Vắng bóng phim Nhà nước: Sự mất cân đối đáng lo ngại

Thứ Ba, 05/06/2018, 10:39
"Vắng bóng phim Nhà nước" có lẽ là cụm từ quen thuộc nhất khi nhắc tới điện ảnh Việt Nam trong vòng 2 năm trở lại đây. Không chỉ ở các rạp chiếu mà tại các sự kiện quan trọng thường niên của ngành điện ảnh cũng không có bóng dáng của một bộ phim Nhà nước nào.


Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX và Giải thưởng "Cánh diều 2017" là những sự kiện điện ảnh gần đây nhất phản ánh tình trạng hai năm liên tiếp, điện ảnh Việt Nam vắng bóng hoàn toàn những bộ phim Nhà nước. Và trái ngược với sự suy giảm dòng phim này là sự "lên ngôi" của dòng phim thị trường. Mặc dù số lượng khán giả tới rạp xem phim Việt vẫn ngày càng gia tăng nhưng sự mất cân đối của nền điện ảnh vẫn là điều đáng lo ngại.

"Vắng bóng phim Nhà nước" có lẽ là cụm từ quen thuộc nhất khi nhắc tới điện ảnh Việt Nam trong vòng 2 năm trở lại đây. Không chỉ ở các rạp chiếu mà tại các sự kiện quan trọng thường niên của ngành điện ảnh cũng không có bóng dáng của một bộ phim Nhà nước nào.

 Kể từ sau sự bắt tay thành công giữa Nhà nước và tư nhân ở bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (năm 2015) mang về lợi nhuận khổng lồ thì sau đó, không có bất cứ dự án phim Nhà nước nào được triển khai.

Những bộ phim vừa hiện đại vừa mang vẻ đẹp truyền thống của văn hóa Việt như “Cô Ba Sài Gòn” được khán giả yêu thích.

Theo con số thống kê, năm 2015 có 41 phim được sản xuất, trong đó có 7 phim Nhà nước, 34 phim tư nhân. Năm 2016 có 35 phim được sản xuất đều hoàn toàn của tư nhân. Năm 2017, tình hình cũng tương tự năm 2016 khi không có một bộ phim Nhà nước nào được đầu tư sản xuất. Như vậy, cho đến thời điểm này, đã 2 năm liên tiếp, thị trường điện ảnh hoàn toàn thống trị bởi những bộ phim của các hãng tư nhân.

Một sự thật cần được ghi nhận là trước đây, chất lượng phim của các hãng tư nhân thường được gắn với những tính từ như "hài nhảm", "thảm họa"... thì tình trạng này đã được khắc phục khá nhiều. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, chất lượng phim tại các kỳ LHP ngày một nâng cao. Tại LHP lần thứ 20, 16 phim truyện điện ảnh tham gia dự thi đều được đánh giá là có chất lượng khá. Nếu so với LHP lần thứ 18, 19 thì LHP lần thứ 20 có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng.

Thay vì chỉ tập trung vào dòng phim hài, chọc cười, các nhà làm phim tư nhân đã đa dạng trong phản ánh vấn đề cũng như tìm tòi nhiều hướng đi mới để hấp dẫn khán giả. Điều đáng mừng nữa là những năm gần đây, nhiều hãng tư nhân đã bắt đầu chuyển hướng sang làm phim nghệ thuật. Tất cả mọi khâu từ kịch bản, diễn viên, quay phim, phục trang... đều được đầu tư kỹ lưỡng khiến nhiều bộ phim tư nhân được khán giả và giới làm nghề đánh giá cao.

Những bộ phim như "Cha cõng con", "Cô Ba Sài Gòn", "Dạ cổ hoài lang"... đều có bối cảnh gần gũi, đề tài nhân văn, đặc biệt là mang được nét văn hóa Việt trong câu chuyện. Ngoài các phim nghệ thuật, có giá trị nhân văn như "Cha cõng con", "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa" thì những bộ phim remake (làm lại) cũng đã tạo được kỷ lục phòng vé như "Em chưa 18", "Sắc đẹp ngàn cân"...

Thay vì chỉ tập trung vào nội dung, phim của các hãng tư nhân đã khắc phục được điểm yếu lâu nay của phim nhà nước là quan tâm hơn đến "đầu ra", đầu tư vào việc quảng bá, lăng xê cho phim ngay từ khi mới bắt đầu bấm máy. Nên rõ ràng, dù là phim Nhà nước hay phim tư nhân, chỉ cần kéo khán giả Việt tới rạp xem phim Việt cũng đã là một thành công rất đáng được ghi nhận với các nhà sản xuất.

Mặc dù vẫn còn tồn tại nhiều phim thị trường chỉ giải quyết được khía cạnh ăn khách nhưng các nhà làm phim tư nhân không chỉ lên "ngôi vua" mà ở một góc độ nào đó, họ đã gánh vác được luôn 3 nhiệm vụ: thị trường, định hướng và văn hóa.

Không thể phủ nhận vai trò của các hãng phim tư nhân trong điều kiện điện ảnh hiện nay nhưng việc vắng bóng của các bộ phim nhà nước là một điều đáng lo ngại. Một nền điện ảnh mất cân đối, chênh lệch quá lớn giữa tư nhân và Nhà nước là một dấu lặng đáng phải nghĩ ngợi với các nhà quản lý.

Tại cuộc hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Cánh diều vàng 2017, vấn đề vắng bóng của các phim Nhà nước và làm cách nào để phim Nhà nước lấy được vị trí của mình đã được nhiều đạo diễn đưa ra bàn luận. Hầu hết các đạo diễn đều tỏ ra tiếc nuối khi không có một tác phẩm nào của các hãng phim Nhà nước ra đời trong suốt 2 năm qua.

Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang chia sẻ: "Sự thiếu vắng phim Nhà nước khiến chúng ta có cảm giác như một mặt trận văn hóa có vai trò tuyên truyền hữu hiệu hiện nay đang bị buông bỏ. Cần phải có những bộ phim nói về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam. Những bộ phim được làm cách đây 60 năm, giờ đây khán giả xem vẫn thấy vô cùng xúc động. Và thông qua những tác phẩm điện ảnh ấy, họ biết cha ông ta đã sống, chiến đấu như thế nào. Chúng tôi trở thành NSND cũng nhờ những bộ phim nghệ thuật ấy. Không thể phủ nhận vai trò của các hãng phim tư nhân, nhưng vì chạy theo thị hiếu khán giả, những bộ phim này chỉ phản ánh được một phần của đời sống.

Cần có thêm nhiều bộ phim hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Hầu hết các phim chỉ quan tâm đến sự sôi động, hút khách mà chủ đề phim bị mờ nhạt. Lâu dần sẽ khiến khán giả mất đi sự cảm thụ về nghệ thuật khiến cho văn hóa nghèo nàn và một chiều. Hơn nữa, lứa khán giả sau này sẽ không biết giai đoạn này thế nào vì phim ảnh đang rời xa cuộc sống. Phải có những phim lớn và có dòng phim tác giả. Tôi mong muốn có một nguồn tiền để hỗ trợ cho dòng phim này. Nghệ thuật điện ảnh phải luôn luôn tìm tòi những cách biểu hiện mới để sao cho đầy đủ cung bậc vừa ồn ào vừa lặng lẽ chứ không thể cứ ồn ào như các phim thị trường hiện nay".

Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn cho rằng, mặc dù các hãng phim tư nhân đã làm được một việc là nhà nước tuy không làm phim nhưng điện ảnh vẫn có công chúng, nhưng không thể cứ trông chờ vào các nhà làm phim tư nhân. Để có dòng điện ảnh chủ lưu với các phim đề cập tới những vấn đề của đất nước, cuộc sống vẫn cần sự đầu tư của Nhà nước vào Điện ảnh. Đó là những bộ phim có khả năng phản ánh, khái quát hóa một cách nghệ thuật những vấn đề của con người, thời đại mà chúng ta đang sống.

Thiếu phim Nhà nước, đồng nghĩa với việc những vấn đề của đất nước, của xã hội đặt ra ít được đề cập trong những bộ phim điện ảnh hiện nay. Ngay ở các nước có nền điện ảnh phát triển thì bên cạnh những bộ phim thị trường, họ vẫn dành sự quan tâm và dành sự ưu tiên cho những bộ phim khích lệ tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Có người còn cho rằng, việc thiếu vắng phim tài trợ hay phim đặt hàng của Nhà nước sẽ khiến điện ảnh mất tính định hướng, giống như con thuyền mất bánh lái là một thực trạng đáng báo động.

Một trong những nguyên nhân khiến điện ảnh vắng bóng các phim Nhà nước là hiện nay không còn hình thức phim tài trợ mà chỉ có phim đặt hàng thuộc các thể loại: lịch sử, dân tộc, miền núi, thanh thiếu niên, thiếu nhi... Tuy nhiên, phim đặt hàng hiện đang vướng phải một loạt những yêu cầu, quy định liên quan đến cơ chế đấu thầu. Nhưng với một tác phẩm điện ảnh thì không thể áp dụng cơ chế đấu thầu giống như các công trình thông thường được.

Có lẽ một biện pháp khả thi nhất trong điều kiện hiện nay nhằm khắc phục tình trạng thiếu vắng dòng phim Nhà nước, đó là tăng cường sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân như đã từng làm với "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Sự hợp tác này là cần thiết tuy nhiên phải là sự hợp tác sòng phẳng, cả hai bên cùng cần nhau chứ không phải quan hệ xin - cho. Và điều quan trọng nhất của sự hợp tác này là phải tìm được những đạo diễn có tầm để có thể dung hòa được những nét đặc sắc của phim Nhà nước và sự nhanh nhạy của dòng phim thị trường.

Có một tin vui là sau 2 năm vắng bóng trên tất cả các giải thưởng vì không có tác phẩm nào được sản xuất, dòng phim do Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất có thể sẽ được tái khởi động trong năm 2018. Được biết, năm 2017, có 5 dự án phim được Cục Điện ảnh duyệt nhưng không có kinh phí sản xuất.

Tuy nhiên, với sự nhập cuộc của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, phim do Nhà nước đặt hàng sẽ được đưa vào sản xuất vì đây là năm có nhiều ngày lễ lớn cần có nhiều tác phẩm phục vụ công tác tuyên truyền chính trị sâu rộng. Dự kiến các phim này sẽ ra mắt vào năm 2019. Hy vọng sự thay đổi này sẽ giúp điện ảnh Việt lấy lại được sự cân bằng.

Khánh Thảo
.
.