. Thời gian gần đây, thị trường âm nhạc Việt Nam có những bước phát triển choáng ngợp với những hiện tượng, trào lưu mới khuấy đảo cấp độ khu vực. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến những tiện ích công nghệ mới mẻ cho âm nhạc khiến cách thức sáng tác, cách quản lý, khai thác sản phẩm âm nhạc, cách tiếp cận khán giả khác hẳn trước kia.

“Giờ ở bất kỳ nơi đâu, các nhạc sĩ cũng có thể làm việc cùng nhau. Ca sĩ chỉ cần tung sản phẩm của mình lên nền tảng phát hành trực tuyến là đến ngay với khán giả trong nước lẫn quốc tế. Thậm chí, các buổi liveshow cũng được streaming (phát trực tuyến) trên mạng xã hội giúp khán giả dễ dàng theo dõi mà không nhất thiết phải đến tận nhà hát. Ca sĩ giờ đây chuyên nghiệp hơn, họ đã ý thức phương thức độc quyền một bài hát nên mỗi người nhanh chóng tạo nên dấu ấn riêng” – nhạc sĩ Huy Tuấn phân tích.

TP Hồ Chí Minh lần đầu tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế mang tên “Hò dô” năm 2019.

Theo nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Hải Phong, sự phát triển của các nền tảng streaming, các nhà phân phối, các nền tảng mạng xã hội... giúp khâu phát hành diễn ra nhanh chóng và chặt chẽ hơn trước đây. Tất cả hướng đến một nền âm nhạc có bản quyền và trả phí, qua đó giúp nghệ sĩ kiếm được tiền, sống được bằng nghề. Đáng mừng nhất là sự thay đổi này đã và đang giúp giới nghệ sĩ indie và underground (độc lập và ngầm) có tài năng dần bước ra ánh sáng và thu lợi nhuận.

Rapper Đen Vâu hồ hởi: “Chưa bao giờ tôi nghĩ anh em nghệ sĩ giới underground lại có thể thu tiền từ âm nhạc. Chúng tôi cứ nghĩ đến với nó vì đam mê thôi. Không ngờ chúng tôi thu nhập rất tốt từ YouTube, Spotify, được các bầu show mời biểu diễn. Thậm chí, chúng tôi còn có thể tổ chức liveshow cho chính mình”.

Tuy bứt tốc mạnh mẽ nhưng âm nhạc Việt Nam vẫn chưa được gọi là một nền công nghiệp đúng nghĩa. Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong chỉ rõ: “Hiện nay chúng ta đang trong tình trạng “chân trong, chân ngoài”: nửa xem ca khúc sáng tác là tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà không màng lợi nhuận; nửa xem nó như một sản phẩm thương mại để quảng bá, phân phối và thu lợi.

Hay nói cách khác, chúng ta mới chỉ có cái vỏ của nền công nghiệp âm nhạc. Theo tôi, khi nào chúng ta coi âm nhạc như một sản phẩm được đầu tư, đóng gói và quảng bá rộng rãi thì lúc đó chúng ta mới bắt đầu có nền công nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp”.

Những tồn tại khiến nhạc Việt chưa thể cất cánh còn khá nhiều. Đầu tiên, hoạt động của nghệ sĩ vẫn chủ yếu tự phát, độc lập, do đó rất khó quản lý. Ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Vũ Cát Tường nhận xét, thị trường âm nhạc Việt Nam hiện đang phát triển rất sôi động, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Đáng lẽ chỉ chuyên tâm vào sáng tác, nghệ sĩ nước ta vẫn phải “tự bơi” nhiều thứ không thuộc chuyên môn và “bơi” chưa chuẩn. Họ đang thiếu những bộ máy vận hành chuyên nghiệp hỗ trợ nghệ sĩ trong quá trình xây dựng chiến lược, hình ảnh, quản lý các vấn đề đầu tư, tài chính, bản quyền...

Điều làm nhiều người cho rằng thị trường Việt Nam vẫn còn tự phát và không có nền công nghiệp âm nhạc đúng nghĩa còn bởi các lễ hội âm nhạc quốc tế quá ít ỏi. Là thành phố có nền âm nhạc phát triển hàng đầu cả nước nhưng đến năm 2019, TP Hồ Chí Minh mới có lễ hội âm nhạc quốc tế đầu tiên mang tên Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 1 - Hò dô.

Lễ hội quy tụ những cái tên nổi bật của làng nhạc Việt và thế giới, trong đó không chỉ có những nghệ sĩ mainstream (chính thống) như Nguyên Lê, Đức Trí, Hoài Sa, Anh Quân, Phương Uyên, Dũng Đà Lạt, ca sĩ Hà Trần, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh, Đức Tuấn, Võ Hạ Trâm, mà còn có nghệ sĩ dòng indie, underground như ban nhạc Cá Hồi Hoang...

Ngoài ra, lễ hội còn có hoạt động giao lưu của các nghệ sĩ đến từ Nga, Colombia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ... Họ đều là những gương mặt dẫn đầu xu hướng. Lần đầu tiên tổ chức nhưng lễ hội thành công ngoài mong đợi. Trong ba ngày tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, hàng ngàn khán giả đến hòa mình trong không khí sôi động của âm nhạc, thưởng thức những tác phẩm mới lạ của dòng nhạc rap, pop, world music...

Các show ca nhạc bán được vé còn khá khiêm tốn. (Trong ảnh: Liveshow của rapper Đen Vâu “cháy” vé).

Các show ca nhạc lớn hiện nay vẫn chủ yếu phát vé miễn phí cho khán giả. Điều này dần khiến công chúng không có thói quen bỏ tiền để thưởng thức âm nhạc. Trong vài năm trở lại đây, một số show bắt đầu tập cho khán giả làm quen với việc mua vé. Lễ hội âm nhạc “Gió mùa” là một ví dụ.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong phân tích: “Nói đến công nghiệp âm nhạc không thể không nhắc tới công nghiệp biểu diễn. Nhưng đến nay rất ít show bán vé thành công. Đó là điều rất đáng ngại. Bởi chỉ khi trả tiền mua tác phẩm thì quyền đòi hỏi của khán giả mới bắt đầu phát huy quyền lực. Điều đó buộc chất lượng tác phẩm phải hay hơn, buộc nghệ sĩ phải nghiêm túc sáng tạo” – nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong phân tích.

Một vấn đề tối trọng để kiến tạo nền công nghiệp âm nhạc chính là vấn đề bản quyền. Dù công tác bảo vệ bản quyền âm nhạc đã có những khởi sắc, nhận thức về Luật Sở hữu trí tuệ đã dần chuyển biến tích cực, tuy nhiên tình hình bản quyền ở nước ta vẫn rất lộn xộn.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), cho biết trong năm 2019, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ có sử dụng nhạc nền hay các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật vẫn còn né tránh, chưa tự giác thực hiện xin phép quyền tác giả hoặc cố tình gây nhầm lẫn, mập mờ về đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan.

Thậm chí có không ít đơn vị, tổ chức vi phạm bản quyền tỏ thái độ chống đối, thách thức trắng trợn. Đại diện một nền tảng cung cấp nhạc số cho biết, các công ty, đài truyền hình, tổ chức khai thác, sử dụng âm nhạc vẫn chưa nhận thức đầy đủ về các quyền. Ngay cả nghệ sĩ cũng rất lơ mơ về quyền lợi của mình. Chỉ khi nào tình hình bản quyền rõ ràng, minh bạch thì khán giả mới yên tâm trả tiền mua sản phẩm, nghệ sĩ mới yên tâm tái sáng tạo.

Để Việt Nam hình thành một nền công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp âm nhạc nói riêng, Nhà nước phải coi đây như một ngành mũi nhọn. Nói như PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Ngành công nghiệp âm nhạc đem lại lợi nhuận lớn, và hơn hết, nó tạo ra dấu ấn cho một xã hội đô thị hiện đại, từ đó tạo ra sự kiện quảng bá thương hiệu một quốc gia, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực có liên quan. Âm nhạc là ngành công nghiệp hái ra tiền. Không có gì phải nghi ngờ về nhận định này khi nền âm nhạc đại chúng ở các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đã trở thành những thành tố chủ chốt của ngành công nghiệp văn hóa, mang lại nguồn thu khổng lồ mỗi năm”.

Chính phủ Hàn Quốc đã rất thành công khi coi văn hóa, đặc biệt là điện ảnh và âm nhạc là sức mạnh mềm. Họ đầu tư và xuất khẩu văn hóa Hallyu đến khắp nơi trên thế giới, nhanh chóng tạo tầm ảnh hưởng sâu rộng, quảng bá đất nước, con người Hàn Quốc và mang về những lợi ích kinh tế to lớn. Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc, bà Lee Song Im, Sáng lập Triple S1 cho hay một hệ sinh thái âm nhạc phát triển sẽ trả lời được những câu hỏi cơ bản sau: làm thế nào để bảo vệ bản quyền, đâu là chiến lược phát hành phù hợp, làm sao để thu phí từ hoạt động biểu diễn...

Do vậy, ngoài chiến lược mang tính vĩ mô của Nhà nước, những hạn chế nội tại của nền âm nhạc Việt Nam phải được giải quyết để xây dựng nên hệ sinh thái âm nhạc bài bản. Lúc đó mới mong nhạc Việt cất cánh, tạo được bản sắc riêng để từng bước chinh phục thị trường quốc tế.

Mai Quỳnh Nga
.
.