Về tiểu thuyết "còi tàu trong đêm"

Thứ Hai, 16/11/2020, 13:08
Tiểu thuyết “Còi tàu trong đêm” của Nguyễn Duy Ngọc là cuốn tiểu thuyết tự truyện. Dù khiêm tốn đến đâu cũng có thể khẳng định: Đây là cuốn tiểu thuyết có sức hấp dẫn, cuốn hút người đọc.


Tôi quen Nguyễn Duy Ngọc qua một chuyến đi xuyên Việt gần một tháng và biết anh, một nghệ sỹ có nhiều năng khiếu. Nguyễn Duy Ngọc vốn là một nhạc công có hạng của một đoàn văn công chuyên nghiệp. Nguyễn Duy Ngọc còn có đôi mắt nhìn cuộc sống trong sự vận động đi lên. Nhờ thế anh đã để lại cho đời những tác phẩm ảnh làm rung động hàng triệu trái tim. Anh còn là một nhà báo với những trang phóng sự sinh động lột trần sự thật một cách nghiệt ngã. 

Dẫu vậy, Nguyễn Duy Ngọc vẫn chưa bằng lòng với những gì mình đạt được. Trong sâu thẳm, ước mơ một ngày nào đó, có dịp anh sẽ bước vào địa hạt văn chương và anh vẫn biết đó không phải là con đường bằng phẳng, đầy gai góc. Anh thử sức trên nhiều thể loại: văn xuôi, thơ, truyện ngắn, ký sự… và cuối cùng ra mắt độc giả tập tiểu thuyết “Còi tàu trong đêm” – NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Thực ra, tiểu thuyết “Còi tàu trong đêm” của Nguyễn Duy Ngọc là cuốn tiểu thuyết tự truyện. Dù khiêm tốn đến đâu cũng có thể khẳng định: Đây là cuốn tiểu thuyết có sức hấp dẫn, cuốn hút người đọc. Nó là một thông điệp về tình yêu trong thời chiến không chỉ có chiến đấu, máu chảy đầu rơi, mà còn có cả tình yêu đôi lứa, là sự hy sinh cho nhau, là động lực góp phần tạo nên sức mạnh của con người trong cuộc chiến tranh Cách mạng. 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ trong lời giới thiệu cuốn sách đã đánh giá: “Còi tàu trong đêm” là một cuốn sách mang tính văn học khi tái hiện lại hiện thực đời sống, nhưng không hẳn chỉ chụp ảnh lại hiện thực – có thể là câu chuyện gần như thực của tác giả - nó mang một thông điệp rất rõ ràng  rằng, tình yêu đích thực của con người không chỉ yêu đắm say, mà còn có sự hy sinh cao cả đến quên mình cho mối tình… ”.

Tiểu thuyết “Còi tàu trong đêm” không quá dài mà cũng không quá ngắn, đủ liều lượng cho một mối tình “oan khiên” giữa một chàng nghệ sỹ và cô giáo làng trong thời đạn bom. 

Câu chuyện được gói gọn trong 18 chương, được rải ra trong gần 300 trang, với nhiều nhân vật, hầu hết họ là những con người nhân hậu, nhưng câu chuyện chủ yếu chỉ xoáy quanh 3 nhân vật chính: chàng nhạc công Lê Duy, cô giáo làng Hoàng Lan và Phó đoàn văn công Trần Quyền, một nhân vật phản diện, đê tiện, ích kỷ. Đó là những nhân vật có thực ngoài đời, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tiểu thuyết “Còi tàu trong đêm” thể hiện mối tình của đôi trai tài gái sắc, họ đến với nhau một cách bất ngờ, nảy sinh giữa những ngày bom rơi đạn lạc. Duy đã cứu cô giáo Lan trong một lần máy bay giặc Mỹ đánh phá vào trường học ở một làng quê Bắc Bộ, cô giáo Lan bị thương. Và mối tình bén rễ từ đây: “Anh hùng cứu mỹ nhân thời loạn”.

Mối tình giữa Duy và Lan lãng mạn, đẹp như thơ, nhưng đã phải trải qua bao sóng gió của cuộc chiến tranh ác liệt, lại bị chi phối bởi những tục lệ xã hội phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Đặc biệt éo le hơn nữa bởi cái ác, cái ti tiện thuộc bản năng con người “chen ngang” đã dẫn đến bi kịch bất ngờ của mối tình trong trắng xuất phát từ lòng trắc ẩn với bao ước vọng tốt đẹp đã thành mây khói.

Vì tình yêu mãnh liệt, để bảo vệ danh dự cái quý nhất của người con gái trinh tiết, cô giáo Lan đã ngộ sát Trần Quyền, một tên phàm phu, lắm mưu nhiều mẹo, đơn phương yêu Lan, nhưng không được đáp lại, y đã tìm cách định hãm hiếp cô giáo. Trước tình thế đó, không chút so tính, Lê Duy, chàng trai lãng tử quyết định nhận hết tội lỗi về mình, dẫu biết rằng ngục tù đang chờ đợi anh phía trước.

Tiểu thuyết “Còi tàu trong đêm” không chỉ dừng lại ở thiên tình sử đầy bi thương, mà còn mang đến cho bạn đọc hiện tại hiểu về một thời chưa xa của một lớp thanh niên đã đóng góp một phần xương máu cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Họ đã phải trải qua bao gian khổ thiếu thốn của một thời bao cấp, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm và họ đã yêu nhau hy sinh cho nhau như thế nào!

Bằng sự hiểu biết của mình, nói đúng hơn bằng chính con người của mình trong cuộc sống, thông qua chuyện tình, Nguyễn Duy Ngọc đã dựng lại khá sinh động tình cảm nam nữ thời chiến và những hoạt động của giới văn nghệ, của nhà giáo, của bộ đội, nhân dân nói chung phục vụ chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Qua đó tác giả đã khái quát được một xã hội thời chiến về tình người, về mối quan hệ gia đình, đồng nghiệp hết sức trong sáng, không tính toán so đo thiệt hơn, tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Dù tác giả vẫn tự nhận rằng mình chỉ là một người viết nghiệp dư, chỉ muốn thử sức trên chặng đường mới văn chương, nhưng rõ ràng qua tiểu thuyết “Còi tàu trong đêm” cho thấy lối viết của anh giản dị mà giàu hình ảnh, không thi vị hóa tình yêu mà là bản tình ca đẹp, tạo dựng nhiều tình tiết hấp dẫn của mối tình lứa đôi giữa thời chiến đạn lạc bom rơi. Cách tác giả kể một câu chuyện tình giản dị như ngô khoai, nhưng cuốn hút người đọc.

Mạnh Thường
.
.